CHƯƠNG 1 TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH HOẶC GÂY TỔN HẠI CHO SỨC
1.4. Các trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định của pháp luật hình sự Lào
Theo quy định của Điều 90 BLHS Lào năm 2005, về cơ bản, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được chia thành các trường hợp sau:
1.4.1. Trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 90 Bộ luật hình sự Lào năm 2005 Đây là trường hợp phạm tội thuộc cấu thành tội phạm cơ bản, những người bị xét xử theo khung này thì thực hiện hành vi phạm tội không có những TTĐK tăng nặng ở Khung 2 và 3. Trong trường hợp này, nạn nhân phải bị tổn hại ở mức không đáng kể, mức độ thiệt hại căn cứ vào kết luận của bác sĩ điều trị. Về tỷ lệ % sức khỏe của nạn nhân căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định hoặc của bác sĩ điều trị cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ xem xét có truy cứu một hành vi gây thương tích hay không. Nếu mức độ thiệt hại sức khỏe không đáng kể thì sẽ không truy cứu TNHS (nếu không có thêm các tình tiết ở Khung 2). Mức độ thiệt hại đáng kể theo quy định của Nghị quyết 04/TANDTC ngày 29/11/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC: “Tỷ lệ thương tích từ 11% - 30% là thương tích cần thiết phải xử lý hình sự đối với người có hành vi gây thương tích (theo Khung 1 Điều 90 BLHS Lào năm 2005). Mức độ nguy hiểm của hành vi không chỉ căn cứ vào mức độ thiệt hại của sức khỏe nạn nhân mà còn phải xem xét nhiều mặt như động cơ phạm tội, công cụ, phương tiện và những tình tiết khác của tội phạm. Tỷ lệ gây thiệt hại cho sức khỏe của nạn nhân dưới 10% không gây cố tật nhẹ thì vấn đề truy cứu TNHS không cần thiết phải đặt ra.
Tuy vậy, trong một số trường hợp tỷ lệ thương tích của nạn nhân chưa đạt tới 11%
nhưng người có hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác vẫn có thể phải chịu TNHS. Đó là những trường hợp sau [30]:
- Dùng hung khí nguy hiểm như dao, súng, lựu đạn hoặc dùng thủ đoạn có thể gây nguy hiểm cho nhiều người;
- Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
- Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hay với nhiều người;
- Phạm tội đối với người chưa thành niên, người già, phụ nữ; có tổ chức, có đông người tham gia;
- Phạm tội trong trường hợp đang chấp hình phạt tù, đang bị giam về việc phạm tội, đang bị tập trung cải tạo.
Những người có hành vi gây thương tích mà tỷ lệ thương tật dưới 11% nhưng có những tình tiết trên đây đều bị truy cứu TNHS đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Khoản 1, Điều 90 BLHS Lào năm 2005. Ví dụ: Kongchai đấm nhiều cái vào mồm của Duangkeo, khiến Duangkeo bị chảy máu, dù tỷ lệ thương tật của Duangkeo chỉ có 8% nhưng Kongchai vẫn bị truy cứu TNHS theo Khoản 1, Điều 90 BLHS Lào 2005 vì Kongchai gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của Duangkeo nhiều lần.
