Niềm tin và hệ thống thực hành tôn giáo của người Chăm Bà ni

Một phần của tài liệu Đạo bà ni trong cộng đồng người chăm ở ninh thuận, bình thuận hiện nay (Trang 59 - 89)

CHƯƠNG 2 NGƯỜI CHĂM Ở NINH THUẬN, BÌNH THUẬN

2.2. Niềm tin và hệ thống thực hành tôn giáo của người Chăm Bà ni

Cũng như các cộng đồng Islam giáo khác, cộng đồng Chăm Bà ni cũng có niềm tin vào Allah và sử dụng ngôn ngữ Arab trong cầu nguyện. Đây là 2 tiêu chí cơ bản để nhận diện một cộng đồng tín đồ Islam giáo [84]. Các nghiên cứu đi trước đã chỉ ra người Chăm Bà ni (ít nhất là tầng lớp tu sỹ - tầng lớp đại diện cho cộng đồng Bà ni thực hiện các bổn phận tôn giáo) tùng

55

phục đức tin đối với Allah và tông đồ của Ngài là Muhammad [3], [25], [62], [66], hoặc cụ thể hơn “tín đồ đạo Bà ni tự nhận mình là con cháu Muhammad thuộc dòng dõi Nhà tiên tri” [37, tr. 382], nghĩa là xác nhận tuân theo đường lối, nguyên tắc chỉ dẫn cuộc sống của Nhà tiên tri Muhammad - tức Islam giáo. Tín đồ đạo Bà ni cũng thực hiện nghiêm những quy định liên quan đến biểu đạt niềm tin đó, như: kiêng ăn thịt lợn/heo, sử dụng Kinh Qur’an trong nghi lễ thờ phượng và hướng dẫn trong đời sống hằng ngày, thực hiện nghi thức tẩy thể trước khi làm lễ, thực hành tháng lễ Ramưwan, cơ sở thờ tự không trang trí, trưng bày ảnh tượng [3].

Theo nhiều nhà nghiên cứu, vì người Chăm Bà ni bên cạnh việc thờ phượng Allah và tôn sùng Nhà tiên tri Muhammad còn thờ cúng tổ tiên (đúng hơn là tưởng nhớ tổ tiên - NB), các vị thần bản địa và thực hiện nhiều nghi lễ ngoài Islam giáo chính thống (xin lưu ý ở đây là thuật ngữ Islam giáo chính thống) nên cho rằng đạo Bà ni là Islam giáo đã bị bản địa hóa. Trong cuốn Lễ hội của người Chăm [63], tác giả Sakaya đã liệt kê 14 vị được người Chăm gọi là thánh, thần có nguồn gốc từ Islam giáo mà người Chăm gọi là các vị thần mới (yang birow), trong đó Allah được xếp ở vị trí thứ nhất (xin dẫn nguyên văn):

1. Thánh Alla - Po Âuloah 2. Thánh Mohamach - Nưbi Mohamat 3. Thánh Ibrahim - Po Nưbi Ibrahim 4. Thần Ra in lak - Po In lak

5. Thần Khar - Po Khar

6. Thần Mal - Po Mal

7. Thần Ali - Po Ali

8. Thần Ban Gana - Po Ban Gana 9. Thần Than, Thai - Po Than, Po Thai 10. Thần Cah ya - Po Cah ya

56

11. Thần Thun Garai - Po Thun Garai 12. Thần Hanim Par - Po Hanim Par 13. Thần chèo thuyền - Po Tang Ahauk 14. Thần Sóng biển - Po Riyak

Trong số các vị được gọi là thánh, thần kể trên, những vị như Alla, Mohamat, Ibrahim (= Abraham), Ali không còn xa lạ với giới nghiên cứu Kitô giáo, Do Thái giáo và Islam giáo. Những vị này được người Chăm Bà ni cầu cúng trong các nghi lễ tổ chức ở thánh đường trong tháng Ramưwan. Các vị còn lại, qua các nghiên cứu đi trước và theo suy luận cá nhân, chúng tôi tạm thời thấy được sự liên quan của 3 vị (Po Than, Po Thai, Po Riyak) có trong thần thoại và giáo sử Islam giáo. Po Riyak (Thần Sóng biển) là vị thần al-Hadir - vị thần bảo hộ cho những người đi biển được ghi lại trong Kinh Qur’an [21]; Po Than, Po Thai (Thần Than, Thần Thai) có thể là hai người cháu ngoại của Nhà tiên tri Muhammad (tức con trai của Ali và Fatimah - Hassan và Husayin - 4 nhân vật thường được đóng vai trong đám cưới theo nghi thức tôn giáo của người Chăm Bà ni).

