1.1. Khái quát chung về đăng ký kinh doanh
1.1.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động đăng ký kinh doanh
Yếu tố chính trị tác động lớn đến hoạt động ĐKKD thể hiện qua các phương diện như vai trò của nhà nước trong điều tiết vĩ mô nền kinh tế, chiến lược phát triển từ đó ảnh hưởng đến sự gia nhập thị trường của các chủ thể kinh doanh. Nhà nước đưa ra các quy định nhằm hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách đồng bộ các giải pháp để đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển con người, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; phát triển xã hội bền vững, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đảm bảo tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện ổn định, thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ những chủ trương, chính sách này mà nền chính trị duy trì ổn định, tạo nên MTKD thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, các nhà đầu tư được đảm bảo an toàn trong suốt thời gian đầu tư từ đó thu hút các dự án đầu tư dài hạn.
Ngoài ra, để điều chỉnh mối quan hệ các bên trong hoạt động ĐKKD, cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện nhiệm vụ ban hành các văn bản, quy định hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp. Trên thực tế, các tình huống xảy ra muôn hình vạng trạng nên nhà làm luật không thể lường trước các tình huống để quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ các bên. Các quy định sẽ được áp dụng vào tình huống cụ thể, tuy nhiên
cũng có những trường hợp xảy ra chưa có sự điều chỉnh của pháp luật do đó cần phải có những văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý về đăng ký doanh nghiệp.
Ban hành các văn bản hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp là việc làm cần thiết, giữ vai trò quan trọng và là yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước về đăng ký doanh nghiệp. Yếu tố này đòi hỏi tính chính xác cao, nhanh nhạy trong xử lý, nếu một vấn đề xảy ra mà hướng dẫn giải quyết không chính xác sẽ gây ra hệ quả nghiêm trọng, phương hại đến lợi ích các bên; và nếu vấn về mang tính cấp thiết mà không giải quyết kịp thời thì cũng sẽ đem lại hậu quả không mong muốn. Bởi vậy, để đảm bảo các quy định dễ dàng áp dụng trên thực tiễn, đòi hỏi đội ngũ cán bộ xây dựng các QPPL phải có năng lực, trình độ, phẩm chất cần thiết như tư duy khoa học, khả năng nghiên cứu, có cái nhìn đa chiều, xây dựng quy định một cách khách quan,…
Với sự thay đổi trong quy định quyền từ do kinh doanh không chỉ trong Hiến pháp mà còn các đạo luật khác; sự nỗ lực từ Chính phủ cam kết thúc đẩy các cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho chủ thể kinh doanh khi tham gia ĐKKD, rút ngắn thời gian, chi phí đã mang lại những tác động tích cực, khuyến khích những chủ thể đủ điều kiện kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
1.1.2.2. Yếu tố kinh tế, xã hội
*Yêu cầu hội nhập kinh tế
Hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, mang lại cho nền kinh tế Việt Nam nhiều lợi ích như thu hút được đáng kể vốn đầu tư nước ngoài, nhận được các viện trợ của quốc tế, tiếp thu khoa học – kỹ thuật và có cơ hội học hỏi những kinh nghiệm cũng như khả năng quản lý, điều hành đất nước. Bên cạnh những thành tựu chúng ta còn gặp không ít khó khăn, thách thức trong đó có cả yêu cầu đổi mới, kiện toàn pháp luật về ĐKKD. Để có thể tham gia ngày càng nhiều các Hiệp định tự do, mở đường cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang nước khác, thu hút cá nhân tổ chức cá nhân nước ngoài lập nghiệp tại Việt Nam thì cơ chế quản lý tiền kiểm buộc phải thay đổi chuyển sang quản lý hậu kiểm. MTKD vận hành theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp được trao nhiều quyền sẽ dễ dàng thu hút sự đầu tư hơn. Do
vậy, để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, công tác quản lý về ĐKKD cần được đổi mới, đây chính là yêu cầu cấp thiết cần phải thực hiện.
*Chiến lược phát triển kinh tế
Chiến lược phát triển kinh tế là những mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta đề ra và sẽ thực hiện trong một khoảng thời gian. Do vậy, những chính sách, biện pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế phải được hoạch định và thực hiện một cách đồng bộ.
Thông qua những chiến lược, chính sách phát triển kinh tế, xã hội khuyến khích phát triển những chủ thể tham gia vào hoạt động kinh doanh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú hơn. Trong giai đoạn 2021 – 2030, một số chiến lược nước ta đặt ra là: Hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới; Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế,…Việc quản lý về ĐKKD cần tuân theo các quan điểm, mục tiêu mà chiến lược của Đảng đề ra. Từ những định hướng, mục tiêu này, Nhà nước cần xây dựng các QPPL về ĐKKD của doanh nghiệp một cách có hiệu quả để đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Bên cạnh đó cũng phải đảm bảo tính ổn định về kinh tế như: tỷ lệ lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, lãi suất,…đây là những vấn đề doanh nghiệp quan tâm và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh. Bởi vậy, các chiến lược về kinh tế cần được xem xét, đề ra những định hướng, mục tiêu lâu dài và ổn định, điều này sẽ giúp các chủ thế kinh doanh đề ra được những kế hoạch kinh doanh thuận lợi, nhanh chóng thu hồi được vốn góp phần tăng trưởng phát triển kinh tế đất nước.
*Sự phát triển của công nghệ thông tin
Công nghệ thông tin đã tác động làm thay đổi sâu sắc nền kinh tế, văn hóa, xã hội. Bất cứ quốc gia nào áp dụng được công nghệ thông tin vào thực tiễn đời sống thì quốc gia đó sẽ có nền kinh tế phát triển vượt bậc. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc trao đổi diễn ra nhanh chóng, thuận tiện không chỉ trong phạm vi một quốc gia mà là trên phạm vi toàn cầu. Do vậy, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin là cách nhanh chóng giúp nước ta rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển đi trước.
Môi trường thông tin có vai trò quan trọng đối với chủ thể kinh doanh trong các vấn đề từ xác định và định hướng nhu cầu thị trường, xây dựng phương án kinh doanh, tuyển dụng nhân sự, tìm kiếm đối tác, tìm kiếm khách hàng, quảng bá sản phẩm thương hiệu,…và nhiều vấn đề quan trọng khác.
Công tác quản lý ĐKKD cũng phải hướng đến yêu cầu hội nhập, ứng dụng các thành tựu khoa học – kĩ thuật, công nghệ thông tin trong xây dựng hệ thống thông tin để công tác quản lý trở nên dễ dàng, thuận tiện trao đổi giữa các cơ quan liên quan từ đó rút gọn được thủ tục ĐKKD của doanh nghiệp.