CHƯƠNG 2: ĐƯỜNG LỐI ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA GIAI ĐOẠN 1945 – 1954
2.4 Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm
2.4.2 Một số bài học kinh nghiệm
Ôn lại chặng đường chiến đấu đã qua, chúng ta có thể và cần rút ra một số kinh nghiệm để ứng dụng vào hoạt động trên bước đường đấu tranh tiếp theo phía trước, tiếp tục phát huy chính nghĩa chói ngời về truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Một là, Phát huy truyền thống hòa hiếu dân tộc, giương cao ngọn cờ độc lập, hòa bình, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ, thực hiện phương châm thêm bạn bớt thù, mở rộng đoàn kết quốc tế là một nét nổi bật trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta giai đoạn 1945 – 1954. Là một nước nhỏ, Việt Nam thường phải đương đầu với các cuộc chiến tranh xâm lược của các nước đế quốc lớn, dân tộc Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác luôn sẵn sàng kiên quyết chiến đấu vì độc lập dân tộc, đồng thời luôn giương cao ngọn cờ hòa bình, hòa hiếu sẵn sàng làm bạn với các nước tôn trọng chủ quyền của dân tộc ta. Chính sách ngoại giao hòa hiếu đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc ta. Đảng và Nhà nước ta đã kế thừa và nâng
truyền thống đó lên tầm cao mới. Trong suốt giai đoạn 1945 – 1954, lúc hòa bình cũng như khi chiến đấu chống xâm lược, Đảng và Nhà nước ta luôn chủ trương thực hiện chính sách hòa hiếu với tất cả các nước tôn trọng chủ quyền độc lập của nước Việt Nam, kể cả những nước đã từng là kẻ thù xâm lược. Chính sách đó thể hiện tính chất chính nghĩa, hợp đạo lý của sự nghiệp ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta. Đó là cơ sở của phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa công tác ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.
Hai là, Ngoại giao đa dạng, phong phú và phải giải quyết nhiều tình huống khác nhau trong những bối cảnh khác nhau. Về đối tượng cách mạng: lúc có nhiều kẻ thù với những thủ đoạn chống phá khác nhau, lúc có ít kẻ thù (thực dân Pháp xâm lược) nhưng bằng một cuộc chiến tranh quy mô lớn và cường độ ngày càng ác liệt; khi thì đế quốc Mỹ quan tâm chủ yếu đến châu Âu và mới chỉ là kẻ thù tiềm tàng, khi thì Mỹ quan tâm nhiều hơn đến châu Á và dần dần trở thành kẻ thù chính của nhân dân Việt Nam bằng sự can thiệp ngày càng sâu hơn vào Đông Dương.
Về không gian chiến tranh: khi thì phải tiến hành chiến tranh ở miền Nam, khi thì phải tiến hành chiến tranh trong cả nước.
Về quan hệ với bên ngoài: có giai đoạn bị chủ nghĩa đế quốc bao vây bốn phía, phải hoàn toàn “tự lực cánh sinh” (1945 – 1949), có giai đoạn được ủng hộ vật chất và tinh thần từ các anh em (1950 – 1954); lúc chỉ có quan hệ ngoại giao nhân dân, lúc có cả quan hệ trên các mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân với các nước trong hệ thống chủ nghĩa xã hội; giai đoạn đầu cuộc chiến tranh chỉ là sự đụng độ giữa hai bên tham chiến, giai đoạn sau (từ 1950) thì trở thành vấn đề quốc tế giữa hai hệ thống: xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Chính sách ngoại giao cũng còn bị chi phối bởi tương quan lực lượng trên chiến trường, trên thế giới và chiến lược của các nước lớn…
Ba là, Chính sách ngoại giao thời chiến, gắn liền với chiến trường, kết hợp đánh trên chiến trường và đàm phán trên bàn hội nghị, phục vụ đấu tranh quân sự là chủ yếu. Trong chiến tranh, đấu tranh quân sự giữ vị trí hàng đầu. Chiến tranh càng phát triển thì hình thức đấu tranh quân sự càng trở nên quan trọng, vì nó giữ vị trí quyết định trong việc tiêu diệt lực lượng quân sự địch. Vì thế, Đảng hết sức tập trung sự chỉ đạo cuộc đấu tranh trên mặt trận quân sự. Mọi hoạt động khác, trong đó có ngoại giao, phải góp phần tạo ra sức mạnh cho cuộc kháng chiến. Bởi vậy, đặc điểm quan trọng của chính sách ngoại giao giai đoạn 1945–1954 là một chính sách ngoại
giao thời chiến, phục vụ yêu cầu giành thắng lợi trong chiến tranh. Chính sách ngoại giao phải dựa trên cơ sở thực lực cách mạng bên trong của đất nước. “Thực lực như cái chiêng, ngoại giao như cái tiếng, chiêng có to thì tiếng mới lớn”. Tuy nhiên, chính sách ngoại giao không phụ thuộc một cách máy móc vào thắng lợi trên chiến trường, mà có thể phát huy yếu tố chính nghĩa của cuộc chiến tranh để xác định thế chủ động chiếm lĩnh trận địa dư luận quốc tế và tiến công địch trên địa bàn đàm phán. Để phục vụ cho đấu tranh quân sự, Đảng chủ trương tăng cường vận động quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ quốc tế đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Chính sách ngoại giao của Đảng hướng tới bạn đồng minh bên ngoài, trước hết là Trung Quốc, Liên Xô, các nước dân chủ nhân dân, các lực lượng độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ trên thế giới. Chính sách đó còn nhằm phân hóa và cô lập cao độ kẻ thù đế quốc xâm lược và tay sai để tập trung mũi nhọn tranh đấu vào chúng.
