Sự ra đời của Islam giáo và các hệ phái Islam giáo trên thế giới

Một phần của tài liệu Đạo bà ni trong cộng đồng người chăm ở ninh thuận, bình thuận hiện nay (Trang 89 - 108)

CHƯƠNG 3 CÁC HỆ PHÁI ISLAM GIÁO TRÊN THẾ GIỚI

3.1. Sự ra đời của Islam giáo và các hệ phái Islam giáo trên thế giới

Sự ra đời của Islam giáo gắn liền với một người có tên là Muhammad.

Ông sinh khoảng năm 570 trong một gia đình ông thuộc về thị tộc Hashim, bộ tộc Qurayish, một bộ tộc sinh sống bằng nghề buôn bán có ảnh hưởng đáng kể ở Mecca và những vùng lân cận. Bộ tộc Qurayish giữ vị thế quản sóc ngôi đền Ka’bah - về sau trở thành trung tâm hành hương của tín đồ Islam giáo.

Cha của Muhammad, ông Abdallah, đã mất trước khi Muhammad ra đời nên trách nhiệm giám hộ được giao cho ông nội Muhammad, Abd al- Muttalib. Khi ra đời, ông được mẹ, bà Amina, đặt tên là Ahmad, trong khi đó, ông nội lại đặt là Muhammad. Cái tên Muhammad về sau trở nên thông dụng hơn nhưng đôi khi người ta vẫn gọi ông là Ahmad.

Rất ít tài liệu nói về thời niên thiếu của Muhammad, hoặc thời gian trước khi ông có vai trò như một Nhà tiên tri. Khi còn niên thiếu, Muhammad được đưa tới sa mạc cùng sống với một bộ lạc du mục và thực hiện công việc chăn cừu cùng với gia đình nuôi. Theo truyền thuyết, một ngày nọ, Muhammad đang dồn bầy cừu thì có hai thiên thần đến gặp. Họ đặt Muhammad nằm xuống, mở lồng ngực, lấy trái tim của ông ra ngoài, rửa sạch trong cái chậu bằng vàng đựng đầy tuyết, rồi đặt trái tim trở lại. Sau sự kiện gặp hai thiên thần này, gia đình nuôi của Muhammad bắt đầu lo lắng cho sự an toàn của ông và họ quyết định trả Muhammad về với người mẹ đẻ. Một thời gian ngắn sau khi Muhammad trở về Mecca, mẹ đẻ và ông nội Muhammad đều qua đời.

85

Trách nhiệm giám hộ được giao lại cho người chú ruột Abutalib, một thương nhân thường xuyên qua lại buôn bán trong vùng Arab. Muhammad phụ giúp cùng với người chú trong những chuyến hành trình như thế.

Đến tuổi trưởng thành, Muhammad trở thành một thương nhân và nhanh chóng có được uy tín về tính trung thực cũng như sự tin cậy của mọi người.

Một bà góa giàu có, tên là Khadija, đã để ý tới Muhammad và đề nghị kết hôn cùng ông. Muhammad chấp thuận. Khi đó, Muhammad mới 25 tuổi, còn bà Khadija đã 40 tuổi. Những năm sau đó, Muhammad có thói quen lui tới một hang động bên ngoài Mecca để suy ngẫm một mình. Vào một lần như vậy, Muhammad đã ngủ thiếp đi và được một thiên thần đánh thức dậy. Thiên thần này ra lệnh: Hãy thuật lại!. Muhammad hỏi: Thuật lại điều gì ? Sau lần thứ ba, thiên thần lệnh:

Hãy thuật lại! Nhân danh Rabb của ngươi - Đấng đã tạo.

Đã tạo con người từ một hòn máu đặc.

Hãy thuật lại! Và Rabb của ngươi Rất mực Quảng đại.

Đấng đã dạy (kiến thức) bằng cây bút.

Đã dạy con người điều mà con người không biết.

(Nội dung Việt ngữ trên được đối chiếu từ bản tiếng Anh trong cuốn Islam của Jamal E. Elias (1999) [84, tr. 32, 33] với cuốn Thiên Kinh Qur’an và bản dịch ý nghĩa nội dung bằng Việt ngữ do Trung tâm Ấn loát Quốc vương Fahad, Vương quốc Arab Saudi ấn hành năm 2004, Sura 96: 1-5).

