CHƯƠNG 2 NGƯỜI CHĂM Ở NINH THUẬN, BÌNH THUẬN
2.1. Địa bàn cư trú của người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận
Có thể nêu một cách ngắn gọn, tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay là sự chuyển tiếp theo tiến trình lịch sử từ tiểu quốc Panduranga trong liên hiệp vương quốc Champa xưa. Theo dòng lịch sử, Panduranga ở đầu thế kỷ 9 không phải là một quốc gia độc lập có chủ quyền theo nghĩa rộng của nó và cũng không phải là một tỉnh của vương quốc Champa. Panduranga là một xứ sở có biên giới chung với Champa, thường triều cống vương quốc này và sẵn sàng chấp nhận các vị cai trị do triều đình sai đến, nhưng lúc nào Panduranga cũng tìm cách để bảo vệ nền tự trị của mình. Lãnh thổ của Panduranga thường được xem như là đất phong dành cho những vị thái tử thừa kế ngôi vua [45].
Người dân tại Panduranga thường luôn luôn chống lại Vua. Quốc vương Jaya Paramecvaravarman I, năm 1050, đã phái người cháu là Cri Devaraja Maha Senapati đi thu phục họ. Dưới thời quốc vương Paramabodhisattva (1080- 1086), Panduranga luôn luôn bất tuân lệnh và nhiều lần có âm mưu tự trị.
Trong thời gian ở ngôi từ 1147 đến 1166 (hoặc 1167), quốc vương Harivarman I cũng phải mất 5 năm để bình định Panduranga (1156-1160) [45]. Nửa sau thế kỷ 13, có vài lần Panduranga tiếp tục bất tuân phục trung ương (Vijaya), được ghi nhận vào các năm 1249, 1265 và 1277 [46].
Claude Jacques cũng chỉ rõ thêm khi nghiên cứu các nguồn tài liệu về hoạt động kinh tế tại các vùng đất Khmer và Chăm. “Về mặt chính trị, điều hiện ra từ các văn bia rằng, các vùng đất Chăm có lẽ thường bị chia cắt nhiều hơn là liên kết. Một cách đặc biệt, sự phân biệt giữa Chàm (Campa) và
44
Panduranga luôn luôn được đưa ra một cách cẩn trọng trong các văn bia… xứ Chàm bao gồm nhiều vương quốc, Vijaya là vương quốc quan trọng nhất trong chúng” [41].
Sau năm 1471, người Chăm bị đẩy lui về phía Nam đèo Cù Mông, bao gồm khu vực Kauthara và Panduranga xưa. Một vị tướng Champa được biết đến với cái tên Bố Trì Trì lui về Panduranga, tự xưng là vua Champa, trị vì đến năm 1478 thì một người em của ông tên là Gulai nối ngôi. Gulai trị vì đến năm 1505 thì nhường ngôi cho con là Trà Toại (vị vua này không rõ ở ngôi đến năm nào; thông tin cuối cùng là một phái bộ ngoại giao của Panduranga đến Trung Hoa năm 1543, và kể từ đó, các tài liệu bằng tiếng Hán không còn đề cập đến quốc gia này nữa) [44]. Bẵng đi một thời gian hơn một thế kỷ, trong sách sử của người Việt không thấy nhắc đến khu vực này. Mãi đến năm 1653, trong Đại Nam Thực Lục mới ghi lại sự kiện vua Chiêm Thành là Bà Tấm (được cho là Po Nraop - Đổng Thành Danh, 2014) quấy nhiễu ranh giới phía Nam xứ Thuận - Quảng và bị quan quân chúa Nguyễn đánh bại, dẫn đến miền Kauthara (tỉnh Khánh Hòa ngày nay) được sáp nhập vào Đàng Trong với tên gọi dinh Thái Khang.
Đến năm 1692, người đứng đầu Panduranga là Bà Tranh (Po Soat - Đổng Thành Danh, 2014) lại tấn công phủ Diên Ninh thuộc dinh Thái Khang nhưng đại bại, dẫn đến hệ quả Panduranga bị sáp nhập vào Đàng Trong và được chúa Nguyễn đổi thành trấn Thuận Thành, chia thành 3 khu vực: Phố Hài (Pajai), Phan Rí (Parik) và Phan Rang (Parang). Năm 1693, chúa Nguyễn đổi trấn Thuận Thành thành phủ Bình Thuận, nhưng đến tháng 8 năm 1694 lại đổi thành trấn Thuận Thành, rồi trở lại phủ Bình Thuận vào năm 1697 gồm hai huyện An Phước và Hòa Đa [12], nhưng trong phủ Bình Thuận vẫn tồn tại trấn Thuận Thành, độc lập với phủ Bình Thuận, đứng đầu là Thuận Thành vương [24, tr. 106], đến năm 1832 thì vua Minh Mạng đổi trấn Thuận Thành thành phủ Ninh Thuận [37, tr. 148].
