Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ THU THUẾ ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
1.1. Cơ sở lý luận về quản lý thu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
1.1.2. Lý luận chung về Thuế
Ở nước ta hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về thuế.
Theo từ điển tiếng Việt, Trung tâm từ điển học (1998), thuế là khoản tiền hay hiện vật mà người dân hoặc các tổ chức kinh doanh, tuỳ theo tài sản, thu nhập, nghề nghiệp, … buộc phải nộp cho Nhà nước theo mức quy định.
Nếu xét trên giác độ phạm trù tài chính cũng có thể hiểu thuế là hình thức động viên, phân phối và phân phối lại sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân do các tổ chức kinh tế và người dân tạo ra để hình thành quỹ tiền tệ tập trung nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước.
Tuy nhiên, xét về thực chất, thuế được đặc trưng bởi các quan hệ tiền tệ giữa Nhà nước với các tổ chức và cá nhân trong xã hội, mối quan hệ này được nảy sinh một cách khách quan và có tính chất xã hội đặc biệt tức là việc nộp thuế có tính chất bắt buộc theo mệnh lệnh của Nhà nước. Nhà nước quy định mức thu và thời hạn thu bằng Pháp luật đối với mọi thành viên trong xã hội.
Cơ chế thuế là cách thức thực hiện quá trình chuyển giao thu nhập từ các thể nhân và pháp nhân về tay Nhà nước.
Chính sách thuế là việc Nhà nước cụ thể hóa cơ chế thuế bằng những quy định cụ thể của các văn bản Pháp luật thuế. Chính sách thuế thể hiện rõ
Nhà nước thu thuế vào đối tượng nào, tính toán và thu nộp như thế nào, thu bao nhiêu, ưu đãi miễn giảm cho đối tượng nào, chế tài để thực thi ra sao.
Chính sách thuế thể hiện cụ thể qua các luật thuế, thông qua việc ban hành các luật thuế, Nhà nước thực hiện sự quản lý của mình đối với hoạt động của nền kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động của các doanh nghiệp.
Hệ thống thuế là tổng thể các sắc thuế do Nhà nước ban hành trong những thời kỳ nhất định, giữa chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong việc được sử dụng làm công cụ điều tiết của Nhà nước.
Trong cuốn Giáo trình thuế của Học viện Tài chính thì: “Thuế là một khoản đóng góp bắt buộc từ các thể nhân và pháp nhân cho Nhà nước theo mức độ và thời hạn được Pháp luật quy định, nhằm sử dụng cho mục đích công cộng”
1.1.2.2. Bản chất của Thuế
Bản chất của thuế gắn liền với bản chất của Nhà nước. Nhà nước mang bản chất nào thì thuế mang bản chất của giai cấp mà Nhà nước đó đại diện.
Trong xã hội phong kiến, Nhà nước vương quyền dùng thuế là phương tiện bóc lột, vơ vét của nhân dân bị trị để phục vụ cho nhu cầu chi tiêu theo ý chí riêng của giai cấp mình mà không quan tâm đến lợi ích nhân dân. Đến xã hội tư bản, cũng là xã hội có giai cấp đối kháng là tư sản - vô sản, thuế đã đóng vai trò to lớn trong nền kinh tế xã hội, thực hiện được nhiều chức năng của nó nhưng xét về bản chất vẫn phục vụ cho giai cấp tư sản - giai cấp thống trị.
Nhà nước ta là Nhà nước của dân do dân và vì dân nên thuế nước ta mục tiêu cuối cùng cũng phục vụ lợi ích nhân dân. Quan điểm của Nhà nước ta về thuế là việc động viên vào ngân sách Nhà nước phải vừa hài hòa về lợi ích kinh tế và xã hội, vừa đảm bảo nguồn thu tài chính để Nhà nước thực hiện các chức năng điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế, thực hiện các chính sách xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng.
