CHƯƠNG 3: TƯ TƯỞNG HIỆN SINH TRONG TIỂU THUYẾT CỦA
3.2. Con người hiện sinh hưởng lạc
Khoái lạc xưa nay thường gắn liền với những nhục cảm thân xác. Đa phần, chúng ta xem khoái lạc là vùng tối, là cái không nên nói đến. Thậm chí, có lúc con người xem khoái lạc là điều cấm kỵ, tội lỗi. Tuy nhiên, Epicure (6) lại cho rằng khoái lạc không nhất thiết là sự thỏa mãn về giác quan/thân xác. Các giá trị như tình bằng hữu, huynh đệ, các quan hệ tình cảm cá nhân với cá nhân trong xã hội; đặc biệt là phương diện thưởng thức nghệ thuật, cũng là phạm vi thuộc khoái lạc. Quan điểm của chủ nghĩa khoái lạc của Epicure ảnh hưởng mạnh mẽ đối với văn học phương Tây hiện đại, nhất là ở Hy Lạp và ở Pháp thập niên 60, 70 của thế kỷ XX.
Khi Jean -Paul Sartre nói: “Hiện sinh có trước bản chất” gợi lên ở chúng ta câu phát ngôn của Epicure: “Vì khi ta còn tồn tại, cái chết chưa có mặt. Và khi cái chết đến, ta không còn tồn tại”. Vậy nên, con người cần thụ hưởng những gì mà cuộc sống ban tặng, chứ không phải tìm ở bên kia địa ngục hay thiên đàng. Thượng đế, thần linh không phải là mục đích tối thượng. Trần gian chính là nơi con người nếm trải niềm hạnh phúc hoặc khổ đau tùy theo sự lựa chọn và hành động của từng nhân vị/
cá thể.
Sau Epicure, nhiều triết gia theo thuyết hưởng lạc đã làm biến thái tinh thần khoái lạc của Epicure. Phần lớn, họ nhấn mạnh vào sự phóng túng, đam mê lạc thú của con người. Với châm ngôn “Sống cho hiện tại!”, họ đẩy thuyết hưởng lạc vào xu hướng tiêu cực. Bởi vậy, dần dần, từ khoái lạc được dùng với nghĩa xấu, nhằm ám chỉ những người chỉ biết tới lạc thú thân xác.
Các nhà hiện sinh đề cao khoái lạc. Giữa thuyết hiện sinh với tinh thần Epicure có những điểm tương đồng. Các nhà hiện sinh cho rằng, khi ta làm việc, suy tư, cảm
(6) Sinh năm 341 trước CN tại Samos - mất 270 trước CN tại Athens, người sáng lâp trường phái Epicurus
87
thụ mà thiếu đi nhu cầu nội tâm, không có sự lựa chọn cá nhân sâu xa và thiếu cả khoái lạc thì đó chính là sự ngu ngốc. Nietzsche cổ xúy tinh thần khoái lạc và ảnh hưởng mạnh đến thuyết hiện sinh:
Khi bản năng đời sống đòi chúng ta hành động và nó được chứng minh là chính đáng với khoái lạc đi kèm…Cái gì có thể huỷ diệt chúng ta mau chóng hơn khi làm việc, suy tư, cảm thụ mà thiếu bất cứ nhu cầu nội tâm, thiếu bất cứ chọn lựa cá nhân sâu xa, và bất cứ khoái lạc nào ?- như một người máy của “nghĩa vụ”? Đây mới là công thức cho sự suy đồi, thậm chí cho sự ngu ngốc [14, tr.12].
Các nhà hiện sinh cho rằng: Ngay từ đầu, con người không là gì cả, sau đó con người mới sẽ là, hoặc xấu, hoặc tốt. Con người không là cái gì khác hơn, là cái nó làm ra chính nó. Như vậy, muốn được khoái lạc thì con người phải được tự do. Chỉ có con người nhân vị mới tri giác và thực hiện mưu cầu khoái lạc đúng theo tinh thần hiện sinh.