Allah được người Chăm Bà ni phát âm và ký âm là Po Âuloah và Po Âuloah xuất hiện trong văn chương của người Chăm không phải là đấng Thượng Ðế duy nhất mà là Ðấng Thượng đế tối cao đứng đầu trong danh sách các thần linh quan trọng của người Chăm ở Panduranga (Ninh - Bình Thuận hiện nay) [37]. Việc phát âm, ký âm và quan niệm như vậy không có gì sai biệt vì theo các nhà nghiên cứu Phương Tây, Thượng đế của tín đồ Islam giáo được gọi bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, ví dụ “Khan da” trong ngôn ngữ Indo-Iran, “Tanri” hoặc “Tengri” trong ngôn ngữ Trung Á. Ngay ở vùng đất Arab, Allah cũng thường được gọi là al-Rabb, nghĩa là Chúa tể (Lord) [84, tr.

16]. Theo quan niệm của nhiều người Arab, Allah là vị thần của Mặt Trăng và việc đi lại, đồng thời là vị thần dẫn dắt các vị thần khác. Ở một khía cạnh khác, Allah còn được cho là thần chủ của bộ tộc Qurayish, trong đó có thị tộc

57

Hashim - thị tộc của gia đình Nhà tiên tri Muhammad [27, tr. 24, 25]. Như vậy, quan niệm về Allah của người Chăm là Đấng Thượng đế tối cao đứng đầu danh sách các thần linh quan trọng cũng phù hợp với quan niệm của người Arab. Hoặc có thể nói theo cách khác, các nhà truyền giáo Islam đã truyền giáo sử cho người Chăm theo đúng thân thế tiểu sử Nhà tiên tri Muhammad và cũng phù hợp với tâm thức tâm linh của người Chăm, cũng như để thuận lợi hơn, dễ dung hóa hơn khi truyền giáo.

2.2.2. Các yếu tố biểu đạt niềm tin 2.2.2.1. Kinh Qur’an

Với Kinh Qur’an, có ý kiến cho rằng do qua nhiều lần sao chép bằng tay nên nội dung có thể bị lệch so với các bản Kinh hiện lưu hành ở các nước Islam giáo khác trên thế giới và nội dung cũng không được chép hết mà chỉ được trích đoạn (vấn đề này cần có khảo cứu thêm - NB). Vả lại các tu sỹ Bà ni do không biết chữ Arab nên cũng không hiểu nghĩa bản văn. Vì vậy, ở mỗi đoạn trích người ta phải ghi chú thêm nội dung hoặc những lời chỉ dẫn bằng chữ Chăm cổ nói rõ ý nghĩa của các câu kinh để sử dụng. Việc truyền giảng Kinh Qur’an của các tu sỹ chủ yếu là phát âm đúng câu kinh, những nghi thức, những động tác phải thực hiện khi làm một nghi lễ [37]. Tuy nhiên, theo khảo cứu của Trương Văn Món thì Kinh Qur’an của người Chăm Bà ni là bản chép tay trung thành từ Kinh Qur’an của người Arab. Dựa vào mẫu tự Arab, người Chăm Bà ni sáng chế ra một kiểu chữ viết riêng của họ để chép Kinh gọi là Akhar Bani. Bên cạnh chữ Akhar Bani, họ còn dùng chữ Chăm truyền thống (Akhar Thrah) để giải thích nội dung Kinh [52]. Theo khảo sát của đoàn công tác Viện Nghiên cứu Tôn giáo năm 2005 tại Thánh đường Châu Hanh, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, Bình Thuận và tại Thánh đường Giang Mâu, xã Lâm Giang, huyện Hàm Thuận Bắc, tình Bình Thuận thì Kinh Qur’an của người Chăm Bà ni có 40 chương (sourat), và theo Nguyễn Duy Hinh thì R. P. Durand cũng đã thấy bộ kinh này [37, tr. 381]. Số chương trong

58

Kinh Qur’an của người Chăm Bà ni là điểm đáng lưu ý khi nhìn nhận cách thực hành tôn giáo của cộng đồng này. Chúng tôi sẽ đề cập trong Chương 3.

