CHƯƠNG 2: ĐƯỜNG LỐI ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA GIAI ĐOẠN 1945 – 1954
2.2 Đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta giai đoạn 1945 – 1954
2.2.2 Nội dung đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta giai đoạn 1945 – 1954
Với nhận thức về tầm quan trọng và tác dụng to lớn của hoạt động đối ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm lấy công tác này và sử dụng nó như một vũ khí lợi hại để bảo vệ thành quả cách mạng tháng Tám và khẳng định vị thế độc lập, tự chủ của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trên cơ sở phân tích một cách khoa học tình hình thế giới, những khó khăn và thuận lợi của cách mạng Việt Nam, dự đoán đúng xu thế phát triển của thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Ban chấp hành Trung ương sớm đề ra được đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo. Người đã giành sự quan tâm đặc biệt đến hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Đường lối đó được thể hiện rất rõ trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước ta ngay trước và sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập như: Nghị quyết Hội nghị toàn quốc của Đảng (họp từ ngày 13 đến 15.8.1945); Tuyên ngôn độc lập (2.9.1945); Thông cáo về chính sách ngoại giao của Chính phủ lâm thời Dân chủ Cộng hòa Việt Nam (3.10.1945); Chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương về kháng chiến, kiến quốc (25.11.1945)… Tuyên ngôn của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2.3.1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh họp báo (6.10.1945), Chỉ thị Toàn dân kháng chiến ngày 12.12.1946, Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng (15 đến 17.1.1948), Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam (2.1951)…
Nghị quyết Hội nghị toàn quốc của Đảng (Họp từ ngày 13 đến ngày 15.8.1945): Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, từ ngày 13 đến ngày 15.8.1945 đã nhận định: “Sự mâu thuẫn giữa Anh, Mỹ, Pháp và Liên Xô có thể làm cho Anh, Mỹ nhân nhượng với Pháp và để cho Pháp trở lại Đông Dương”. Hội nghị đã đề ra chủ trương: “… phải tránh cái trường hợp một mình đối phó với nhiều lực lượng Đồng Minh (Tàu, Pháp, Anh, Mỹ) tràn vào nước ta và đặt Chính phủ Pháp Đờ Gôn hay một Chính phủ bù nhìn khác trái với ý nguyện dân tộc”. Do vậy, Hội nghị quyết định: “… cần tranh thủ sự đồng tình của Liên Xô và Mỹ chống lại mưu mô của Pháp
định khôi phục lại địa vị cũ ở Đông Dương và âm mưu của giới quân phiệt Tàu định chiếm nước ta”; “… chỉ có thực lực của ta mới quyết định được sự thắng lợi giữa ta và Đồng Minh” và “đối với các nước nhược tiểu và dân chúng Tàu và Pháp, chúng ta phải liên lạc và tranh thủ sự giúp đỡ của họ” [16, tr.427].
Đảng ta xác định mục tiêu chính sách ngoại giao Việt Nam là phục vụ cho nhiệm vụ giành tự do, độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn cho dân tộc. Như vậy chính sách ngoại giao của nước Việt Nam lúc này là kiên quyết bảo vệ quyền độc lập, tự do, xóa bỏ mọi ràng buộc mà Pháp đã ký kết với bất kỳ nước nào khác. Thi hành chính sách hòa bình, hữu nghị với các dân tộc, tôn trọng quyền tự quyết và bình đẳng của các dân tộc khác, đoàn kết với Liên Xô, các nước cách mạng khác trên thế giới, với phong trào công nhân quốc tế. Nghị quyết còn chỉ rõ cần tránh trường hợp phải đối phó với nhiều lực lượng cùng một lúc, cần giữ liên lạc với nhân dân Pháp và tranh thủ sự giúp đỡ của họ.