3.2.1.Tận hưởng khoái lạc tính dục
Trong khi các thiết chế xã hội như nhà nước, luật pháp, tôn giáo, đạo đức luân lý… hướng con người vào một khuôn mẫu chung, các nhà triết học hiện sinh lại cho rằng mọi thứ trên đời đều chứa đựng sự phi lý. Xưa nay, các vấn đề thuộc về bản năng con người ít được khắc hoạ trong văn học. Khi trào lưu của tư tưởng hiện sinh và học thuyết của Freud ảnh hưởng khắp châu Âu và lan ra toàn thế giới thì văn học hiện sinh không ngại ngùng gì khi đề cập đến đề tài này. Với các nhà văn hiện sinh, đây không phải là vấn đề dung tục mà là vấn đề có tính nhân văn vì nó là thứ văn chương đích thực nói lên những gì sâu xa nhất trong bản chất của con người.
Trong Alexis Zorba - con người hoan lạc, ta thấy cuộc đời của Alexis Zorba là một chuỗi những miên man khoái lạc. Lão tận hưởng tất cả những gì mà tạo vật ban tặng. Và trong cả cuộc đời tận hưởng đó, niềm vui thú, hứng khởi tuyệt vời nhất mà Alexis Zorba có được là tình yêu và khoái lạc thân xác, âm nhạc và ẩm thực.
Sống và hành động theo một bản năng “người” nên Zorba rất ghét những gì trái với đời thường mà một con người cần phải làm nhưng lại lẫn tránh. Zorba phê phán những kẻ lẫn trốn khoái cảm tính dục như là kẻ tội đồ. Những kẻ đó, theo Zorba là sẽ bị Thượng đế trừng trị nghiêm khắc: “Nếu Địa Ngục có thật, lão nói, tôi
88
sẽ bị đầy xuống Địa Ngục chính vì lý do ấy. Không phải vì tôi đã trộm cướp, giết người hay phạm tội ngoại tình, không! Mọi cái đó chả là gì hết. Nhưng tôi sẽ bị đầy xuống Địa Ngục bởi lẽ một đêm ở Salonica, một người đàn bà chờ đợi tôi trên giường nàng mà tôi không đến” [59, tr.160].
Với Alexis Zorba, tình yêu và khoái lạc thân xác là ân sủng của thượng đế ban tặng cho con người. Lão mãi mê chinh phục và hưởng thụ những khoái cảm đó.
Alexis Zorba sống thực với bản năng của mình và lão cho rằng thật là điên rồ nếu như ai đó không biết hưởng thụ những khoái cảm đó:
Kẻ nào có điều kiện ngủ với một người đàn bà mà không làm thế là phạm trọng tội. Con ạ, nếu một người đàn bà gọi con đến chung chăn sẻ gối mà con không đến, thì linh hồn con sẽ bị hủy diệt đó! đến ngày phán xử cuối cùng, người đàn bà ấy sẽ thở dài trước mặt Thượng đế và tiếng thở dài ấy sẽ ném con xuống địa ngục, bất kể con là ai và bất kể mọi việc con đã làm.[59, tr.160].
Cả cuộc đời, Zorba luôn say sưa bên những người phụ nữ mà lão gặp gỡ - yêu thương. Zorba bơi lội, ngụp lặn trong khoái cảm tình yêu. Đối với lão, không gì đẹp hơn những khoái cảm mà tính dục mang lại. Với Zorba, tính dục - tình yêu mới là thượng đế. Có lẽ Zorba là nhân vật thành công nhất, ảnh hưởng đến người đọc sâu đậm nhất mà Nikos Kazantzakis để lại cho đời. Zorba là con người mà trái đất này cần, loài người cần để sự hiện tồn của con người trên hành tinh xanh là mãi mãi.
Osho - nhà triết học, nhà huyền môn học nổi tiếng người Ấn Độ đã tạo ra thành ngữ Zorba Phật. Osho nhận xét về nhân vật Zorba như sau:
Quan niệm của tôi về con người mới sẽ là Zorba của Hy Lạp và Phật Gautama(7): con người mới sẽ là Zorba Phật, Con người đó sẽ đầy khoái cảm, vừa tinh thần, vừa vật chất, tuyệt đối vật chất, khoái cảm bởi cơ thể, bởi các giác quan, yêu thích thân mình và tất cả những điều thân thể có thể tạo ra, và còn có thức tỉnh tuyệt vời, sự chứng kiến sâu sắc.
