Các yếu tố ảnh hưởng đến dịch vụ công tác xã hội đối với trẻ em khuyết tật

Một phần của tài liệu Dịch vụ công tác xã hội đối với trẻ em khuyết tật từ thực tiễn trung tâm phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật thành phố hồ chí minh (Trang 24 - 29)

Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ DỊCH VỤ CÔNG TÁC XÃ HỘI ĐỐI VỚI TRẺ EM KHUYẾT TẬT

1.3 Các yếu tố ảnh hưởng đến dịch vụ công tác xã hội đối với trẻ em khuyết tật

1.3.1. Đặc điểm đối tượng

Trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi tại Trung tâm là trẻ trong độ tuổi từ dưới 16 tuổi, con gia đình nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, trẻ bị khuyết tật, bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam… với nhiều dạng tật khác nhau như: bại não, chậm phát triển vận động, chậm phát triển trí tuệ, Down, tự kỷ, trẻ chậm phát triển tâm thần vận động, trẻ khó khăn về ngôn ngữ và trẻ đa khuyết tật.

Đặc điểm trẻ tại trung tâm phần lớn là trẻ khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, nhận thức của trẻ rất thấp, trẻ thường có hành vi bất thường, vận động kém, có trẻ không vận động được, trẻ không có ngôn ngữ hoặc ngôn ngữ kém giao tiếp khó khăn. Cha, mẹ, gia đình, hoặc người chăm sóc không chấp nhận khiếm khuyết của con em mình, có tâm lý mặc cảm, hy vọng trẻ sẽ được phục hồi và phát triển như trẻ bình thường, trẻ sẽ đi học và hòa nhập với trẻ cùng lứa tuổi. Ngoài ra còn có một số cha, mẹ, gia đình lại muốn bỏ rơi trẻ, hay bỏ mặc không chăm sóc, phó thác tất cả cho Trung tâm. Qua đó, có thể thấy trẻ khuyết tật khi vào Trung tâm thường gặp phải những vấn đề trong các hoạt động:

Hoạt động lao động: Gặp rất nhiều khó khăn về mặt hoạt động lao động, trong việc đi lại do đó trẻ dễ có mặc cảm, tự ti với bản thân và hay sống cô lập, tách biệt với mọi người xung quanh.

Sinh hoạt cá nhân: Do sự khiếm khuyết về cơ thể nên trẻ gặp nhiều cản trở và bất tiện trong các sinh hoạt cá nhân. Mọi sinh hoạt cá nhân đều cần có sự giúp đỡ của người khác.

Hoạt động học tập: Khả năng tiếp thu tri thức của trẻ kém hơn các bạn cùng lứa do dó trẻ rất dễ chán nản, bỏ học và không hợp tác. Vì vậy cần một hình thức giáo dục phù hợp như giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập để trẻ thích nghi dần và phát triển phù hợp theo từng đặc điểm khiếm khuyết và khả năng phát triển của trẻ.

1.3.2. Nhân viên công tác xã hội

Yêu cầu của nhân viên công tác xã hội khi vào làm việc tại Trung tâm cần có, đó là:

Về phẩm chất đạo đức: Nhân viên CTXH phải có lòng yêu thương trẻ em, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao; có đạo đức nghề nghiệp, tận tụy, cần mẫn và chịu khó.

Về năng lực: Có khả năng độc lập, thực hiện thành thạo các nghiệp vụ công tác xã hội trong phạm vi được phân công phù hợp với chuyên ngành đào tạo; có khả năng nắm bắt các lý thuyết và phương pháp thực hành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao về công tác xã hội; chịu trách nhiệm cá nhân về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ, phổ biến kinh nghiệm và tham gia nghiên cứu khoa học phục vụ công tác xã hội; Có khả năng làm việc theo nhóm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao về công tác xã hội; có kỹ năng giao tiếp đối với các nhóm đối tượng; Nhận biết được nhu cầu trợ giúp của trẻ và thiết lập các biện pháp giải quyết nhu cầu trợ giúp;

Về trình độ: Tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các chuyên ngành công tác xã hội, xã hội học, tâm lý học hoặc các chuyên ngành khoa học xã hội khác phù hợp với nhiệm vụ công tác xã hội; Có trình độ ngoại ngữ thông dụng từ trình độ A trở lên, sử dụng thành thạo các kỹ năng về nghiệp vụ tin học văn phòng; Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xã hội theo quy định.

Tuy nhiên, thực tế đội ngũ NVCTXH, những người làm CTXH tại Trung tâm còn rất hạn chế về số lượng lẫn chất lượng, một số vẫn chưa được đào tạo bài bản về chuyên ngành CTXH nên thực sự chưa nắm hết được tâm lý cũng như nhu cầu và khả năng của trẻ khuyết tật, phương pháp làm việc còn thiếu chuyên nghiệp, chủ yếu làm theo thói quen và kinh nghiệm được hướng dẫn lại từ những người làm việc trước.

