CHƯƠNG 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ PHÁ SẢN VÀ PHÁP LUẬT PHÁ SẢN
1.3. Thủ tục phá sản – Nội dung cơ bản của pháp luật phá sản
Trên thực tế, bất kì công việc hay hoạt đồng nào cũng đều cần thực hiện lần lượt theo một trình tự nhất định để có thể hoàn thành hay đạt được kết quả như mong muốn.
Thủ tục là “cách thức đã định để thực hiện một hoạt động” [33]. Cũng có thể hiểu thủ tục là tổng hợp các bước cần được thực hiện theo trình tự nhất định để hoàn thành một hoạt động nào đó. Tình trạng phá sản là hậu quả đương nhiên của quá trình cạnh tranh, kinh doanh trên thương trường. Từ thực tiễn đã hình thành những thủ tục giải quyết tình trạng làm ăn thua lỗ đa dạng và hiệu quả thể hiện sự linh hoạt, mềm dẻo của thị trường và khi cần thiết có sự điều chỉnh, can thiệp của nhà nước.
Đứng từ phía con nợ, có thể hiểu thủ tục phá sản là tổng hợp các bước mà DN, HTX phải thực hiện theo trình tự nhất định để thanh toán các khoản nợ đến hạn nếu rơi vào tình trạng không còn khả năng chi trả khi các chủ nợ có yêu cầu. Bên cạnh đó đứng từ phía chủ nợ thì thủ tục phá sản là một cách thức chủ nợ thực hiện quyền đòi nợ của mình khi một DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản. Điều 5 Luật Phá sản (2004) đã quy định đa dạng và linh hoạt các thủ tục mà Tòa án có thể áp dụng khi giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được áp dụng đối với DN, HTX khi lâm vào tình trạng phá sản. Cụ thể:
Thứ nhất, Thủ tục phá sản được áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản bao gồm: (a) Nộp đơn yêu cầu và mở thủ tục phá sản; (b) Phục hồi hoạt động kinh doanh; (c) Thanh lý tài sản, các khoản nợ; (d) Tuyên bố phá sản.
Thứ hai, Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, căn cứ vào quy định cụ thể của Luật này, Thẩm phán quyết định áp dụng một trong hai thủ tục quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hoặc quyết định chuyển từ áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh sang áp dụng thủ tục thanh lý tài sản, các khoản nợ hoặc tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản.
Khác với cách tiếp cận của Luật Phá sản (2004), Luật Phá sản (2014) không có điều luật riêng quy định về thủ tục phá sản. Nằm rải rác trong các quy định pháp luật, có thể thấy thủ tục phá sản quy định trong Luật Phá sản (2014) chỉ bao gồm hai thủ tục chính là thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh và thủ tục tuyên bố phá sản. Thanh lý tài sản được thực hiện sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản, là một hoạt động để thi hành quyết định tuyên bố phá sản chứ không còn là một thủ tục riêng biệt được tiến hành trước khi ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản như trước nữa. Thủ tục phá sản sẽ kết thúc sau khi thi hành xong quyết định tuyên bố phá sản. Đối với doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, không nhất thiết phải thực hiện lần lượt hai thủ tục nêu trên để được phá sản. Tòa án có thể tuyên bố DN, HTX phá sản theo thủ tục rút gọn được quy định tại Điều 105 Luật Phá sản (2014).
Tóm lại, về bản chất, thủ tục phá sản là thủ tục tư pháp vì nó do Tòa án là cơ quan tư pháp tiến hành, đối tượng của hoạt động tố tụng phá sản là quan hệ pháp lý phát sinh giữa chủ nợ (bên có quyền được thanh toán) và con nợ (bên có nghĩa vụ thanh toán) thông qua cơ chế đặc biệt. Như vậy, khái niệm thủ tục phá sản có thể hiểu là thủ tục tư pháp đặc biệt do Tòa án tiến hành khi có yêu cầu của người có quyền nộp đơn, nhằm giải quyết tranh chấp lợi ích về tài sản phát sinh giữa chủ nợ và con nợ do con nợ mất khả năng thanh toán các khoản nợ trong thời hạn ba tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
1.3.2. Đặc điểm của thủ tục phá sản
Khác với thủ tục giải quyết một vụ kiện dân sự hay một vụ kiện kinh tế, thủ tục giải quyết một vụ phá sản được coi là một thủ tục tố tụng tư pháp đặc biệt. Tính chất đặc biệt của thủ tục phá sản được thể hiện ở những đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, thủ tục phá sản là một thủ tục đòi nợ tập thể.