Con người đó sẽ cùng là Christ và Epicurus(8) [84, tr.14].
(7) Siddhārtha Gautama: tên của Đức Phật, phiên âm Hán Việt là Tất Đạt Đa Cồ Đàm.
(8) Epicurus (341-270 trước CN) người chủ trương thuyết khoái lạc.
89
Tư tưởng hiện sinh của Zorba về đàn bà không thuần tuý là sự hưởng lạc của bản ngã Zorba. Zorba luôn trân trọng đàn bà, hướng đến nhu cầu của đời thường.
Đây là một tư tưởng mới mẻ, nhân bản hiếm thấy trong văn chương thập niên 50, 60 của thế kỷ XX ở phương Tây. Điều đáng lưu tâm là: Nikos Kazantzakis dù ảnh hưởng rất mạnh triết học Nietzsche, nhưng quan điểm về đàn bà của ông hoàn toàn đi theo một thiên hướng khác. Nietzsche là triết gia báng bổ đàn bà, còn Nikos Kazantzakis xưng tụng đàn bà. Zorba là sự tường minh sinh động nhất quan điểm nhân văn về phụ nữ của Nikos Kazantzakis. Có lẽ, ít có tác phẩm nào bàn luận về đàn bà một cách sâu sắc, gai góc, đa chiều như Alexis Zorba - con người hoan lạc. Zorba luận bàn về đàn bà và khoái lạc nhục cảm của bản năng vừa chân thực nhưng cũng rất tinh tế. Không cần lý luận cao siêu, lão dùng những lời lẽ giản di và hành động bản năng khi luận bàn và tiếp xúc với đàn bà. Zorba quan niệm đàn bà vừa thiêng liêng, vừa trần tục, vừa là cội nguồn cảm hứng, và là nơi để cho khoái cảm dâng trào: “Đàn bà quả là điều bí ẩn, sếp ạ! Dù có sa ngã ngàn lần, họ vẫn ngàn lần đứng dậy nguyên vẹn trắng trong như một trinh nữ” [59, tr.122]. Zorba xem đàn bà là một dòng suối vô tận: “Đàn bà là một con suối mát. Ta cúi xuống soi vào họ, thấy bóng mình và ta uống; uống đến khi xương cốt rủn ra. Rồi lại có thằng khác đến và hắn cũng khát, hắn cúi xuống soi vào đó, thấy bóng mình và hắn uống” [59, tr.129].
Từ Kinh Thánh, hình tượng Jesus đã được lý giải qua nhiều góc nhìn khác nhau của triết học, lịch sử, đặc biệt là văn học và điện ảnh. Dù được ở giác độ nào, Jesus vẫn tồn tại với hai bản tính: bản tính - đời thường trần tục và thần thánh/Thượng đế. Nhiệm vụ của tiểu thuyết là mở ra những bí mật mà lịch sử, chính trị và tôn giáo cố tình che đậy. Jesus và các nhân vật liên quan trong Kinh thánh, vì vậy đã đi vào lãnh địa văn chương như những con người đời thường với mọi ham muốn trần tục.
Để nói cho đúng nghĩa tinh thần phản kháng của Nikos Kazantzakis, chúng ta cần phải đào khoét tận cùng tâm linh của con người đối diện với Thượng đế. Cuốn truyện Cám dỗ cuối cùng của Chúa là một tiểu thuyết luận đề. Tác phẩm nói lên một nhân sinh quan của tác giả về sự tranh đấu không ngừng giữa thiện và ác, giữa xác thịt với tinh thần. Đây không phải bản tiểu sử của Đức Jesus. Như trên đã nói,
90
Nikos Kazantzakis viết về Jesus nhưng nó được viết ra để chuyển tải một chủ thuyết nhân bản. Tác giả lấy con người Đức Jesus và coi Ngài như mẫu mực. Nhưng hình tượng Jesus không mang nét chính thống như Kinh Thánh. Nikos Kazantzakis đã làm điều mà khiến cả thế giới Ki-tô giáo phẫn nộ. Chưa có nhà văn nào xây dựng hình tượng Jesus với những ham muốn đầy chất trần tục như nhà văn Hy Lạp này.
