Chương 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TÌM TÒI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CHO HỌC SINH
1.2. Năng lực và năng lực tìm tòi nghiên cứu khoa học
1.2.1. Quan điểm về năng lực, năng lực của học sinh Trung học phổ thông
Khái niệm NL ra đời vào khoảng những năm 60 của thế kỉ trước đã thu hút sự chú ý đặc biệt của nhiều nhà nghiên cứu. Theo M. Parlier, giáo sư của viện Quản trị doanh nghiệp Lyon – Pháp (IAE de Lyon), quá trình phát triển của khái niệm NL gắn liền với cách thức quản lí và tổ chức công việc, những thay đổi của bối cảnh kinh tế, tiến bộ của khoa học kỹ thuật [101].
Những năm cuối của thế kỷ XX, các quốc gia Châu Âu tập trung nghiên cứu về NL thông qua dự án “Định nghĩa và lựa chọn các NL” (Definition and Selection of Competencies – DeSeCo). Theo đó “NL như một hệ thống các cấu trúc tinh thần bên trong và khả năng huy động các kiến thức, kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành và thái độ, cảm xúc, giá trị, đạo đức, động lực của một người để thực hiện thành công các hoạt động trong một bối cảnh cụ thể” [109]. Ngoài ra OECD (Tổ chức các nước kinh tế phát triển) năm 2002 sau một cuộc nghiên cứu lớn đã chỉ ra NL cần đạt của HS phổ thông trong thời đại kinh tế tri thức, cho rằng: "NL là khả năng cá nhân đáp ứng các yêu cầu phức hợp thông qua huy động các nguồn lực tâm lí xã hội (bao gồm kỹ năng, thái độ) và thực hiện thành công nhiệm vụ trong bối cảnh cụ thể" [114].
Nhiều quan điểm về NL cũng được đưa ra bởi các nhà nghiên cứu độc lập trên những phương diện khác nhau. Đặc biệt là các nhà triết học, tâm lí học như: Weinert “ NL là các khả năng và kỹ năng nhận thức vốn có ở cá nhân hay có thể học được … để giải quyết các vấn đề đặt ra trong cuộc sống” [106]. NL là khả năng hành động, đạt được thành công và chứng minh sự tiến bộ nhờ vào khả năng huy động vận dụng hiệu quả nhiều nguồn lực tích hợp của cá nhân khi giải quyết các vấn đề của cuộc sống [91]. Đồng thời NL là một thuộc tính tâm lí phức hợp, là điểm hội tụ của nhiều yếu tố tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm, sự sẵn sàng hành động và trách nhiệm đạo đức [41]. Do đó NL là sự tích hợp và kết nối nhu cầu bên ngoài (yêu cầu của bối cảnh, tình huống) với đặc điểm cá nhân (kiến thức, kỹ năng, đạo đức và giá trị) để thực hiện thành công một nhiệm vụ thực tiễn [104]. Từ những quan điểm trên, nhận thấy đa số các ý kiến đều cho rằng NL là khả năng thực hiện, là biết làm và làm được, chứ không chỉ biết và hiểu.
Ở Việt Nam, vấn đề NL cũng sớm được đề cập, một số quan điểm về NL được các nhà nghiên cứu đưa ra ở dưới góc độ khác nhau. Phân tích ý nghĩa và nhấn mạnh đến hiệu quả của hành động, từ điển [53] đưa ra “NL là khả năng, điều kiện chủ quan, tự nhiên sẵn có để thực hiện một công việc nào đó; đồng thời NL là phẩm chất tâm lí và sinh lí tạo cho con người khả năng hoàn thành một loại hoạt động nào đó với chất lượng cao”. Đồng quan điểm đó, từ điển Giáo dục học nhận định “NL, khả năng được hình thành hoặc phát triển cho phép một con người đạt thành công trong một hoạt động thể lực, trí lực hoặc nghề nghiệp. NL được thể hiện vào khả năng thi hành một hoạt động, thực hiện một nhiệm vụ” [22]. Vì vậy, NL bao giờ cũng gắn liền với hoạt động ở một lĩnh vực nào đó. NL ở mỗi người khác nhau sẽ khác nhau do cấu trúc khác nhau. Năng lực, tri thức, kỹ năng, kỹ xảo kết hợp chặt chẽ với nhau hỗ trợ cho nhau. NL của HS được hình thành và phát triển trong quá trình giáo dục và bằng quá trình giáo dục. Trong giáo dục, những NL cơ bản nhất sẽ được hình thành và làm nền tảng cho sự phát triển mọi NL trong tương lai [20].