45
Năm 1827, vua Minh Mạng đổi phủ Bình Thuận thành tỉnh Bình Thuận.
Sau nhiều lần bổ sung, thay đổi địa giới qua các giai đoạn, tháng 2 năm 1976, tỉnh Bình Thuận được sáp nhập với Bình Tuy và Ninh Thuận thành tỉnh Thuận Hải. Đến năm 1992, tỉnh Thuận Hải được chia thành hai tỉnh: Ninh Thuận và Bình Thuận như hiện nay. Tỉnh Ninh Thuận vốn là tỉnh Phan Rang được Toàn quyền Đông Dương thành lập năm 1901, đến năm 1913 bị xóa bỏ, phần phía Bắc sáp nhập vào tỉnh Khánh Hòa, phần phía Nam nhập vào tỉnh Bình Thuận; năm 1922, tỉnh Phan Rang được tái lập, gồm phủ Ninh Thuận và huyện An Phước (nơi có người Chăm cư trú), rồi đến tháng 2 năm 1976, được sáp nhập cùng tỉnh Bình Thuận và Bình Tuy để trở thành tỉnh Thuận Hải.
Ngày 1/4/1992, tỉnh Ninh Thuận chính thức được tái lập và đi vào hoạt động [57]. Theo Nguyễn Duy Hinh, tình hình người Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận hiện nay chúng ta nghiên cứu - và kể cả khi người Pháp nghiên cứu vào đầu thế kỷ 20 - là tình hình cư dân Panduranga chứ không phải cư dân khu Bắc, tức Lâm Ấp [37, tr. 22].
2.1.2. Các cộng đồng tôn giáo của người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận Trước khi trình bày sự phân bố của các cộng đồng tôn giáo của người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận, xin được nêu vắn tắt về tình hình tôn giáo của người Chăm ở khu vực này trong lịch sử.
Qua khái quát lịch sử vùng đất Panduranga (Ninh Thuận và Bình Thuận hiện nay), có thể thấy vùng đất này trải qua nhiều biến thiên cả về địa giới hành chính cũng như chủ nhân của nó. Chính vì lẽ đó mà có thể rút ra nhận xét ở khía cạnh tôn giáo là niềm tin tôn giáo của dân chúng, thậm chí là của cả giới lãnh đạo ở đây đặt vào tôn giáo (Ấn Độ giáo) chiếm ưu thế một thời gian dài trong liên hiệp vương quốc Chămpa cũng không thể sâu đậm, và sau những thất bại về chính trị, quân sự, họ cũng dễ phải tìm cho mình một chủ thuyết phát triển mới. Tính không sâu đậm về niềm tin theo Ấn Độ giáo được thể hiện qua việc:
46
“Không tìm thấy dấu vết thật sự của Ấn Độ giáo trong khu vực miền Nam (Panduranga). So với hệ thống tổ chức quốc gia ở Bắc Champa, các vua chúa ở Panduranga không tự xưng là con của Thượng đế Ấn Độ giáo, không dùng danh xưng Phạn ngữ để đặt tên cho mình. Sau cùng, vương quốc Panduranga dần dần tách ra khỏi những gì có tính chất Ấn Độ giáo để tìm một triết lý mới cho hệ thống tư duy vũ trụ riêng. Thời điểm Panduranga dần dần tách ra khỏi những gì có tính chất Ấn Độ giáo để xây dựng hệ thống tổ chức quốc gia hoàn toàn dựa trên truyền thống địa phương và dung hòa với văn hóa Islam giáo có thể từ sau năm 1471 [48].