Bản chất kinh tế
Thuế là một bộ phận thu nhập của xã hội được tập trung để phục vụ nhu cầu chi tiêu của Nhà nước. Kinh tế là cơ sở của thuế, thuế gắn chặt chẽ với sản xuất, kinh doanh và kiểm soát thu nhập của mọi tổ chức và cá nhân để động viên và điều hoà thu nhập, điều tiết kinh tế (điều tiết sản xuất và tiêu dùng). Nguồn thu từ thuế cho ngân sách Nhà nước chỉ có thể tăng nhiều và nhanh trên cơ sở kinh tế được phát triển và đạt hiệu quả cao. Ngược lại, qua thu thuế phải góp phần kích thích sản xuất kinh doanh phát triển, thúc đẩy thực hành tiết kiệm về mọi mặt trong sản xuất và tiêu dùng một cách hợp lý để tạo nguồn thu thuế ngày càng lớn hơn. Chính vì vậy nếu Nhà nước tăng mức động viên thuế quá cao chỉ nhằm mục đích đơn thuần tăng thu ngân sách để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước mà bỏ qua yêu cầu đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế thì thường gặp thất bại, dễ dẫn đến hậu quả xấu về nhiều mặt.
Tính cưỡng chế của thuế
Đây là một phạm trù độc đáo và có nét riêng. Tính cưỡng chế được thể hiện thông qua các điều khoản pháp luật. Thuế không thể xây dựng trên và dung hòa với tư tưởng tự nguyện; khoản thuế thu được không thể trông chờ vào thiện chí hay nhiệt tình của dân chúng đối với Nhà nước. Thuế thể hiện ý chí toàn dân chứ không riêng ai cả.
Tính không có đối giá trực tiếp
Nộp thuế cho Nhà nước không giống chi tiền mua một sản phẩm hay dịch vụ nào đó để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng riêng tư. Nộp thuế là một nghĩa vụ không thể thoái thác và khối lượng các lợi ích mà người nộp thuế nhận được từ Nhà nước không liên quan gì đến khối lượng thuế đã chi trả. Người nộp thuế không nhận lại được lợi ích tương xứng với khoản họ đóng góp. Khoản tiền từ thuế sẽ được Nhà nước sử dụng vào những mục tiêu chiến lược và lâu dài, nó quay lại phục vụ cho người dân nhưng gián tiếp và rất khó nhận thấy.
Thuế được dùng vào chi tiêu công cộng
Đặc tính này giảm nhẹ ý niệm cưỡng bức của thuế. Ngày nay, quyền lực công cộng đã thuộc về toàn thể dân chúng, bộ máy Nhà nước do dân chúng điều khiển nên việc nộp thuế và sử dụng tiền thu thuế cũng do dân chúng quyết định. Ngoài một phần cung cấp cho quản lý hành chánh, đại bộ phận thuế thu được chuyển giao lại cho người dân khi Nhà nước chi ngân sách cho văn hoá, thông tin, thể dục thể thao,giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội cho các chương trình nghiên cứu khoa học, chống ô nhiễm môi trường, chống tệ nạn xã hội…
Tính vĩnh viễn
Nộp thuế cho Nhà nước không giống cho Nhà nước vay nên không thể đòi lợi tức và vốn đáo hạn. Thuế được dùng vào tài trợ công chi, mà phần lớn công chi là những khoản cấp phát, cho không. Trên ý nghĩa đó, đóng thuế cho chính phủ là san sẻ một phần gánh nặng công chi.
Xét về bản chất, thuế là một hình thức tái phân phối thu nhập xã hội do các doanh nghiệp và dân chúng sáng tạo hình thành nên ngân sách Nhà nước, nhằm tài trợ các nhu cầu chi tiêu công cộng. Xét về hiện tượng thuế là quá trình chuyển dịch một chiều thu nhập xã hội từ khu vực tư vào khu vực công cộng. Như vậy nộp thuế thực chất là quá trình chuyển dịch chi tiêu tư thành chi tiêu vì lợi ích chung.
