Phần 4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.5. Giải pháp hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai huyện Đoan Hùng
Căn cứ thực trạng HTTT đất đai huyện Đoan Hùng được trình bày tại Mục 4.2, để hoàn thiện HTTT đất đai huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ cần thực hiện một số giải pháp sau:
4.5.1. Giải pháp về chính sách
Hiện nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã có những quy định cho việc xây dựng, quản lý và khai thác thông tin đất đai; các quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, những chế định của pháp luật
được thay đổi để phù hợp với xu thế phát triển và nhu cầu nhu cầu hội nhập quốc tế. Trong quá trình vận hành, khai thác và nâng cấp hệ thống cần áp dụng các quy chuẩn theo quy định hiện hành, cập nhật, áp dụng các văn bản pháp lý mới ban hành quy định về quy chế, cách thức cập nhật, chia sẻ, sử dụng thông tin cũng như đưa ra quy định có tính pháp lý về việc cung cấp và khai thác CSDL của hệ thống.
Khi xây dựng bổ sung các phân hệ dữ liệu khác, áp dụng đúng các chuẩn dữ liệu đất đai cho nội dung và cấu trúc dữ liệu; hệ quy chiếu không gian và thời gian; siêu dữ liệu; chất lượng dữ liệu; trình bày và trao đổi, phân phối dữ liệu.
4.5.2. Giải pháp về hạ tầng, công nghệ thông tin
Kỹ thuật - công nghệ đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng HTTT đất đai. Do vậy việc lựa chọn giải pháp công nghệ hợp lý sẽ đóng góp quan trọng cho sự thành công của hệ thống. Trên cơ sở nghiên cứu, căn cứ vào điều kiện thực tế của Việt Nam về “Xây dựng HTTT đất đai và mô hình giao dịch đất đai điện tử” và của địa bàn huyện Đoan Hùng cho thấy cần thực hiện các giải pháp kỹ thuật công nghệ sau:
- Sử dụng phần mềm GIS là công nghệ chính cho HTTT đất đai của huyện để đảm bảo có thể tích hợp CSDL của hệ thống lên CSDL của các cấp trên và tra cứu thông tin trực tuyến (Map Online, WebGIS). Thực hiện cung cấp thông tin trên mạng Internet.
- Trên cơ sở lựa chọn công nghệ GIS là công nghệ chính, sử dụng phần mềm ArcGIS và bổ sung hoàn thiện các modul hệ thống theo chuẩn thông tin địa lý cơ sở quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành và bộ chuẩn thông tin địa lý quốc tế ISO-19100 phù hợp với nhiệm vụ quản lý đất đai và hướng tới phục vụ đa mục tiêu.
- Thiết lập hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin có tốc độ cao và đủ mạnh, đảm bảo an toàn an ninh phục vụ việc triển khai HTTT đất đai trên địa bàn huyện cũng như toàn tỉnh. Tham chiếu thiết kế kỹ thuật của “Hệ thống thông tin quốc gia và mô hình giao dịch đất đai điện tử” theo đề án của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Bổ sung, hoàn thiện CSDL và các chức năng của hệ thống: Tiếp tục bổ sung và thiết kế cấu trúc mô hình dữ liệu cho các nội dung CSDL quy hoạch sử dụng đất; CSDL giá đất; và các CSDL thành phần khác... trên cơ sở các dữ liệu hiện có. Thiết kế chi tiết mô hình dữ liệu phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quy định hiện hành của Nhà nước và của ngành
theo hướng mô hình CSDL không gian hướng đối tượng. Đề xuất đầu tư ưu tiên đo đạc BĐĐC cho những xã đã có BĐĐC nhưng chất lượng không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay, vì đây là dữ liệu nền tảng và quan trọng nhất để xây dựng các dữ liệu khác của hệ thống.
- Thiết kế và hình thành kho dữ liệu đất đai cho huyện khi đã thiết lập được hệ thống máy chủ và đường truyền dữ liệu đến các cấp. Thiết lập phân quyền truy nhập vào hệ thống thông qua cổng thông tin điện tử; Thiết lập bảo mật hệ thống và đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống và CSDL trong hệ thống.