Có thể việc sao chép Kinh Qur’an bị “tam sao thất bản” và giới tu sỹ Bà ni không hiểu hết nghĩa của văn bản nhưng theo quan điểm truyền thống, việc dịch Kinh Qur’an từ ngôn ngữ Arab sang ngôn ngữ khác thường bị phản đối.

Mặc dù hiện nay, Kinh Qur’an đã được dịch sang các ngôn ngữ khác, nhưng quy ước mặc nhận theo truyền thống vẫn đòi hỏi mỗi câu chữ trong Kinh Qur’an là bất di bất dịch, mỗi lời Allah truyền qua Muhammad là những lời đặc biệt, là nguồn hướng dẫn cho những hành động cũng như mục đích nghi lễ. Chính vì vậy, ở thời gian khi Kinh Qur’an chưa được in ấn, việc học thuộc lòng toàn bộ Kinh Qur’an có vai trò quan trọng và người thuộc lòng Kinh Qur’an rất được kính trọng, thậm chí những người không biết chữ nhưng với lòng mộ đạo thì chỉ cần di chuyển ngón tay theo các con chữ trong Kinh cũng là một cách biểu lộ đức tin [84, tr. 20-21]. Người Chăm Bà ni hẳn là được truyền thụ và thấu hiểu tính thiêng, ý nghĩa cũng như vai trò của Kinh Qur’an nên chỉ suy ngẫm, sao chép vào khoảng thời gian Nhà tiên tri Muhammad nhận được những lời phán truyền của Allah mà về sau trở thành tên gọi một tháng trong niên lịch Islam giáo - tháng Ramadan. Đồng thời, người Chăm Bà ni dường như vẫn bảo lưu được tập tục kính trọng người thuộc Kinh Qur’an vì trong tháng lễ Ramadan, sau khi làm lễ Muk Trun (hết 15 ngày đầu tháng), vị tu sỹ nào muốn được kính trọng sẽ thực hiện lễ Akhar Muk, tức là phải tụng đọc bài kinh rất dài bằng âm ngữ Arab, nếu thuộc hết thì danh tiếng của vị tu sỹ đó được khẳng định, ngược lại thì ít được mến mộ [72]. Có thể coi đây là điểm tương đồng với các cuộc thi xướng Kinh Qur’an ở các cộng đồng Islam giáo Sunni. Ngoài Kinh Qur’an, trong văn bản chép tay của người Chăm vẫn còn ghi chép nhiều về các nhân vật trong Islam giáo, như: Po Kuk (Allahuh), Auluah (Allah), Mohamat/Mohamet (Muhammad), Po Ali (Ali) và Phua Timah (Fatimah) [52].

59 2.2.2.2. Cơ sở thờ tự

Cơ sở thờ tự của tín đồ Islam giáo được gọi là Masjid (Mosque trong tiếng Anh, người Việt Nam thường gọi là Thánh đường). Nguyên gốc của từ này trong ngôn ngữ Arab, có nghĩa là “phủ phục”. Thánh đường là nơi tín đồ Islam giáo thực hiện nghi lễ cầu nguyện khẳng định sự tuân phục của họ trước Thượng đế.

Nhìn chung, hình dáng của thánh đường hiện nay có dạng hình chữ nhật.

Khu vực dành cho người tín đồ cầu nguyện bên trong thánh đường là nơi thiêng liêng. Một thánh đường Islam giáo không nhất thiết phải là một tòa nhà được bao bọc mọi phía. Xung quanh thánh đường ở các quốc gia nhiệt đới là những tường rào đơn thuần hình chữ nhật. Tuy nhiên, có một bức tường khác với ba bức còn lại. Bức tường này được gọi là Qibla, có nghĩa là “hướng”.

Qibla giúp cho người tín đồ biết hướng Thánh địa Mecca để hướng mặt về phía đó mỗi khi cầu nguyện. Ở Qibla có một vị trí được tạo thành hốc lõm, gọi là Mihrab. Mihrab nhằm thể hiện chính xác hướng của Mecca và người hướng dẫn cầu nguyện sẽ đứng ở trước cái hốc này khi hướng dẫn mọi người thực hiện việc thờ phượng. Ở Mecca, vị trí của Mihrab theo đúng hướng của ngôi đền Ka’bah. Trong thánh đường Islam giáo là bục giảng Kinh. Người Islam giáo gọi cái bục này là Minbar. Minbar thường được đặt phía trước tường Qibla và ngay bên cạnh hốc Mihrab. Đôi khi Minbar được làm như cầu thang nhiều bậc, nhưng thường thì chỉ cao hơn sàn nhà một chút để mọi người tham dự cầu nguyện có thể nhìn thấy người giảng kinh. Bên ngoài thánh đường ở các quốc gia Islam giáo thường có ít nhất một cái tháp cao, gọi là Minaret, để từ đó một người trong cộng đồng thông báo cho tín đồ giờ cầu nguyện; người báo giờ cầu nguyện được gọi là Muezzin.