Trong một vụ kiện đòi nợ theo thủ tục tố tụng dân sự, các chủ nợ hầu như thực hiện đòi nợ một cách độc lập, riêng lẻ, không liên quan đến nhau. Khác với điều thông thường đó, thủ tục phá sản là thủ tục mà ở đó việc đòi nợ cũng như trả nợ được tiến hành một cách tập thể. Theo quy định của pháp luật phá sản, trong quá trình đòi nợ, các chủ nợ không được phép đòi nợ độc lập và phải tập hợp lại, hình thành nên Hội nghị chủ nợ (HNCN) - tổ chức đại diện cho tất cả các chủ nợ để tham gia vào việc giải quyết phá sản của con nợ.
Thứ hai, thủ tục phá sản là thủ tục đòi nợ được tiến hành trong hoàn cảnh đặc biệt, như một biện pháp cuối cùng của quá trình đòi nợ.
Thông thường, trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp, thủ tục đòi nợ và trả nợ thông thường có thể được tiến hành bất cứ lúc nào có thể. Tuy nhiên, thủ tục phá sản chỉ được tiến hành khi và chỉ khi doanh nghiệp mắc nợ đã lâm vào tình trạng tài chính không có lối thoát – mất khả năng thanh toán nợ. Nói cách khác, thủ tục phá sản chỉ xuất hiện như một giải pháp cuối cùng mà các chủ nợ buộc phải sử dụng khi các phương thức đòi nợ khác đã bất lực.
Thứ ba, thanh toán nợ trong thủ tục phá sản được tiến hành trên cơ sở số tài sản còn lại của doanh nghiệp.
Điều này này hoàn toàn khác với nguyên tắc trong dân sự là phải trả đủ nợ, nghĩa là nợ bao nhiêu thì phải trả bấy nhiêu. Ngược lại, trong việc thanh lý tài sản phá sản, nếu tài sản có lớn hơn hoặc bằng tài sản nợ thì đương nhiên các chủ nợ được thanh toán đầy đủ, còn nếu số tài sản có nhỏ hơn số tài sản nợ thì con nợ cũng chỉ dùng số tài sản đó để trả nợ mà thôi. Phần nợ còn thiếu thì các chủ nợ phải chịu rủi ro theo tỷ lệ nhất định. Tuy nhiên, nguyên tắc này không áp dụng với các doanh nghiệp có chế độ trách nhiệm vô hạn như doanh nghiệp tư nhân hay công ti hợp danh.
Thứ tư, thủ tục phá sản là thủ tục mà hậu quả của nó thường là sự chấm dứt hoạt động của một thương nhân.
Trong tố tụng dân sự, sau khi con nợ đã trả nợ xong, họ vẫn tồn tại và hoạt động một cách bình thường, nhưng trong phá sản thì lại có nhiều khác biệt. Để giúp các chủ nợ thu hồi món nợ của mình, Tòa án có thể phải ra quyết định pháp lý đặc biệt như quyết định
chấm dứt sự tồn tại của Doanh nghiệp và tiến hành thanh lý tài sản. Sau khi thi hành xong quyết định tuyên bố phá sản, DN, HTX sẽ bị xóa tên trong sổ đăng kí kinh doanh. Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật phá sản, chủ doanh nghiệp còn bị cấm kinh doanh trong một thời gian nhất định. Có thể thấy, hậu quả trực tiếp của phá sản có thể là sự chấm dứt hoạt động của chính bản thân con nợ.
Thứ năm, thủ tục phá sản không chỉ thuần túy là thủ tục đòi nợ mà còn là thủ tục có khả năng giúp con nợ phục hồi hoạt động.
Ở những mức độ và phạm vi khác nhau, phá sản bao giờ cũng kéo theo những hậu quả kinh tế xã hội nhất định mà trực tiếp là những ảnh hưởng đến lợi ích của các chủ nợ và những người lao động. Hậu quả đáng lưu ý đi liền với phá sản là vấn đề việc làm và thu nhập của người lao động hay gây những hậu quả dây chuyền. Với các chủ nợ thì phá sản cũng không hẳn là một phương án tối ưu bởi không phải lúc nào doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán cũng còn đủ tài sản để thanh toán hết nợ cho chủ nợ. Bởi vậy, trên thực tế đây không phải là cách thức có lợi nhất cho các chủ nợ nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Do đó, ngoài mục tiêu thanh lý tài sản để trả nợ, pháp luật phá sản nhiều nước trên thế giới còn đặt ra một mục tiêu quan trọng khác, đó là giúp đỡ con nợ thoát khỏi tình trạng phá sản, phục hồi hoạt động kinh doanh.
