Đánh giá năng lực của học sinh Trung học phổ thông

Một phần của tài liệu Phát triển năng lực tìm tòi nghiên cứu khoa học cho học sinh trung học phổ thông thông qua dạy học hóa học (Trang 37 - 40)

Chương 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TÌM TÒI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CHO HỌC SINH

1.4. Đánh giá năng lực của học sinh Trung học phổ thông

1.4.1. Đổi mới phương pháp hình thức kiểm tra đánh giá hiện nay

Việc đổi mới PP, hình thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS theo định hướng đánh giá NL đã được Bộ Giáo dục chỉ đạo từ năm 2014 đặc biệt là năm học 2017-2018.

Đi theo định hướng này, nhiều tác giả đã có những công trình khoa học với những đề xuất về vấn đề đánh giá NL HS như: Đánh giá kiến thức kỹ năng, thái độ, đánh giá NL nói chung [41], [47]; Đánh giá NL trong môn Toán, Tiếng Việt và Khoa học [88]; Đánh giá NL khoa học, đọc hiểu và Toán [113]; PP dánh giá NL giải quyết vấn đề cho HS phổ thông [23], [88]; Vấn đề xây dựng các tiêu chí, chỉ báo của chuẩn đánh giá NL dựa trên quy trình đánh giá 4 bước [2], [7]; Đánh giá NL nghề nghiệp của GV THPT tại vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên bằng phương pháp tính điểm trung bình 25 tiêu chí...[46]. Nhìn chung các tác giả đưa ra những định hướng, nguyên tắc, phương thức và quy trình đánh giá NL HS.

Bên cạnh đó, một số bài báo trình bày việc xây dựng bộ công cụ đánh giá NL của HS, cụ thể đánh giá kết quả học tập dựa vào trải nghiệm... trong đào tạo GV kỹ thuật [21]; Đánh giá kỹ năng nghề theo tiếp cận CDIO ở trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh [36]; Xây dựng bảng mô tả và bảng câu hỏi, bài tập minh họa để đánh giá theo hướng tiếp cận NL HS một chủ đề trong môn Toán [62]; Hướng

phối hợp trắc nghiệm tự luận và trắc nghiệm khách quan trong đánh giá kết quả học tập môn Toán [63]... Ngoài ra một số tác giả đã thiết kế bộ công cụ đánh giá NL giải quyết vấn đề, NL hợp tác, NL sáng tạo, NL độc lập sáng tạo cho HS THPT [16], [17], [65] và SV [18], [65], [69]... trong dạy học hóa học.

Như vậy, song hành với việc đổi mới PPDH theo định hướng phát triển NL cho HS thì việc nghiên cứu lí luận cũng như triển khai vào thực tiễn việc đổi mới kiểm tra đánh giá NL của HS đã và đang được nhiều nhà nghiên cứu lưu tâm. Tuy nhiên đây vẫn là vấn đề còn mới mẻ với hầu hết GV.

1.4.2. Nguyên tắc đánh giá năng lực học sinh

Đánh giá NL người học là đo lường sự phát triển NL cá nhân người học dựa theo chuẩn thực hiện. Ở đó chuẩn thực hiện là sự cụ thể hóa mục tiêu giáo dục đã quy định. Cần thiết xây dựng “chuẩn đánh giá NL người học” theo định hướng phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới [57].

Đánh giá NL bao gồm các thủ tục đo lường có khoa học và kỹ thuật phân tích, diễn giải sự thực hiện của người được đánh giá so với các tiêu chuẩn NL. Chứng cứ là những thông tin thu thập về khả năng thực hiện công việc của ứng viên (HS) dựa trên các chuẩn mực yêu cầu, cung cấp cho đánh giá viên (GV) cơ sở để có kết luận quyết định về NL của HS. Đánh giá NL là một quá trình thu thập, phân tích, diễn giải chứng cứ và đưa ra kết luận về một người đã đạt tiêu chuẩn NL hay chưa [87].

Như vậy, đánh giá những gì HS có thể làm được sau quá trình học tập, đào tạo đối chiếu với mục tiêu đào tạo là yếu tố cơ bản của đánh giá NL HS. Đây là vấn đề gặp không ít khó khăn của các nhà nghiên cứu giáo dục. Đánh giá NL HS cần có những cơ sở, nguyên tắc nhất định. Nguyên tắc cần thiết khi đánh giá NL HS cụ thể như sau [87]:

+ Chứng cứ thu thập phải chứng minh người học có thể thực hiện theo các tiêu chuẩn cụ thể.