Tuyên ngôn độc lập (ngày 2.9.1945): Ngày 2.9.1945, trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chân lý “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Bản Tuyên ngôn đề cập một số nội dung có liên quan đến chính sách ngoại giao của Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chủ yếu nhằm vào bọn thực dân Pháp. Người chỉ rõ: “Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”; khẳng định nước Việt Nam “đã trở thành một nước tự do độc lập”; tuyên bố “thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”. Đối với các nước Đồng Minh, Hồ Chí Minh nói: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng Minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn quyết không thể không nhận quyền độc lập của dân Việt Nam” [16, tr.436]. Tuyên ngôn độc lập là một áng văn lập quốc vĩ đại, bản khai sinh chế độ Cộng hòa Dân chủ Việt Nam, đồng thời là một văn kiện lịch sử vô giá, khẳng định vị thế độc lập của nước Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Một tuần sau lễ Quốc khánh ở Hà Nội, Hội nghị cán bộ Bắc Kỳ của Đảng (10 và 11.9.1945) phân tích tình hình thế giới và Đông Dương. Về vấn đề ngoại giao, Hội nghị nêu chính sách của Đảng đối với từng đối tượng cụ thể: Đối với Pháp Đờ Gôn đã mưu mô chiếm lại Đông Dương nên chúng ta cương quyết hành động chống và chỉ giao thiệp khi nào bọn thực
dân Pháp đã từ bỏ dã tâm xâm lược Đông Dương và chính thức công nhận nền độc lập nước Việt Nam. Tuy vậy, đối với Pháp Kiều chúng ta nên tỏ lượng khoan hồng và bảo đảm tính mệnh của họ cả tài sản họ nhưng phải bao vây, giám thị và đề phòng họ. Đối với Tàu từ trước đến giờ thất bại tuy vậy chúng ta cần phải lôi họ về ta; nhưng nếu ngoại giao trong lúc đầu không có kết quả hoặc quân đội Tàu có những hành động khiêu khích thì chúng ta cũng nên tránh xung đột quân sự mà chỉ xung đột bằng chính trị (tổ chức quần chúng biểu tình phản đối, Chính phủ thì dùng ngoại giao) và thi hành chính sách vườn không nhà trống. Cần phải tổ chức tiểu ban vận động Hoa Kiều và binh lính Tàu. Đối với Mỹ việc ngoại giao mới có đôi phần kết quả còn cần phải tiến tới để Mỹ nhanh chính thức công nhận nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam và giao hòa với chúng ta. Đối với Anh chúng ta chưa giao thiệp gì và thái độ của họ giúp bọn thực dân Pháp trở lại chiếm Đông Dương (việc Nam Bộ nên ta phải phản đối thái độ của họ). Đối với Nhật họ hoàn toàn thay đổi thái độ với chúng ta, họ không còn là kẻ thù nữa nên chúng ta cần phải biết lợi dụng họ để có lợi cho ta. Đối với các nhược tiểu dân tộc Á Đông, ta phải tìm cách ủng hộ phong trào độc lập bằng cách dùng những hình thức mít tinh, biểu tình, đánh điện tín, v.v.. Nói tóm lại về ngoại giao chúng ta phải lợi dụng những mâu thuẫn giữa Tàu, Mỹ và Anh để có lợi cho chúng ta” [17, tr.5- 6]. Hội nghị xác định nhiệm vụ chính trong lúc này là: “Củng cố chính quyền, dùng chính trị, ngoại giao, vũ khí cần thiết đến dùng quân sự để giữ vững nền độc lập.
Chuẩn bị lực lượng sẵn sàng để chống mọi sự xâm lăng”[17, tr. 5-6]. Những chủ trương về ngoại giao của Hội nghị cán bộ Bắc Kỳ của Đảng được bổ sung, thể chế hóa thành chính sách ngoại giao của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thông cáo về chính sách ngoại giao của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (3.10.1945) nhấn mạnh: “Nước Việt Nam còn đương ở giai đoạn đấu tranh kịch liệt, tất cả các chính sách ngoại giao phải có mục đích cốt yếu là giúp cho sự đấu tranh ấy thắng lợi bằng mọi phương pháp êm dịu hay kiên quyết” [44, tr.37]. Nhạy cảm trước những biến đổi mau lẹ của tình hình, sự thay đổi trong chính sách của các nước lớn và ý đồ của kẻ thù trước mắt và nhân dịp một phái bộ của Đồng Minh đến Hà Nội, ngày 3.10.1945 Bộ ngoại giao Chính phủ lâm thời ra thông cáo về chính sách ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định mục tiêu phấn đấu cho nền “độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn” của Việt Nam và hợp tác thân thiện với các nước Đồng Minh và các dân tộc láng giềng Trung Hoa, Campuchia và Lào.
Thông cáo nêu rõ: “Cơ sở để hoạch định chính sách ngoại giao” là “căn cứ vào tình hình quốc tế và hiện trạng nước Việt Nam ta”. Căn cứ vào “thái độ của các liệt quốc”
và nguyên tắc của hiến chương Đại Tây Dương làm nền tảng”. Mục tiêu này hết sức rõ ràng và hướng tất cả các phương pháp, chính sách ngoại giao vào một đích chung là đấu tranh giành thắng lợi. Nhiệm vụ ngoại giao của ta ở thời kỳ này là:
1. Sớm giành được sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với nhà nước công nông, phá thế bao vây, cô lập.
2. Xây dựng các mối liên lạc mật thiết với các lực lượng cách mạng tiến bộ trên thế giới.
3. Tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ quốc tế đối với công cuộc kháng chiến kiến quốc của nhân dân ta.