Trong khi lãnh đạo toàn dân quyết tâm chiến đấu đế cùng, với quan điểm nhân đạo và hòa bình, Đảng chủ trương không bỏ lỡ cơ hội đàm phán để kết thúc chiến tranh. Trên cơ sở giành thắng lợi trên chiến trường, làm tiêu tan hy vọng giành thắng lợi bằng quân sự của địch, Đảng đã chỉ đạo “vừa đánh vừa đàm”, kết hợp giành thắng lợi quyết định trên chiến trường với đàm phán tại Hội nghị Giơnevơ để kết thúc cuộc kháng chiến.
Bốn là, Đối ngoại phục vụ tích cực cho chính trị đối nội giành và giữ độc lập tự do. Độc lập tự do là mục tiêu trực tiếp của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn 1945 – 1954. Cũng như chính sách đối nội, chính sách ngoại giao nhằm thực hiện mục tiêu đó. Biểu hiện cụ thể là nhằm vào việc tranh thủ bạn đồng minh bên ngoài, phân hóa và cô lập cao kẻ thù, bảo vệ độc lập chủ quyền, đặc biệt là giữ vững chế độ cộng hòa dân chủ, giữ vững chính quyền cách mạng – thành quả quan trọng nhất của cách mạng tháng Tám; phục vụ cuộc chiến tranh chống xâm lược của dân tộc Việt Nam với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Tuy nhiên, trong khi nỗ lực phục vụ cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, chính sách ngoại giao của Đảng không theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chỉ biết lợi dụng sự giúp đỡ bên ngoài vì quyền lợi ích kỷ của dân tộc mình, mà còn nhằm góp phàn vào cuộc đấu tranh chung của hệ thống xã hội chủ nghĩa, của các lực lượng hòa bình dân chủ trên thế giới, chống chủ nghĩa đế quốc gây chiến, bảo vệ hòa bình và
an ninh quốc tế; kết hợp chủ nghĩa dân tộc chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng.
Năm là, Đối ngoại góp phần phá thế bị bao vây cô lập, mỏ rộng quan hệ quốc tế. Trong tình thế bị bao vây từ sau cách mạng tháng Tám đến năm 1949, chính sách ngoại giao của Đảng đã hướng về các nước trong khu vực Đông Nam Á và Nam Á (nhất là Thái Lan, Miến Điện và Ấn Độ), tạo điều kiện giữ được liên hệ với bên ngoài, chuyển được những tin tức thế giới về trong nước và những thông tin về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam ra với một số bạn bè quốc tế, cử được các đoàn đại biểu tham dự một số hội nghị quốc tế. Sau khi cách mạng Trung Quốc thành công, trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, chính sách ngoại giao của Đảng có sự điều chỉnh, hướng mạnh về hệ thống xã hội chủ nghĩa, chủ động đề ra phương hướng phối hợp với phong trào cách mạng của nhân dân Trung Quốc chống tàn quân Tưởng Giới Thạch ở vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc, tranh thủ sự công nhận về mặt nhà nước, tăng cường quan hệ về Đảng và nhân dân, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung Quốc, giành thắng lợi trong chiến dịch Biên giới, phá thế bị bao vây cô lập; từ đó ngày càng mở rộng quan hệ với các nước và các lực lượng đồng minh bên ngoài; kết hợp cuộc kháng chiến trong nước với phong trào đấu tranh chung của nhân dân thế giới và nhân dân Pháp.
