CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN
1.3 TỔNG QUAN VỀ HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG
Tín dụng xuất phát từ gốc chữ la-tinh: Credittum – tức là tin tưởng, tín nhiệm;
tín dụng được diễn giải theo ngôn ngữ dân gian Việt Nam là quan hệ vay mượn.
Nhìn một cách tổng quát: Tín dụng là sự chuyển nhượng quyền sử dụng một lượng giá trị nhất định dưới hình thức hiện vật hay tiền tệ trong một khoảng thời gian nhất định từ người sở hữu sang người sử dụng và khi đến hạn người sử dụng phải hoàn trả lại cho người sở hữu với một giá trị lớn hơn. Khoảng giá trị này gọi là lợi tức tín dụng.
1.3.2 Bản chất, chức năng và vai trò của tín dụng 1.3.2.1 Bản chất của tín dụng
Bản chất của tín dụng là quan hệ giữa người đi vay và người cho vay. Vốn tín dụng được biểu hiện dưới hình thái tiền tệ hoặc hàng hóa. Quá trình vận động của vốn tín dụng có thể được khái quát qua ba giai đoạn sau:
Giai đoạn 1: Phân phối vốn tín dụng dưới hình thức cho vay. Vốn tiền tệ hoặc giá trị vật tư hàng hóa được chuyển từ người cho vay sang đi vay.
Giai đoạn 2: Sử dụng vốn tín dụng trong quá trình tái sản xuất. Sau khi nhận được giá trị vốn tín dụng, người đi vay được quyền sử dụng giá trị đó để thỏa mãn một mục đích nhất định.
Giai đoạn 3: Sự hoàn trả của tín dụng. Đây là giai đoạn kết thúc một vòng tuần hoàn của tín dụng. Sau khi vốn tín dụng đã hoàn thành nhiệm vụ sản xuất hoặc tiêu dùng thì vốn tín dụng được người đi vay hoàn trả lại cho người cho vay.
1.3.2.2 Chức năng của tín dụng
Trong nền kinh tế hàng hóa tiền tệ, tín dụng thực ba chức năng cơ bản sau:
Thứ nhất: Chức năng tập trung và phân phối lại vốn tiền tệ theo nguyên tắc có hoàn trả.
Thứ hai: Chức năng tiết kiệm tiền mặt. Trong khi thực hiện chức năng tiết kiệm tiền mặt, gắn liền với việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, tín dụng có thể phản ánh và kiểm soát quá trình phân phối sản phẩm quốc dân trong nền kinh tế.
Thứ ba: Chức năng giám đốc các hoạt động của nền kinh tế. Trong việc thực hiện chức năng tập trung và phân phối lại vốn tiền tệ nhằm phục vụ yêu cầu tái sản xuất, tín dụng có khả năng phản ánh một cách tổng hợp và nhạy bén tình hình hoạt động của nền kinh tế. Do đó, tín dụng còn được coi là một trong những công cụ quan trọng của nhà nước để kiểm soát, thúc đẩy quá trình thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế.
1.3.2.3 Vai trò của tín dụng
Trong điều kiện nền kinh tế nước ta hiện nay, tín dụng có các vai trò sau:
Thứ nhất: Đáp ứng nhu cầu vốn để duy trì quá trình sản xuất được liên tục đồng thời góp phần đầu tư phát triển kinh tế.
Thứ hai: Thúc đẩy quá trình tập trung vốn và tập trung sản xuất.
Hoạt động của ngân hàng là tập trung vốn tiền tệ tạm thời chưa sử dụng, trên cơ sở đó cho vay các đơn vị kinh tế. Mặt khác quá trình đầu tư tín dụng được thực hiện một cách tập trung, chủ yếu là cho các xí nghiệp lớn, những xí nghiệp kinh doanh hiệu quả.
Thứ ba: Tín dụng là công cụ tài trợ cho các ngành kinh tế kém phát triển và ngành kinh tế mũi nhọn.
Thứ tư: Góp phần tác động đến việc tăng cường chế độ hạch toán kinh tế của các doanh nghiệp.
Thứ năm: Tạo điều kiện để phát triển các quan hệ kinh tế với nước ngoài.
Trong điều kiện kinh tế “mở”, tín dụng đã trở thành một trong những phương tiện nối liền các nền kinh tế các nước với nhau.
1.3.3 Đặc điểm và phân loại tín dụng 1.3.3.1 Đặc điểm tín dụng
- Huy động vốn và cho vay vốn đều thực hiện dưới hình thức tiền tệ.
- Ngân hàng đóng vay trò trung gian trong huy động vốn và cho vay.
- Quá trình vận động và phát triển của tín dụng ngân hàng không hoàn toàn phù hợp với quy mô phát triển sản xuất và lưu thông hàng hóa.
- Tín dụng ngân hàng thúc đẩy quá trình tập trung và điều hòa vốn giữa các chủ thể trong nền kinh tế.
1.3.3.2 Phân loại tín dụng
Dựa vào thời hạn cho vay
- Tín dụng ngắn hạn: bao gồm các khoản cho vay có thời hạn từ 12 tháng trở xuống. Đây là loại tín dụng cho vay rất phổ biến đối với nông hộ, vì các hộ nông thôn thường sản xuất theo từng thời vụ trong năm mỗi vụ thường 3-4 tháng. Nguồn vốn cho vay chủ yếu đối với đối tượng này là ngồn vốn huy động ngắn hạn, lãi suất cho vay được ưu đãi theo những chính sách và quy định của Nhà nước.