4. Loại bỏ tình thế ta phải đối phó với nhiều kẻ thù cùng một lúc.
5. Buộc Pháp phải chấm dứt chế độ thực dân ở Việt Nam và Đông Dương, công nhận độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ ngoại giao, Thông cáo ngày 3.10.1945 về chính sách ngoại giao của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã xác định chính sách cụ thể đối với các đối tượng chủ yếu: Với các nước lớn, các nước trong phe Đồng Minh chống phát xít: “Việt Nam hết sức thân thiện và thành thực hợp tác trên lập trường bình đẳng và tương ái”; thắt chặt quan hệ với Trung Hoa để “hai dân tộc Việt – Hoa tương trợ mà cùng tiến hóa”. Đối với Pháp: đối với các kiều dân Pháp, nếu họ yên tĩnh làm ăn và tôn trọng sự độc lập của Việt Nam thì sinh mệnh và tài sản của họ được bảo vệ theo luật quốc tế; riêng với Chính phủ Pháp không thừa nhận nền độc lập của Việt Nam thì “kiên quyết chống lại”. Với các nước láng giềng Lào, Campuchia: lấy quyền dân tộc tự quyết làm nền tảng và càng phải chặt chẽ hơn nữa. Ba nước Đông Dương
“còn có nhiều mối liên hệ về kinh tế nên sẽ giúp đỡ lẫn nhau để kiến thiết và sánh vai ngang hàng mà tiến hóa”. Đối với các nước, dân tộc nhược tiểu trên toàn cầu: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa “sẵn sàng thân thiện hợp tác chặt chẽ trên nguyên tắc bình đẳng để ủng hộ lẫn nhau trong sự xây đắp và giữ vững nền độc lập” [3, tr.1].
Để chống bọn phản động Pháp phải “thống nhất bên trong, tìm bạn bên ngoài”.
Đảng chủ trương một một chính sách ngoại giao mở rộng. Báo Sự thật của Đảng số 43 ngày 5.7.1946 đăng bài Chính sách của chúng ta của Tổng Bí thư Trường Chinh, xác định “mục đích của ta lúc này là tự do, độc lập. Ý chí của ta lúc này là dân chủ, hòa
bình. Là bạn của ta trong giai đoạn này tất cả những nước nào, những dân tộc hay lực lượng nào trên thế giới tán thành mục đích ấy, cùng ta chung một ý chí ấy”. Liên Xô là bạn đồng minh của cách mạng Việt Nam: “Liên Xô trực tiếp giúp sức cho phong trào dân tộc độc lập và dân chủ tự do ở các nước Đông Âu và Bancăng, cũng như ở Triều Tiên, Trung Quốc và Nhật. Báo chí Liên Xô đã từng lên tiếng tố cáo những hoạt động trái với Hiến chương Liên Hiệp quốc của bọn thực dân Anh, Pháp ở Việt Nam… Tóm lại Liên Xô là một người bạn rất đáng cho ta tin cậy”. “Bạn thân nhất của ta bên ngoài là các dân tộc thuộc địa và bán thuộc địa đang tranh đấu giành tự do, độc lập, nhất là những dân tộc Ấn, Trung Hoa và Nam Dương… Sau nữa bạn của ta là dân tộc Pháp, một dân tộc đã từng đi tiên phong trong cuộc tranh đấu cho tự do và chính nghĩa, một dân tộc hy sinh phấn đấu như ta chống bọn phát xít xâm lược và đang góp một phần đáng kể vào công cuộc xây dựng hòa bình và dân chủ cho loài người”. “Ngoài các dân tộc thuộc địa và bán thuộc địa, ngoài nhân dân Pháp và Liên Xô, bạn của dân tộc Việt Nam còn là các lực lượng hòa bình và dân chủ tiến bộ trên khắp thế giới, ngay ở các nước đế quốc già nhất như Anh, Mỹ nữa…, chúng ta tranh đấu không cô độc. Bạn hữu của ta rất nhiều trên khắp thế giới. Điều cốt yếu là chúng ta phải biết tìm kiếm, gần gũi họ. Nếu bên trong, chúng ta phải lập Mặt trận dân tộc thống nhất chống phản động Pháp, giành độc lập hoàn toàn, thì ở ngoài, dân tộc ta phải đứng vào phe các lực lượng tranh đấu cho hòa bình và dân chủ, bài trừ tàn tích phát xít, chống phản động quốc tế”.
