Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ DỊCH VỤ CÔNG TÁC XÃ HỘI ĐỐI VỚI TRẺ EM KHUYẾT TẬT
1.4 Cơ sở pháp lý về dịch vụ công tác xã hội đối với trẻ em khuyết tật tại Trung tâm
1.4.1. Quy định của pháp luật và các chính sách đối với trẻ em, trẻ em khuyết tật
* Công ước quốc tế về quyển trẻ em (Convention on the Rights of the Child).
Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã ghi nhận, trẻ em có: Quyền được sống;
Quyền được phát triển ở mức đầy đủ nhất; Quyền được bảo vệ khỏi những ảnh hưởng tiêu cực, lạm dụng và bóc lột; Quyền được tham gia đầy đủ trong gia đình văn hóa và cuộc sống xã hội.
Quyền đưa ra trong công ước được bắt nguồn từ phẩm giá của con người và sự phát triển của trẻ. Tất cả các quốc gia cần phải đặt ra tiêu chuẩn trong chăm sóc, giáo dục, pháp lý, công dân và dịch vụ xã hội.
Việt Nam ngay từ đầu những năm 1990 đã xây dựng các chương trình về quyền trẻ em trong đó có hai Chương trình hành động quốc gia về Trẻ em Việt Nam (giai đoạn 1991-2000 và giai đoạn 2001-2010); Chương trình hành động quốc gia về Bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giai đoạn 1999-2002; Chương trình quốc gia về Phòng ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em đường phố, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em làm việc trong điều kiện nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại giai đoạn 2004- 2010; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em số 25/2004/QH11 ngày 15 tháng 06 năm 2004 của Quốc hội về việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Ngoài ra còn có Kế hoạch Hành động quốc gia về Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng giai đoạn 2005-2010. Kế hoạch có 9 lĩnh vực trọng yếu và 4 mục tiêu cụ thể bao gồm tăng số trẻ em được hưởng lợi từ các hỗ trợ xã hội; tăng số trẻ em khuyết tật được tiếp cận hỗ trợ phục hồi; tái hòa nhập 1 ngàn trẻ em mồ côi từ các cơ sở chăm sóc tập trung về cộng đồng thông qua các mô hình chăm sóc thay thế; và thử nghiệm 10 mô hình nhóm nhà gia đình trong các cơ sở bảo trợ xã hội.
* Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về quyền của Người khuyết tật
Mục đích của Công ước là nhằm bảo hộ và thúc đẩy các quyền của người khuyết tật; đảm bảo người khuyết tật được tiếp cận bình đẳng và thực hiện đầy đủ các quyền cơ bản như các cá nhân không khuyết tật khác.
Công ước đề cập đến các nguyên tắc cơ bản như sau: Tôn trọng phẩm giá, quyền tự chủ của cá nhân bao gồm sự tự do lựa chọn cá nhân và sự độc lập của con người; Không được kỳ thị; Được tham gia một cách đầy đủ và hiệu quả vào xã hội;
Tôn trọng sự khác biệt và chấp nhận người khuyết tật như một phần của nhân loại và sự đa dạng của con người; Bình đẳng về cơ hội; Khả năng tiếp cận; Công bằng
giữa nam và nữ; Tôn trọng sự tham gia của trẻ em khuyết tật và tôn trọng quyền trẻ em khuyết tật để bảo vệ tính cá thể của họ.
* Luât Người khuyết tật Việt Nam 2010
Luật Người khuyết tật đã được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010. Luật Người khuyết tật Việt Nam gồm 10 chương, 53 điều và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2011. Nội dung chính của Luật chủ yếu đề cập đến các lĩnh vực có liên quan đến người khuyết tật bao gồm: chăm sóc sức khỏe; giáo dục; dạy nghề và việc làm; văn hóa, thể dục thể thao, giải trí và du lịch; nhà chung cư, công trình công cộng; giao thông; công nghệ thông tin, truyền thông; và bảo trợ xã hội
* Đề án trợ giúp Người khuyết tật của chính phủ giai đoạn 2006- 2010 được phê duyệt tháng 10/2006. Đề án đưa ra phương pháp tiếp cận toàn diện đối với vấn đề người khuyết tật với việc mở rộng đối tượng tham gia đề án và có sự tham gia của nhiều bộ ngành liên quan.