Theo các sử gia Islam giáo, sự kiện này xảy ra khi Muhammad 40 tuổi.

Sau đó, ông vẫn tiếp tục nhận được sự Thiên khải, có lúc thông qua nỗ lực của thiên thần mà Muhammad xác định là Gabriel và có lúc nhận được trực tiếp từ Thượng đế. Lúc đầu, khi mới nhận được sự “Thiên khải”, Muhammad rất cần đến sự an ủi của người vợ - Khadija. Nhưng về sau, bà đã thuyết phục được ông lắng nghe thiên thần truyền đạt. Dần dần, Muhammad nhận thức được Thượng đế đã lựa chọn ông làm sứ giả để truyền đạt những thông điệp

86

tới loài người về sự tồn tại của một Thượng đế duy nhất và đầy quyền năng, cảnh báo về ngày tận thế, về ngày phán xử sắp xảy ra và khích lệ một cuộc sống đức hạnh.

Khi bắt đầu truyền bá thông điệp của Thượng đế, những bài thuyết giáo của Muhammad nhấn mạnh vào việc thờ phượng một Thượng đế (one God) - mà Thượng đế này không thể được biểu thị bằng gỗ và đá, và tên của Ngài là Allah. Ông cũng thuyết giảng rằng vị Thượng đế mà ông nói tới đòi hỏi mọi người có lòng trắc ẩn, sống với nhau như anh em chứ không vì bản thân. Lúc đầu, Thông điệp mà Muhammad loan truyền không thu hút được sự chú ý của mọi người và cũng không vấp phải sự phản đối nào. Nhưng khi bắt đầu có một số người tin theo thì giới lãnh đạo ở Mecca nhận thấy ông là một sự đe dọa và tìm cách sát hại ông. Đa số người đi theo Muhammad là những người phụ nữ, nô lệ và người rất nghèo. Lo lắng về sự an toàn của họ ở Mecca, Muhammad và những người tin theo quyết định tìm một nơi sinh sống mới.

Đúng lúc đó, vào năm 620, một nhóm người từ Yathrib (về sau đổi thành Madinaht-an-nabi, nghĩa là Thành phố của Nhà tiên tri, viết tắt là Madinah), cách Mecca khoảng 320 km về phía Bắc, hành hương về Mecca đã gặp Muhammad và có ấn tượng với thông điệp mà Muhammad thuyết giảng. Mùa hành hương tiếp theo (năm 621), 5 trong số 6 người trong lần hành hương trước trở lại Mecca cùng với 7 người khác - những người có ảnh hưởng ở Yathrib. Họ cũng có ấn tượng với thông điệp của Muhammad và hứa chấp nhận Muhammad là một Nhà tiên tri và tuân theo ông. Sau đó, một người đáng tin cậy có thể nhớ chính xác những thiên khải do Thiên sứ Gabriel truyền cho Muhammad, cùng với 12 người kia trở lại Yathrib. Tới năm 622, số người từ Yathrib hành hương về Mecca là 75 người, đại diện cho tất cả thị tộc ở Yathrib. Yathrib lúc đó đang bị xáo trộn vì các vấn đề dân sự và không thể tìm được người có thể thống nhất cộng đồng. Dường như Muhammad là người đáp ứng được yêu cầu này. Những người đại diện cho các thị tộc ở

87

Yathrib qua các cuộc hành hương về Mecca trong những năm 620 - 622 vốn đã thừa nhận Muhammad là Nhà tiên tri thỉnh cầu Muhammad tới Yathrib để giải quyết nhu cầu trên. Muhammad đồng ý nếu phía Yathrib đáp ứng được các điều kiện sau:

(1) Gia đình ông và những người đi theo có thể cùng tới đó.

(2) Những người này sẽ được cung cấp lương thực cho đến khi họ tự tìm thấy phương kế sinh nhai.

(3) Họ được thừa nhận là công dân của Yathrib, để trong trường hợp, nếu như người Mecca và liên minh tấn công tín đồ Islam giáo thì tất cả công dân Yathrib sẽ đứng về phía Islam giáo [84].