Tái phân phối thu nhập xảy ra khi một tư nhân đóng một khoản tiền thuế cho Nhà nước và nhận lại không tương xứng phần “lợi ích” từ công chi.
Nếu tư nhân đó nhận được “lợi ích” từ công chi tương xứng với số tiền thuế anh ta đã nộp thì không có sự tái phân phối. Tái phân phối thu nhập xã hội gồm: tái phân phối theo chiều dọc và tái phân phối theo chiều ngang. Tái phân phối theo chiều dọc nhằm san sẻ thu nhập của các doanh nghiệp và cá nhân
giàu; tái phân phối chiều ngang nhằm điều hòa thu nhập của các doanh nghiệp và cá nhân các ngành, lĩnh vực hoặc các giới khác nhau. Trên thực tế những khác biệt giữa hai loại thuế là rất mờ nhạt.
1.1.2.3. Vai trò của Thuế
Nền kinh tế các nước trên thế giới hiện nay diễn ra đều có sự quản lý của Nhà nước, mức động viên tùy từng quốc gia nhưng không ai có thể phủ nhận vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế. Và tích cực hay tiêu cực thể hiện trội hơn thì tuỳ từng phương thức điều hành, quản lý. Thuế cũng vậy, bản thân thuế cũng chứa đựng những mâu thuẫn nội tại; vai trò của thuế là rất to lớn, rất quan trọng nhưng đến mức nào còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố. Vai trò của thuế hiện nay vẫn tồn tại nhiều quan điểm, đôi khi trái ngược nhau.
Nhưng nhìn chung toàn bộ hệ thống thuế trong cơ chế thị trường có các vai trò cơ bản sau:
Thuế là nguồn thu chủ yếu, ổn định của ngân sách Nhà nước
Thuế đóng vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế hiện nay. Thuế là công cụ chủ yếu để tập hợp và phân phối lại tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc đân theo đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thuế được thu dựa trên cơ sở thu nhập xã hội nên nền kinh tế phát triển ổn định thì nguồn thu cũng ổn định. Với cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, hệ thống thuế phải bao quát hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh, các nguồn thu nhập, mọi tiêu dùng xã hội để đảm bảo thu đầy đủ và hợp lý.
Như vậy, để đảm bảo thuế là nguồn thu chủ yếu, ổn định của ngân sách Nhà nước thì cần có chính sách, hệ thống thuế phù hợp với khả năng của nền kinh tế, với sức đóng góp của nhân dân và giúp thực hiện mục tiêu kinh tế tăng trưởng cao và ổn định.
Điểm giống nhau và khác nhau giữa thuế, phí và lệ phí
Thuế, phí và lệ phí giống nhau ở chỗ đều là khoản thu của ngân sách Nhà nước; đều là một phần thu nhập của tổ chức, cá nhân đóng góp cho Nhà nước; đều chứa đựng tính quyền lực của Nhà nước…
Ngoài ra, thuế và phí, lệ phí về mặt kinh tế còn khác nhau về mục đích sử dụng số tiền thu được và tính hoàn trả cho người nộp: mọi khoản thuế thu được đều tập trung vào ngân sách Nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu chung của Nhà nước, nguồn thu cho mọi loại thuế không gắn với một mục đích chi nhất định. Trong khi phí, lệ phí thường gắn với một mục tiêu chi cụ thể cho một hoạt động cụ thể của Nhà nước. Mặt khác thuế không mang tính hoàn trả trực tiếp và ngang giá như phí, lệ phí, chỉ khi được hưởng lợi ích hay dịch vụ công cộng mới phải nộp phí, lệ phí và khi phát sinh nhu cầu thì mới thu.
Từ đó cho thấy, thuế là nguồn thu cơ bản của Nhà nước, các khoản thu khác như phí, lệ phí chỉ mang tính hỗ trợ và được xem là khoản thu để giảm chi.