Các nhận định kể trên mặc dù có sự khác nhau ở một số khía cạnh nhất định nhưng hầu hết đều có chung một số quan điểm: NL bao gồm một loạt các kiến thức, kỹ năng, thái độ hay các đặc tính cá nhân khác cần thiết để thực hiện công việc thành công. Bên cạnh đó, những yếu tố này phải quan sát hay đo lường được để có sự phân biệt giữa người có NL và người không có NL. Quan điểm của Bộ GD&ĐT Việt Nam thể hiện ở chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể (7-2017) [5]: NL là thuộc tính cá nhân được hình thành, phát triển nhờ tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện, cho phép con người huy động tổng hợp các kiến thức, kỹ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí,... thực hiện thành công một loại hoạt động nhất định, đạt kết quả mong muốn trong những điều kiện cụ thể.
1.2.1.2. Năng lực của học sinh Trung học phổ thông
Weinert đã định hướng đến khả năng nhận thức, phân tích, so sánh và phê phán một vấn đề của HS THPT, nhận định: “Năng lực của HS THPT là sự kết hợp hợp lí kiến thức, kỹ năng và sự sẵn sàng tham gia để cá nhân hành động có trách nhiệm và biết phê phán tích cực hướng tới giải pháp cho các vấn đề” [106]. NL người học là khả năng kết hợp các kiến thức, kỹ năng (nhận thức và thực hành), thái độ, động cơ, xúc cảm và giá trị đạo đức để thực hiện các nhiệm vụ học tập trong bối cảnh, tình huống thực tiễn một cách hiệu quả [57]. Trong khi đó định hướng đến hiệu quả hành động, [54] cho rằng “NL cần đạt của HS phổ thông là tổ hợp nhiều khả năng và giá trị được cá nhân thể hiện thông qua các hoạt động có kết quả”.
NL của HS THPT là khả năng làm chủ những hệ thống kiến thức, kỹ năng,
thái độ… phù hợp với lứa tuổi và vận hành (kết nối) chúng một cách hợp lí vào thực hiện thành công nhiệm vụ học tập, giải quyết hiệu quả những vấn đề đặt ra cho chính các em trong cuộc sống [35]. Đồng thời NL của HS là một cấu trúc động (trừu tượng), có tính mở, đa thành tố, đa tầng bậc, hàm chứa trong nó không chỉ là kiến thức, kỹ năng, … mà cả niềm tin, giá trị, trách nhiệm xã hội… thể hiện ở tính sẵn sàng hành động của các em trong môi trường học tập của nhà trường phổ thông… và những điều kiện thực tế đang thay đổi.
Như vậy những quan điểm trên đây, về cơ bản đều xem xét NL của HS THPT dưới góc độ tiềm năng con người (kiến thức, kỹ năng, thái độ) - những yếu tố cần thiết cho yêu cầu của mỗi hoạt động học tập và giao tiếp của HS đạt hiệu quả cao trong những tình huống khác nhau.
Có thể nói NL của mỗi người một phần dựa trên cơ sở tư chất. NL được hình thành, phát triển và thể hiện trong hoạt động tích cực của con người. Phát triển NL cho HS là đích của quá trình dạy học.