Jesus cũng trải qua những chặng đường đời như bao chàng trai khác. Ngay từ bé, Jesus đã cảm nhận sự cám dỗ của thân xác người khác giới. Tình yêu nam nữ đầy nhục cảm giữa Jesus và Magdalene được nảy sinh từ khi họ còn là nhưng đứa trẻ.
Sức cám dỗ sâu xa của xác thịt đã làm thổn thức con tim của Magdalene và cũng là điều khiến chàng trai Jesus chưa bao giờ nguôi ngoai vứt bỏ được:
Tim nàng nghẹn ngào đau đớn khi nhớ lại những trò chơi mà họ đã từng vui đùa với nhau khi còn là những đứa trẻ, hắn ba tuổi, nàng bốn tuổi.
họ đã trải qua những nỗi vui sâu xa thầm kín biết bao, niềm ngọt ngào không tả được. Lần đầu tiên, họ cũng nhận ra sự kiện đen tối, thầm kín rằng một là đàn ông và người kia là đàn bà: hai thân xác dường như đã có một lần chỉ là một; nhưng con tạo tàn nhẫn đã chia lìa họ [60, tr.50].
Sự va chạm, chung đụng cơ thể từ thuở ấu thơ đã gợi lên những ẩn ức tình dục và cũng là nguyên nhân dẫn Magdalene vào con đường buông thả khi tình yêu của mình bị buông trôi. Jesus đã thừa nhận rằng chính vì tình yêu với mình mà Magdalene đã đẩy nàng vào con đường thành cô gái điếm: “Đó là lỗi tại con, tại con mà nàng đi con đường đó. Con đã đẩy nàng vào thú vui xác thịt khi con vẫn còn là một đứa trẻ… Đó là lỗi của con, của con. Và đâu chỉ có thế, từ những ngày thơ ấu, con không những giấu kín tự đáy lòng một con quỉ thủ dâm mà còn cả con quỷ kiêu ngạo” [60, tr.169].
Gặp lại người tình Magdalene, cả hai cháy bỏng trong ngọn lửa yêu đương.
Jesus đã không cưỡng được niềm ham muốn khoái lạc. Jesus và Magdalene đã tận hưởng khoái lạc như bình sinh họ đã từng ham muốn, xem khoái lạc chính là đặc ân mà cuộc sống trần gian đã mang đến cho họ. Có lẽ, đây là những phút giây mà Jesus và Magdalene cảm thấy hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình :
91
Magdalene, Magdalene yêu dấu, ôi, bao nhiêu năm ta đợi chờ giờ phút này! Ai đã nhảy vào giữa chúng ta và không cho ta tự do? - Chúa?”…
Jesus ôm nàng, ngửa mặt nàng ra sau và hôn lên miệng nàng… Họ nằm xuống dưới một cây chanh trổ hoa và bắt đầu lăn trên đất… Hoa chanh rơi trên hai thân hình lõa thể. Một con rắn mở đôi mắt tròn bất động nhìn họ…
Rên rỉ, Magdalene ôm chặt người đàn ông, ghì sát thân thể ấy vào thân thể nàng [60, tr.552-553].
Chưa bao giờ Jesus lại thấy khoái cảm tính dục có ý nghĩa đặc biệt như thế.
Niềm hoan lạc trần tục, khoái lạc thân xác không hề là tội lỗi như Chúa đã răn dạy.
Jesus thấy rằng ý nghĩa cuộc sống nằm ở phần hoan lạc này, nó là cuộc sống hiện hữu, là cảm nhận được bằng các giác quan của con người chứ không phải cảm nhận bằng niềm tin. Trần Huyền Sâm đã nhận định:
Magdalene là hiện thân cho lạc thú của cuộc sống trần tục. Đó là nguồn hoan lạc, khoái sướng thân xác, giúp Jesus giải phóng nỗi ám ảnh của trách nhiệm cứu chuộc loài người mà Chúa giao phó. Lần đầu tiên, Jesus cảm nhận được ý nghĩa của niềm hoan lạc trần tục. Khoái lạc thân xác không hề tội lỗi như Chúa đã răn dạy. Và với Jesus, ý nghĩa cuộc sống nằm ở phần hoan lạc này, chứ không phải “nước trời”, bên kia trần thế [99, tr.167].