Theo khảo cứu của Lafont, các vị vua Bố Trì Trì, Gulai và Trà Toại là ba vị vua chịu ảnh hưởng của hai thế giới rõ rệt. Thế giới thứ nhất kể từ trước thế kỷ 14 là thế giới Ấn giáo. Thế giới thứ hai là thế giới của nền văn minh bản địa xuất phát từ truyền thống của miền Nam Champa pha trộn với sắc thái của người dân ở Panduranga và Kauthara. Từ cuối thế kỷ 15 cho đến thế kỷ 16, văn hóa Champa Ấn giáo đi vào con đường phôi phai cùng với sự biến mất của giai cấp quý tộc Bàlamôn.... Mọi lý thuyết về sự sinh tồn vũ trụ Ấn giáo không còn thích hợp nữa để thay thế bằng một hệ thống triết lý mang tính chất bản địa của miền Nam Champa pha lẫn với yếu tố Islam giáo kể từ thế kỷ 17 [44]. Đặc điểm truyền thống mẫu hệ sâu đậm, thờ Po là đặc điểm xưa và nay của người Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận [37, tr. 23].
Tình hình chính trị vùng Padurangan cũng như vai trò của Ấn Độ giáo không sâu đậm như ở phía bắc Champa phần nào khẳng định cho nhận định Islam giáo nếu phát huy tác dụng vào thế kỷ 17 thì đương nhiên phát huy trước hết ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện nay [58, tr. 55].
2.1.2.1. Sự phân bố cộng đồng tôn giáo của người Chăm ở Ninh Thuận Người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận có 3 cộng đồng tôn giáo là Chăm Bàlamôn, Chăm Bà ni và Chăm Islam. Theo kết quả điều tra tổng dân số ngày
47
1/4/2009, người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận có 67.274 người [2, tr. 194], cư trú tại 22 làng phân bố ở 12 xã thuộc 6 huyện thị: Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Sơn, và Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.
Huyện Ninh Phước và huyện Thuận Nam (tách ra từ huyện Ninh Phước năm 2009) là nơi có người Chăm cư trú đông nhất với dân số năm 2009 là 51.527 người [36].
Theo đơn vị hành chính phân bố từ Bắc xuống Nam, người Chăm ở Ninh Thuận cư trú ở những địa bàn sau (đơn vị hành chính được sử dụng thống nhất ở đây là: làng - để phù hợp với phân cấp hành chính của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 110 Hiến pháp 2013 và Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 vì có tài liệu sử dụng chưa thống nhất đơn vị hành chính ở Việt Nam là làng và thôn):
1. Làng Bỉnh Nghĩa (Palei Bal Riya), xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc;
2. Làng An Nhơn (Palei Pamblap Klak), xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải;
3. Làng Phước Nhơn (Palei Pamblap Biraw), xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải;
4. Làng Lương Tri (Palei Cang), xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn;
5. Làng Thành Ý (Palei Tabeng), xã Thành Hải, Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm;
6. Làng Hoài Trung (Palei Baoh Bini), xã Phước Thái, huyện Ninh Phước;
7. Làng Như Bình (Palei Dara), xã Phước Thái, huyện Ninh Phước;
8. Làng Chất Thường (Palei Baoh Dana), xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước;
9. Làng Phước Đồng (Palei Mblang Kacak), xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước;
10. Làng Hiếu Lễ (Palei Cauk), xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước;
11. Làng Phú Nhuận (Palei Baoh Deng), xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước;
12. Làng Hữu Đức (Palei Hamu Tanran), xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước;
13. Làng Hậu Sanh (Palei Thuer), xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước;
14. Làng Vĩnh Thuận (Palei Hamu Craok), thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (do thay đổi đơn vị hành chính, làng Vĩnh Thuận hiện nay có thể có tên gọi là khu phố Bàu Trúc = khu phố 7, thị trấn Phước Dân);
48
15. Làng Mỹ Nghiệp (Palei Caklaing), thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (cũng do thay đổi đơn vị hành chính, làng Mỹ Nghiệp hiện nay có thể có tên gọi là khu phố Mỹ Nghiệp = khu phố 11, thị trấn Phước Dân, trước năm 1993 thuộc xã Phước Hải);