1.2.1.3. Một số năng lực cơ bản cần phát triển cho học sinh Trung học phổ thông Dựa theo xu thế quốc tế của phát triển chương trình giáo dục phổ thông và các lí thuyết tâm lí về sự phát triển nhận thức (nhân cách) cho trẻ em của các tác giả Garden, I.M. Burger, Gai F. Huon, một số NL cần phát triển cho HS một số nước thí dụ nhóm các nước OECD ... cùng với lí thuyết đơn trí tuệ, đa trí tuệ thông minh.
Nguyễn Công Khanh, Nguyễn Thị Minh Phương đã đưa ra khung NL của HS THPT như sau [35], [55]:
Khung NL của HS THPT gồm 2 nhóm NL chung cốt lõi:
Nhóm năng lực nhận thức (cốt lõi): Gồm các NL thuần tâm thần cốt lõi gắn liền với các quá trình tư duy (quá trình nhận thức): (1) NL ngôn ngữ (giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ); (2) NL tính toán và suy luận logíc, tư duy trừu tượng; (3) NL giải quyết vấn đề; (4) NL sáng tạo; (5) NL cảm xúc; (6) NL hợp tác; (7) NL tự học; (8) NL sử dụng công nghệ; (9) NL ngoại ngữ; (10) NL siêu nhận thức (nghĩ về cách suy nghĩ).
Nhóm các năng lực phi nhận thức (cốt lõi): Gồm các NL không thuần tâm thần, mà có sự pha trộn các phẩm chất nhân cách rất cần thiết cho sự thành công học đường, thành công trong cuộc sống: (1) NL vượt khó; (2) NL thích ứng, ứng phó stress; (3) NL quan sát; NL tập trung chú ý; (4) NL quản lí (lãnh đạo, phát triển bản thân).
Nghiên cứu của TS. Phan Thị Luyến cho thấy: NL chủ chốt của HS THPT ở một số quốc gia Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, Úc, Canada gồm ba nhóm năng lực [39]:
Hành động một cách tự chủ, sáng tạo: (1) Có khả năng bảo vệ và khẳng định
quyền, lợi ích, trách nhiệm, nhu cầu cá nhân và những giới hạn cho phép; (2) Có khả năng xây dựng và thực hiện kế hoạch cá nhân và các dự án; (3) Có khả năng hành động hiệu quả trong điều kiện, hoàn cảnh thay đổi.
Sử dụng công cụ một cách thông minh: (1) Có khả năng sử dụng ngôn ngữ, biểu tượng và các văn bản một cách tích cực; (2) Có khả năng kiểm soát kiến thức và thông tin; (3) Có khả năng sử dụng công nghệ mới một cách phù hợp.
Tương tác hòa đồng với nhiều nhóm xã hội: (1) Có khả năng thiết lập quan hệ với người khác; (2) Có khả năng hợp tác; (3) Có khả năng điều chỉnh và hóa giải các mâu thuẫn.
Như vậy, các tác giả đề cập tới những khía cạnh khác nhau của NL. Mục tiêu của các nền giáo dục các nước có thể khác nhau nhưng đều có định hướng chung là phát triển NL cơ bản của HS THPT để các em sau quá trình đào tạo có những thái độ, hành vi làm chủ bản thân mình trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể [5] quan niệm NL cốt lõi (key compentence) của HS phổ thông là hệ thống những năng lực cơ bản, thiết yếu mà bất kỳ ai cũng cần phải có để sống, học tập và làm việc hiệu quả. Đồng thời [5] đưa ra một số NL cơ bản cần phát triển cho HS phổ thông Việt Nam gồm các nhóm NL:
- Các năng lực chung bao gồm: (1) NL tự chủ và tự học; (2) NL giao tiếp và hợp tác; (3) NL giải quyết vấn đề và sáng tạo.
- Các năng lực chuyên môn bao gồm: (4) NL ngôn ngữ; (5) NL tính toán; (6) NL tìm hiểu tự nhiên và xã hội; (7) NL công nghệ;(8) NL tin học; (9) NL thẩm mỹ;
(10) NL thể chất.