1.3.3. Vai trò của thủ tục phá sản
Để việc phá sản được tiến hành một cách có trật tự, đúng pháp luật thì pháp luật phá sản cần có những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tiến hành phá sản doanh nghiệp. Những quy định này là cơ sở pháp lý để Tòa án tiến hành phá sản DN, HTX, bảo đảm vụ việc được giải quyết đúng pháp luật.
Pháp luật phá sản ở nước ta hiện nay được ban hành chậm so với các nước trên thế giới và trong khu vực, nhưng đã góp phần quan trọng vào việc hình thành một cơ chế pháp lý đồng bộ cho hoạt động xử lý nợ của các doanh nghiệp, bảo đảm trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực tài chính, làm cho môi trường kinh doanh trở nên lành mạnh hơn, đồng thời cũng góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế trong thời kì đổi mới.
Việc áp dụng đúng thủ tục phá sản sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ nợ và người lao động. Trong kinh doanh, việc nợ nần lẫn nhau là hiện tượng bình thường, ít doanh nghiệp có thể tránh khỏi. Khi có nợ thì chủ nợ đương nhiên được quyền đòi nợ thông qua mọi hình thức, biện pháp khác nhau, trong đó có biện pháp khởi kiện ra Tòa án. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc kiện tụng ra Tòa án không thể giải quyết được một cách thỏa đáng quyền lợi của các chủ nợ, nhất là khi con nợ bị mất khả năng thanh toán. Pháp luật phá sản ra đời đã quy định về thủ tục phá sản, một thủ tục đòi nợ đặc biệt cho các chủ nợ. Có thể nói, điều mà các chủ nợ lo ngại nhất là con nợ không thể trả lại các khoản nợ đã vay của mình. Tuy nhiên, thông qua thủ tục phá sản, các doanh nghiệp hợp tác xã có nguy cơ phá sản sẽ có cơ hội được phục hồi, trở lại tình trạng ban đầu, có khả năng thanh toán các khoản nợ của chủ nợ. Còn nếu DN, HTX không thể phục hồi, bị tuyên bố phá sản thì các tài sản của doanh nghiệp cũng được thanh lý toàn bộ để trả nợ cho các chủ nợ.
Đối với các DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản, áp dụng thủ tục phá sản là một giải pháp tránh việc các chủ nợ tự do tranh dành “xiết nợ”, ngăn cản các chủ nợ đòi nợ theo kiểu mạnh ai nấy đòi, từ đó dẫn đến tình trạng mất trật tự xã hội [31; tr.17]. Thủ tục phá sản là do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành, đảm bảo cho việc thực thi được thống nhất, trật tự, bằng mọi cách tạo điều kiện cho con nợ khắc phục khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường hoặc tạo cơ hội cho con nợ rút khỏi thương trường một cách có trật tự.
Tóm lại, có thể thấy việc phá sản nếu không được quy định cụ thể về trình tự, cách thức có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng về kinh tế - xã hội. Các hậu quả này nhiều khi là nguyên nhân của tình trạng lộn xộn trong đời sống xã hội. Vì vậy, quá trình phá sản nhất thiết phải được tiến hành một cách quy củ, trật tự thông qua một trình tự, thủ tục giải quyết một vụ phá sản.
1.3.4. Khái quát sự hình thành và phát triển của quy định pháp luật về thủ tục phá sản ở Việt Nam
Ở Việt Nam pháp luật phá sản đã có từ thời kỳ Thực dân Pháp đô hộ, nhưng Luật này phần lớn được áp dụng ở miền Nam và trên thực tế dường như rất ít được áp dụng.
Cũng như các nước thuộc địa khác, pháp luật Việt Nam chịu ảnh hưởng của hệ thống pháp luật thực dân. Những quy định về khánh tận, thanh toán tư pháp phá sản cũng đã có trong Bộ luật Thương mại Sài Gòn [29]. Cho đến trước giải phóng miền Nam năm 1975, ở Việt Nam cũng có hai đạo luật điều chỉnh phá sản đã được ban hành là Luật Phá sản trong Luật Thương mại Trung phần tại miền Trung Việt Nam ngày 2/6/1942 và Luật Phá sản trong Luật Thương mại miền Nam Việt Nam năm 1973 [27].