4.5.3. Giải pháp về tài chính
Hệ thống thông tin đất đai huyện Đoan Hùng có thể hoàn thiện được cần có nguồn tài chính bằng vốn sự nghiệp kinh tế có tính chất đầu tư từ ngân sách Nhà nước ở cấp tỉnh hoặc nguồn ngân sách đối ứng từ cấp huyện. Quá trình đầu tư phụ thuộc vào hình thức triển khai hệ thống:
- Vận hành nội bộ trong huyện, đảm bảo liên kết đến các xã trong huyện:
Hệ thống thông tin đất đai phục vụ quản lý sử dụng đất SXNN của huyện được xây dựng trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát và đánh giá thực trạng HTTT đất đai trên địa bàn huyện Đoan Hùng. Với hệ thống đã thiết kế, có thể vận hành ngay tại cấp huyện thông qua hệ thống mạng LAN kết nối đến các đơn vị máy tính nội bộ của huyện. Do vậy chỉ cần đầu tư hệ thống máy tính, máy chủ và mạng Internet nội bộ theo quy mô cấp huyện, tại các xã cần có máy tính kết nối Internet là hệ thống đã có thể vận hành được.
- Vận hành thông suốt, đảm bảo liên kết hệ thống từ xã đến cấp Trung ương:
Hiện tại, ngoài các tỉnh có dự án thí điểm về mô hình triển khai Hệ thống thông tin và CSDL quốc gia thì tỉnh Phú Thọ và các tỉnh còn lại chưa có hệ thống đường truyền chuyên dụng đến Tổng cục Quản lý đất đai (cấp Trung ương) và đến tất cả các huyện trong tỉnh. Do vậy để hệ thống vận hành thông suốt, đảm bảo tính liên kết và tính “mở” cần có sự đầu tư đồng bộ trên quy mô cấp tỉnh hoặc Trung ương về: Hạ tầng phần cứng và dịch vụ điện tử; Đường truyền dữ liệu; Phần mềm hệ thống và hệ thống phần mềm ứng dụng. Nhu cầu tài chính và các hạng mục đầu tư cần được thiết lập thành một dự án riêng.
4.5.4. Giải pháp về nhân lực và tổ chức thực hiện
Vận hành và áp dụng hệ thống vào công tác quản lý đất đai nói chung và quản lý sử dụng đất sản xuất nông nghiệp nói riêng sẽ tạo ra môi trường, sự thay
đổi về công nghệ và phương thức xử lý các nghiệp vụ chuyên môn đối với lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường huyện Đoan Hùng. Để có thể quản lý, duy trì và phát triển hệ thống cần thiết phải có một lực lượng chuyên môn được đào tạo nhằm đáp ứng được các yêu cầu về công nghệ cũng như các nghiệp vụ chuyên môn liên quan.
Đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý, vận hành hệ thống là một vấn đề quan trọng để sử dụng hiệu quả hệ thống. Đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên môn có đủ trình độ để quản lý và vận hành hệ thống quyết định sự thành công và duy trì tính bền vững của hệ thống.
Việc đào tạo được thực hiện cho các cấp hành chính về quản lý đất đai (hiện tại là cấp huyện và cấp xã) nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và tin học chuyên ngành, tập trung vào cả hai bộ phận gồm cán bộ lãnh đạo và cán bộ chuyên môn, cụ thể:
- Cấp huyện: cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai và cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin; cán bộ chuyên môn phòng Tài nguyên và Môi trường;
- Cấp xã: Cán bộ chuyên môn phụ trách công tác quản lý đất đai (công chức địa chính xã).
Bên cạnh công tác đào tạo, cần đảm bảo về chính sách đãi ngộ và ổn định cho cán bộ đã được đào tạo và phân công nhiệm vụ; Cần tuyên truyền để nâng cao sự nhận thức cộng đồng trong việc tích cực sử dụng khai thác thông tin khi đã có HTTT đất đai thông qua cổng thông tin điện tử.