Mỗi làng Chăm Bà ni đều có một thánh đường (người Chăm Bà ni đọc là

“Thang/Sang mưgik”, phiên âm từ Masjid hoặc Mosque [37, tr. 381]). Những thánh đường này nhìn chung được xây cất một cách đơn giản nhưng kiên cố,

60

khang trang và theo một phong cách gần giống nhau tuy không có tháp Minaret, không có mái vòm đỉnh nhọn theo lối kiến trúc thường thấy của các thánh đường Islam giáo trên thế giới. Tuy nhiên, dù các thánh đường Bà ni không có mái vòm đỉnh nhọn nhưng hướng của thánh đường được tính toán chính xác với hướng Kiblad (Qibla - NB), tức hướng về Thánh địa Mecca - một yêu cầu đối với các thánh đường Islam giáo trên toàn thế giới. Trong trường hợp của Việt Nam là hướng Đông - Tây, tức cửa ra vào ở hướng Đông, bức tường Qibla ở hướng Tây. Ở bức tường Qibla, tuy không tạo ra hốc Mihrab, nhưng thay vào đó có một khung gỗ cao khoảng 2 mét, rộng, dài khoảng 1 - 1,2 mét và được gọi là Minbar - một thuật ngữ Islam giáo, là nơi để các tu sỹ lên đọc kinh và hướng dẫn tín đồ làm lễ. Việc giảng kinh được thay thế bằng nghi thức đọc kinh cầu nguyện. Mỗi thánh đường đều có một cái giếng hoặc bể nước và nơi để các tu sỹ làm nghi thức tẩy thể trước khi hành lễ trong thánh đường [5].

Như trên đã đề cập, người thông báo giờ cho tín đồ đến thánh đường làm lễ cầu nguyện gọi là Muezzin, nhưng ở người Chăm Bà ni gọi là Bilan [28, tr.

140]. Cách gọi này cho thấy người Chăm Bà ni cũng thấm nhuần giáo sử vì Muezzin đầu tiên là một nô lệ da đen, tên là Bilal, được Abu Bakr (một trong những người đồng hành sớm nhất cùng Nhà tiên tri Muhammad, sau trở thành Caliph đầu tiên dẫn dắt cộng đồng Muslim sau khi Muhammad qua đời) mua lại và giải phóng. Theo truyền thuyết, những người đồng hành cùng Nhà tiên tri Muhammad hỏi rằng: Người Do Thái báo cho mọi người biết giờ cầu nguyện bằng cách thổi tù và, người Kitô giáo thì rung chuông. Vậy, chúng ta nên làm gì? Nhà tiên tri Muhammad đã chỉ định Bilal (vì anh này có giọng khỏe khoắn và vang xa) và hướng dẫn anh ta làm loa tay thông báo giờ cầu nguyện [82, tr. 171] [109, tr. 152]. Hiện nay, từ Bilan không phổ biến trong người Chăm Bà ni, nhưng xét theo nhiệm vụ đánh trống báo nghi lễ cầu

61

nguyện bắt đầu trong trình tự lễ cầu nguyện của vị tu sỹ Bà ni gọi là Mưdin thì có khả năng “Mưdin” là cách ghi phát âm của “Muezzin”.

2.2.2.3. Các nghi lễ vòng đời

Trong một cộng đồng tôn giáo thì nghi lễ vòng đời trở thành một mắt xích quan trọng, vừa thể hiện sự gắn kết với đức tin và sự tôn nghiêm của tôn giáo ấy đối với các tín đồ vừa là sợi dây cố kết cộng đồng, đồng thời ở một mức độ nhất định là sự thể hiện khác biệt giữa tôn giáo này với tôn giáo khác trong một xã hội có nhiều tôn giáo cùng tồn tại. Các nghi lễ vòng đời tiêu biểu của một cộng đồng tôn giáo là nghi lễ trưởng thành, hôn nhân, tang ma.