Từ sau giải phóng miền Nam, chúng ta đi theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, không khuyến khích cạnh tranh nên khái niệm phá sản hầu như không có. Khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường thì vấn đề phá sản và giải quyết phá sản mới được đặt ra. Cùng với sự gia nhập của đầu tư nước ngoài, sự nới lỏng tự do kinh doanh cho tư nhân, môi trường cạnh tranh tái xuất hiện và trở nên gay gắt nhanh chóng ngay trên thị trường nội địa. Khi tự do kinh doanh và cạnh tranh tái xuất hiện, nhu cầu điều tiết vỡ nợ các đơn vị kinh doanh vốn thuộc quyền quản lý của nhà nước mới trở nên cấp bách. Nhu cầu điều chỉnh cấp bách bậc nhất của pháp luật phá sản trong các quốc gia chuyển đổi chính là các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ hàng hoạt khi bước vào cạnh tranh với một tư thế thiếu năng động so với khu vực kinh tế tư nhân và tư bản nước ngoài.
Đến năm 1993, Luật phá sản doanh nghiệp được Quốc hội thông qua ngày 30.12.1993 và có hiệu lực từ ngày 01.07.1994. Chính phủ ban hành Nghị định số 189/CP ngày 23.12.1994 hướng dẫn thi hành luật này. Đây là văn bản đầu tiên có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh toàn diện và đầy đủ các vấn đề về phá sản. Tuy nhiên, đặt trong hoàn cảnh kinh tế đất nước mới chuyển đổi, khi mà chưa nhiều vụ phá sản xảy ra thì các quy định trong luật này dường như được thiết kế với trọng tâm đặt vào việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, chưa chú trọng đến các thành phần kinh tế khác. Tiếp theo đó, Luật Phá sản năm 2004 được thông qua ngày 15/6/2004 có hiệu lực thi hành ngày 15/10/2004 thay thế Luật Phá sản doanh nghiệp 1993.
Luật Phá sản (2004) thể hiện nhiều điểm tiến bộ về thủ tục giải quyết phá sản so với Luật phá sản doanh nghiệp 1993, ví dụ như sự linh hoạt, mềm dẻo trong việc áp dụng
các thủ tục khác nhau trong thủ tục phá sản, điều kiện nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản DN, HTX… Điều 5 Luật Phá sản (2004) đi theo hướng quy định nhiều thủ tục khác nhau trong thủ tục phá sản bao gồm: thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của DN, HTX; thủ tục thanh lý tài sản; thủ tục tuyên bố phá sản; và sau khi quyết định mở thủ tục phá sản, căn cứ vào tình trạng thực tế của DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản, Tòa án sẽ quyết định áp dụng thủ tục nào cho phù hợp. Trong khi đó, Luật phá sản doanh nghiệp 1993 lại quy định theo hướng áp đặt khi yêu cầu mọi DN, HTX bị Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đều phải trải qua giai đoạn họp Hội nghị chủ nợ để thông qua phương án phục hồi kinh doanh rồi mới có thể tuyên bố phá sản (kể cả khi doanh nghiệp mắc nợ không còn tài sản gì). Luật Phá sản (2004) cũng quy định đơn giản hơn điều kiện nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và chủ nợ không phải cung cấp cho Tòa án các giấy tờ, tài liệu chứng minh doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ đến hạn khi gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản như Luật Phá sản doanh nghiệp 1993.
Với Luật Phá sản (2004), tình hình thụ lý và giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp đã được cải thiện nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng đơn yêu cầu tòa án tuyên bố phá sản so với số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động là rất thấp; hiệu quả giải quyết việc phá sản ở các cấp Tòa án vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng trong đó có nguyên nhân quy định pháp luật về thủ tục phá sản chưa phù hợp với tình hình kinh tế và xã hội, không tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức yêu cầu tuyên bố phá sản.
Ngày 19/6/2014, tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Phá sản số 51/2014/QH13. So với Luật Phá sản năm 2004, Luật này được đánh giá là có những sửa đổi khá căn bản và toàn diện. Đã có nhiều nội dung về trình tự, thủ tục giải quyết phá sản được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, không phải là không có những hạn chế, thiết sót cũng như khó khăn, thách thức trong việc đưa các quy định mới của Luật Phá sản (2014) vào áp dụng trong thực tế. Vấn đề này sẽ được trình bày cụ thể trong các phần tiếp theo của Luận văn.