16. Làng Chung Mỹ (Palei Bal Caong), thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước;
17. Làng Thành Tín (Palei Cuah Patih), xã Phước Hải, huyện Ninh Phước;
18. Làng Tuấn Tú (Palei Patuh), xã An Hải, huyện Ninh Phước;
19. Làng Văn Lâm (Palei Ram), xã Phước Nam, huyện Thuận Nam;
20. Làng Phước Lập (Palei La Li-u), xã Phước Nam, huyện Thuận Nam;
21. Làng Hiếu Thiện (Palei Palao), xã Phước Nam, huyện Thuận Nam;
22. Làng Vụ Bổn (Palei Pabhan), xã Phước Nam, huyện Thuận Nam.
Cộng đồng Chăm Bàlamôn ở Ninh Thuận, theo số liệu của Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận năm 2017, có khoảng 48.000 người, với 24 cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, 180 chức sắc, trong đó có 03 Cả sư, 09 Phó Cả sư, sinh tụ tại 15 thôn thuộc các huyện Thuận Bắc, Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, huyện Ninh Phước, huyện Thuận Nam (trong đó tập trung đông nhất ở huyện Ninh Phước với 10 địa điểm): 1) Làng Bỉnh Nghĩa (xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc. Năm 2005 thuộc xã Phương Hải, huyện Ninh Hải), 2) Làng Thành Ý (xã Thành Hải, Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm), 3) Làng Hoài Trung, 4) Làng Như Bình (xã Phước Thái, huyện Ninh Phước), 5) Làng Chất Thường, 6) Làng Phước Đồng, 7) Làng Hiếu Lễ (xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước), 8) Làng Hữu Đức, 9) Làng Hậu Sanh (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước), 10) Làng Vĩnh Thuận, 11) Làng Mỹ Nghiệp, 12) Làng Chung Mỹ (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước), 13) Làng Phước Lập, 14) Làng Hiếu Thiện, 15) Làng Vụ Bổn (xã Phước Nam, huyện Thuận Nam. Trước năm 2009 thuộc huyện Ninh Phước) [36]. Ngoài ra, còn có một thôn có cả người Chăm Bàlamôn và Chăm Bàni sống chung, đó là thôn Phú Nhuận, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước.
49
Có 3 khu đền tháp nổi bật của người Chăm Bàlamôn ở Ninh Thuận, phân chia theo khu vực, có hệ thống chức sắc Bàlamôn cai quản, phục vụ nhu cầu tâm linh cho các nhóm thôn Chăm Bàlamôn:
1) Khu vực tháp Po Rome tọa lạc trên địa giới thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước phục vụ nhu cầu tâm linh cho 6 thôn, gồm: Hậu Sanh, Hiếu Thiện, Vụ Bổn, Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ, Phước Lập;
2) Khu vực đền thờ Po Inư Nưgar tọa lạc trên địa giới thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, phục vụ nhu cầu tâm linh cho 3 thôn, gồm:
Hữu Đức, Như Bình và Bàu Trúc.
3) Khu vực tháp Po Klong Girai tọa lạc trên đồi Trầu, phường Đô Vinh, Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm phục vụ nhu cầu tâm linh cho 7 làng, gồm:
Hiếu Lễ, Chất Thường, Phú Nhuận, Hoài Trung, Phước Đồng và Thành Ý.
Ngoài ra, tại thôn Bỉnh Nghĩa, xã Phương Hải, huyện Ninh Hải có đền thờ Po Bin Thuơr nhưng không có chức sắc Bàlamôn thực hiện các công việc tôn giáo, tín ngưỡng nên khi có các nghi lễ cần có chức sắc đảm nhiệm đều phải mời chức sắc Bàlamôn từ khu vực tháp Po Klong Girai về giúp.
Cộng đồng Chăm Bà ni ở Ninh Thuận sinh sống ở 7 làng: 1) Làng An Nhơn; 2) Làng Phước Nhơn thuộc xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải; 3) Làng Lương Tri thuộc xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn; 4) Làng Tuấn Tú thuộc xã An Hải, huyện Ninh Phước; 5) Làng Thành Tín thuộc xã Phước Hải, huyện Ninh Phước; 6) Làng Văn Lâm thuộc xã Phước Nam, huyện Thuận Nam (trước năm 2009 thuộc huyện Ninh Phước); 7) Làng Phú Nhuận thuộc xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước.
Theo thống kê của Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận năm 2017, người Chăm Bà ni sinh sống ở tỉnh Ninh Thuận có 28.000 người, 110 tu sỹ, sinh hoạt tôn giáo ở 7 thánh đường sau:
1. Thánh đường An Nhơn (Palei Pablap Klak), xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải;
50
2. Thánh đường Phước Nhơn (Palei Pablap Birew), xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải;
3. Thánh đường Lương Tri (Palei Cang), xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn;
4. Thánh đường Phú Nhuận (Palei Baoh Deng), xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước;
5. Thánh đường Thành Tín (Palei Cuah Patih), xã Phước Hải, huyện Ninh Phước;
6. Thánh đường Tuấn Tú (Palei Katuh), xã An Hải, huyện Ninh Phước;
7. Thánh đường Văn Lâm (Palei Ram), xã Phước Nam, huyện Thuận Nam [5].
Cộng đồng Chăm Islam ở Ninh Thuận được hình thành đầu thập niên 1960 với vai trò của ông Mã Thành Lâm, quê ở xã Phước Nhơn, huyện Ninh Hải, làm việc ở Sở Canh nông, Sài Gòn. Mã Thành Lâm qua tiếp xúc với một tín đồ Islam người Ấn Độ tên là Mohamet Allih đã hiểu về Islam giáo rõ ràng hơn. Nhận thấy thực hành tôn giáo như Mohamet Allih giảng giải đơn giản và đại chúng hơn so với đạo Bà ni nên Mã Thanh Lâm chủ xướng thành lập Hiệp hội Chăm Hồi giáo Việt Nam và tìm cách truyền bá cách thực hành này về người Chăm ở quê hương ông. Trải qua những khó khăn ban đầu và thông qua ông Từ Công Xuân, một nhóm người Chăm Bà ni (trước hết là họ hàng thân thích của ông Từ Công Xuân ở Văn Lâm, Phước Nhơn, An Nhơn, huyện Ninh Hải) đã “cải đạo” theo Islam giáo. Dần dà, họ phát triển được 30 hộ ở Văn Lâm, xã Phước Nam và xây dựng nên thánh đường đầu tiên - Thánh đường 101, vào năm 1962. Tới năm 1964, Thánh đường 102 được xây dựng ở thôn Phước Nhơn; năm 1968, Thánh đường 103 được xây dựng ở An Nhơn, và năm 1974, Thánh đường 104 được xây ở thôn Nho Lâm, cùng ở xã Phước Nam. Cách thực hành tôn giáo được coi là “chính thống” này cũng được truyền bá vào các làng Chăm khác ở Ninh Thuận như Lương Tri (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn), Thành Tín (xã Phước Hải), Phú Nhuận (xã Phước
51
Thuận) thuộc huyện Ninh Phước và vùng Chăm Bình Thuận nhưng không thành công [50]. Số liệu năm 2017 của Ban Tôn giáo Tỉnh cho biết cộng đồng Chăm Islam ở Ninh Thuận có khoảng 2.800 người, 60 chức sắc, và sinh hoạt tại 04 thánh đường như đã nêu trên [5].
2.1.2.2. Sự phân bố cộng đồng tôn giáo của người Chăm ở Bình Thuận Người Chăm ở tỉnh Bình Thuận có 2 cộng đồng tôn giáo là Chăm Bàlamôn và Chăm Bà ni, định cư và sinh sống chủ yếu ở 25 làng thuộc 6/10 đơn vị hành chính thuộc tỉnh Bình Thuận, gồm: Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tánh Linh, trong đó tập trung ở huyện Bắc Bình. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, tỉnh Bình Thuận có 34.690 người Chăm [2, tr. 195].
Cộng đồng Chăm Bàlamôn ở Bình Thuận sinh sống ở 14 làng (theo chiều từ Bắc xuống Nam), gồm: 1) Làng Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong; 2) Làng Bình Hiếu, 3) Làng Bình Đức, 4) Làng Bình Tiến, thuộc xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình; 5) Làng An Lạc, xã Bình An, huyện Bắc Bình;
6) Làng Trí Thái, 7) Làng Tịnh Mỹ, thuộc xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình; 8) Thôn 3, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc; 9) Làng Hiệp Phước, 10) Làng Hiệp Hòa, 11) Làng Hiệp Nghĩa, thuộc xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam; 12) Làng Phò Trì, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân; 13) Làng Chăm, xã Lạc Tánh, huyện Tánh Linh; 14) Làng Bầu Chim, xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh.
Theo khảo cứu của giới khảo cổ học, ở Bình Thuận hiện có 11 nhóm tháp liên quan đến Ấn Độ giáo: 1) Ở Thành phố Phan Thiết có nhóm tháp Po Sah Inư; 2) Ở huyện Hàm Thuận Bắc có các nhóm tháp: Po Patao Yang Tom, Làng Gọ, Châu Rế, Kim Bình, Hồng Liêm, Dân Lễ, Bàu Xuyên; 3) Huyện Hàm Thuận Nam có nhóm tháp Đại Thành, nhóm tháp Hàm Thạnh; 4) Huyện Tuy Phong có nhóm tháp Po Dam.