CHƯƠNG 2 TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH HOẶC GÂY TỔN HẠI CHO SỨC
2.2. So sánh các trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác xâm phạm quan hệ nhân thân (quyền được tôn trọng và bảo vệ sức khỏe) của con người.
Trong tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có rất nhiều trường hợp khác nhau. Điều 104 BLHS Việt Nam 1999 quy định:
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong cách trường hợp sau đây, thì bị cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c)Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thại, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Tội phạm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k, khoản 1, Điều này, thì bị phạt từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một
trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k, khoản 1, Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Như vậy, cũng với 4 khoản, song Điều 104 BLHS Việt Nam đã quy định rõ ràng, cụ thể và có nhiều trường hợp hơn với Điều 90 BLHS Lào 2005, cụ thể:
2.2.1. Về trường hợp phạm tội thuộc cấu thành tội phạm cơ bản
Khoản 1, Điều 90 BLHS Lào năm 2005 quy định còn khá chung chung so với Khoản 1, Điều 104 BLHS Việt Nam năm 1999 về trường hợp phạm tội cơ bản. Cụ thể, Khoản 1, Điều 90 BLHS Lào năm 2005 quy định: Bất kỳ người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác thì bị phạt tù từ ba tháng đến một năm tù và bị phạt tiền từ 100.000 kip đến 500.000 kip. Trong trường hợp này nạn nhân phải bị tổn hại ở mức không đáng kể. Về tỷ lệ % sức khỏe của nạn nhân căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định hoặc của bác sĩ điều trị cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ xem xét có truy cứu một hành vi gây thương tích hay không. Nếu mức độ thiệt hại sức khỏe không đáng kể thì sẽ không truy cứu TNHS (nếu không có thêm các tình tiết ở Khung 2). Mức độ thiệt hại sẽ được quy định theo Nghị quyết 04/TANDTC ngày 29/11/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC Lào. Trong khi đó, Khoản 1, Điều 104 BLHS Việt Nam năm 1999 đã quy định cụ thể về tỷ lệ thương tích truy cứu TNHS về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là từ 11% đến 30%. Tỷ lệ này cũng được quy định Nghị quyết 04/TANDTC của Hội đồng thẩm phán TANDTC Lào:
“Tỷ lệ thương tích từ 11% - 30% là thương tích cần thiết phải xử lý hình sự đối với người có hành vi gây thương tích (theo Khung 1, Điều 90 BLHS Lào năm 2005).
Những quy định trong Nghị quyết 04/TANDTC ngày 29/11/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC Lào và BLHS Việt Nam năm 1999 cho thấy, mức độ nguy hiểm của hành vi không chỉ căn cứ vào mức độ thiệt hại của sức khỏe nạn nhân mà còn phải xem xét nhiều mặt như động cơ phạm tội, công cụ, phương tiện và những tình tiết khác của tội phạm. Cả hai văn bản này đều quy định, tỷ lệ gây thiệt hại cho sức khỏe của nạn nhân dưới 10% không gây cố tật nhẹ thì vấn đề truy cứu TNHS không cần thiết phải đặt ra. Tuy vậy, trong một số trường hợp tỷ lệ thương tích của nạn nhân chưa đạt tới 11% nhưng người có hành vi vẫn có
thể phải chịu TNHS. Nghị quyết 04/TANDTC của Hội đồng thẩm phán TANDTC Lào và BLHS Việt Nam năm 1999 có những quy định giống và khác nhau về những trường hợp này.
2.2.1.1. Các trường hợp giống nhau
Pháp luật hình sự Lào và Việt Nam đều quy định những trường hợp sau dù thương tích dưới 11% thì người gây ra thương tích vẫn bị truy cứu TNHS:
(i) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người
Dùng hung khí nguy hiểm là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiên nguy hiểm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Trong đó “vũ khí” là một trong các loại vũ khí được quy định tại Khoản 1, Điều 1, Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam)
Phương tiện nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công như: Công cụ, dụng cụ: búa đinh, dao phay, các loại đao sắc, nhọn…; vật mà người phạm tội chế tạo ra: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ…; vật có sẵn trong tự nhiên: gạch, đá, đoạn gậy cứng,… Sự nguy hiểm này được thể hiện tại vụ án: Do mâu thuẫn giữa gia đình anh Trần Nguyên Dũng và anh Nguyễn Viết Tài, nên vào khoảng 13h ngày 16/05/2011, chị Xuyên (vợ anh Tài) và chị Ngọc (vợ anh Dũng) đã xảy ra xô sát, hai người cầm gạch và vỏ chai ném nhau nhưng không chúng. Thấy vậy anh Dũng dùng điếu cày dài 45cm, đường kính 3.5cm đánh vào người chị Xuyên. Tại bản giám định pháp y số 338/PY-2011 của tổ chức giám định pháp y thành phố, kết luận, chị Xuyến bị gãy xương sườn 7, 8, 9 không di lệch, không di chứng lâu dài, giảm 10% sức lao động. Bản án sơ thẩm tuyên Trần Nguyên Dũng 12 tháng tù cho hưởng án treo về tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” điểm a, Khoản 1, Điều 104 BLHS Việt Nam năm 1999.
