1.2.1.1 Xăng dầu là một ngành hàng đặc biệt
a) Xăng dầu- mặt hàng chiến lược của Nhà nước:
Xăng dầu và những sản phẩm từ dầu mỏ là nguồn nhiên liệu và nguyên liệu cực kỳ quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đất nước.
Xăng dầu cung cấp năng lượng chính cho cho các thiết bị của ngành vận tải ôtô, đường sắt, máy bay, tầu thủy, luyện cán thép, xi măng, thủy tinh, đánh bắt và chế biến thủy, hải sản, …đặc biệt có ý nghĩa trong quốc phòng, an ninh, và đời sống hàng ngày của nhân dân.
Các sản phẩm dầu mỏ là nguyên liệu, là các chất phụ gia để sản xuất các sản phẩm công nghiệp hoặc là những yếu tố để đảm bảo máy móc thiết bị hoạt động bình thường, an toàn, có hiệu quả.
Nhựa đường là sản phẩm của công nghiệp dầu mỏ góp phần quan trọng trong kế hoạch thực hiện xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông của cả nước. Gas hóa lỏng (LPG) một sản phẩm thu được từ việc khai thác dầu mỏ là nguồn chất đốt quan trọng trong một số ngành thủy tinh, xây dựng, đóng tầu…đặc biệt trong sinh hoạt của nhân dân, góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao đời sống nhân dân.
Mặt khác, xăng dầu là mặt hàng mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, hàng năm Tổng công ty xăng dầu Việt Nam nộp ngân sách Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng, góp phần ổn định giá cả, kìm hãm lạm phát…tạo ra môi trường lành mạnh cho sự phát triển nền kinh tế quốc dân.
b) Xăng dầu- mặt hàng có tính chất đặc biệt:
Xăng dầu và các sản phẩm dầu mỏ có những đặc tính hết sức đặc biệt ảnh hưởng rất lớn đến quá trình kinh doanh. Từ những đặc tính đặc biệt này, yêu cầu phải có những biện pháp, công nghệ thích hợp đáp ứng được những yêu cầu của tính chất đặc biệt đó.
- Xăng dầu là sản phẩm ở thể lỏng: trong môi trường bình thường xăng dầu luôn ở thể lỏng, vì vậy phải có thiết bị tồn chứa đặc biệt, việc vận chuyển, giao nhận, bảo quản phải tuân thủ theo quy luật vận động của chất lỏng. Xăng dầu không thể đóng gói được, bao bì chứa đựng phải có yêu cầu riêng và có thể sử dụng được nhiều lần. Các yếu tố của môi trường như nhiệt độ, áp suất,…có ảnh hưởng lớn đến việc xác định khối lượng xăng dầu.
- Xăng dầu là chất dễ bay hơi: Xăng dầu là sản phẩm được chưng cất từ dầu mỏ. Xăng dầu dễ bay hơi do nhiệt độ sôi của xăng ôtô từ 35-2000C, nhiệt độ sôi của nhiên liệu phản lực từ 200 -3000C, nhiệt độ sôi của diesel từ 250- 3700C nên ở nhiệt độ bình thường 20-350C các mặt hàng xăng dầu đặc biệt là xăng bay hơi rất nhanh. Vì vậy, trong quá trình tồn chứa, bảo quản, xuất, nhập sẽ có một lượng xăng dầu mất đi (hao hụt) ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Để giảm hao hụt cần áp dụng những giải pháp ngăn chặn sự bay hơi của sản phẩm, đặc biệt đối với gas hóa lỏng có nhiệt độ sôi – 420C, sự hóa hơi xảy ra ngay ở điều kiện nhiệt độ, áp suất bình thường, do đó phải chứa trong những bình, bồn chứa chuyên dụng chịu áp lực được chế tạo bằng công nghệ đặc biệt, vận hành theo những quy tắc an toàn nghiêm ngặt.
- Xăng dầu là chất dễ cháy nổ: Xăng dầu có nhiệt độ bắt cháy rất thấp (Xăng ô tô: -360C, Nhiên liệu phản lực JETA1: 380C, diesel: 600C). Mặt khác xăng dầu dễ bay hơi, hơi xăng dầu nặng hơn không khí 5,5 lần, hơi xăng dầu hoà trộn với không khí tạo thành hỗn hợp cháy nổ ở nồng độ rất thấp, khoảng
giới hạn nồng độ nổ của hơi xăng dầu trong không khí tương đối rộng nên rất nguy hiểm về cháy nổ (khoảng giới hạn nồng độ cháy nổ của hơi xăng dầu trong không khí từ 0,5%- 7% thể tích). Xăng dầu nhẹ hơn nước nên loang rộng và phát tán rất nhanh trong môi trường nước. Xăng dầu khi cháy tỏa ra năng lượng lớn nhiều khói độc, xăng dầu cháy lan rất nhanh, tốc độ cháy của xăng là 195 kg/m2/h. Xăng dầu dẫn điện kém nên trong quá trình bơm rót vận chuyển thường sinh ra hiện tượng tĩnh điện rất nguy hiểm về cháy nổ. Xăng dầu có nhiệt độ sôi thấp nên khi xảy ra cháy mà trong bể có nước rất dễ xảy ra sôi trào dẫn đến nổ bể chứa làm cho đám cháy lan rộng khó kiểm soát. Vì vậy việc bảo quản, vận chuyển hàng hóa phải tuân theo quy trình đặc biệt, các thiết bị chứa đựng phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt.