Vì vậy, cuộc di cư bí mật của những người tin theo Muhammad từ Mecca tới Yathrib bắt đầu. Cuộc di cư của Muhammad và tín đồ từ Mecca tới Yathrib diễn ra vào tháng 9 năm 622 Dương lịch. Sự kiện này đánh dấu ngày trọng đại nhất trong lịch sử Islam giáo và được gọi là Hijra (có nghĩa là Cuộc đại di cư - The Great Emigration). Những tín đồ di cư vào năm 622 được gọi là Muhajirs. Những người đã giúp đỡ họ trong cuộc di cư được gọi là Ansar.

Cả hai nhóm trên đều được kính trọng trong Islam giáo. Trong lịch sử Islam giáo, bất cứ sự kiện nào mà một số tín đồ Islam giáo phải trốn tránh sự đàn áp và tới được nơi ẩn náu an toàn thì được xem như sự tái diễn Hijra. Hijra cũng đánh dấu thời khắc bắt đầu của lịch Islam giáo. Loại lịch này thường được dùng cho tất cả các sự kiện tôn giáo và là lịch chính thức của nhiều quốc gia Islam giáo hiện nay.

Ở Yathrib, Muhammad giành được sự thăng tiến nhanh về địa vị xã hội.

Từ chỗ là một sứ giả đơn thuần tới địa vị của người lãnh đạo chính trị, tôn giáo, xã hội của toàn thể cộng đồng. Cho dù những người Do Thái giáo và Kitô giáo ở Yathrib không thừa nhận Muhammad là sứ giả của Thượng đế thì toàn bộ Yathrib đã trở thành một cộng đồng được vận hành bằng những thiên khải dành cho Nhà tiên tri. Trong 8 năm tiếp theo, trải qua nhiều cuộc chiến

88

với người Mecca (tiêu biểu là các trận Badr năm 624, trận Uhud năm 625, trận Trench năm 627), nhiều bộ tộc khác đã quy thuận sự lãnh đạo của Muhammad. Cuối cùng, năm 630, người dân Mecca chấp nhận Muhammad là Nhà tiên tri như ông đã tuyên bố; những hiềm thù được giảng hòa, các ngẫu tượng được chuyển ra khỏi ngôi đền Ka‘bah. Muhammad cử hành một lễ hành hương tới Ka‘bah, rồi quay lại Madinah - nơi được xem là nhà của Muhammad. Sau đó, Muhammad thực hiện thêm một hành trình nữa tới Mecca trước khi qua đời. Hành trình này được gọi là Cuộc hành hương giã từ.

Lần hành hương này đã trở thành khuôn mẫu cho một trong những nghi lễ quan trọng nhất của Islam giáo - lễ hành hương (Hajj).

Một thời gian ngắn sau Cuộc hành hương giã từ trở về, Muhammad ốm liệt giường ở tại nhà của Aisha - người vợ mà ông kết hôn ở Mecca sau khi bà Khadija mất khá lâu. Ông qua đời tại đây vào khoảng giữa trưa ngày 8 tháng 6 năm 632 Công lịch [82], [84], [110].

3.1.2. Các hệ phái Islam giáo trên thế giới và ở Đông Nam Á 3.1.2.1. Các hệ phái Islam giáo trên thế giới

Muhammad qua đời không chỉ định người kế vị rõ ràng. Mặc dù rõ ràng không có bất cứ một sứ giả nào sau ông nữa, nhưng không ai chắc chắn được vai trò của người lãnh đạo kế tiếp Muhammad sẽ như thế nào. Các bậc trưởng lão trong cộng đồng quả quyết rằng, người đồng hành gần gũi nhất và cũng là người theo đạo sớm nhất, Abu Bakr, sẽ là người dẫn dắt cộng đồng sau khi Muhammad qua đời. Abu Bakr mất sau Muhammad 2 năm. Người kế tục Abu Bakr cũng là một người bạn đồng hành đáng kính khác của Muhammad, Umar. Trong vòng 10 năm lãnh đạo cộng đồng của Umar và 12 năm của Uthman - người kế tục Umar - cộng đồng Islam giáo đã vươn ra khỏi Arab và mở rộng từ bờ biển Địa Trung Hải thuộc Bắc Phi tới thảo nguyên Trung Á.