Dùng thủ đoạn nguy hiểm gây nguy hại cho nhiều người là trường hợp người phạm tội sử dụng thuốc ngủ, thuốc mê với liều lượng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân; đầu độc nạn nhân; nhốt nạn nhân vào nơi nguy hiểm đến tính mạng, sức
khỏe; dùng dây chăng qua đường để làm cho nạn nhân đi mô tô, xe máy vấp ngã để gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho từ hai người trở lên. Tình tiết này được quy định là TTĐK tăng nặng bởi vì, nó thể hiện sự nham hiểm, độc ác và sự nguy hại lớn cho xã hội hơn hẳn các trường hợp gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe thông thường khác.
(ii) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân. Cố tật mà những thương tích mà người bị hại phải mang suốt đời không thể chữa khỏi. Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân là hậu quả của hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân để lại trạng thái bất thường, không thể chữa khỏi được cho một bộ phận cơ thể của nạn nhân với tỷ lệ thương tật dưới 11% khi thuộc một trong các trường hợp: làm mất một bộ phận cơ thể của nạn nhân; làm mất chức năng một bộ phận cơ thể của nạn nhân; làm suy giảm chức năng hoạt động của một bộ phận cơ thể của nạn nhân; làm giảm chức năng hoạt động của một bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của nạn nhân. Như vậy theo quy định của pháp luật thì chỉ coi là cố tật nhẹ nếu tỷ lệ thương tật vĩnh viễn dưới 11%.
(iii) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người. Phạm tội nhiều lần là trường hợp có từ hai lần phạm tội trở lên về cùng một tội, mỗi lần đều thỏa mãn cấu thành tội phạm và chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS, trong số các lần đó chưa có lần nào bị truy cứu TNHS. Theo quy định tại điểm a, tiểu mục 3.2, mục 3, Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC Việt Nam ngày 12/5/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS Việt Nam năm 1999 thì “phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người” là trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người từ hai lần trở lên hoặc của hai người trở lên (có thể một lần, có thể nhiều lần đối với mỗi người) và trong các lần đó chưa có lần nào bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu TNHS và chưa hết thời hạn xử lý hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu TNHS) [3; tr.104]. Ví dụ: A đánh B và C, trong đó tỷ lệ thương tật của B là 5%, của C là 4% nhưng A vấn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 104 BLHS Việt Nam năm 1999.
(iv) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của trẻ em là trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người dưới 16 tuổi (Việt Nam) và dưới 15 tuổi (Lào). Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của trẻ em được quy định là TTĐK tăng nặng của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác vì hành vi này tác động tới đối tượng bảo vệ đặc biệt, thế hệ tương lai của đất nước, bên cạnh đó còn thể hiện sự ác
độc của người phạm tội. Đây là TTĐK tăng nặng mới được quy định bổ sung trong BLHS, quy định này không chỉ giúp nghiêm trị những kẻ có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của trẻ em, mà còn đảm bảo thực hiện các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em ngày 20/11/1989 mà Nhà nước Việt Nam và Lào về bảo vệ và chăm sóc trẻ em [2].
Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho phụ nữ đang có thai là trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người phụ nữ đang mang thai không kể ở tháng thứ mấy của thai kỳ. Đây là hành vi nguy hiểm hơn hẳn so với các trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe thông thường bởi vì, nó xâm phạm đến quyền được bảo vệ về sức khỏe của đối tượng đặc biệt “nhạy cảm”, dễ tổn thương và có vai trò quan trọng trong việc duy trì giống nòi. Do vậy, BLHS đã bổ sung TTĐK tăng nặng này nhằm bảo vệ, cũng như trừng trị thích đáng những kẻ vô lương tâm, dã man, mất nhân tính. Việc xác định nạn nhân là phụ nữ có thai hay không, căn cứ vào chứng cứ chứng minh là nười phụ nữ đó đang mang thai, như: bị can, bị cáo và mọi người đều nhìn thấy được hoặc bị cáo nghe được, biết được từ các nguồn thông tin khác nhau về người phụ nữ đó đang mang thai. Trong trường hợp thực tế khó nhận biết được người phụ nữ đó mang thai hay không, hoặc giữa lời khai của bị cáo và người bị hại về việc này có mâu thuẫn với nhau thì để xác định người phụ nữ đó có thai hay không phải căn cứ vào kết luận của cơ quan chuyên môn y tế hoặc kết luận giám định [3; tr.103].
Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người già yếu là trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người từ 70 tuổi trở lên và có tình trạng sức khỏe “yếu”. Điểm d, Khoản 1, Điều 104 BLHS năm 1999 quy định “phạm tội đối với người già yếu”. Như vậy dựa trên tinh thần của điều luật thì người phạm tội chỉ bị áp dụng TTĐK tăng nặng này nếu đủ hai điều kiện: 1) Đối tượng bị xâm hại là người già (từ 70 tuổi trở lên); 2) Đối tượng xâm hại là người già nhưng phải “yếu”. Tuy nhiên việc xác định như thế nào là người già yếu thì không có một hướng dẫn cụ thể nào.