1.4.2. Trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 90 Bộ luật hình sự Lào năm 2005 Đây là khung tăng nặng của Điều 90 BLHS năm 2005, bao gồm hai trường hợp:
Thứ nhất, gây hậu quả nghiêm trọng: trường hợp này, hậu quả nghiêm trọng được xác định là sự tổn hại về sức khỏe của người khác thuộc dạng nghiêm trọng. Theo quy định tại Điều 37, Điều 38 BLHS Lào năm 2005, mức độ nguy hiểm của một tội phụ thuộc vào hậu quả về sức khỏe, tinh thần và tài sản mà hành vi phạm tội gây ra. Tuy nhiên, Điều luật lại chỉ quy định mức độ thiệt hại cho tài sản chứ không quy định cụ thể mức độ nghiêm trọng của sức khỏe bị tổn hại. Mức độ này được quy định tại Nghị quyết số 04/TANDTC, cụ thể là thương tích nghiêm trọng hoặc tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe là tổn thương có tỷ lệ thương tích 31 - 60%. Những người có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà mức độ thiệt hại cho sức khỏe nạn nhân đạt tới 31-60% thì phải chịu TNHS theo Khoản 2, Điều 90 BLHS năm 2005. Ví dụ: trong Bản án số 159/BA của Tòa án nhân dân thành phố Viêng - Chăn, Phout Thanavy đã đánh
mù một mắt của anh Sanavy, phải khoét bỏ con mắt đó, nên tỷ lệ thương tật là 45% và Phout thanavy đã bị truy cứu TNHS theo Khoản 2, Điều 90 BLHS Lào năm 2005.
Thực tiễn xét xử còn cho thấy thương tích nghiêm trọng có thể gây ra những cố tật nhỏ cho nạn nhân có thể xem là giảm chức năng của một số bộ phận nào đó. Trong một số trường hợp cụ thể tỷ lệ thương tích chưa đạt được tới 31% nhưng vì xét hành vi của bị cáo có tính chất nguy hiểm cao. Người phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác không bị buộc phải nhận thức được mức độ gây thiệt hại cụ thể (cố ý không xác định trong yếu tố lỗi của mặt chủ quan). Có nghĩa là, người phạm tội chỉ có khả năng nhận thức được mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi do mình gây ra nhưng họ không thể hình dung được cụ thể mức độ gây thiệt hại cho sức khỏe là bao nhiêu. Những hành vi gây thương tích mà nạn nhân bị thương tích ở những vùng xung yếu trên cơ thể, như nạn nhân bị lún xương sọ, thủng bụng, thấu phổi, thủng dạ dày, thủng ruột, dẫn đến nạn nhân có thể bị gây thương tích nặng hoặc bị gây tổn hại nặng cho sức khỏe do những hành vết thương ở vùng xung yếu này gây ra, nhưng do nạn nhân được cứu chữa kịp thời nên mức độ thiệt hại xảy ra không đáng kể hoặc không phải là thương tật nặng (tỷ lệ thương tật dưới 31%). Tuy vậy vấn đề truy cứu TNHS vẫn được đặt ra và người phạm tội bị xử lý theo Khoản 2, Điều 90 BLHS Lào năm 2005.
Thứ hai, trường hợp phạm tội có tổ chức. Phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 17 BLHS Lào năm 2005, đây là trường hợp đặc biệt của đồng phạm. Đồng phạm là trường hợp hai người trở lên cố ý thực hiện một tội phạm. Phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có tổ chức là hình thức đồng phạm trong đó có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Sự cấu kết chặt chẽ giữa những người thực hiện tội phạm thể hiện mức độ liên kết, mức độ phân hóa vai trò, nhiệm vụ cụ thể của từng người. Các thành viên có sự phân chia nhiệm vụ, lên kế hoạch, sự chuẩn bị kĩ lưỡng. Tình tiết phạm tội có tổ chức được coi là TTĐK tăng nặng bởi nó thể hiện sự cấu kết chặt chẽ giữa những người phạm tội, gây hoang mang trong nhân dân cũng như công tác phòng chống, đấu tranh với những đối tượng phạm tội này rất khó khăn, phức tạp.
1.4.3. Trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 90 Bộ luật hình sự Lào năm 2005 Đây được coi là khung tăng nặng đặc biệt của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Đó là những trường hợp: gây cố tật nặng, dẫn đến trở thành người thực vật hoặc dẫn đến chết người.
