Đánh giả thực trạng hiệu quả hoạt động ngân hàng trong giai đoạn 2006-2015

Một phần của tài liệu Những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 42 - 46)

CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM

3.2 Thực trạng hiệu quả hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng

3.2.2 Đánh giả thực trạng hiệu quả hoạt động ngân hàng trong giai đoạn 2006-2015

Sau khi gia nhập WTO với việc thực hiện theo cam kết chính phủ đã cho phép thành lập các ngân hàng 100% vốn nước ngoài và quy chế cấp phép thành lập ngân hàng cổ phần vào tháng 06/2007 đã mở đường cho một loạt các ngân hàng mới thành lập, áp lực cạnh tranh giữa các ngân hàng bắt đầu gay gắt và quyết liệt hơn sau đó. Cùng năm 2007 này, thị trường ngân hàng chứng kiến sự bùng nổ về tăng trưởng tín dụng (tăng 51,39%), trong đó tăng trưởng mạnh ở các nghiệp vụ cho vay đầu tư bất động sản, chứng khoán, năm này lợi nhuận hệ thống ngân hàng đạt mức khá(ROE: 12.45% và ROA: 1.32%). Bước sang năm 2008, khủng hoảng tài chính toàn cầu ập đến, lạm phát tăng cao hệ quả tất yếu của việc tăng trường tín dụng quá mức ở năm 2007. Chính phủ đã sử dụng biện pháp thắt chặt tiền tệ, hạn chế lĩnh vực cho vay đầu tư mạo hiểm để kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Sự sụt giảm nghiêm trọng của thị trường chứng khoán, bất động sản đóng băng dẫn đến nhiều những hệ lụy đặc biệt là nợ xấu vì không thu hồi được các khoản vay trong các lĩnh vực đầu tư rủi ro này khi mà năm 2007 hệ thống ngân hàng đã ưu tiên giải ngân vào những kênh đầu tư quá mức, điều này cũng khiến cho lợi nhuận năm 2008 của các ngân hàng sụt giảm mạnh. Lợi nhuận của các ngân hàng năm 2009 duy trì ở mức tốt bởi tăng trưởng tín dụng cao và dự phòng rủi ro tín dụng thấp. Tuy nhiên, trong năm 2009, tăng trưởng tài sản các ngân hàng tụt lại so với tăng trưởng các khoản vay bởi các ngân hàng Việt Nam chú trọng nhiều hơn đến tăng trưởng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng năm 2009 là 39.57%, tín dụng tăng trưởng mạnh trong chương trình kích cầu kinh tế của chính phủ nhằm vực dậy nền kinh tế đang khủng hoảng.

Trong năm 2011, Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ-chính sách tài khóa theo hướng thắt chặt nhằm kiểm soát chặt chẽ lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Lãi suất tăng cao khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, một số doanh nghiệp tình hình kinh doanh bị ngưng trệ, thậm chí nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng cho vay vốn, tuy nhiên trong năm này thì một số ngân hàng lại công bố lợi nhuận rất cao như ACB, MB, Techcombank.... Một điểm khá nổi bật về lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2011 là có sự chênh lệch khá lớn giữa các ngân hàng. Một số các ngân hàng với quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu lớn, mạng lưới rộng và năng lực điều hành tốt thì đạt lợi nhuận khá cao, vượt trội so với các ngân hàng có quy mô nhỏ, năng lực điều hành yếu , thiếu sức cạnh tranh trên thị trường do các ngân hàng này thường phải huy động với lãi suất cao, thêm vào đó nợ xấu lại tăng mạnh nên đã có kết quả kinh doanh không cao, thậm chí thua lỗ trong năm 2011. Giai đoạn từ 2012-2015 chứng kiến sự sụt giảm dần của các chỉ số hiệu quả kinh doanh. ROE từ 13.42% năm 2011 chỉ còn 8.5% năm 2012. Tương tự, ROA năm 2012 cũng giảm khoảng một nửa so với năm 2011. Có thể nói năm 2012 là một năm suy thoái của hệ thống ngân hàng Việt Nam khi hàng loạt các sự kiện tiêu cực đã xảy ra trong năm này như: tỷ lệ nợ xấu tăng cao nhất lên đến 4.08%, độ trễ của chính sách thắt chặt tiền tệ năm 2011 phát huy hiệu quả đó là lãi suất ở mức cao , tăng trưởng tín dụng trong năm này là thấp nhất trong giai đoạn nghiên cứu chỉ 8.85% mà nguồn thu nhập lớn nhất của hệ thống ngân hàng chính từ thu nhập lãi vay, hơn nữa việc đóng trạng thái vàng cũng đã làm tiêu hao không ít lợi nhuận của các ngân hàng như trường hợp của ACB ba năm từ năm 2011 đến năm 2013 lỗ tổng cộng 2.101 tỷ đồng, Techcombank lỗ 957 tỷ đồng, Navibank thua lỗ 111 tỷ đồng , Eximbank lỗ sấp xĩ 500 tỷ đồng, . VPBank lỗ tổng cộng 137 tỷ đồng từ kinh doanh vàng và ngoại hối trong các năm 2012 và 2013. Ít bị ảnh hưởng nhất trong các ngân hàng kể trên nhưng Sacombank cũng phải báo lỗ 203 tỷ đồng vì kinh doanh ngoại hối và vàng trong năm 2013. Đến năm 2014, những ngân hàng trên mới vượt qua được khó khăn, cắt lỗ và bắt đầu có lãi từ các hoạt động đầu tư của mình.

