THỰC THI PHÁP LUẬT VỀ CÔNG TY HỢP DANH

Một phần của tài liệu Pháp luật về công ty hợp danh ở việt nam hiện nay (Trang 48 - 51)

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ CÔNG TY HỢP DANH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

2.2. THỰC THI PHÁP LUẬT VỀ CÔNG TY HỢP DANH

Việc nhà nước thể chế hóa các quy định về CTHD trong các văn bản pháp luật đã góp phần đáp ứng các yêu cầu thực tế. Trải qua những lần sửa đổi và bổ sung đã tạo một hành lang pháp lý an toàn và vững chắc khi nhà đầu tư muốn thành lập CTHD. Bên cạnh đó cũng góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của mọi người về loại hình doanh nghiệp này.

Việc thừa nhận CTHD là một loại hình doanh nghiệp và có những quy định cụ thể dành cho loại hình công ty này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Từ chỗ bị kìm hãm, đến nay kinh tế tư nhân đã được công nhận vai trò quan trọng của mình trong phát triển kinh tế và được xác định là một động lực để đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước. Khối Doanh nghiệp tư nhân đóng góp 43.22% GDP và 39% vốn đầu tư cho toàn bộ nền kinh tế [51]. Tuy nhiên sự đóng góp của CTHD trong phát triển toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân nói chung còn rất hạn chế. Số lượng chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với CTCP, Công ty TNHH

và Doanh nghiệp tư nhân. Trong thời gian gần đây số lượng CTHD có xu hướng tăng dần đều qua các năm, song số lượng ít ỏi các CTHD đang hoạt động cho chúng ta thấy, CTHD không được các nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn ở Việt Nam mặc đủ loại hình doanh nghiệp này được pháp luật thừa nhận hơn 20 năm.

2.2.1. Vấn đề thành lập, tổ chức lại, giải thể và phá sản công ty hợp danh

Mặc dù được ghi nhận từ Luật Doanh nghiệp 1999 đến nay, song CTHD vẫn chưa có vị trí đắc địa trên diễn đàn doanh nghiệp. Về số lượng các CTHD, theo số liệu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, so với cùng kỳ năm 2017, trong 4 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ số doanh nghiệp thành lập mới tăng ở một số loại hình, cụ thể là loại hình CTHD có tỷ lệ tăng cao nhất là 25%. So với 4 tháng đầu năm 2018 với cùng kỳ năm 2017, tỷ lệ số vốn đăng ký thành lập mới gia tăng, có mức tăng mạnh nhất là 110,8 % ở loại hình CTHD. Ngoài ra, số lượng lao động đăng ký, thống kê cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017 thì chỉ có loại hình CTHD có tỷ lệ lao động tăng, các loại hình doanh nghiệp khác đều có tỷ lệ lao động đăng ký giảm. Trong tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể thì chỉ có một CTHD, chiếm 0,01 % tổng số các doanh nghiệp [10]. Có thể thấy loại hình CTHD đang dần có “sức hút” với các nhà đầu tư hơn những năm trước đây thông qua số lượng CTHD đăng ký mới và số lượng lao động đăng ký làm việc trong CTHD. Để có được kết quả này là có sự đóng góp không hề nhỏ của các quy định pháp luật về TVHD trong CTHD. Theo đó, pháp luật đã những quy định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thành viên “nòng cốt” này, có những quy định chặt chẽ về nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của TVHD trong việc đại diện, điều hành CTHD. Điều này tạo ra tâm lý yên tâm hơn cho các nhà đầu tư đối với mô hình còn nhiều xa lạ này. Tuy nhiên, việc tăng số lượng ở loại hình này không đồng nghĩa với việc hoạt động hiệu quả.

Tổng hợp số liệu báo cáo trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đến hết năm 2020, xét trong cộng đồng doanh nghiệp thì CTHD chiếm số lượng “siêu nhỏ” chỉ với khoảng 150 CTHD thành lập và hoạt động trong hơn 20 năm được pháp luật ghi nhận so với trên 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động.

