2.2. Hệ thống thông tin đất đai
2.2.2. Quản lý đất đai trên cơ sở hệ thống thông tin đất đai
Quản lý đất đai liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ trong việc thiết lập và bảo vệ quyền sở hữu và cung cấp hệ thống các quy định điều chỉnh các quyền này để phù hợp với sự phát triển kinh tế và xã hội. Mọi người dân được quyền tiếp cận với tài sản để có thể phát triển các hoạt động kinh tế và xã hội.
Nhà nước phải đóng vai trò chính trong việc hình thành chính sách đất đai và các nguyên tắc của hệ thống quản lý đất đai bao gồm pháp luật đất đai và pháp luật liên quan đến đất đai. Trong việc này, Nhà nước phải xác định một số nội dung chủ yếu như: Sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước, tập trung và phân cấp, vị trí của cơ quan ĐKĐĐ, vai trò của lĩnh vực công và tư nhân, quản lý các tài liệu địa chính, quản lý các tổ chức địa chính, quản lý nguồn nhân lực, nghiên cứu,
giáo dục và đào tạo, trợ giúp về chuyên gia tư vấn và kỹ thuật, hợp tác quốc tế (Liên Hiệp quốc, 1996).
2.2.2.2. Hệ thống thông tin đất đai với quản lý đất đai
Hệ thống thông tin đất đai thực chất là một HTTT quản lý (Phạm Minh Tuấn, 2005), nó quản lý thông tin về các hoạt động của công tác quản lý đất đai.
Do vậy, thành phần quan trọng nhất trong HTTT đất đai là một CSDL hợp nhất chứa các thông tin phản ánh cấu trúc nội tại của hệ thống và các thông tin diễn ra trong hệ thống. HTTT đất đai có nhiệm vụ cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ cho việc quản lý điều hành các hoạt động liên quan đến đất đai. Hệ thống là công cụ thiết yếu giúp các tổ chức, các nhà quản lý có đầy đủ các thông tin trong hoạt động quản lý cũng như điều hành.
Theo Tommy (2011), các quyền liên quan đến đất đai cũng như tài sản gắn liền với đất đai phải phù hợp với QSD đất hợp lý trong xã hội. Các quyền sở hữu tài sản cũng như việc sử dụng tài sản có thể được điều chỉnh để phù hợp với những thay đổi trong xã hội, hoặc bởi các yếu tố thị trường hoặc bởi các tổ chức công cộng có chức năng xã hội cụ thể.
Để làm việc đó cần thiết phải xây dựng một HTTT đầy đủ để hỗ trợ giải quyết các vấn đề chính trong công tác quản lý đất đai như:
Lập quy hoạch sử dụng đất để thiết lập các quy tắc sử dụng đất bền vững và giải quyết xung đột giữa các nhu cầu sử dụng đất cho các mục đích khác nhau;
Quy hoạch được thực hiện trên cơ sở bản đồ, hồ sơ địa chính và theo đó, thửa đất hiện tại được phân tách phù hợp với mục đích đặt ra;
Đăng ký đất đai được thực hiện để các thông tin về quyền sở hữu và giá trị thửa đất được công bố công khai cho tất cả các bên quan tâm như chính phủ, chủ sở hữu, các tổ chức tín dụng và các chủ thể thị trường khác;
Qua thực tế cho thấy việc xây dựng HTTT đất đai cấp huyện để làm cơ sở cho việc hoàn thiện HTTT toàn quốc là hết sức cần thiết, góp phần làm cho công tác QLĐĐ ngày càng có hiệu quả.
2.2.3. Hệ thống thông tin đất đai của một số nước trên thế giới
2.2.3.1. Hệ thống thông tin đất đai của Vương quốc Thụy Điển
Hệ thống thông tin đất đai đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống quản lý đất đai tại Thụy Điển. Xuất phát điểm của hệ thống này là hệ thống địa chính đầu tiên được thành lập ở Thụy Điển nhằm thu thuế từ người sử dụng đất, từ hệ
thống đó, việc quản lý đất đai đã phát triển thành cơ sở hạ tầng quốc gia cung cấp thông tin về đất đai (Tommy, 2011).
Cơ sở dữ liệu trong HTTT đất đai của Thụy Điển là một phần CSDL trong CSDL không gian quốc gia,thể hiện đầy đủ các thông tin về quyền sở hữu đất được quy định tại Bộ Luật Đất đai từ năm 1970. Tại đây đất đai được chia thành những đơn vị và được xác định trong sổ đăng ký BĐS.
2.2.3.2. Hệ thống thông tin đất đai của Úc
Tại Úc, HTTT đất đai được tổ chức dưới dạng hệ thống đăng ký đất đai với tên gọi là Torrens, được đưa vào sử dụng ở Nam Úc năm từ 1858, chịu ảnh hưởng của hệ thống đăng ký của Anh và hệ thống đăng ký tàu biển của Đức. Tuy nhiên hệ thống Torrens đã có chủ trương đưa việc đăng ký quyền đối với đất đai thành quy định bắt buộc. Đây là một nhân tố chính làm cho hệ thống Torrens triển khai thành công ngay từ đầu. Nhờ hệ thống Torrens và chính sách đất đai của Úc, việc khai hoang mở rộng diện tích đất để đưa vào sử dụng phát triển mạnh, do đó số lượng giao dịch đăng ký vào hệ thống Torrens rất lớn. Phần lớn đất mới giao nên việc xác định nguồn gốc pháp lý rất thuận lợi (Tổng cục Quản lý đất đai, 2011a).