Chúng ta phải “giành lấy ngoại giao, đòi gia nhập Liên Hiệp Quốc, ra sức tuyên truyền quốc tế, phá tan những luận điệu vu khống của bọn Pháp phản động, chúng luôn luôn tìm cách ly gián ta với nhân dân Pháp và với các dân tộc trên thế giới” [17, tr.437- 440]. Trong hoàn cảnh bị bao vây cô lập, quan hệ với các nước láng giềng có vị trí rất quan trọng. Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương (7.1946) chỉ rõ: “Đông Dương hiện nay bị hãm trong vòng vây của đế quốc chủ nghĩa, nhiệm vụ là phải liên minh với các dân tộc bị áp bức và vô sản thế giới, đặc biệt với các nước lân cận để củng cố công cuộc cách mạng của mình” [17, tr.437-440]. Vấn đề đoàn kết với lực lượng kháng chiến ở Lào và Campuchia đã được Đảng và Chính phủ ta quan tâm từ rất sớm, tìm cách tạo cơ sở về tổ chức và pháp lý cho sự liên minh. Ngày 30.10.1945, hiệp định liên minh quân sự giữa Chính phủ Ítxala và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng hiệp định thành lập liên quân Lào – Việt được ký kết. Cuối năm 1945, đại diện Chính phủ Việt Nam ký với Ủy ban Cao Miên độc lập tuyên bố chung về “Đoàn kết Việt –
Miên – Lào chống Pháp”. Đầu năm 1946, tại Đông Nam Campuchia liên quân Miên – Việt được xây dựng. Việc xác định chính sách cụ thể đối với từng đối tượng chủ yếu là hết sức sáng suốt và cần thiết trong bối cảnh lúc đó, nhằm thực hiện lợi ích tối cao của dân tộc ta là giành được sự công nhận quốc tế đối với Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tranh thủ điều kiện để củng cố nền độc lập. Vì tầm quan trọng và tính cấp thiết của Thông cáo, ngày 6.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp giới báo chí trong và ngoài nước để làm rõ thêm chính sách đối với Mỹ, Trung Hoa và với Pháp, thực hiện sách lược tranh thủ Mỹ hòa hoãn với Trung Hoa và đòi Pháp thừa nhận nền độc lập của Việt Nam. Vận dụng chính sách ngoại giao ngày 3.10.1945 hoạt động ngoại giao Nhà nước đã chủ động thực hiện những biện pháp linh hoạt, có nguyên tắc trong việc đón tiếp các lực lượng Đồng Minh vào nước ta, duy trì mối quan hệ với bộ phái Mỹ đến nước ta sau chiến tranh, tranh thủ mọi lực lượng trung gian, kiềm chế và cô lập thế lực thực dân Pháp khi chúng mới vào nước ta, đi đến thỏa thuận ngừng bắn cục bộ Anh – Pháp – Việt ở Nam Bộ (từ ngày 3 đến ngày 8.10.1945) tạo thời gian ngừng chiến tạm thời để ta chuẩn bị lực lượng ở phía Nam và đem quân Nam tiến từ phía Bắc. Trước hết, trong các văn kiện nói trên Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta khẳng định mục tiêu chính sách ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta là độc lập dân tộc , hòa bình và hữu nghị với nhân dân thế giới. Nghị quyết Hội nghị toàn quốc của Đảng khẳng định Việt Nam chủ trương “thân thiện với các nước coi trọng nền độc lập dân tộc Việt Nam” [16, tr. 426]. Tinh thần đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố trong bản Tuyên ngôn độc lập – một thông điệp ngoại giao quan trọng đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi Chính phủ và nhân dân thế giới.
Người khẳng định những quyền dân tộc cơ bản của dân tộc Việt Nam và trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”[42, tr.4]. Tinh thần ấy được cụ thể hóa trong Thông cáo về chính sách ngoại giao của Chính phủ ngày 3.10.1945. Bản Thông cáo nêu rõ chính sách ngoại giao của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là “nhằm đưa nước nhà đến độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn, và góp phần cùng các nước Đồng Minh chống phát xít, trên cơ sở các nguyên tắc dân chủ được các liệt quốc thừa nhận xây đắp lại nền hòa bình thế