(v) Phạm tội có tổ chức. Phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có tổ chức là hình thức đồng phạm trong đó có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Sự câu kết chặt chẽ giữa những người thực hiện tội phạm thể hiện mức độ liên kết, mức độ phân hóa vai trò, nhiệm vụ cụ thể của từng người. Các thành viên có sự phân chia nhiệm vụ, lên kế hoạch, có sự chuẩn bị, tính toán kỹ lưỡng.
(vi) Trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục. Người bị tạm giam là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ [17]; Người bị tạm giam là người bị can, bị cáo bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp tạm giam. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với những người chưa thành niên phạm tội là biện pháp do Tòa án quyết định, áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội, nếu thấy không cần thiết áp dụng hình phạt với họ, nhưng do tính chất của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào trường giáo dưỡng [21]. Như vậy có thể thấy những người bị áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục là những người đang bị áp dụng biện pháp đặc biệt để quản lý họ, trong thời gian này những người bị tạm giữ, tạm giam cần phải tuyệt đối tuân thủ quy định pháp luật, “tu tâm, dưỡng tính”.
Nhưng trong thời gian này họ lại có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, nó thể hiện sự nguy hiểm, khó cải tạo, giáo dục của người phạm tội. Do vậy tình tiết này đã được BLHS bổ sung là TTĐK tăng nặng trong tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
2.2.1.2. Các trường hợp khác nhau
Các trường hợp khác nhau tại Khoản 1, Điều 90 BLHS Lào năm 2005 và Khoản 1, Điều 104 BLHS Việt Nam năm 1999 thực chất chính là các trường hợp mà Khoản 1, Điều 104 BLHS Việt Nam quy định mà Nghị quyết 04/TANDTC của Hội đồng thẩm phán TANDTC Lào chưa có quy định, việc nghiên cứu những trường hợp này sẽ góp phần đánh giá, để bổ sung hoàn thiện BLHS Lào trong tương lai.
(i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ (Điểm d, Khoản 1, Điều 104 BLHS Việt Nam năm 1999). Hiện nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào đưa ra khái niệm về “người đau ốm” và hướng dẫn áp dụng trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người ốm đau, nên làm cho việc nhận thức và áp dụng TTĐK tăng nặng này chưa được thống nhất trong cả nước. Theo quan điểm của chúng tôi, chỉ áp dụng TTĐK tăng nặng này nếu đáp ứng đủ hai điều kiện sau: 1) Có kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân khi nạn nhân đang bị ốm
đau; 2) Nạn nhân bị ốm đau là người phải trong tình trạng sức khỏe suy kiệt nặng (có kết luận của cơ quan Y tế có thẩm quyền).
Người không có khả năng tự vệ là người do bị khiếm khuyết về thể chất như người bị khuyết tật bẩm sinh hoặc tàn tật do tai nạn (tâm thần, bại liệt, mù lòa, liệt tay chân…) làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình. Những người không có khả năng tự vệ luôn luôn ở trong tình trạng không thể tự vệ được khi bị người khác thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của mình. Những người phạm tội lợi dụng hoàn cảnh nạn nhân bị ốm đau hoặc nạn nhân là người không có khả năng tự vệ mà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người họ thể hiện sự hèn hạ, vô nhân tính, cần thiết phải bị lên án và trừng trị thích đáng. BLHS quy định tình tiết phạm tội đối với người không có khả năng tự vệ là thể hiện quan điểm của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ nhiều hơn là đối với những người không may bị khiếm khuyết về thể chất.
(ii) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy cô giáo của mình (điềm đ, khoản 1, Điều 104 BLHS Việt Nam năm 1999). Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy cô giáo của mình là trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho những người mà họ phải tôn trọng, biết ơn đó là ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình.
Ông, bà, cha, mẹ của mình là những người có công lớn trong việc sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục mình. Người nuôi dưỡng là người có công lớn trong quá trình nuôi dưỡng, dạy bảo tuy không sinh thành nhưng có công dưỡng dục để một con người trưởng thành có ích cho xã hội. Thầy giáo, cô giáo là người có công dạy dỗ, giáo dục, truyền đạt kiến thức để giúp mình trưởng thành. Đáng lẽ người phạm tội phải suốt đời kính trọng, mang ơn những người đã sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ mình nhưng họ đã vứt bỏ nghĩa vụ, trách nhiệm, bổn phận của người làm con, học trò, bất chấp đạo lý của một con người gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình. Do vậy hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho những người này làm tăng đáng kể mức độ lỗi của người phạm tội so vơi các trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe thông thường, gây ra sự bức xúc trong dư luận, tình trạng báo động nghiêm trọng xuống cấp về đạo đức, nhân cách con người.