Ở nước ta, nguồn thu từ thuế thực sự là nguồn thu chủ yếu của Ngân sách Nhà nước. Điều này được thể hiện qua tỷ trọng số thu từ thuế trong tổng thu Ngân sách hàng năm (bảng 1.2).
Bảng 1.2. Tỷ lê ̣ thuế và phí trong tổng thu Ngân sách Nhà nước và Thu nhâ ̣p quốc dân giai đoa ̣n 1991 - 2011
Năm Tổng số thuế và phí (tỷ đồng)
So với tổng thu NSNN (%)
So với GDP (%)
1991 5.906 73,7 14,0
2001 89.967 76,9 20,5
2011 400.800 92,6 20,2
(Nguồn: Tổng cục Thuế )
Số liệu thống kê trên cho thấy số thu thuế và phí chiếm phần lớn trong tổng thu NSNN và tăng nhanh qua các năm, đảm bảo về cơ bản yêu cầu chi thường xuyên ngày càng tăng của NSNN, giảm bội chi Ngân sách, giảm lạm phát, từng bước góp phần ổn định trật tự xã hội, an ninh quốc phòng và giành một phần để tăng tích luỹ. Do vậy có thể khằng định thuế là nguồn thu quan trọng và chủ yếu của NSNN.
Thuế có các vai trò cơ bản như sau:
Thuế góp phần điều chỉnh nền kinh tế
Ngoài việc huy động cho thu ngân sách Nhà nước, thuế còn có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nền kinh tế. Thuế có ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả và thu nhập nên căn cứ vào từng tình huống kinh tế, Nhà nước có thể sử dụng thuế làm công cụ điều chỉnh nền kinh tế. Lúc nền kinh tế đang tăng trưởng cao thì một chính sách tăng thuế sẽ ức chế sự phát triển ngay lập tức.
Ngược lại, trong hoàn cảnh kinh tế sa sút, sản xuất trì trệ thì việc hạ thấp thuế sẽ có tác dụng nâng cao nhu cầu, xúc tiến phục hưng nền kinh tế. Đấy là những ví dụ đơn giản về tác động của chính sách thuế đối với nền kinh tế.
Trong thực tế thì một cơ chế thuế có rất nhiều tác động đối với mọi thành phần kinh tế. Do vậy, cần ban hành chính sách thuế trên tầm nhìn tổng quan có sự tác động qua lại giữa các mặt kinh tế - chính trị - xã hội để Nhà nước có thể chủ động phát huy vai trò điều hòa, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Các qui định về đối tượng, phạm vi đánh thuế, thuế suất, điều kiện miễn, giảm thuế… Xét về hiện tượng thì mang tính cưỡng chế nhưng bản chất là nhằm điều chỉnh những quan hệ kinh tế nhất định, nhằm khuyến khích hay hạn chế đầu tư vào ngành nghề, sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó. Bởi đơn giản là, người nộp thuế sẽ thấy đầu tư vào đâu thì có lợi hơn.
Thuế góp phần đảm bảo bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và công bằng xã hội
Hệ thống thuế được áp dụng thống nhất giữa các ngành nghề, các thành phần kinh tế, các tầng lớp dân cư để đảm bảo sự bình đẳng và công bằng xã hội về quyền lợi và nghĩa vụ của mọi công dân, không có những đặc quyền, đặc lợi bất hợp lý cho đối tượng nào.
Sự bình đẳng và công bằng thể hiện thông qua chính sách động viên giống nhau giữa các đơn vị, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có những điều kiện hoạt động giống nhau. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân có điều hoạt
động, hoàn cảnh khác nhau thì sự bình đẳng, công bằng phải được xét đoán dựa trên nhiều yếu tố chứ không chỉ dựa vào mức thuế suất hay phạm vi đánh thuế. Cần phân biệt rõ giữa công bằng xã hội và bình quân chủ nghĩa - mọi người nộp thuế như nhau mới là công bằng thì không đúng. Ví dụ như đánh thuế cao lên người có thu nhập cao nhưng đồng thời cần có những qui định khác để khuyến khích họ đầu tư chất xám, đầu tư vốn, cải tiến kĩ thuật - công nghệ để ngày càng nâng cao thu nhập thì đã là công bằng.
