Khái quát về Trung tâm và khách thể nghiên cứu

Một phần của tài liệu Dịch vụ công tác xã hội đối với trẻ em khuyết tật từ thực tiễn trung tâm phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật thành phố hồ chí minh (Trang 33 - 36)

Chương 2: THỰC TRẠNG DỊCH VỤ CÔNG TÁC XÃ HỘI ĐỐI VỚI TRẺ EM KHUYẾT TẬT TẠI TRUNG TÂM PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ TRỢ GIÚP TRẺ TÀN TẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

2.1 Khái quát về Trung tâm và khách thể nghiên cứu

Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tọa lạc trên khuôn viên đất được Bộ giao quản lý và sử dụng là 4.690 m2, thuộc địa bàn quận 3 thành phố Hồ Chí Minh.

Trung tâm được thành lập ngày 09/3/1978 theo Quyết định số 86/TBXH của Bộ Thương binh và Xã hội từ việc tiếp nhận và hợp nhất hai cơ sở cũ trước năm 1975 là Trung tâm Y tế Xã hội Việt Nam (Terre des Hommes) và Nhà trẻ Caritas lấy tên là Trung tâm phục hồi trẻ mồ côi suy dinh dưỡng với nhiệm vụ ban đầu là: “Tiếp nhận nuôi dưỡng và phục hồi cho trẻ mồ côi suy dinh dưỡng dưới 3 tuổi thuộc các tỉnh, thành phố phía Nam. Sau khi các em đã khỏe mạnh sẽ tùy tình hình từng em mà giao cho cá nhân hay tập thể việc nuôi dưỡng, săn sóc cho đến khi các em khôn lớn…”

Đến 18 tháng 6 năm 1996 Trung tâm phục hồi trẻ mồ côi suy dinh dưỡng được đổi tên và quy định lại nhiệm vụ, tổ chức thành Trung tâm phục hồi trẻ suy dinh dưỡng và trợ giúp trẻ tàn tật theo Quyết định số 818/LĐTBXH-QĐ của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Nhiệm vụ lúc này là: “Tiếp nhận, điều trị, phục hồi và nuôi dưỡng trẻ mồ côi suy dinh dưỡng và trẻ thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt từ sơ sinh đến 5 tuổi thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam với lưu lượng thường xuyên không quá 120 trẻ; Tổ chức và thực hiện phục hồi trẻ suy dinh dưỡng và trợ giúp trẻ tàn tật tại cộng đồng thuộc địa bàn quản lý.; Chuyển trả về gia đình, địa phương hoặc cơ sở xã hội khác những trẻ sức khỏe đã phục hồi hòa nhập cộng đồng; Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chăm sóc nuôi dưỡng trẻ tại cộng đồng…”

Trung tâm được đổi tên thành Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật như ngày nay từ 30 tháng 11 năm 2006 theo Quyết định số 1787/QĐ- LĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Theo đó, Trung tâm có chức năng thực hiện điều trị phục hồi chức năng, trợ giúp trẻ tàn tật, trẻ mồ côi nghèo;

bồi dưỡng, huấn luyện về điều trị phục hồi chức năng.

Số cán bộ, viên chức và người lao động làm việc tại Trung tâm hiện có là 74 người, trong đó nam 14 chiếm 19%, nữ 60 chiếm 81%.

- Về trình độ chuyên môn có: sau đại học 5 người chiếm 6,76%, đại học 23 người chiếm 31,08%, Cao đẳng và trung cấp 25 người chiếm 33,78%, còn lại 21 người có trình độ sơ cấp và lao động phục vụ chiếm 28,38%.

- Đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp chăm sóc, can thiệp và hỗ trợ y tế, giáo dục cho trẻ là 60 người chiếm 81,08% (gồm: Bác sĩ 03 người, Điều dưỡng 6 người, Kỹ thuật y, Vật lý trị liệu 11 người, Hộ lý 16 người, Giáo viên 20 người, Nhân viên xã hội 04 người), còn lại là đội ngũ quản lý Hành chính và phục vụ 14 người chiếm 18,92%.