Sáu là, Đối ngoại góp phần buộc chủ nghĩa đế quốc phải công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nước Việt Nam. Cuộc đấu tranh vì độc lập tự do trước hết là giành những quyền dân tộc cơ bản: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Chủ trương chính sách ngoại giao của Đảng, phản ánh trong những biện pháp đấu tranh với kẻ thù và vận động quốc tế qua ba giai đoạn khác nhau từ năm 1945 đến năm 1954 luôn nhằm vào mục tiêu số một đó. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cuộc đấu tranh kiên trì bền bỉ, khi bằng những biện pháp nhân nhượng, khi buộc phải tiến hành chiến tranh, qua nhiều cuộc tiếp xúc với các thế lực thù địch, đều nhất quán ở nguyên tắc cao nhất là không vi phạm chủ quyền dân tộc. Đó là chân lý, là động lực và mục tiêu chiến đấu của dân tộc Việt Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Vận động các nước anh em thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng là để tăng
thêm “vây cánh”, nhằm buộc chủ nghĩa đế quốc phải công nhận các quyền dân tộc cơ bản đó. Từ cách mạng tháng Tám đến Hội nghị Giơnevơ 1954 về Đông Dương là một quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta. Cuối cùng “ngoại giao ta đã thắng to”. Các nước đế quốc đã phải thừa nhận quyền dân tộc cơ bản của nước Việt Nam. Từ năm 1945 đến năm 1954, chính sách ngoại giao của Đảng từng bước phát triển trong những điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau. Những tư tưởng cơ bản của chính sách đó là: độc lập dân tộc gắn liền với định hướng xã hội chủ nghĩa; độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại; giành thắng lợi từng bước tiến lên giành thắng lợi cuối cùng. Việc thực hiện chính sách ngoại giao của Đảng trong thời kỳ này với những thành công và hạn chế để lại nhiều kinh nghiệm lịch sử quý báu cho các giai đoạn cách mạng sau.
Bảy là, Hoạt động đối ngoại luôn phải hướng tới mục tiêu kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi sức mạnh dân tộc là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đồng thời Người khẳng định:
Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, muốn giành được thắng lợi, cách mạng Việt Nam phải tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của cách mạng thế giới.
Theo tinh thần đó, ngay sau cách mạng tháng Tám, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương một mặt tăng cường xây dựng, bồi dưỡng thực lực cách mạng, mặt khác tích cực mở rộng hoạt động ngoại giao tìm kiếm sự ủng hộ và giúp đỡ quốc tế. Hai nhiệm vụ này có tác động tích cực, hỗ trợ lẫn nhau, trong đó việc tăng cường thực lực bên trong giữ vai trò quyết định. Trong thực tiễn hoạt động ngoại giao giai đoạn này, Đảng và Nhà nước ta đã kết hợp nhuần nhuyễn lợi ích dân tộc với nghĩa vụ quốc tế. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta được đặt trong cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình và tiến bộ xã hội nói chung và cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương nói riêng. Yêu cầu Đảng và nhân dân ta lúc này là phải phân biệt rõ bọn thực dân Pháp cướp nước, với nhân dân Pháp yêu chuộng hòa bình và công lý. Nhờ đó, cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã từng bước nhận được sự đồng tình, ủng hộ ngày càng to lớn cả về tinh thần và vật chất của nhân dân thế giới, đặc biệt là nhân dân Pháp. Luôn tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế, Đảng và Nhà nước ta không quên nghĩa vụ của cách mạng Việt Nam. Thường xuyên yêu cầu Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải thực hiện nghĩa vụ với phong trào cách mạng thế giới, đặc biệt là với nhân dân hai
nước Lào và Campuchia. Trong thực tế, Đảng và Nhà nước ta đã làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ cách mạng hai nước ta cũng như câu nói của Bác thường căn dặn
“giúp bạn là tự giúp mình”. Việc xây dựng thành công khối đoàn kết nhân dân ba nước Đông Dương – một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp – là biểu hiện sinh động đường lối ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta nói trên.
Tám là, Tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo là nhân tố quyết định thành công của mọi hoạt động đối ngoại. Đây là tư tưởng cơ bản, bao trùm, quán xuyến mọi hoạt động ngoại giao – từ việc hoạch định đường lối, chính sách đến các hoạt động cụ thể của Đảng và Nhà nước ta giai đoạn 1945 – 1954. Bằng tư duy độc lập, sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyễn truyền thống dân tộc với các bài học kinh nghiệm quốc tế và điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam, ngay từ những ngày đầu tiên sau cách mạng tháng Tám, Đảng và Nhà nước ta chủ động đề ra đường lối ngoại giao đúng đắn, sáng tạo đáp ứng lợi ích dân tộc, đồng thời phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, đó là độc lập, hòa bình, hữu nghị, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ trên tinh thần tôn trọng các quyền cơ bản và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, trong quá trình chỉ đạo thực hiện đường lối nói trên, hoạt động ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta không khi nào bị cuốn vào ý đồ của các thế lực quốc tế. Đảng và Nhà nước ta luôn theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, thái độ các đối tượng, căn cứ vào yêu cầu của cách mạng nước ta để đề ra nhiệm vụ, phương pháp ngoại giao cho từng giai đoạn cụ thể, đồng thời có chính sách đối xử với từng đối tượng thích hợp. Nhờ vậy, hoạt động ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta giai đoạn này đã giành được nhiều kết quả góp phần quan trọng vào việc bảo vệ thành quả cách mạng tháng Tám và làm nên thành công của kháng chiến chống Pháp, khẳng định vị thế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từng bước đưa nước ta tham gia vào đời sống chính trị quốc tế.