(1) Nghi lễ trưởng thành

Người Chăm Bà ni và người Chăm Islam đều có nghi lễ trưởng thành cho thiếu niên đến tuổi dậy thì, nhưng người Chăm Bà ni thực hiện cho cả nam và nữ thiếu niên (nghi lễ dành cho nam gọi là Katat, dành cho nữ gọi là Karoeh), còn người Chăm Islam chỉ thực hiện nghi lễ này cho nam thiếu niên (gọi là lễ Khotan). So với người Chăm Islam thì người Chăm Bà ni coi trọng lễ Karoeh cho thiếu nữ [60]. Tuy nghi lễ dành cho nam đơn giản so với nghi lễ dành cho nữ nhưng đây là một nghi lễ vòng đời không thể thiếu đối với các tín đồ Islam giáo, đồng thời là nghi lễ nhập đạo cho nam, nữ vị thành niên người Chăm Bà ni. Độ tuổi thực hiện nghi lễ này là 15 và được tổ chức một đợt cùng với gia đình thiếu nữ nào đó đứng ra tổ chức Karoeh [77].

Đối với cộng đồng Chăm Bà ni, nghi lễ thành niên (lễ Katat dành cho nam và lễ Karơh dành cho nữ) là những nghi lễ thiêng liêng vừa có tính chất là lễ thành niên vừa có tính chất là lễ nhập đạo của người Bà ni. Trong lễ này, các thiếu niên được đặt tên thánh và tên thánh của họ sẽ được sử dụng vào các dịp hôn lễ, tang lễ, lễ rửa tội, lễ tấn phong tu sỹ. Chức năng của nghi lễ thành niên là vạch rõ ranh giới của những ứng xử được và không được chấp nhận về mặt xã hội. Thông qua nghi lễ đó, nam nữ vị thành niên được thần thánh hóa

62

để trở thành thành viên chính thức của cộng đồng xã hội và cộng đồng tôn giáo Bà ni.

Ở góc độ cá nhân, nam thiếu niên Bà ni thì lễ Katat là một nghi lễ quan trọng bởi nó gắn liền với sự phát triển, sinh tồn và bảo vệ nòi giống, đánh dấu sự trưởng thành của người nam giới. Cũng thông qua nghi lễ này, nam giới Bà ni mới được công nhận là những thành viên chính thức, đủ tư cách để tham gia sinh hoạt tôn giáo trong gia đình và cộng đồng làng. Họ bắt đầu phải gánh vác trách nhiệm như những người đàn ông trưởng thành đối với đời sống tôn giáo của gia đình và cộng đồng theo quy định của giáo luật Bà ni. Chỉ sau khi trải qua lễ thành niên, người nam giới mới đủ tư cách để tổ chức cuộc sống của mình theo truyền thống tôn giáo. Điều đó được thể hiện qua các nghi lễ hôn nhân hoặc tang ma của chính bản thân họ. Chỉ những người đã qua lễ Katat mới được làm lễ hôn nhân và lễ mai táng theo nghi thức đầy đủ đối với thân phận của họ trước Allah. Ví dụ, nếu người đàn ông nào chưa trải qua lễ Katat mà kết hôn thì cuộc hôn nhân ấy không được cộng đồng chấp nhận, gia đình có người kết hôn đó bị tẩy chay, không có người giúp đỡ trong các công việc ma chay, cưới xin, không được tham dự các lễ hội cộng đồng.

Sinh hoạt cá nhân của các nam thiếu niên sau khi chịu lễ Katat cũng có sự thay đổi. Khi chưa qua lễ Katat, người con trai có thể ngủ ở nơi mà họ thấy thuận tiện, như cùng với cha mẹ hay anh chị em của mình. Nhưng sau khi chịu lễ Katat, họ chỉ được phép ngủ tại nơi dành cho những người nam giới đã trưởng thành nhưng chưa lập gia đình. Đó là căn nhà ngang mà người Chăm gọi là thang găn. Một giá trị khác của lễ Katat đối cá nhân người nam thiếu niên Bà ni, ngoài ý nghĩa công nhận tư cách tín đồ Bà ni, là mở ra cơ hội cho họ trở thành tu sỹ - một tầng lớp rất được cộng đồng Chăm Bà ni kính trọng.

Ở phạm vi gia đình, vai trò của họ được coi trọng. Ý kiến của họ trong các công việc lao động sản xuất hay chi tiêu trong gia đình được mọi người lắng nghe. Họ được bình đẳng với những người lớn khác trong gia đình dưới

Một phần của tài liệu Đạo bà ni trong cộng đồng người chăm ở ninh thuận, bình thuận hiện nay (Trang 59 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(158 trang)