- Kinh phí hoạt động:

Kinh phí hoạt động của Trung tâm, chủ yếu do tổ chức terre des hommes Đức viện trợ và tài trợ trong suốt hơn 30 năm qua vào khoảng 6 triệu USD và một phần từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp, hỗ trợ mà không nhận từ ngân sách nhà nước cấp. Ngoài ra Trung tâm còn nhận được sự viện trợ, tài trợ bằng tiền và hiện vật từ các tổ chức phi chính phủ khác như: Terre des Hommes Thụy sỹ, Kinderhife (CHLB Đức), Vreni Zollinger (Thụy sỹ), Caritas, Christina Noble Childrend Foundation, Marina Picasso, Unicef…

Để đảm bảo duy trì hoạt động cho những năm tiếp theo và về sau, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội đã có quyết định phê duyệt và cấp kinh phí từ Ngân sách hàng năm cho Trung tâm kể từ năm 2014 và đến 2016 Trung tâm chính thức được Bộ giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo Quyết định số 913/QĐ-LĐTBXH ngày 05/7/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Như vậy, có thể thấy Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật là đơn vị cơ sở bảo trợ xã hội công lập thực hiện chức năng, nhiệm vụ về trợ giúp xã hội đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội, đối tượng chính của Trung tâm từ ngày đầu thành lập là trẻ em mồ côi suy dinh dưỡng dưới 3 tuổi thuộc các tỉnh, thành phía Nam, sau mở rộng thêm đối tượng trẻ thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt từ sơ sinh đến 5 tuổi và trẻ tàn tật tại cộng đồng thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Hiện nay, đối tượng chủ yếu của Trung tâm là trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp nhận điều trị phục hồi chức năng tại Trung tâm và tại cộng đồng, được trợ giúp về dạy nghề, tạo việc làm phù hợp để hòa nhập cộng đồng, thông qua việc cung ứng các

hoạt động dịch vụ công tác xã hội tại Trung tâm như: dịch vụ tư vấn, tham vấn trị liệu; dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng; dịch vụ hỗ trợ y tế, phục hồi chức năng; dịch vụ hỗ trợ giáo dục đặc biệt, giáo dục hòa nhập; dịch vụ sinh hoạt giải trí, văn hóa, thể thao.

2.1.2. Đặc điểm trẻ em khuyết tật tại Trung tâm

* Trẻ em khuyết tật:

Hàng năm, Trung tâm thực hiện tiếp nhận chăm sóc và điều trị phục hồi chức năng cho từ 120 đến 150 trẻ khuyết tật là con gia đình nghèo, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khu vực phía Nam, với các dạng tật điển hình như: trẻ khiếm khuyết vận động; trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ bại não; trẻ mắc hội chứng Down, trẻ tự kỷ; trẻ đa khuyết tật…

Theo số liệu báo cáo đến 31/12/2016 Trung tâm hiện đang chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng cho 145 trẻ, trong đó trẻ em nam là 86 trẻ chiếm 59,31%, trẻ em nữ là 59 trẻ chiếm 40,69% và được phân chia theo các dạng tật sau: trẻ khiếm khuyết vận động, chậm phát triển tâm thần vận động 63 trẻ chiếm 43,45%, trẻ chậm phát triển trí tuệ, bại não 51 trẻ chiếm 35,17%, trẻ hội chứng Down 07 trẻ chiếm 4,83%, trẻ tự kỷ 20 chiếm 13,79%, trẻ đa khuyết tật 04 trẻ chiếm 2,76%.

Cũng theo số liệu báo cáo thì đa số gia đình trẻ em khuyết tật muốn được gửi trẻ vào Trung tâm là để được chăm sóc phục hồi chức năng, qua việc trẻ được tham gia các chương trình như vật lý trị liệu, can thiệp ngôn ngữ, chăm sóc y tế, giáo dục chuyên biệt… hầu hết trẻ đều có mức độ tham gia vào các hoạt động có sự trợ giúp từ gia đình và Trung tâm, phần lớn vẫn còn và có mối liên hệ với gia đình và đa số trẻ vẫn chưa được đi học, do đó trẻ rất cần được hỗ trợ để có thể tham gia học tập, lao động, trang bị kỹ năng sống, tự phục vụ và nuôi sống bản thân mình. Phần lớn trẻ vào Trung tâm là những trẻ đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh và một số trẻ đến từ các tỉnh khác như Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Bình Phước, Vũng Tàu …

Trẻ em khuyết tật cũng có những nhu cầu như những người không khuyết tật, cũng cần đến các chương trình chăm sóc sức khỏe như mọi người khác để trẻ có thể duy trì sức khỏe, cuộc sống lành mạnh, chủ động tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Vì thế, nhu cầu của trẻ em khuyết tật được quan tâm nhiều nhất là nhu cầu chăm sóc sức khỏe, y tế, điều trị phục hồi chức năng, sau đó, nhu cầu được giáo dục, được đi học như những trẻ em bình thường.

Một phần của tài liệu Dịch vụ công tác xã hội đối với trẻ em khuyết tật từ thực tiễn trung tâm phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật thành phố hồ chí minh (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(130 trang)
w