Cũng trong thời gian đó, những Thiên khải mà Muhammad nhận được đã được tập hợp thành Kinh Qur’an.

89

Sau khi Uthman qua đời, cộng đồng Islam giáo lại có sự rối loạn về việc ai sẽ là Caliph kế tiếp. Nhiều người cho rằng, tước hiệu này nên dành cho người cháu và cũng là con rể của Muhammad - Ali. Tuy nhiên, có những người khác ủng hộ một người họ hàng của Uthman, Mu’awija. Được sự cổ vũ của những người ủng hộ, cả Ali và Mu’awija đều tự tuyên bố là Caliph. Trong khi cuộc tranh chấp còn đang tiếp diễn thì Ali bị ám sát, do đó Muawija đã thành công trong việc thâu tóm quyền lực cho riêng mình và gia đình, đồng thời đã đặt nền móng cho một vương triều Islam giáo đầu tiên. Vương triều này thường được gọi là vương triều Umayyad (661-750). Trong vòng gần 100 năm cai trị của vương triều Umayyad, gần như tất cả các vùng đất mà ngày nay vẫn còn được nhận ra có sự tồn tại của Islam giáo đều được chinh phục;

đồng thời, đế quốc Islam giáo mở rộng từ Tây Ban Nha tới Pakistan.

Mặc dù vương triều Umayyad nắm quyền kiểm soát gần như toàn bộ cộng đồng Islam giáo thì những tranh chấp giữa những người ủng hộ Ali và vương triều Umayyad vẫn không chấm dứt. Thậm chí, nó còn trở nên nghiêm trọng hơn khi Husayn, con trai của Ali, và nhiều thành viên trong gia đình bị đội quân của Yaid (con trai Muawija) sát hại vào năm 690.

Phái Sunni

Các cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo đã biến thành chất xúc tác hàng đầu cho sự phân ly giáo phái đầu tiên trong Islam giáo. Nhóm tín đồ ủng hộ Ali là người lãnh đạo cộng đồng Islam hình thành nên phái Ali (Shiah Ali, gọi tắt là Shiis; hoặc cũng có những cái tên gọi khác như Shiah, Shiite). Nhóm tín đồ phủ nhận Ali là Caliph kế sau Uthman hình thành nên phái Sunni. Thực tế, cái tên Sunni xuất phát từ chữ Sunnah và có nghĩa biểu thị sự tôn trọng triệt để đối với cách thực hành tôn giáo thông thường của Nhà tiên tri Muhammad.

Ở khía cạnh này, Sunni được coi là sự phản ứng đối với sự hình thành phái Shiah. Tuy nhiên, phái Sunni cũng chia thành nhiều nhóm dựa trên sự khác biệt về giáo luật, quan điểm thần học, bối cảnh lịch sử, xã hội và văn hóa. Các

90

nhóm Sunni có cùng quan điểm là giáo quyền (religious authority) bắt nguồn từ Nhà tiên tri Muhammad và những người đồng hành thân cận, đồng thời cũng là những người cải đạo sớm (ám chỉ các vị Abu Bakr, Umar, Uthman). Họ cũng cho rằng quyền lực của Caliph cũng sẽ mở rộng cho bất kỳ tín đồ nam giới nào là hậu duệ bộ tộc của Nhà tiên tri Muhammad [84, tr. 28].

Tuy nhiên, khi nhiều thế hệ trôi qua và Islam giáo đã lan truyền tới các nền văn hóa mới cũng như phải đối mặt với nhiều hoàn cảnh mới thì việc áp dụng các điều luật của Nhà tiên tri Muhammad để chỉ dẫn cho tất cả mọi mặt của cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn hơn. Bởi thế, nhu cầu phát triển một hệ thống giáo luật trở nên cần thiết nhằm đưa ra phương pháp triển khai các điều luật để giải quyết các tình huống mới. Hệ thống này gọi là Giáo pháp học (Fiqh) và nó có bốn yếu tố cơ bản gọi là Usul-al-fiqh (cơ sở luật pháp).

Bốn yếu tố cơ bản này gồm: Kinh Qur’an, Sunna, phép loại suy (Qiyas) và quyết nghị của cộng đồng (Ijma) [84, tr. 48].

