2.1 HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CHỦ THỂ KINH TẾ TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG GIAI ĐOẠN
2.1.5 Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
Bao gồm doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và các liên doanh giữa các doanh nghiệp trong nước với nước ngoài, trong đó nước ngoài chiếm tỷ trọng vốn lớn nhất.
Thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã tồn tại ở nước ta ngay từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, đánh dấu bằng sự kiện: tháng 12/1987, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thông qua, và thành phần kinh tế này ngày càng phát triển lớn mạnh hơn. Tuy nhiên, chỉ mới gần đây, tại Đại hội IX, Việt Nam mới chính thức coi kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một thành phần kinh tế, bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là bước phát triển mới về quan điểm, nhận thức của Đảng ta so với các Đại hội trước về vai trò, vị trí của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng ta là “phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững”, “kết hợp chặt chẽ giữa nội lực và ngoại lực để tạo thành nguồn lực tổng hợp cho công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước”.
Trong những năm qua, Nhà nước đã tiếp tục bổ sung nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài như mở rộng phạm vi đầu tư về quy mô, lĩnh vực hoạt động và hình thức đầu tư. Cụ thể: luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 xác định: Đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền hoặc bất kì tài sản nào để tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật. Theo luật này thì Nhà nước ta khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và tuân thủ luật pháp của Việt Nam, bình đẳng và các bên cùng có lợi.
Đại hội lần thứ IX của Đảng (4/2001) xác định nhiệm vụ: không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trong việc thu hút và sử dụng đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX khẳng định chủ trương khuyến khích tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoài nước đầu tư cho phát triển, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước hội nhập bình đẳng với kinh tế khu vực. Trên tinh thần đó, tiếp tục thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp, áp dụng từng bước và có mức độ, được quản lý và giám sát chặt chẽ các hình thức đầu tư gián tiếp; khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA, đẩy nhanh tốc độ giải ngân để vốn bên ngoài nhanh chóng đi vào sản xuất.
Tiếp tục tạo điều kiện về mọi mặt để thành phần kinh tế này phát triển thuận lợi, hướng vào xuất khẩu, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với thu hút công nghệ hiện đại, tạo thêm nhiều việc làm. Cải thiện môi trường kinh tế và pháp lý để thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài.
Đối với thành phần kinh tế này, Nghị quyết Trung ương 9 khóa IX nhận định:
Tạo chuyển biến cơ bản trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, nhất là của các tập đoàn xuyên quốc gia , hướng mạnh hơn vào những ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn.
Mở rộng các lĩnh vực đầu tư và đa dạng hóa các hình thức đầu tư nước ngoài phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Đẩy nhanh việc giải ngân và sử dụng có hiệu quả vốn ODA.
Từ năm 1987 đến nay, vị trí của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế ngày càng đóng vai trò quan trọng. Năm 2002, mức đóng góp của khu vực kinh tế này là 14% GDP. Đến năm 2003, cả nước có trên 4.500 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy phép với tổng số vốn đăng ký là 42 tỷ USD, trong đó vốn
thực hiện 25 tỷ USD, chiếm khoảng 18% trong tổng vốn đầu tư phát triển của nền kinh tế [14; tr262].
Trong tám tháng đầu năm 2003, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã thu hút thêm được khoảng 40.000 lao động, đưa tổng số lao động đang trực tiếp đang làm việc trong khu vực này lên 640.000 người [14; tr532]. Ngoài ra, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng tạo việc làm cho hàng vạn lao động gián tiếp, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định đời sống của người lao động.
Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài góp phần rất lớn vào ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Khu vực này hướng vào sản xuất kinh doanh hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu, hàng hóa và dịch vụ có công nghệ cao. Phần lớn các ngành có công nghệ cao, hiện đại đều do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm giữ như: khai thác dầu khí, lắp ráp ô tô, xe máy, công nghiệp điện tử, thiết bị văn phòng. Năm 2002, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 100% sản xuất dầu thô, hơn 90% sản xuất và lắp ráp ô tô, máy giặt, điều hòa nhiệt độ, hơn 80% trong sản xuất và lắp ráp xe máy và tivi, 60% sản lượng thép cán,…[14; tr263].
Hiện nay, xuất khẩu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hàng năm chiếm khoảng 47% - 50% kim ngạch xuất khẩu của cả nước và 80% - 90% kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là hàng chế biến, chế tạo.
Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục chiếm giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực này sẽ hòa quyện dần với các khu vực kinh tế khác trong nước khi Nhà nước đang có chủ trương xây dựng mặt bằng pháp luật chung cho cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.
Phát triển nhiều thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chủ trương đúng đắn của Đảng ta, phù hợp với quy luật và xu hướng phát triển hiện nay. Các thành phần kinh tế đều có những vai trò nhất định với những ưu thế riêng, tạo dựng nên một nền kinh tế có sức mạnh. Việc tạo lập một nền kinh tế mà trong đó mọi thành phần kinh tế đều khẳng định vai trò của chúng thông qua kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh với nhau sẽ mang lại chất lượng tăng trưởng và hiệu quả cao hơn cho toàn bộ nền kinh tế đất nước.