CHƯƠNG 1 TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH HOẶC GÂY TỔN HẠI CHO SỨC
1.5. Hình phạt đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo pháp luật hình sự Lào
Tội phạm có tình chịu hình phạt, như định nghĩa về tội phạm thì hình phạt là một dấu hiệu của tội phạm. Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước, là sự phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm [21; tr.227]. Mức độ nguy hiểm đến đâu thì có hình phạt tương ứng. Tính nguy hiểm cho xã hội là cơ sở để cá thể hóa hình phạt trong thực tiễn áp dụng luật. Trong từng trường hợp cụ thể mà từng người phạm tội khác nhau phải chịu những hình phạt khác nhau. Hệ thống hình phạt trong Luật hình sự Lào cấu thành từ hai nhóm: nhóm hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Căn cứ chủ yếu để phân biệt hình phạt chính hay hình phạt bổ sung là khả năng áp dụng độc lập của loại hình phạt đối với tội phạm. Người phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác với mỗi trường hợp cụ thể phải chịu TNHS tương ứng theo quy định tại Điều 90 BLHS Lào năm 2005.
1.5.1. Hình phạt chính
Hình phạt chính là hình phạt được áp dụng (tuyên) độc lập, mỗi tội phạm chỉ có thể tuyên một hình phạt chính. Theo Điều 28 BLHS Lào năm 2005, các loại hình phạt chính được áp dụng bao gồm: Cảnh cáo; Cải tạo không giam giữ; Phạt tù; Tử hình;
ngoài ra phạt tiền trong một số trường hợp cũng có thể trở thành hình phạt chính. Căn cứ quy định tại Điều 90 BLHS Lào năm 2005, hình phạt chính của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là phạt tù.
Phạt tù theo quy định tại Điều 31 và đối chiếu với khung phạt của Điều 90 BLHS năm 2005 chính là tù có thời hạn. Tù có thời hạn là hình phạt buộc người bị kết
án phải cách ly khỏi xã hội, chấp hành hình phạt tại trại giam trong một thời gian nhất định. Thời hạn phạt tù có mức tối thiểu là ba tháng, mức tối đa là hai mươi năm. Ở tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác, mức phạt tù tối thiểu là ba tháng và tối đa là mười năm. Hình phạt tù có thời hạn là hình phạt phổ biến nhất vì nó có thể kết hợp tối đa tác dụng giáo dục, thuyết phục, cải tạo và trừng trị nhằm nâng cao tối đa hiệu quả áp dụng hình phạt. Mức độ nghiêm khắc của hình phạt tù có thời hạn rất linh hoạt. Mặt khác, trong BLHS hiện hành, tất cả các tội phạm đều có quy định kèm theo chế tài tù có thời hạn. Đây là những yếu tố tạo cơ sở thuận lợi để Toà án chủ động trong việc lựa chọn mức phạt tù áp dụng đối với người phạm tội, đảm bảo sự tương xứng giữa hình phạt với tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.
Điều 90 BLHS năm 2005 được chia làm ba khoản, tương ứng với nó là ba khung hình phạt tương ứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Ở Khoản 1, Điều 90 BLHS Lào năm 2005, mức độ thiệt hại cho sứ khỏe của nạn nhân không đáng kể, do đó mức hình phạt cũng mang tính chất răn đe, người phạm tội bị phạt từ ba tháng đến một năm tù; khung hình phạt này còn áp dụng cho Khoản 4, Điều 90 BLHS Lào năm 2005 với trường hợp phạm tội chưa đạt. Khoản 2, Điều 90 BLHS năm 2005 là khung tăng nặng, ở đây người phạm tội có hành vi gây thương tích nghiêm trọng hoặc phạm tội có tổ chức nên phải bị xử phạt nặng hơn, do đó khung hình phạt ở đây là một đến năm năm tù. Còn Khoản 3, Điều 90 BLHS năm 2005 chính là khung tăng nặng đặc biệt với hậu quả mà hành vi gây ra cho nạn nhân là rất nặng nề, người phạm tội có thể bị tuyên án từ năm đến mười năm tù. Hình phạt tù có thời hạn có tính nghiêm khắc cao hơn nhiều so với hình phạt cải tạo không giam giữ vì nó buộc người phạm tội phải cách ly khỏi xã hội. Tuy nhiên, nó không tạo cho người bị kết án một tư tưởng chán nản để tự cải tạo vì nghĩ rằng mình suốt đời sẽ ở trong trại giam (tù chung thân) hay người phạm tội sẽ không còn cơ hội để tự cải tạo (tử hình).