Phát triển nghề CTXH là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề xã hội, trợ giúp các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, để hướng tới chuyên nghiệp hóa nghề CTXH thì việc phát huy năng lực, trình độ của đội ngũ nhân viên làm công tác xã hội của Trung tâm là yêu cầu hết sức cần thiết.

1.3.3. Nguồn lực xã hội

Kinh phí để đảm bảo cho các hoạt động cung ứng dịch vụ công tác xã hội tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập chủ yếu là từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp như: kinh phí thường xuyên cho hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng kể cả tiền lương cho đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở bảo trợ xã hội; kinh phí hỗ trợ về y tế, giáo dục, đào tạo và tạo việc làm... Ngoài ra các địa phương, cơ sở bảo trợ xã hội có thể tiếp nhận, sử dụng và quản lý các nguồn kinh phí khác do các cá nhân, mạnh thường quân, gia

đình; Các tổ chức trong và ngoài nước, doanh nghiệp tại địa phương các tổ chức xã hội, từ thiện, tổ chức phi chính phủ đóng góp, hỗ trợ, tài trợ, viện trợ bằng tiền và hiện vật hoặc thông qua các chương trình, dự án…

Cơ sở vật chất nhà cửa, trang thiết bị cho hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cơ sở bảo trợ xã hội rất ít được đầu tư mới mà sử dụng từ các cơ sở, trang thiết bị sẵn có, đã cũ sử dụng lâu năm nên cũng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng phục vụ, do đó nhu cầu nâng cấp, duy tu sửa chữa tài sản, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các cơ sở bảo trợ là có thực và thường rất lớn cần phải được đầu tư một lần nhằm đảm bảo tính bền vững và hiệu quả đầu tư. Việc hạn chế kinh phí đầu tư hay chỉ đầu tư dần và dàn trải trong nhiền năm để nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc phát triển các hoạt động cung ứng các dịch vụ công tác xã hội tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập hiện nay.

Quy mô hoạt động, đối tượng phục vụ tại các cơ sở bảo trợ xã hội là có hạn.

Việc không thể kéo dài thời gian trợ giúp xã hội cho các đối tượng tại các cơ sở nuôi dưỡng tập trung mà phải luân phiên nhằm tạo điều kiện cho nhiều đối tượng xã hội có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp xã hội hơn nữa và nâng cao năng lực của cá nhân và sự trợ giúp ngoài cộng đồng là cần thiết và khoa học. Tuy nhiên, một số đối tượng xã hội cụ thể ở trung tâm là trẻ em khuyết tật, trẻ bị nhiễm chất độc da cam... do các di chứng ảnh hưởng rất lâu dài, các khuyết tật nặng thường cần rất nhiều thời gian để phục hồi cho nên việc quy định thời gian trợ giúp xã hội luân phiên tại cơ sở bảo trợ xã hội như hiện nay là chưa phù hợp và gây khó khăn cho các cơ sở bảo trợ xã hội trong việc giải quyết và tuân thủ các thủ tục, quy trình tiếp nhận trẻ vào cơ sở để trợ giúp, can thiệp, phục hồi và chuyển trả trẻ về cộng đồng, địa phương khi đủ thời gian tập trung theo quy định, điều này làm giảm tính hiệu quả của việc trợ giúp xã hội đối với những đối tượng đặc biệt này.

1.3.4. Nhận thức của cộng đồng và ban ngành các cấp

Quan điểm và chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật đã được thể hiện rất rõ qua sự quan tâm, tạo điều kiện từ những người lãnh đạo thành phố và ban ngành các cấp thông qua việc quán triệt và triển khai các hoạt động đến từng địa phương, tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng còn bất cập và một số khó khăn nhất định từ nhận thức của cộng đồng.

Cộng đồng nhìn trẻ khuyết tật như những người đáng thương, sống dựa vào sự giúp đỡ của người khác, cá biệt có một số người lại cho rằng người bị khuyết tật như vậy là do số phận kiếp trước… Do đó, mọi người thường có thái độ xa lánh, kỳ thị hoặc ít muốn tiếp xúc. Vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử còn xảy ra từ chính

trong gia đình của trẻ khuyết tật, vẫn có sự phân biệt giữa những người con trong gia đình. Những thành viên trong gia đình thường coi người khuyết tật là gánh nặng suốt đời, xem họ là người vô dụng nên có thái độ đùm đẩy trách nhiệm, từ chối, thờ ơ hay bỏ mặc…

Người dân xem việc hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em tại các cơ sở là công việc từ thiện, nên thường chỉ đóng góp những cái mình có mà chưa nghĩ nhiều đến cái trẻ cần, do đó việc tiếp cận và phối hợp với các nguồn hỗ trợ của cộng đồng từ các cá nhân, hội đoàn... thông qua hình thức xã hội hóa cũng còn nhiều khó khăn, chưa được phát huy và khai thác hiệu quả.

Hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng các cấp chưa phát huy triệt để và nâng cao tính hiệu quả. Việc kết nối mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ trẻ em còn rời rạc, chưa thống nhất, mỗi nơi làm mỗi kiểu.

Công tác truyền thông có liên quan đến phổ cập kiến thức và các kỹ năng cần thiết cho cán bộ, cộng tác viên, người dân trong cộng đồng còn ít và chưa đều. Rất ít những sản phẩm truyền thông, tài liệu, cẩm nang, được phát hành rộng rãi trong cộng đồng do đó chưa phát huy được tính hiệu quả của công tác truyền thông.

Công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên và người dân, phụ huynh, gia đình trong cộng đồng cũng còn ít và chưa thường xuyên do việc hạn chế về kinh phí; nội dung và các chuyên đề đào tạo còn chung chung, trùng lắp... còn thiếu các kiến thức chuyên sâu về các kỹ năng cần thiết về công tác tham vấn, tư vấn, phương pháp đồng hành với gia đình, vai trò vận động nguồn lực, vai trò biện hộ, giới thiệu chuyển gửi và kết nối hệ thống.

1.3.5. Cơ chế và hành lang pháp lý cho việc phát triển dịch vụ công tác xã hội

Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 theo Quyết định số 32/2010 của Thủ tướng Chính phủ là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển công tác xã hội ở Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý để các Bộ, ngành, địa phương, các cơ sở đào tạo và dạy nghề trong cả nước xây dựng, thúc đẩy, phát triển nghề CTXH chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện đến nay đề án đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện. Hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đã có chương trình, kế hoạch thực hiện Đề án. Công tác đào tạo cán bộ xã hội bán chuyên nghiệp cũng được đẩy mạnh; mạng lưới trung tâm đào tạo công tác xã hội trình độ thạc sỹ, cử nhân, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nghề CTXH được tăng cường.

Nhìn chung, công tác trợ giúp xã hội thời gian qua cũng đã đạt được những kết quả nhất định:

Đã xây dựng được hệ thống văn bản pháp luật, chính sách tạo cơ sở pháp lý cho thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội. Đến nay, đã có trên 10 Bộ luật, luật; 7 Pháp lệnh và hơn 30 Nghị định, Quyết định của Chính phủ; hơn 40 Thông tư, thông tư liên tịch và nhiều văn bản có nội dung liên quan quy định khuôn khổ pháp luật, chính sách trợ giúp xã hội. Trong đó có những văn bản quan trọng như Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Nghị định số 67/2007/NĐ-CP, Nghị định số 13/2010/NĐ-CP, Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với những đối tượng bảo trợ xã hội…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai Đề án cũng đã bộc lộ nhiều điểm tồn tại, hạn chế cần khắc phục như:

Khuôn khổ pháp lý phát triển nghề CTXH chưa được hoàn chỉnh. Các văn bản quy phạm pháp luật phát triển nghề CTXH chưa được hệ thống hóa vì cần nhiều thời gian và liên quan đến nhiều Bộ, ngành khác nhau.

Mạng lưới cung cấp cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng; tính xã hội chưa cao; chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng chưa dựa vào cộng đồng.

Đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH còn mỏng và chưa chuyên nghiệp; thiếu đội ngũ cộng tác viên CTXH tại cộng đồng.

Công tác đào tạo CTXH tại các trường đại học, cao đẳng mới chỉ chú trọng đến số lượng; chưa gắn giữa đào tạo lý thuyết và thực hành; chưa có sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo với các cơ sở đơn vị sử dụng nguồn nhân lực CTXH được đào tạo.

Nhận thức về vai trò, vị trí của nghề CTXH của nhiều cấp, ngành, địa phương còn hạn chế. Số lượng người dân có nhu cầu trợ giúp xã hội được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ CTXH còn ít.

Tóm lại, nhìn tổng thể, chính sách trợ giúp xã hội ở Việt Nam đã đạt được thành quả góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Hệ thống trợ giúp xã hội tuy đã hình thành nhưng chưa được hoàn thiện theo cách tiếp cận hệ thống, đồng bộ, toàn diện, bao phủ hết đối tượng, gắn kết chặt chẽ trong mối tương quan với an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, phát triển các dịch vụ xã hội cơ bản và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về phát triển trợ giúp xã hội, nhất là trong điều kiện Việt Nam là nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

Một phần của tài liệu Dịch vụ công tác xã hội đối với trẻ em khuyết tật từ thực tiễn trung tâm phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật thành phố hồ chí minh (Trang 24 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(130 trang)
w