Bình đẳng, công bằng xã hội không chỉ là đạo lý, lý thuyết mà phải được biểu hiện bằng Luật pháp, chế độ, qui định rõ ràng của Nhà nước để buộc mọi người phải tuân theo, điển hình là thuế. Công bằng còn thể hiện ở việc Nhà nước có những biện pháp chống thất thu hiệu quả; chế độ miễn, giảm thuế hợp lý; kiểm tra xử lý nghiêm minh những vụ vi phạm; khắc phục tình trạng cửa quyền, móc ngoặc, tham ô… của cán bộ thuế.
1.1.2.4. Khái niệm, phương pháp tính một số sắc thuế cơ bản
* Thuế Môn bài
- Thuế Môn bài là một khoản thu có tính chất lệ phí thu hàng năm vào các cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế.
- Đối tượng nộp thuế gồm: Các tổ chức kinh tế: Doanh nghiệp, Công ty, Hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân, các chi nhánh, cửa hàng, cửa hiệu...;
Các hộ kinh doanh cá thể.
- Mức thuế: Đối với các tổ chức kinh tế nộp thuế môn bài theo 04 mức căn cứ vào vốn đăng ký kinh doanh ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư; Đối với các hộ kinh doanh cá thể nộp thuế môn bài theo 06 bậc căn cứ vào thu nhập 01 tháng.
* Thuế Giá trị gia tăng(GTGT)
- Thuế GTGT là loại thuế gián thu tính trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.
- Đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hoá, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (trừ các loại hàng hoá, dịch vụ là đối tượng không chịu thuế).
- Căn cứ tính thuế GTGT là giá tính thuế và thuế suất.
+ Giá tính thuế là giá bán chưa có thuế GTGT, đối với các hàng hoá, dịch vụ chịu thuế TTĐB thì giá tính thuế là giá bán đã có thuế TTĐB; đối với hàng hoá nhập khẩu thì giá tính thuế là giá nhập khẩu tại cửa khẩu cộng với thuế nhập khẩu, cộng với thuế TTĐB nếu có; đối với hàng hoá chịu thuế bảo vệ môi trường là gía bán đã có thuế bảo vệ môi trường.
+ Thuế suất: Có 3 mức 0% áp dụng cho hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, lắp đặt công trình cho DN chế xuất, vận tải quốc tế; 5% áp dụng cho nước sạch, phân bón, thức ăn gia súc, dịch vụ phục vụ nông nghiệp, sảm phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thiết bị, dụng cụ y tế, hoạt động văn hoá, triển lãm; thuế suất 10% áp dụng cho các mặt hàng còn lại.
+ Phương pháp tính thuế: có 02 phương pháp Phương pháp khấu trừ thuế:
Số thuế GTGT
phải nộp = Số thuế GTGT
đầu ra - Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ Phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng:
Số thuế GTGT phải nộp = Giá trị gia tăng x Thuế suất
Giá trị gia tăng = Giá trị HHDV bán ra - Giá trị HHDV mua vào Giá trị gia tăng = Giá trị HHDV bán ra x Tỷ lệ GTGT
- Năm 2014, luật thuế GTGT đã có một số điểm mới bổ sung như: Hộ kinh doanh có doanh thu 1 năm từ 100 triệu trở lên mới phải nộp thuế; Doanh nghiệp thành lập trước năm 2014 nếu doanh thu 1 năm trên 1 tỷ đồng mới được nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế, doanh nghiệp thành lập từ năm 2014 trở đi phải có hóa đơn mua TSCĐ (trừ xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống) từ 1 tỷ đồng trở lên mới được nộp thuế theo phương pháp khấu trừ...