Chương 5 GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP
5.1. CƠ SỞ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
5.1.1. Những khó khăn và thuận lợi trong việc thu hút FDI tỉnh Bến Tre
a) Thuận lợi
Trong thời gian qua, số lượng các đoàn khách đến tỉnh Bến Tre tìm cơ hội đầu tư ngày càng nhiều. Với vị trí địa lý, nằm không xa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thuận lợi trong việc giao thông vận tải nội vùng, liên vận quốc tế. Bên cạnh đó, các dự án giao thông quan trọng, có tính đột phá đã hoàn thành như cầu Hàm Luông, cầu Rạch Miễu trên tuyến QL 60 kết nối hàng lang ven biển phía Đông, cầu Cổ Chiên đang xây dựng sắp hoàn thành, đã tạo động lực thúc đẩy phát triển cho tỉnh Bến Tre nói riêng và ĐBSCL nói chung trong quá trình thu hút nguồn vốn FDI.
Đất có chất lượng cao, độ phì nhiêu khá lớn và hệ thống sông ngòi dày đặc đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Bến Tre nằm trong vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm cả nước, đặc biệt nằm trong vùng phát triển cây ăn trái lớn nhất ĐBSCL, tỉnh có tiềm năng phát triển các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, các loại cây trồng như lúa, cây ăn trái,… Có giá trị kinh tế cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Dân số tỉnh Bến Tre khá dồi dào về số lượng, có truyền thống siêng năng, cần cù và năng động. Đặc biệt là cơ cấu lao động trẻ, nếu được đào tạo liên tục và hợp lý sẽ là nguồn nhân lực quan trọng làm nồng cốt cho công cuộc phát triển của tỉnh nói riêng và của ĐBSCL nói chung. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục tỉnh Bến Tre đang ngày càng hoàn thiện và phát triển.
Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự xã hội ổn định; quan hệ hợp tác và liên kết phát triển giữa tỉnh Bến Tre với các tỉnh trong khu vực ngày càng được mở rộng.
b) Khó khăn
Ngoài những thuận lợi trong việc thu hút FDI tỉnh Bến Tre còn gặp một số khó khăn vướng mắc như sau:
Tuy có vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên được ưu đãi nhưng những hạn chế và thách thức đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài tỉnh Bến Tre trong thời gian qua là cơ sở hạ tầng. Tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng của tỉnh còn chậm, không có sân bay, bến cảng và đặc biệt là hệ thống giao thông chưa đáp ứng tốt yêu cầu của các nhà đầu tư khi đầu tư vào tỉnh Bến Tre.
Bến tre còn thiếu đất sạch cho các nhà đầu tư để thực hiện dự án. Một số trường hợp có đất sạch nhưng chi phí bồi thường lại cao và khó khăn trong việc giải tỏa nên cũng gây e ngại cho các nhà đầu tư.
Các ngành công nghiệp phụ trợ thì không phát triển hoặc phát triển không mạnh. Bên cạnh đó, môi trường và cơ chế chính sách chưa hấp dẫn để thu hút đầu tư.
Tiềm năng về nhân lực thì đông nhưng chất lượng còn yếu, chưa có trình độ kỹ thuật cao. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xây dựng đội ngũ lao động kỹ thuật, nguồn nhân lực của tỉnh tuy dồi dào nhưng trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp, chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó, một phần lực lượng qua đào tạo lại chuyển đi làm việc nơi khác, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Công tác tuyên truyền vận động xúc tiến đầu tư còn đơn giản và thụ động. Hình thức xúc tiến đầu tư chưa đa dạng, chưa chú ý đến từng dự án cụ thể, từng lĩnh vực có tiềm năng, từng đối tác có tiềm năng, chưa gắn chặt xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư.
Tính liên kết vùng của các tỉnh ĐBSCL còn yếu, ảnh hưởng đến tính hiệu quả trong thu hút vốn đầu tư của các tỉnh trong khu vực.
5.1.2. Phân tích ma trận SWOT
SWOT là tập hợp viết tắt của những chữ cái đầu tiên của các từ tiếng Anh: Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức) – là một mô hình nổi tiếng trong phân tích kinh doanh của doanh nghiệp. Và trong đề tài này em đã áp dụng và phát triển mô hình này để từ đó đề xuất nên những giải pháp đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, mà tỉnh Bến Tre cần thực hiện chính là sự phối hợp giữa các giải pháp sau: Giải pháp về phát triển quỹ đất và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giải pháp về nguồn nhân lực và đào tạo nghề, giải pháp về những chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư, giải pháp về những chính sách kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh, liên kết thu hút FDI giữa các tỉnh với nhau, giải pháp về vấn đề khoa học công nghệ, giải pháp về mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển.
Bảng 5.1. MA TRẬN SWOT
SWOT
Điểm mạnh - S
S1. Dân số đông, có nguồn lao động dồi dào, chi phí rẻ.
S2. Có tiềm năng phát triển kinh tế vườn, kinh tế biển và du lịch sinh thái.
S3. Điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý thuận lợi.
S4. Có khả năng xây dựng các khu kinh tế mang tính tiểu vùng.
S5. Đang có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH – HĐH.
Điểm yếu – W
W1. Cơ sở hạ tầng của tỉnh chậm và chưa hoàn thiện, thiếu quỹ đất sạch và việc giải tỏa đất còn hạn chế.
W2. Hệ thống sông ngòi chằng chịt, nguồn nước và đất canh tác thường bị nhiễm mặn vào mùa khô.
W3. Các ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, các dự án triển khai chậm, thiếu kiên quyết.
W4. Trình độ lao động chưa cao, tốc độ phát triển kinh tế chưa ổn định.
W5. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư còn yếu kém. Bến Tre chưa thật sự hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư đủ mạnh về vốn, thương hiệu.
Cơ hội – O
O1. Gia nhập WTO, có cơ hội thu hút FDI từ các nước phát triển trên thế giới.
O2. Hành lang pháp lý thuận lợi, chính trị ổn định, có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư của nhà nước.
O3. Hệ thống giáo dục ở tỉnh đang ngày càng hoàn thiện và phát triển.
O4. Mạng lưới giao thông thủy phong phú, thuận lợi, là vùng trung chuyển giữa các vùng ĐBSCL.
Các chiến lược - SO
S1S2S3 + O1O2 => Chiến lược thu hút FDI
S4S5 + O3O4 => Kêu gọi FDI vào các lĩnh vực tiềm năng
Các chiến lược - WO
W1W2 + O1O2O4 => Chiến lược phát triển quỹ đất và hoàn thiện cơ sở hạ tầng
W4 + O3 => Phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nghề
W3W5+ O2 => Thực hiện những chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho nhà đầu tư.
Thách thức – T
T1. Cạnh tranh thu hút FDI trên thế giới ngày càng diễn ra gay gắt.
T2. Vấn đề sử dụng đất đai hợp lý và bảo vệ môi trường.
T3. Các dự án thu hút FDI về chất lượng và số lượng còn yếu.
T4. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của khu vực ĐBSCL.
Các chiến lược – ST
S1S2S3S4 + T3T4 =>Chiến lược mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển.
Các chiến lược - WT
W5 + T1 =>Nâng cao hiệu quả của hoạt động công tác xúc tiến đầu tư.
W1W2 + T2T3 => Chính sách về khoa học công nghệ.