+ Cách thức đánh giá xuất phát từ chuẩn đầu ra của chương trình.

+ Kết quả đánh giá phải giúp GV đưa ra các quyết định về việc HS đạt mức độ nào của NL cần đánh giá.

Để có thể đảm bảo những nguyên tắc như trên thì cần thiết phải thực hiện đa dạng hóa các hình thức và PP đánh giá. Việc đánh giá chỉ bằng những bài kiểm tra như hiện hành không thể đáp ứng được yêu cầu. Cần thiết phải có một bộ công cụ hữu hiệu giúp thực hiện tốt việc đánh giá NL HS một cách chính xác.

1.4.3. Một số công cụ đánh giá năng lực của học sinh Trung học phổ thông trong dạy học hoá học

Từ lí luận và thực tiễn về phát triển NL cho thấy: Câu hỏi, bài tập và bài kiểm tra hóa học hiện nay đánh giá chủ yếu kiến thức, kỹ năng hóa học mà chưa định hướng đánh giá NL đặc biệt là các NL chung của HS. Cần thiết phải xây dựng bộ công cụ phù hợp để đánh giá NL cho HS.

Trong khuôn khổ luận án, dưới đây trình bày về một số công cụ có thể dùng đánh giá NL của HS THPT trong dạy học hóa học.

1.4.3.1. Bảng kiểm quan sát

Bảng kiểm quan sát dùng để đánh giá các thao tác, động cơ, các hành vi, kỹ năng thực hành và kỹ năng nhận thức, chẳng hạn như cách giải quyết vấn đề trong một tình huống cụ thể của HS trong học tập nghiên cứu.

Cần xác định mục đích, xác định cách thức thu thập thông tin từ phía HS (trọng điểm cần quan sát, thang đánh giá, phương tiện kỹ thuật, ...). Tiến hành quan sát và sử dụng bảng kiểm quan sát để đánh giá cách thức phân tích thông tin, nhận xét kết quả, rút ra quyết định...

1.4.3.2. Phiếu hỏi

Phiếu hỏi dùng để hỏi GV và HS theo những nội dung xác định phù hợp với các tiêu chí đánh giá NL tương ứng. PP này cho phép điều tra, thăm dò ý kiến của nhiều người về mức độ phát triển NL cho HS theo từng tiêu chí cụ thể.

Phiếu hỏi đóng là hình thức người điều tra đưa ra câu hỏi cùng với nó là các phương án trả lời, theo đó người trả lời chọn một hoặc nhiều phương án trả lời phù hợp với ý kiến của mình (việc được chọn một hay nhiều phương án trả lời tùy vào nội dung, yêu cầu của từng câu hỏi cụ thể ). Phiếu hỏi mở là loại câu hỏi trong đó chỉ nêu câu hỏi, không có các phương án trả lời sẵn như trong an-két đóng, người được hỏi phải tự trả lời bằng ngôn ngữ của mình.

1.4.3.3. Phiếu đánh giá sản phẩm quá trình học tập nghiên cứu

Phiếu đánh giá sản phẩm học tập được sử dụng đánh giá sau khi kết thúc một hoạt động học tập trải nghiệm như DHDA hoặc NCKH. GV sử dụng phiếu để đánh giá sản phẩm của HS hoặc HS sử dụng để tự đánh giá sản phẩm của nhóm mình, sản phẩm của nhóm bạn theo những tiêu chí rõ ràng cụ thể đáp ứng mục tiêu của quá trình học tập.

1.4.3.4. Đề kiểm tra đánh giá năng lực

Đề kiểm tra là một phép lượng giá cụ thể mức độ khả năng thể hiện hành vi của HS trong hoạt động học tập [2].

GV sử dụng đề kiểm tra với những mục đích, yêu cầu, nội dung thích hợp tương đồng với từng tiêu chí đánh giá NL để đánh giá NL của HS sau một quá trình học tập. Thống kê điểm số và rút ra kết luận.

Các câu hỏi và bài tập sử dụng trong đề kiểm tra đánh giá năng lực cần phải đánh giá được NL của HS theo các tiêu chí.

Một phần của tài liệu Phát triển năng lực tìm tòi nghiên cứu khoa học cho học sinh trung học phổ thông thông qua dạy học hóa học (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(271 trang)