- Xăng dầu có yêu cầu chất lượng cao trong khi tính ổn định thấp: Tính ổn định là chỉ tiêu biểu thị khả năng thay đổi thành phần và tính chất của nhiên liệu khi bảo quản, vận chuyển và sử dụng. Trong quá trình tồn chứa dưới tác động của môi trường, xăng dầu thường bị nhựa hóa, tạo cặn bẩn và làm giảm chất lượng xăng dầu. Vì vậy, phải có những biện pháp ngăn ngừa và công nghệ thích hợp.
- Xăng dầu- mặt hàng đa dạng, có yêu cầu kỹ thuật cao: Xăng dầu và các sản phẩm của dầu mỏ rất đa dạng và có yêu cầu kỹ thuật cao vì nó ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất làm việc của máy móc, tuổi thọ của thiết bị. Tính đa dạng và yêu cầu kỹ thuật chặt chẽ làm cho hàng hóa có tính phức tạp cao, đòi hỏi phải có những công nghệ, quy trình thích hợp và phải có thiết bị tương ứng.
- Xăng dầu- chất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn: Do tính chất lý hóa xăng dầu không hòa tan trong nước mà lan nhanh trên mặt nước, khó phân hủy, dễ khuyếch tán trong không khí, khi xâm nhập vào môi trường sẽ phá hủy môi trường sống rất mãnh liệt. Sau khi cháy hoặc đã qua sử dụng, những chất do nó sinh ra đều có tác hại đến sự sống một cách lâu dài.
1.2.1.2 Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu chịu sự quản lý của Nhà nước Do nhu cầu sử dụng xăng dầu ngày một gia tăng, đồng thời nhận thức rõ vị trí thiết yếu cũng như tầm quan trọng và tính phức tạp trong khâu quản lý phân phối loại vật tư chiến lược này, nên ngày 19/01/1995 Bộ thương mại ra quyết định số 52/TM/TCCB hợp nhất Công ty dầu lửa và Tổng công ty xăng dầu thành Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), với tên giao dịch quốc tế là VietNam National Petroleum Corporation-viết tắt là Petrolimex, lấy biểu tượng đặc trưng là chữ “P”, trụ sở : số 1- Khâm Thiên- Hà Nội.
Mục tiêu kinh doanh hiện nay của Petrolimex là đa dạng hoá có chọn lọc mặt hàng và loại hình kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, nhưng kinh doanh xăng dầu vẫn là chính chiếm vị trí chủ đạo.
Việc kinh doanh xăng dầu chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của tình hình biến động giá cả trên thị trường xăng dầu thế giới, từ đó làm ảnh hưởng đến giá vốn hàng bán của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước.
Đồng thời, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu còn chịu sự điều tiết trực tiếp của Nhà nước đối với giá cả các mặt hàng xăng dầu bán ra trên thị trường. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chỉ được phép bán các mặt hàng theo các mức giá trần quy định của Nhà nước theo từng thời điểm, không được phép tự ý nâng giá bán. Vì vậy trên thực tế có những thời kỳ việc kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rơi vào tình trạng thua lỗ nhưng vẫn được Nhà nước chấp nhận bù lỗ.
1.2.2 Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu
Với mục tiêu phục vụ xã hội là chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho các tổ chức, cá nhân trong cả nước và mục tiêu kinh doanh nhằm tìm kiếm lợi nhuận, nên việc tính toán các chỉ tiêu hiệu quả của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng sử dụng các chỉ tiêu giống như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác, đó là các chỉ tiêu sức sinh lợi và các chỉ tiêu năng suất (sức sản xuất), song cơ bản nhất vẫn là nhóm chỉ tiêu năng suất.
TÓM LƯỢC CHƯƠNG 1
Chương 1 đã đề cập đến một số nội dung cơ bản sau đây:
Thứ nhất: Phân biệt khái niệm hiệu quả và hiệu quả kinh doanh:
Hiệu quả là một phạm trù phản ánh trình độ lợi dụng các nguồn lực nhằm đạt được mục tiêu mà doanh nghiệp đã xác định. Công thức chung biểu diễn hiệu quả: H= K/ C.
Hiệu quả kinh doanh là một phạm trù kinh tế phản ánh trình độ sử dụng các nguồn nhân, tài, vật lực vốn có của doanh nghiệp để đạt được kết quả cao nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh với chi phí sản xuất kinh doanh thấp nhất. Để đánh giá hiệu quả kinh doanh cần sử dụng hệ thống các chỉ tiêu: các chỉ tiêu về sức sinh lợi và các chỉ tiêu về sức sản xuất.
Thứ hai: Làm rõ các nội dung phân tích hiệu quả kinh doanh, các nhân tố tác động đến hiệu quả kinh doanh và từ đó tìm hiểu các biện pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Để phân tích hiệu quả kinh doanh trước hết cần dựa vào các số liệu của các tài liệu có liên quan để tính các chỉ tiêu hiệu quả từ đó so sánh trị số của các chỉ tiêu hiệu quả, đánh giá khái quát các chỉ tiêu hiệu quả. Trên cơ sở đó phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến các yếu tố đầu vào và kết quả đầu ra tương ứng nhằm tìm hiểu những nguyên nhân biến động của hiệu quả để có các biện pháp phù hợp nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Thứ ba: Tìm hiểu những đặc điểm của kinh doanh xăng dầu từ đó xác định những chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Do tính chất đặc biệt của các mặt hàng xăng dầu và do xăng dầu là một mặt hàng thiết yếu chịu sự quản lý trực tiếp của Nhà nước – giá bán các mặt