* Giáo dục hòa nhập tầm nhìn tới 2015 của Chính phủ đặt mục tiêu thực hiện giáo dục hòa nhập cho tất cả trẻ em khuyết tật vào năm 2015.
* Nghị định 13/2010/NĐ-CP ngày 27/2/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/NĐ-CP về chính sách trợ giúp các đối tượng xã hội. Nghị định quy định tăng mức trợ cấp thường xuyên và đột xuất. Mức chuẩn để xác định mức trợ cấp xã hội hàng tháng được tăng thêm 50%, từ 120 ngàn đồng lên 180 ngàn đồng (hệ số 1). Hiện nay quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội đã được Chính phủ điều chỉnh và thay thế bằng Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 theo đó, mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội là 270 nghìn đồng.
* Nghị định 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật, theo đó hệ số tính mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng theo mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật đặc biệt nặng là trẻ em không nơi nương tựa, không tự lo được cho cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội là hệ số ba (3,0)
1.4.2. Cơ sở pháp lý về dịch vụ công tác xã hội đối với trẻ em/trẻ em khuyết tật
CTXH là một nghề hướng đến việc trợ giúp cho các cá nhân, gia đình, cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng xã hội “yếu thế” giúp họ phát triển khả năng của bản thân, gia đình cùng với cộng đồng và sự trợ giúp của nhà nước, để họ tự vươn lên hòa nhập đời sống cộng đồng. Trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển họ công nhận CTXH là một nghề chuyên nghiệp.
Ở Việt Nam ngày 25/3/2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ – TTg phê duyệt Đề án phát triển Nghề CTXH giai đoạn 2010 – 2020.
Mục tiêu chung của Đề án là “Phát triển CTXH trở thành một nghề ở Việt Nam.
Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến”.
Ngay sau đó, các Bộ, Ngành chức năng cũng đã ban hành các văn bản triển khai và hướng dẫn thực hiện như: Thông tư số 34/2010/TT-BLĐTBXH ngày 8 tháng 11 năm 2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức CTXH; Thông tư số 04/2011/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 02 năm 2011 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Quy định tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội; Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT- BLĐTBXH-BNV ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Bộ Nội Vụ, Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập; Thông tư số 01/2017/TT- BLĐTBXH ngày 02 tháng 02 năm 2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với người làm công tác xã hội.
Như vậy có thể thấy Quyết định 32 đã tạo ra hành lang pháp lý để từng bước phát triển nghề CTXH chuyên nghiệp. Đồng thời, cũng tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp bộ đảng, chính quyền và xã hội về nghề CTXH.
Kết luận chương 1
Trong chương 1 tác giả đã trình bày một số vấn đề lý luận về dịch vụ công tác xã hội đối với trẻ em khuyết tật, cụ thể là đề cập đến các khái niệm về trẻ em, trẻ em khuyết tật, dịch vụ xã hội, dịch vụ công tác xã hội. Những khái niệm này làm rõ về đối tượng nghiên cứu và khách thể nghiên cứu của đề tài.
Đồng thời, chương này cũng nêu các dịch vụ công tác xã hội đối với trẻ em khuyết tật, đó là dịch vụ tư vấn, tham vấn trị liệu; dịch vụ chăm sóc nuôi dưỡng;
dịch vụ hỗ trợ y tế, phục hồi chức năng; dịch vụ hỗ trợ giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập và dịch vụ giải trí, văn hóa, thể thao. Một số lý thuyết và phương pháp CTXH ứng dụng trong cung cấp dịch vụ CTXH.
Các yếu tố ảnh hưởng đến dịch vụ công tác xã hội đối với trẻ em khuyết tật, đó là các yếu tố: đặc điểm đối tượng; nhân viên công tác xã hội; nguồn lực xã hội;
nhận thức của cộng đồng và ban ngành các cấp; cơ chế và hành lang pháp lý cho việc phát triển dịch vụ công tác xã hội.
Cơ sở pháp lý về dịch vụ công tác xã hội đối với trẻ em khuyết tật tại trung tâm.
Như vậy, qua hệ thống cơ sở lý luận ở chương 1 sẽ định hướng cho việc nghiên cứu đề tài “Dịch vụ công tác xã hội đối với trẻ em khuyết tật từ thực tiễn Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật thành phố Hồ Chí Minh”.