Bốn trường phái giáo luật Sunni khác nhau bắt nguồn từ việc sử dụng các nguồn kinh Qur’an và Sunna nhiều hơn hay tin vào khả năng suy luận bằng phép loại suy. Bốn trường phái này có tên là Hanafi, Maliki, HanbaliShafi’i.

Trường phái đầu tiên là Hanafi do Nu’man Abu Hanifah (mất năm 767) sáng lập ở Kufa, Iraq. Vì có nguồn gốc từ Iraq nên trường phái được các Caliph đầu vương triều Abbassid ủng hộ bất chấp sự phản đối của trường phái đối với quyền lực của Caliph. Vị trí độc quyền của trường phái suy giảm theo sự suy vi của vương triều Abbassid nhưng lại được phục hưng dưới thời đế quốc Ottoman. Kết quả là trường phái Hanafi trở thành trường phái có uy quyền duy nhất trong đời sống xã hội và thực thi công lý ở mọi nơi thuộc đế chế Ottoman. Ngày nay, những luật lệ của trường phái Hanafi vẫn thịnh hành ở những quốc gia thuộc đế quốc Ottoman xưa, ở Trung Á, Ấn Độ, các khu vực dân cư Muslim vùng Balkan, Pakistan, Afghanistan, Trung Quốc, và Iraq.

91

Trường phái này ưu tiên sử dụng phép loại suy và quyết nghị của cộng đồng để xây dựng giáo luật.

Trường phái Maliki là trường phái thứ hai do Malik ibn Anas (mất năm 795) - một chuyên gia về luật pháp ở thành phố Medina, sáng lập giữa thế kỷ 7, dựa trên cơ sở thực thi luật pháp áp dụng ở Medina, bao gồm một loạt lĩnh vực từ những quy định về nghi lễ cầu nguyện và kiêng cữ đến sự hướng dẫn đúng đắn các mối quan hệ làm ăn. Trường phái này được coi là hơi bảo thủ và phụ thuộc truyền thống, đồng thời giữ thái độ trung lập về tính hợp pháp quyền kế vị của Ali; đặc biệt khắt khe với người có tư tưởng ly giáo, Sufi và Shiah. Điều này khiến cho trường phái trở nên hữu dụng và phổ biến cho vương triều Abbasid. Trường phái Maliki cũng năng động truyền giáo và có ưu thế ở nhiều nơi trong thế giới Islam giáo, đặc biệt ở Bắc Phi và Tây Ban Nha. Ở Bắc Phi, trường phái Maliki tạo ra một dòng tu Sufi quan trọng, dòng Shadhili do Abu al-Hasan sáng lập ở Tunisia thế kỷ 13. Hiện nay, giáo thuyết và cách thực hành tôn giáo của trường phái Maliki trải khắp vùng Bắc Phi, vùng Sudan, Tây và Trung Phi. Trường phái này phụ thuộc nhiều vào truyền thuyết của các vị đồng hành với Nhà tiên trị Muhammad để quyết định về giáo luật.

Trường phái thứ ba là Shafi’i do Muhammad ibn Idris al-Shafi’i (mất năm 819) sáng lập. Trường phái Shafi’i cho rằng kinh Qur’an và Sunna là nguồn lập pháp tối cao, sau đó mới đến quyết nghị của cộng đồng và lập luận của học giả. Các học giả phải diễn giải các đoạn văn tối nghĩa trong kinh Qur’an theo sự nhất trí của người tín đồ, và nếu không có sự nhất trí thì mới sử dụng phép loại suy. Baghdad và Cairo là những trung tâm chính của trường phái Shafi’i. Tới thế kỷ 10, Mecca và Medina được coi là những trung tâm chính của trường phái ngoài Ai Cập. Dưới thời các quốc vương Ottoman đầu thế kỷ 16, trường phái Shafi’i bị thay thế bằng trường phái Hanifi. Hiện nay, trường phái Shafi’i vẫn chiếm ưu thế ở miền Nam Arab, Bahrain, quần đảo Malay, Đông Phi và nhiều nơi ở Trung Á.

Một phần của tài liệu Đạo bà ni trong cộng đồng người chăm ở ninh thuận, bình thuận hiện nay (Trang 89 - 108)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(158 trang)