Thứ nhất, phạm tội gây cố tật nặng cho nạn nhân: cố tật được hiểu đó là chấn thương gây ra những di chứng vĩnh viễn làm mất chức năng của một bộ phận nào đó trên cơ thể hoặc mất hẳn một bộ phận nào đó như cụt chân, cụt tay. Nạn nhân bị cố tật nặng thường biểu hiện ra bên ngoài dưới hình thức: Mù mắt, cụt chân, liệt người, bị bỏng nặng da nhăn nhúm. Nạn nhân bị cố tật nặng thường là người gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Nạn nhân khó có thể tự mình làm việc như ăn uống, đi vệ sinh, họ phải nhờ người khác giúp đỡ trong sinh hoạt. Người bị cố tật nặng thường có tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên. Việc xác định nạn nhân có bị cố tật nặng hay không là do kết luận của Hội đồng giám định y khoa. Trong trường hợp nạn nhân bị cố tật nặng thì kẻ phạm tội sẽ bị xét xử theo Khung 3 của Điều 90 BLHS Lào năm 2005.
Thứ hai, phạm tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại đến sức khỏe người khác dẫn đến trở thành người thực vật hoặc chết người. Đây là trường hợp kẻ phạm tội thực hiện hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng lại gây hậu quả nạn nhân trở thành người thực vật hoặc chết. Trong trường hợp này, kẻ phạm tội không có ý tước đoạt sinh mạng sống của nạn nhân. Tuy nhiên hậu quả chết người xảy ra có mối quan hệ nhân quả với hành vi gây thương tích (hoặc bỏ mặc cho thương tích xảy ra). Ví dụ: Abethy chém Buonma làm cho Buonma bị đứt động mạch chủ và do bị mất nhiều máu nên Buonma bị chết, ở đây Abethy không hề có ý tước đoạt mạng sống của Buonma nhưng vì vết chém quá sâu làm Buonma mất nhiều máu và chết nên Abethy vẫn bị truy cứu TNHS về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Khoản 3, Điều 90 BLHS Lào 2005. Tuy nhiên vẫn có trường hợp thương tích không nặng lắm nhưng do nạn nhân là người già yếu do vậy cái chết vẫn xảy ra. Nếu là người khỏe mạnh bình thường thì có thể chịu được vết thương này.
Trong trường hợp này gây ra thương tích không phải là nặng đối và nếu đối với người bình thường thì cái chết không xảy ra thì người phạm tội vẫn phải chịu TNHS theo Khoản 3, Điều 90 BLHS Lào 2005. Việc quy định tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác dẫn đến chết người là TTĐK tăng nặng đặc biệt là cần thiết cho dù hậu quả dẫn đến cái chết nằm ngoài ý muốn của người phạm tội.
1.4.4. Trường hợp quy định tại Khoản 4, Điều 90 Bộ luật hình sự Lào năm 2005 Ngoài ba trường hợp trên, Điều 90 BLHS Lào năm 2005 còn dự trù trường hợp
“Bất kỳ cố gắng nào để thực hiện một hành vi phạm tội cũng phải bị trừng phạt”.
Trường hợp này theo khoa học hình sự Lào chính là giai đoạn phạm tội chưa đạt. Giai
đoạn này là sau khi chuẩn bị các công cụ phương tiện điều kiện khác để thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội đang tiến hành hành vi của mình thì vì lý do nào đó phải dừng lại, dù hậu quả chưa xảy ra, thì động cơ, mục đích cũng như hành vi của người phạm tội đã được thực hiện. Đây không được tính là trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, bởi người phạm tội vẫn đang “cố gắng thực hiện hành vi” chứ không tự giác, tự nguyện chấm dứt hành vi của mình. Theo Điều 14 BLHS Lào năm 2005, việc cố gắng thực hiện một hành vi phạm tội “chỉ bị truy cứu TNHS nếu thấy nguy hiểm cho xã hội và theo quy định cụ thể trong Bộ luật này”, và sẽ bị xử lý theo quy định hình phạt đối với tội phạm đó. Đây chính là quy định có ý nghĩa răn đe, cảnh cáo người thực hiện hành vi phạm tội dù hậu quả chưa xảy ra.