Đặt Chúa tồn tại trong môi trường thế tục của nhân gian, Nikos Kazaztakis đã làm nổi bật một luận đề mà có lẽ trước đó, ít có tiểu thuyết gia nào dám đề cập: Chúa không chỉ chịu đựng sự đau khổ mà còn trải qua cám dỗ, sai lầm, và trên hết là ham muốn cuộc sống trần tục. Tình yêu thương và sự cứu chuộc của Đức Jesus chỉ có ý nghĩa khi nhìn nhận ở góc độ trần tục này.
3.2.2.Tận hưởng khoái lạc về tinh thần: nghệ thuật âm nhạc và ẩm thực Chủ nghĩa hiện sinh cho rằng con người sáng tạo ra nghệ thuật là đã biểu hiện bản chất hiện sinh của mình. Con người hiện sinh luôn đề cao khoái lạc trong nghệ thuật. Họ cho rằng, nghệ thuật mới là thượng đế của con người. Thông qua nghệ thuật, con người nâng tầm mình lên với sự bất tử và thánh thiện. Nghệ thuật đem lại
92
cho con người sức mạnh để vượt qua chính mình, vươn đến tầm vóc vĩ đại. Phát ngôn về nghệ thuật của Nietzsche đã nói lên điều đó:
Ông khám phá ra rằng, hiện sinh và cuộc đời tự nó đã chứng minh là những hiện tượng thẩm mỹ. Nếu thực sự có một Thượng đế sáng tạo ra thế giới, thì đó chính là: “Thượng đế thuần tuý nghệ thuật, tuyệt đối lột bỏ luân lý và e dè của lương tâm”. Và con người bằng sáng tạo nghệ thuật và ngưỡng mộ thẩm mỹ, cũng có thể tham dự vào niềm vui thánh thiện này. Con người tự vượt qua mình, tự phóng cho mình trong biểu hiện và bằng biểu hiện [14, tr.56-57].
Nghệ thuật là tiếng nói của những giá trị tinh thần được thăng hoa. Nó phong phú, đa dạng. Nghệ thuật có những loại hình thuần túy về tinh thần như âm nhạc, thơ ca, hội họa, cũng có loại hình vừa có giá trị về tinh thần vừa có giá trị về đời sống vật chất như nghệ thuật ẩm thực, Trà đạo của Nhật Bản là một ví dụ điển hình.
Các nhà văn luôn đề cao giá trị nghệ thuật trong sáng tác của mình. Các nhà văn hiện sinh thì càng đề cao giá trị bất tử của nghệ thuật, đặc biệt là Nikos Kazantzakis.
Các nhà hiện sinh đánh giá vai trò to lớn, quan trọng của âm nhạc. Theo họ thì âm nhạc, nhảy múa là sản phẩm văn hoá tinh thần mà con người đã sang tạo ra từ thời tiền sử. Nó đã làm cho cuộc sống của con người ngày càng tuyệt vời hơn.
Nietzsche cho rằng ca hát và nhảy múa làm cho cuộc sống của con người ý nghĩa và đáng sống: “Mỗi ngày qua đều xem như đã bị hư mất nếu ta không nhảy múa lấy một lần. Và tất cả chân lý nào chẳng gây nổi nơi ta ít ra một tràng cười vang dội thì đấy chính là sự sai lầm chứ không phải là chân lý” [80. tr.348].
Trong Alexis Zorba - con người hoan lạc, khoái lạc hưởng thụ âm nhạc được bộc lộ ở nhân vật Zorba. Tiếng đàn santuri, một loại nhạc cụ dân gian làng quê Hy Lạp, đã cướp mất linh hồn cậu bé Zorba, và âm thanh của nó ám ảnh Zorba suốt đời : “Dạo ấy, tôi hai mươi tuổi. Tôi được nghe santuri lần đầu tiên vào một dịp hội làng - làng tôi ở dưới chân núi Olympus. Tôi nghe mà lặng người đi. Ba ngày liền tôi không ăn được gì cả” [59, tr.19]. Cây đàn santuri là một biểu tượng âm nhạc trong tác phẩm. Gắn với nó, Zorba trở thành một nhạc sĩ, một vũ công. Santuri là