- Tín dụng trung hạn: bao gồm các khoản cho vay có thời gian từ trên 12 tháng đến 60 tháng, nhằm đáp ứng nhu mua sắm tài sản cố định, cải tiến thiết bị, những dự án đầu tư sản xuất như là xây dựng trang trại, cải tạo vườn...Nguồn vốn được lấy một phần từ nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay.
- Tín dụng dài hạn: là loại tín dụng có thời hạn trên 60 tháng chủ yếu cấp vốn cho các đối tượng cải tiến và mở rộng sản xuất quy mô lớn, phương án khả thi, đối tượng vay thường là khách hàng lâu năm và uy tín, lãi suất cho vay thường cao hơn tín dụng ngắn hạn và trung hạn vì rủi ro cao. Tuy nhiên, đối với QTDND thì loại tín dụng dài hạn rất ít phát sinh.
Dựa vào mục đích sử dụng vốn
- Cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh công thương nghiệp: là loại cho vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động cho các thành viên QTDND kinh doanh buôn bán trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ.
- Cho vay nông nghiệp: là loại cho vay để trang trải các chi phí sản xuất như phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng, thức ăn gia súc, lao động, nhiên liệu…
- Cho vay tiêu dùng cá nhân: là loại cho vay để đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng như mua sắm vật dụng, trang trải các chi phí thông thường của đời sống.
Dựa vào mức độ tín nhiệm của khách hàng
- Cho vay không có bảo đảm: là loại cho vay không có tài sản thế chấp mà chỉ dựa vào tín chấp. Loại hình này thường áp dụng với khách hàng truyền thống, có quan hệ lâu dài và uy tín đối với các khoản vay trả nợ.
- Cho vay có bảo đảm: là loại hình tín dụng mà các khoản cho vay phát ra đều có tài sản tương đương thế chấp, có các hình thức như: cầm cố, thế chấp, bảo lãnh,...
1.3.4 Lý thuyết thông tin bất đối xứng và quyết định lựa chọn vay vốn
Thông tin bất đối xứng là thuật ngữ được dùng để chỉ hiện tượng các chủ thể khác nhau không có thông tin như nhau về một đối tượng nào đó mà tất cả cùng quan tâm. Ví dụ như trong hoạt động tín dụng, bên cho vay không biết rõ người vay cũng như triển vọng của các phương án mà người vay sẽ thực hiện bằng chính bản thân người vay, nhất là về phương diện rủi ro, do đó để đảm bảo an toàn trong hoạt động của mình, bên cho vay phải xử lý thông tin bất cân xứng để hạn chế lựa chọn bất lợi nhằ cho vay đúng người đúng đối tượng và giám sát chặt chẽ để khách hàng có hành vi đúng đắn nhằm đảm bảo việc thu hồi cả gốc và lãi của khoản tín dụng đã cấp ra.
Khi bên cho vay che giấu một số thông tin dẫn đến việc lựa chọn khách hàng xấu và cấp tín dụng không hiệu quả thì được gọi là lựa chọn sai lầm xảy ra trước
cho vay. Thông thường những khách hàng tích cực trong việc xin vay là những khách hàng có độ rủi ro cao.
Trong hoạt động tín dụng lựa chọn sai lầm sẽ xuất hiện khi nguồn vốn khan hiếm và lãi suất cho vay bị đẩy lên cao. Theo nguyên tắc "rủi ro cao - lợi nhuận cao" và nguyên tắc loại trừ, khi nguồn cung tín dụng dồi dào, mức lãi suất cho vay thấp thì cả phương án có suất sinh lợi thấp, rủi ro thấp, đảm bảo khả năng trả nợ một cách chắc chắn và những phương án có suất sinh lợi cao, rủi ro cao với đảm bảo khả năng trả nợ ít chắc chắn hơn đều được cấp tín dụng để thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh khi nguồn vốn khan hiếm, lãi suất cho vay lên cao. Để bên cho vay có lợi nhuận, các phương án an toàn sẽ dễ bị bỏ qua bởi suất sinh lời thấp và các phương án có độ rủi ro cao hơn có suất sinh lợi cao sẽ được cấp vốn để thực hiện. Đây chính là vấn đề lựa chọn sai lầm trong hoạt động cấp tín dung.
Thông tin bất đối xứng còn xuất phát khi bên cho vay không kiểm soát khả năng hành vi và cách thức sử dụng vốn vay của bên vay vốn. Trong hoạt động tín dụng, việc kiểm tra giám sát sử dụng vốn vay vấp phải nhiều khó khăn từ bên đi vay và bên cho vay. Bản thân bên cho vay gặp rủi ro về đạo đức của khách hàng vay khi bên cho vay không giám sát được hoạt động của người đi vay. Bên cạnh về đạo đức của cán bộ xử lý món vay cũng là vấn đề cần được quan tâm sau khi cho vay, nó quyết định đến khả năng thu hồi vốn vay trong tương lai.