Bối cảnh lịch sử

Một phần của tài liệu ĐƯỜNG lối NGOẠI GIAO của ĐẢNG và NHÀ nước TA GIAI đoạn 1945 – 1954 (Trang 21 - 24)

CHƯƠNG 2: ĐƯỜNG LỐI ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA GIAI ĐOẠN 1945 – 1954

2.1 Bối cảnh lịch sử

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đã để lại những hậu quả nặng nề cho toàn thế giới: gần 60 triệu người chết và 90 triệu người bị thương và tàn phế; tiêu tốn và gây thiệt hại hơn 4.000 tỷ USD; nhiều đô thị lớn bị phá hủy, nhất là ở Liên Xô, Đức, Nhật Bản, châu Âu… Hầu hết các quốc gia tham chiến đều bị chiến tranh tàn phá. Mỹ là nước duy nhất trục lợi từ chiến tranh và trở thành siêu cường có sức mạnh áp đảo về mọi mặt. Các nước châu Âu phải dựa vào Mỹ về mặt kinh tế. Tại Hội nghị Yanta (2.1945) và Hội nghị Pốtxđam (7.1945), nguyên thủ ba nước Liên Xô, Mỹ và Anh nhất trí thành lập Liên hợp quốc (trong đó 5 cường quốc Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc là 5 ủy viên thường trực Hội đồng bảo an, có quyền phủ quyết); nước Đức bại trận bị chia cắt thành nhiều khu vực dưới sự quản lý của Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp.

Trong đó, Đông Âu thuộc phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô; còn Tây Âu thuộc phạm vi ảnh hưởng của Mỹ. Hình thành khuôn khổ của một trật tự thế giới mới – trật tự thế giới hai cực. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đã hình thành với sự ra đời của một loạt nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Tháng 10.1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời và tuyên bố đứng về phía Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, làm đảo lộn cục diện thế giới và hệ thống quan hệ quốc tế. Phát biểu của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill ngày 5.3.1946 về “Bức màn sắt” đánh dấu sự khởi đầu cuộc chiến tranh lạnh. Ra đời hai khối liên minh quân sự do Mỹ và Liên Xô đứng đầu mỗi khối: Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 1949 và Tổ chức Hiệp ước Vácxava năm 1955. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ ở châu Á, châu Phi và lan rộng sang các nước Mỹ Latinh, trở thành một dòng thác cách mạng đánh đổ chủ nghĩa thực dân. Hầu hết các nước châu Á – Thái Bình Dương và Đông Dương vốn là thuộc địa của Anh, Pháp, Bồ Đào Nha. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, các quốc gia châu Âu này suy yếu, vai trò và ảnh hưởng tại khu vực bị suy giảm. Mỹ tăng cường can thiệp, tiến hành ký kết hiệp ước an ninh, thành lập các khối quân sự trong khu vực: khối quân sự Nam Thái Bình Dương (ANZUS), gồm Mỹ, Ôxtrâylia và Niu Dilân thành lập tháng 9.1951;

khối quân sự Đông Nam Á (SEATO), gồm Mỹ, Anh, Pháp, Ôxtrâylia, Niu Dilân, Philíppin, Thái Lan, Pakixtan, thành lập tháng 9.1954, giải thể tháng 6.1977.

2.1.2 Bối cảnh trong nước

Thuận lợi: Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân ta được giải phóng khỏi kiếp đời nô lệ, trở thành người chủ nước nhà. Nhân dân vô cùng vui vẻ, sung sướng và tin tưởng vào Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tích cực chăm lo xây dựng và phát triển đất nước. Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, có điều kiện trực tiếp chỉ đạo quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Hơn nữa Đảng ta đã trải qua hơn mười lăm năm rèn luyện và trưởng thành, có đầy đủ kinh nghiệm, bản lĩnh lãnh đạo đất nước trong tình hình mới. Chính quyền cách mạng mới ra đời còn non trẻ, nhưng đó là chính quyền của nhân dân, đại diện cho quyền lợi của nhân dân. Đây là một thuận lợi to lớn của ta. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân ta đã xây dựng một mặt trận thống nhất, đoàn kết dựa trên nền tảng liên minh công – nông đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, hướng về mục tiêu chung là chăm lo xây dựng đất nước bảo vệ thành quả cách mạng tháng Tám.

Như vậy, sau cách mạng tháng Tám năm 1945, tuy chúng ta có những thuận lợi to lớn nhưng bên cạnh đó cũng có những khó khăn buộc phải đối mặt hết sức nguy hiểm, đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải hết sức thận trọng trong việc đối phó với “bọn thù trong giặc ngoài” đang dòm ngó nước ta.

Khó khăn: Chính quyền cách mạng non trẻ phải đối mặt với tình thế khó khăn về mọi mặt: giặc đói, giặc rét và giặc dốt hoành hành; kinh tế kiệt quệ; ngân quỹ trống rỗng; quân đội còn rất non trẻ, vũ khí hầu như không có; các lực lượng phản cách mạng hoạt động ráo riết; chính phủ chưa được quốc tế công nhận…

- Ở miền Bắc: gần 200 ngàn quân Tưởng vào Việt Nam với danh nghĩa là giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra, mang theo các nhóm người Việt Nam sống lưu vong ở Trung Quốc, những nhóm người Việt này thuộc các tổ chức giả danh cách mạng, như Việt Nam cách mạng Đồng Minh Hội (Việt Cách), Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) do chính quyền Tưởng Giới Thạch thu nạp và nuôi dưỡng từ lâu.