Trong HTTT đất đai Torrens, những thông tin đặc thù nghiêng theo hướng của một HTTT bất động sản, bao gồm: Bằng khoán được đảm bảo bởi Nhà nước;
Hệ thống đăng ký đơn giản, an toàn và tiện lợi; Mỗi trang của sổ đăng ký là một tài liệu duy nhất đặc trưng cho hồ sơ hiện hữu về quyền và lợi ích được đăng ký cùng với dự phòng cho đăng ký biến động lâu dài; Bằng khoán đất là một văn bản được trình bày dễ hiểu cho công chúng; Sơ đồ trích lục thửa đất trong bằng khoán dễ dàng kiểm tra, tham khảo; Giá thành của hệ thống hợp lý, tiết kiệm chi phí và thời gian xây dựng; Hệ thống được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, dễ dàng cập nhật, tra cứu cũng như phát triển đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng.
2.2.3.2. Hệ thống thông tin đất đai ở Malaysia
Hệ thống thông tin đất đai ở Malaysia được thiết lập ở các cấp: liên bang, cấp bang và cấp quận. Các thông tin chính có trong HTTT đất đai liên bang bao gồm: thông tin pháp lý, thông tin sử dụng đất và thông tin đánh giá. Cơ sở hạ tầng thông tin đất đai bao gồm 15 hệ thống con xử lý độc lập những nội dung về QLĐĐ được kết nối với nhau như: Hệ thống đo đạc và đất đai; HTTT rừng quốc gia và hệ thống đánh giá tài sản…(Tổng cục Quản lý đất đai, 2012c).
Để có hệ thống CSDL cho HTTT đất đai, Malaysia đã thiết lập hệ thống đăng ký đất đai phi tập trung. Hệ thống gồm 3 bộ hồ sơ lớn liên tục là: bộ hồ sơ bằng khoán, chủ sở hữu và thu thuế. Bộ hồ sơ bằng khoán chứa đựng các thông tin chi tiết về thửa đất như diện tích, loại đất, kích thước (Tổng cục Quản lý đất đai, 2012c); Bộ hồ sơ chủ sở hữu duy trì các thông tin chi tiết về từng chủ sở hữu hoặc bên có quyền lợi; Bộ hồ sơ thu thuế chứa đựng những thông tin về số lượng thuế, tiền phạt, hiện trạng và số nợ. Hệ thống đăng ký có 2 chức năng chính là chức năng liên quan đến thông tin bằng khoán và chức năng thứ hai gắn với các hoạt động tính toán như lập hóa đơn, viết báo cáo.
2.2.3.4. Hệ thống thông tin đất đai ở Trung Quốc
Theo Tổng cục Quản lý Đất đai (2012a), Trung Quốc đã thiết lập một HTTT khá hiện đại để quản lý thông tin tài nguyên đất. Cụ thể:
Trung Quốc thành lập một cơ quan quản lý thông tin đất đai để ban hành các quy định về kỹ thuật thu thập thông tin đất đai, xử lý và sử dụng các thông tin này. Hoạt động quản lý và khai thác thông tin đất đai được vận hành khá chuyên nghiệp theo cơ chế thị trường, HTTT đất đai và các dữ liệu về đất đai được thiết lập, lưu trữ ở cấp Trung ương và cấp tỉnh.
Để thiết lập CSDL đất đai, Trung Quốc xây dựng hệ thống đăng ký đất đai ở các thành phố của tất cả các khu vực kinh tế phát triển. Các chuyên gia vận hành hệ thống được đào tạo để duy trì, sử dụng và phát triển hệ thống HTTT thường xuyên, do đó mức độ tin cậy của các thông tin, dữ liệu thu thập được sẽ ngày càng được nâng cao.
Thiết lập HTTT đất đai trên máy tính và liên kết với các cơ quan hữu quan trên toàn cầu, cũng như các hệ thống máy tính khác của thị trường đất toàn Trung Quốc để thúc đẩy mạng lưới chia sẻ thông tin.
Sử dụng công nghệ mới và hiện đại để thúc đẩy sự tiến bộ trong các lĩnh vực như viễn thám, xử lý tư liệu ảnh, xây dựng bản đồ, hệ thống GPS phục vụ cho công tác nghiên cứu và đưa ra các quyết định.
Trung Quốc đã thực hiện khảo sát nguồn tài nguyên đất ở 4 cấp: Trung ương, tỉnh, vùng miền hay các khu vực tự trị, quận huyện. Quản lý các dữ liệu khảo sát và các dữ liệu ĐKĐĐ được tin học hoá để tạo điều kiện thuận lợi trong việc chia sẻ thông tin trong nội bộ quốc gia cũng như với bên ngoài. Chính phủ Trung Quốc cũng thường xuyên công khai các thông tin và các chính sách về đất đai; nâng cao vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực này. Trung Quốc đã và đang thực hiện nhiều cuộc khảo sát thông tin quốc gia liên quan đến tài nguyên đất và thu
được nhiều thông tin có giá trị. Do phương pháp khảo sát, việc quản lý dữ liệu thông tin cũng như hỗ trợ đưa ra các chính sách vẫn còn chậm so với sự phát triển của thế giới, vì vậy HTTT đất đai của Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Trung Quốc đang kỳ vọng rằng hệ thống này sau khi hoàn thiện sẽ giúp cung cấp các thông tin thực tiễn, đáng tin cậy để Chính phủ đưa ra các chính sách quản lý tài nguyên đất, tăng cường năng lực quản lý đất đai, thực hiện giám sát và hiện đại hóa công tác quản lý đất đai (Tổng cục Quản lý Đất đai, 2012a).