Chương 2. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN TRUNG HỌC PHỔ THÔNG THEO CHUẨN NGHỀ NGHIỆP TẠI THỊ XÃ PHÚC YÊN TỈNH VĨNH PHÚC
2.1. Khái quát tình hình phát triển kinh tế-xã hội, giáo dục của thị xã Phúc Yên-Vĩnh Phúc
2.1.1. Tình hình kinh tế-xã hội
Phúc Yên là một thị xã nằm ở phía Đông tỉnh Vĩnh Phúc, phía Đông Bắc của thủ đô Hà Nội, hiện có 10 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 6 phường: Đồng Xuân, Hùng Vương, Phúc Thắng, Trưng Nhị, Trưng Trắc, Xuân Hòa và 4 xã là Cao Minh, Nam Viêm, Ngọc Thanh, Tiền Châu.
Với việc hình thành phát triển khu công nghiệp thị xã Phúc Yên, thị xã Phúc Yên là một trong những khu vực phát triển kinh tế mạnh của tỉnh Vĩnh Phúc.
Tổng giá trị sản xuất năm 2015 của thị xã ước đạt 393.000 tỷ đồng, đạt 100,2% kế hoạch, tăng 10,8% so với năm 2010. Tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản chiếm 90,22%; ngành thương mại, du lịch và dịch vụ chiếm 9,32%; ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,46%.
- Sản xuất công nghiệp giữ vai trò chủ đạo và tập trung ở các sản phẩm xe máy và ôtô.
- Về nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản: Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Tỷ trọng ngành chăn nuôi đang dần phát triển với 102 trang trại các loại với các loại gia súc gia cầm phát triển ổn định chất lượng sản phẩm bảo đảm. Trồng trọt với diện tích 400ha/vụ với lúa - ngô, rau - hoa. Tổng diện tích nuôi trồng thủy hải sản đạt 288 ha/năm, với tổng sản lượng cá khoảng 630 tấn/năm. Công tác quy hoạch
và khuyến khích phát triển sản xuất lâm nghiệp được quan tâm; duy trì diện tích rừng trồng tập trung, rừng phòng hộ, tỷ lệ che phủ rừng đạt 26%, công tác chăm sóc rừng mới trồng, khoán bảo vệ rừng đạt 648 ha/năm.
Phúc Yên có hệ thống giao thông đa dạng: đường bộ có các tuyến Quốc lộ 2, Quốc lộ 23, đường xuyên Á Hà Nội - Lào Cai đi qua; có đường sắt Hà Nội - Lào Cai, giáp cảng hàng không quốc tế Nội Bài, tạo điều kiện cho Phúc Yên tiềm lực, lợi thế để mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, giao lưu kinh tế, văn hoá.
Thị xã là một đô thị lớn của tỉnh, đạt tiêu chuẩn đô thị loại III vào năm 2012 và theo quy hoạch là đô thị loại II vào năm 2017, loại I vào năm 2020, là trung tâm công nghiệp, thương nghiệp, du lịch và dịch vụ tổng hợp của tỉnh, đồng thời còn là một trong những trung tâm của vùng. Thị xã Phúc Yên còn có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cung cấp dịch vụ tương đối hoàn chỉnh.
2.1.2. Tình hình phát triển giáo dục
Nhiều năm qua, thị xã đã quan tâm công tác giáo dục như: tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ GV, phát động các phong trào thi đua dạy và học trong các nhà trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Hiện đại hóa cơ sở vật chất
Phúc Yên là một trung tâm của tỉnh, thị xã Phúc Yên có thêm nhiều thuận lợi trong công tác giáo dục đào tạo nhưng cũng có những khó khăn riêng bởi thành lập thêm 6 trường học, nâng tổng số trường học trên địa bàn huyện lên 52 trường với tổng số 32.500 học sinh - sinh viên ở cả ba cấp học:
tiểu học, THCS, THPT. Với nhận thức phải tăng cường cơ sở vật chất, hiện đại hóa thiết bị và đổi mới phương thức giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, 5 năm qua, Phúc Yên đã tích cực triển khai các công tác này. Đến nay, Phúc Yên đã xây dựng thêm 218 phòng học, phòng chức năng, 4 trường xây dựng nhà rèn luyện thể chất.
Việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học để xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng được huyện tích cực chỉ đạo. Hiện nay, ngoài 37 trường đã được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia, huyện đã có thêm 4 trường đăng ký phấn đấu đạt chuẩn quốc gia. Để nâng cao chất lượng dạy và học, việc trang bị hệ thống đồ dùng dạy học được đặc biệt quan tâm. UBND thị xã đã trang bị máy vi tính và kết nối internet cho 100% các trường, đồng thời xây dựng Website cho các trường bao gồm các bài giảng điện tử để tạo điều kiện cho GV tham khảo và sử dụng trong giảng dạy cũng như trao đổi kinh nghiệm giảng dạy. Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục huyện còn tổ chức bồi dưỡng cho GV sử dụng máy vi tính để soạn giáo án. Đến nay, đã có trên 80% GV các trường học trong thị xã biết sử dụng máy tính, máy chiếu đa năng phục vụ cho bài giảng trên lớp. Hiện tại, thị xã đang tiếp tục đầu tư để trang bị máy vi tính, máy chiếu đa năng và hệ thống bảng tương tác thông minh phục vụ cho công tác dạy và học ở các nhà trường.
Đổi mới để nâng cao chất lượng
Song song với sự phát triển về hệ thống trường học và qui mô học sinh, đội ngũ GV trực tiếp giảng dạy cũng được tăng cường về số lượng lẫn chất lượng, tạm đáp ứng yêu cầu trước mắt của sự nghiệp phát triển giáo dục. Đến nay không còn tình trạng GV tự ý bỏ việc, đời sống tinh thần và vật chất của GV ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Nhìn chung, đội ngũ GV đáp ứng được cơ bản nhiệm vụ giảng dạy trong tình hình mới. Đại bộ phận GV tận tụy với nghề, có phẩm chất đạo đức tốt, cần cù chịu khó, có tinh thần trách nhiệm, có ý thức học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp đã có bước trưởng thành đáng kể.
Công tác bồi dưỡng chuẩn hóa, nâng chuẩn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đã được quan tâm triển khai thường xuyên và có hiệu quả.
Phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã còn tham mưu với Thị ủy mở 1 lớp bồi dưỡng trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho 80 cán bộ quản lý của các trường, đồng thời tổ chức cho đội ngũ cán bộ quản lý và GV nòng cốt ở các trường đi học tập phương pháp quản lý giáo dục của một số trường điển hình của thành phố nhằm giúp các trường đổi mới công tác quản lý và giảng dạy. Tổ chức tốt các cuộc thi GV dạy giỏi của các bậc học tham dự thi cấp tỉnh. Kết quả có 10 GV dự thi đều đạt giải cao của tỉnh. Những năm học vừa qua, Phúc Yên là một trong 3 huyện, thị, thành có chất lượng giáo dục cao nhất tỉnh. Các hoạt động giáo dục đạo đức, văn nghệ, thể dục thể thao cũng được duy trì khá tốt thông qua việc phát động các phong trào thi đua: “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng về tinh thần tự học và sáng tạo”... đã tạo được phong trào thi đua dạy tốt, học tốt ở các nhà trường.
- Về công tác phổ cập giáo dục: Thị xã giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập tiểu học và phổ cập trung học cơ sở ở 10/10 xã, phường.
- Về chất lượng giáo dục: Thị xã đã xây dựng được 37 trường có thư viện trường học đạt chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tỷ lệ hs bậc tiểu học học 2 buổi/ngày đạt 100%, hs bậc THCS tốt nghiệp và học trung học nghề đạt 100%, đỗ tốt nghiệp THPTQG đạt 99%, tỉ lệ đỗ ĐH -CĐ đạt trên 60%.
- Về chất lượng đại trà: Chất lượng giáo dục đại trà gắn với tinh thần dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất vì đại trà là nền móng của mũi nhọn… Trong nhiều năm qua, các trường đã có nhiều giải pháp để duy trì và nâng cao chất lượng đại trà. Ngoài việc chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học, các trường THPT quan tâm chỉ đạo công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, phối kết hợp chặt chẽ với gia đình và các lực lượng xã hội trong việc quản lý, giáo dục các em. Do đó nhiều năm liền các trường THPT luôn giữ vững và duy trì chất lượng giáo dục đại trà, tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng cao, tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp hàng năm từ 90 - 98%
- Về chất lượng giáo dục mũi nhọn: Nhiều năm qua thầy và trò các trường trong thị xã đã giành được nhiều thành tích đáng tự hào. Số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia luôn chiếm tỷ lệ cao năm sau tăng hơn năm trước.
- Chất lượng giáo dục toàn diện: Trong các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục, công tác giáo dục đạo đức, lối sống hành vi ứng xử của học sinh. Các trường có nhiều biện pháp làm tốt công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, tăng cường nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, dạy đủ các môn học và tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp theo quy định của chương trình giáo dục như: Giáo dục đạo đức lối sống lành mạnh, giáo dục thể chất, giáo dục thẩm mỹ, giáo dục pháp luật, giáo dục môi trường, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, giáo dục kỹ năng sống. Đẩy mạnh công tác phòng chống ma tuý, phòng chống tội phạm, tăng cường giáo dục an toàn giao thông, phòng chống các loại dịch bệnh…