Các chỉ số hiệu quả hoạt động kinh doanh ROE, ROA từ năm 2012 đến 2015 đều thấp hơn giai đoạn 2006 - 2011. Đặc biệt nhóm NHTMCP, tại thời điểm 31/12/2012 ROA, ROE lần lượt chỉ đạt 0,22% và 1,36%. Năm 2015, nhóm này đã có cải thiện rõ rệt, chỉ số ROA, ROE đạt lần lượt là 0,36% và 4,43%. Trong giai đoạn đoạn 2012 – 2015 tỷ lệ này vẫn ở mức cao đối với một số các ngân hàng quy mô lớn, đặc biệt là các NHTM nhà nước. Ví dụ như Vietinbank năm 2012, chỉ số ROA, ROE là 1,23% và 19,1%; năm 2013 là 1,01% và 11%; năm 2014 là 0.87% và 10,43%, 2015 là 0.74% và 10.4%. Đối với ngân hàng Quân Đội thì chỉ số ROA, ROE lần lượt là năm 2012: 1,32% và 17.72%; năm 2013 1,27% và 14.84% ; năm 2014 1,25% và 14.47%; năm 2015 1.13% và 11.08%... Qua đó có thể thấy hiệu quả hoạt động kinh doanh của một số NHTM Việt Nam cao hơn so với các ngân hàng 100% vốn nước ngoài và các ngân hàng liên doanh (số liệu cuối năm 2015 ROA là 0.48% và ROE là 3.05%).

Có thể nói hiệu quả hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng đạt được hiệu quả cao nhất là giai đoạn từ năm 2010-2011 khi mà các chỉ số ROA, ROE đều đạt ở mức cao, các ngân hàng đa số đều ăn nên làm ra tuy nhiên từ năm 2012 đến 2015 đã suy giảm do nền kinh tế không thực sự thuận lợi, các chủ thể vay vốn cũng đối mặt với nhiều thách thức, nhiều cá nhân, doanh nghiệp không thể trả được nợ vay đến hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu gia tăng, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn, trong khi các chi phí hoạt động tăng cao, thêm vào đó hoạt động đầu tư và dịch vụ không thu được những kết quả tích cực. Điều này làm cho hiệu quả hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015 không thực sự khả quan.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 3:

Chương này trình bày khái quát tình hình phát triển và hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2006-2015. Giai đoạn này đánh dấu những thăng trầm của cả hệ thống, nhìn chung quy mô tổng tài sản của các ngân hàng đều tăng qua các

năm với hàng loạt các quy định về vốn pháp định và tiêu chuẩn quốc tế buộc các ngân hàng phải nghiêm chỉnh chấp hành.

Giai đoạn trước năm 2010-2011 là thời kỳ hoàng kim của các ngân hàng khi mà hầu hết các chỉ số lợi nhuận đều đạt mức cao, sau năm 2011 một loạt các sự kiện không tốt, cũng như nợ xấu tăng cao, các ngân hàng kinh doanh kém hiệu quả bộc lộ, đã ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên từ những năm 2014 trở lại đây hệ thống ngân hàng đã từng bước lấy lại sự ổn định, các chỉ số hiệu quả hoạt động kinh doanh đã bắt đầu gia tăng, các ngân hàng hoạt động yếu kém đã được cơ cấu, mua bán, sáp nhập, có thể thấy NHNN và các cơ quan ban ngành đã đưa ra những biện pháp làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng từ đó đưa nền kinh tế đi vào ổn định phát triển trong những năm gần đây.

Một phần của tài liệu Những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 42 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)