Với sự giúp sức của quân Tưởng, bọn Việt Quốc, Việt Cách đánh chiếm thị xã Móng Cái, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Bắc Ninh, Hồng Gai, Quãng Nam. Chúng

lập các chính quyền phản động ở thị xã Vĩnh Yên, Yên Bái, Móng Cái. Ngoài ra, quân Tưởng còn đòi đổi quốc kỳ, quốc ca, đòi Hồ Chí Minh từ chức Chủ tịch nước.

- Ở miền Nam: Hơn 1 vạn quân Anh vào giải giáp quân đội phát xít Nhật. Từ tháng 9.1945, Anh đã chính thức ký với Pháp hiệp định công nhận chính quyền dân sự của Pháp tại Đông Dương. Ngày 1.1.1946, Anh ký hiệp định trao quyền cho Pháp giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 trở vào. Trong thời gian Nhật chiếm Đông Dương, Pháp vẫn duy trì 50 ngàn quân trên các miền Đông Dương, sau chiến tranh 1.500 lính Pháp bị Nhật giam giữ được thả ra, những đạo quân viễn chinh của Pháp được gấp rút đưa vào miền Nam. Ngoài ra, còn khoảng 60 ngàn quân Nhật ở Việt Nam chờ giải giáp. Như vậy, ở Việt Nam lúc này có khoảng 30 vạn quân đội nước ngoài thuộc bốn thế lực đối địch với cách mạng Việt Nam, đã tạo nên sự chênh lệch trong cán cân lực lượng hết sức bất lợi cho cách mạng Việt Nam, tình thế cách mạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Chính vì lẽ đó đòi hởi Đảng và Nhà nước ta phải đủ bản lĩnh, nhạy bén trong việc đối phó các thế lực thù địch đang ra sức quấy phá chính quyền còn non trẻ của ta.

- Về kinh tế – tài chính: nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, nạn đói hoành hành, ngân quỹ nhà nước trống rỗng, lạm phát tăng, giá sinh hoạt đắt đỏ. Đặc biệt là nạn đói diễn ra vào đầu năm 1945 làm cho hơn hai triệu đồng bào ở Bắc Bộ bị chết đói (do chính sách của Nhật và Pháp ra sức vơ vét thóc gạo ở Việt Nam. Phát xít Nhật bắt nhân dân ta nhổ lúa trồng đai, còn thực dân Pháp lập đồn điền trồng cao su).

Trong khi đó, nạn lụt giữa năm 1945, nước lũ lên cao, đê sông Hồng bị vỡ, làm ngập tám tỉnh Bắc Bộ: Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Vĩnh Yên, Phú Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình. Sau đó nạn hạn hán làm sụt mất 1/3 sản lượng thu hoạch ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Báo cứu quốc số ra ngày 4 và 5.1.1946 cho biết số thóc thu vụ mùa 1945 chỉ “đủ nuôi tám triệu con người trong ba tháng. Đợi đến vụ chiêm 1946, dân số bị đói trong bốn tháng. Nghĩa là còn thiếu 850.000 tấn thóc”.

Trước đây, nền kinh tế ở Đông Dương do thực dân Pháp nắm: Xi măng, than, xe lửa, điện, cao su, đều trong tay họ. Khi chính quyền nhân dân được thiết lập chỉ có một số ít xí nghiệp là hoạt động được, do trước khi bỏ chạy Pháp đã đập phá hết. Các nhà công thương Việt Nam chỉ làm chủ những cơ sở nhỏ. Do đó, sau cách mạng Tháng Tám, sản xuất thiếu hụt, hàng hóa tiêu dùng khan hiếm, số người thất nghiệp tăng.

Tình hình tài chính nguy ngập: Khi Chính phủ lâm thời được thành lập, ngân sách Đông Dương hụt tới 185 triệu đồng, nợ tới 564 triệu đồng, ngân khố Trung ương chỉ

còn 1.200.000 đồng, trong đó có 586 ngàn đồng là hào nát không dùng được. Đồng bạc Đông Dương mất giá, quân Tưởng tung tiền “Quan kim, Quốc tệ” vào Việt Nam.

Ngân hàng Đông Dương tuyên bố không tiêu giấy bạc 500 đồng, không chịu ứng tiền cho Việt Nam, hòng gây khó khăn cho ta.

- Về chính trị – xã hội: Chính quyền ta còn non trẻ, chưa có kinh nghiệm trong việc quản lý đất nước, tệ nạn xã hội lan tràn.

- Về văn hóa – giáo dục: Dưới ách thống trị của Thực dân Pháp, ở nước ta hơn 90 % dân số mù chữ, nhà tù nhiều hơn trường học do thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân để trị.

- Nội phản: bọn phản cách mạng ngó đầu dậy chống phá cách mạng (cướp chính quyền ở Yên Bái, Vĩnh Yên, Móng Cái… gây nhiều vụ bắt bớ, cướp của giết người).

- Chống giặc ngoại xâm: Đêm 22 rạng 23.9.1945, được sự giúp đỡ của thực dân Anh, thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược lần hai. Như vậy lúc này nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng một lúc phải đối đầu với hai kẻ thù: quân Tưởng ở miền Bắc, quân Pháp ở miền Nam. Trước tình hình đó, Đảng ta đã quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước. Ngày 19-12-1946, Hồ Chủ tịch ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Qua chín năm kháng chiến trường kỳ, ngày 7.5.1954 dân tộc ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, chấm dứt chế độ thực dân tại Việt Nam và Đông Dương, mở ra một thời kỳ cách mạng mới cho đất nước.

Một phần của tài liệu ĐƯỜNG lối NGOẠI GIAO của ĐẢNG và NHÀ nước TA GIAI đoạn 1945 – 1954 (Trang 21 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)