Cụ thể năm 2020, có chưa đến 10 CTHD được thành lập trên tổng số 134.941 doanh

nghiệp thành lập mới [50]. Thực sự, CTHD vẫn đang chìm. Theo số liệu của cục quản lý và đăng ký kinh doanh được nhóm tìm hiểu và tổng hợp lại từ cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp về số lượng CTHD ra đời trong năm năm gần nhất, thì số lượng CTHD được thành lập mỗi năm ở nước ta là rất ít, và số lượng công ăn việc làm CTHD tạo ra cho người lao động rất hạn chế, và nguồn vốn của công ty hợp danh cũng rất nhỏ quy mô vốn trung bình của một công ty hợp danh khi đăng kí vốn điều lệ trung bình chỉ từ 2 tỷ đến 3 tỷ. Như vậy hoạt động của CTHD chưa thật sự hiệu quả, việc tồn tại loại hình doanh nghiệp này chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triển kinh tế của nước ta như kỳ vọng mà nó mang lại.

Trong quá trình hoạt động, các CTHD đều tuân thủ quy định của pháp luật về cơ cấu tổ chức, cơ chế phân công và kiểm soát quyền lực trong quản trị CTHD.

Điều lệ của CTHD quy định khá đầy đủ và cụ thể về sự phân định quyền lực trong chức, quản lý, điều hành CTHD không trái với các quy định của pháp luật. Việc chấm dứt tồn tại đối với công ty hợp danh khá phức tạp. Điều này còn bởi sự gắn kết chặt chẽ giữa CTHD với các TVHD. Chính vì vậy, khi giải quyết chấm dứt tồn tại của CTHD, còn phải xem xét trách nhiệm của các TVHD. Song pháp luật quy định về vấn đề này còn nhiều cứng nhắc, chưa đảm bảo hết quyền, lợi ích hợp pháp cho các thành viên, chủ nợ và cả khách hàng.

2.2.2. Vấn đề quản trị, điều hành công ty hợp danh

Để một doanh nghiệp hoạt động thực sự có hiệu quả thì vấn đề quản trị, điều hành là không thể bỏ qua hay coi nhẹ. Nếu ví doanh nghiệp như một cơ thể sống thì việc quản trị, điều hành chính là bộ não và các neuron của cơ thể đó. Cơ thể có thể sống và sống tốt hay không phụ thuộc phần lớn vào bộ não. Chính vì vậy, bộ não có một vai trò vô cùng quan trọng. Như đã phân tích ở trên, CTHD là đặc trưng của loại hình công ty "đối nhân", các thành viên hợp danh thường có một mối quan hệ chặt chẽ hay gắn bó và có một độ tin cậy nhất định đối với nhau. Nhìn vào thực tế, trong số lượng các công ty hợp danh đã được thành lập và hoạt động, có một phần lớn các công ty luật, các thành viên hợp danh của công ty đó hầu hết đều là những người có chuyên môn liên quan tới lĩnh vực luật pháp. Việc này là hoàn toàn dễ hiểu bởi lẽ, khi soi chiếu vào quy định của pháp luật thì các TVHD đều có thể

Nhân danh công ty kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty; đàm phán và ký kết hợp đồng, giao dịch hoặc giao ước với những điều kiện mà thành viên hợp danh đó cho là có lợi nhất cho công ty” hay nói đơn giản là đại diện cho công ty và họ hoàn toàn chịu trách nhiệm ở mức cao nhất đối với việc đó: "Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty". Như vậy, có thể dễ dàng hình dung ra bộ máy quản trị, điều hành của CTHD hiện nay ở Việt Nam: các thành viên hợp danh có cùng chuyên môn, nghiệp vụ về ngành nghề kinh doanh của công ty, cùng nhau điều hành, quản trị công ty với quyền và nghĩa vụ ngang nhau và giữa họ có sự tín nhiệm cao. Bộ máy điều hành này có phần đơn giản bởi họ vừa điều hành và tự mình thực hiện hầu hết các hoạt động kinh doanh chính của công ty. Điều này đồng thời vừa là ưu điểm cũng vừa là nhược điểm của CTHD.

Một phần của tài liệu Pháp luật về công ty hợp danh ở việt nam hiện nay (Trang 48 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)