1.5.2. Hình phạt bổ sung
Hình phạt bổ sung không thể tuyên độc lập mà phải áp dụng kèm với hình phạt chính đối với mỗi loại tội phạm [21; tr.236]. Hình phạt bổ sung chỉ có thể áp dụng kèm theo hình phạt chính nhưng chỉ trong những trường hợp luật định. Việc quy định hình phạt bổ sung bên cạnh hình phạt chính là một trong những yếu tố tạo ra những khả năng pháp lý cho việc cá thể hoá hình phạt; đồng thời giúp Toà án có nhiều khả năng áp dụng triệt để những biện pháp cưỡng chế một cách tương xứng với tính nguy hiểm
cho xã hội của tội phạm, nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong việc áp dụng hình phạt.
Tương ứng với tình nghiêm trọng của hành vi phạm tội, hậu quả gây thương tật, nạn nhân sẽ phải mất các chi phí chữa trị, chăm sóc phục hồi, mà Điều 90 BLHS Lào năm 2005 quy định hình phạt bổ sung là phạt tiền.
Phạt tiền là hình phạt tước của người bị kết án một khoản tiền nhất định sung quỹ Nhà nước. Hình phạt tiền là một trong hai hình phạt trong hệ thống hình phạt trong Luật hình sự Lào có thể áp dụng vừa là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ sung. Về bản chất, hình phạt tiền tước ở người bị kết án một số quyền về vật chất, tác động đến kinh tế (tài sản), thông qua đó mang lại hiệu quả của hình phạt. Về điều kiện áp dụng hình phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung, theo Khoản 1, Điều 30 BLHS hiện hành, thì không giới hạn đó là loại tội phạm gì, miễn sao tội phạm đó thuộc các lĩnh vực quản lý kinh tế, tham nhũng, ma tuý hoặc các lĩnh vực khác do BLHS quy định;
nhưng khi quyết định “phải được tính toán phù hợp với tính nghiêm tọng của hành vi phạm tội và trên cơ sở tình trạng kinh tế của người phạm tội”. Do đó, với trường hợp phạm tội chưa đạt và khung cơ bản của tội phạm, người phạm tội sẽ bị phạt từ 100.000 Kip đến 5000.000 Kip, tại khung tăng nặng tại Khoản 2 người phạm tội có thể bị phạt từ 500.000 Kip đên 1.500.000 Kip; và ở khung tăng nặng thứ ba là từ 700.000 Kip đến 3.000.000 Kip. Số tiền phạt này là tính toán dựa trên mức lương trung bình tại Lào cũng với các chi phí dịch vụ y tế, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, không phải người phạm tội nào cũng có thể có tiền nộp phạt, do đó, pháp luật hình sự Lào đã có quy định ưu tiên trường hợp đó, đó chính là “trong trường hợp người phạm tội không có khả năng nộp tiền thì Tòa án có thể thay thế phạt tiền đó vào việc cải tạo không giam giữ” (Khoản 2, Điều 30 BLHS Lào năm 2005). Quy định này là nhằm tạo điều kiện cho người phạm tội có hoàn cảnh khó khăn, nhưng cũng góp phần giáo dục họ về pháp luật, xử sự trong quan hệ xã hội.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Tội phạm là hiện tượng của xã hội, là một dạng hoạt động của con người, là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định là một loại tội phạm. Nó xâm hại đến khách thể quan trọng nhất mà pháp luật bảo vệ đó chính là con người. Con người là vốn quý của xã hội, là nguồn lao động chính phục vụ xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển tiến lên. Sức khỏe có ý nghĩa quan trọng đối với con
người, việc bảo vệ sức khỏe con người là nhiệm vụ quan trọng của mỗi Nhà nước trên toàn thế giới. Do đó, Điều 90 BLHS Lào năm 2005 đã quy định trừng phạt những hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác. Điều luật đã quy định rõ các dấu hiệu pháp lý của hành vi phạm tội cùng với mức hình phạt tương ứng cho mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Có thể thấy, việc quy định tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác là một bước tiến quan trọng, nhằm hoàn thiện pháp luật hình sự, góp phần quan trọng xử lý hành vi phạm tội khá phổ biển này hiện nay.
Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng có chung 4500 km đường biên giới, mối quan hệ anh em giữa hai nước được duy trì qua hai cuộc kháng chiến và tiếp tục được khẳng định, xây dựng trong thời đại mới hiện nay. Pháp luật Lào đã học hỏi kinh nghiệm, tham khảo được rất nhiều điều của Pháp luật Việt Nam, trong đó có Pháp luật hình sự. Tuy nhiên, do hoàn cảnh kinh tế, cũng như truyền thống văn hóa, phong tục tập quán mà Pháp luật hình sự Lào vẫn có những điểm khác biệt hơn so với pháp luật hình sự Việt Nam.
CHƯƠNG 2