CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CÁC VẤN ĐỀ HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU TRONG CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI
2.1 Các vấn đề hải quan đặt ra đối với hàng hoá Việt Nam xuất khẩu theo
2.1.1 Các cam kết về biện pháp thuế quan trong CPTPP
2.1.1.1 Các cam kết trong CPTPP
Khi Việt Nam tham gia CPTPP, cùng với các ưu đãi thuế quan dành cho các nước đối tác, các quốc gia tham gia CPTPP cũng áp dụng mức cam kết thuế ưu đãi đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Các cam kết tiếp cận thị trường liên quan đến thuế quan trong CPTPP được chia làm ba loại chính, bao gồm: cắt giảm hoặc loại bỏ thuế nhập khẩu ngay; xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình và hạn ngạch thuế quan.
Đối với việc xoá bỏ thuế nhập khẩu, các nước CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn 94%-100% dòng thuế nhập khẩu cho Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước.
Australia, Brunei, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam là những quốc gia áp dụng một mức thuế nhập khẩu chung cho tất cả các nước CPTPP khác.
Trong khi đó, các nước còn lại, bao gồ Canada, Chile, Nhật Bản và Mexico lại có biểu thuế nhập khẩu riêng áp dụng cho từng nước CPTPP khác nhau đối với một số dòng thuế nhất định.
Như vậy, một số hàng hóa có xuất xứ của Việt Nam khi nhập khẩu vào những nước như Canada hoặc Mexico có thể được hưởng mức thuế nhập khẩu không giống với mức thuế nhập khẩu áp dụng đối với hàng hóa có xuất xứ cùng loại của các nước CPTPP khác cũng nhập khẩu vào Canada hoặc Mexico trong thời gian xóa bỏ thuế quan theo lộ trình. Các cam kết về thuế nhập khẩu của các thành viên cụ thể như sau:
Bảng 2.1: Mức cam kết cắt giảm thuế quan của các nước thành viên CPTPP dành cho Việt Nam
Thành viên Cam kết cắt giảm thuế (%)
Cam kết cắt giảm thuế ngay khi Hiệp định có hiệu
lực (%)
Canada 95% 78%
Nhật Bản 90% 86%%
Peru 99,4% 80,7%
Mexico 98% 77,2%
Chile 99,9% 95,1%
Australia 100% 93%
New Zeeland 100% 94,6%
Singapore 100% 100%
Malaysia 99,9% 84,7%
Brunei 100% 92%
Nguồn: WTO Theo các mức cắt giảm này, một số quốc gia như Australia, New Zeeland, Brunei đều có cam kết cắt giảm 100% số dòng thuế sau từ 5- 11 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực: mức cam kết của Australia dành cho Việt Nam là cắt giảm 93% số dòng thuế ngay lập tức và theo lộ trình đến năm thứ 4, các sản phẩm còn lại sẽ được xóa bỏ thuế với mức tối đa; New Zeeland cam kết xóa bỏ 94,6% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, các dòng thuế còn lại theo lộ trình sẽ dần được xóa bỏ hoàn toàn vào năm thứ 7; với Brunei, mức cam kết dành cho hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam là 92% số dòng thuế (tương đương 7.639 dòng) sẽ được xoá bỏ ngay khi Hiệp
định có hiệu lực và từ năm thứ 7 đến năm thứ 11, chỉ còn 0,1% số dòng thuế và nhiều hơn là hoàn toàn hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam không phải trả thuế nhập khẩu khi vào thị trường nước nhập khẩu.
Đối với một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, Việt Nam cũng nhận được các ưu đãi cắt giảm ở mức cao. Điển hình, Canada cam kết xoá bỏ 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với mặt hàng giày dép, 100% dòng thuế cũng được Malaysia cam kết xóa bỏ hoàn toàn ngay khi CPTPP có hiệu lực.
Ngoài thuế nhập khẩu, Việt Nam là một trong số hai nước thuộc khu vực CPTPP áp dụng thuế xuất khẩu. Hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị đánh thuế bởi hải quan Việt Nam. Tuy nhiên, theo hiệp định CPTPP, Việt Nam phải xoá bỏ dần thuế xuất khẩu, ngoại trừ các nhóm mặt hàng được bảo lưu. Mức cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu được đưa ra đối với hầu hết các mặt hàng hiện đang bị áp thuế xuất khẩu theo lộ trình từ 5-15 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực. Một số nhóm mặt hàng quan trọng được bảo lưu thuế xuất khẩu như than đá, dầu mỏ và một số loại quặng, khoáng sản.
2.1.1.2 Thực trạng tận dụng các cam kết về ưu đãi thuế quan của hàng hoá xuất khẩu
Tính từ thời điểm CPTPP có hiệu lực năm 2019 đến nay, với những đóng góp của CPTPP, đặc biệt là các ưu đãi thuế quan, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng đáng kể. Kim ngạch xuất khẩu những hàng hoá thế mạnh của Việt Nam tiếp tục gia tăng ở các thị trường đã có quan hệ thương mại và ghi nhận sự tăng trưởng ở các thị trường mới.
Bảng 2.2: Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP giai đoạn 2019-2021
Năm Giá trị (tỷ USD) Tăng trưởng (%)
2019 39,53
2020 38,75 -2,01
2021 91,4 57,5
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Qua bảng 2.2, ta thấy, năm đầu khi tham gia Hiệp định, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có những tín hiệu tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, đến 2020, do những lo ngại về sự bùng nổ nhanh chóng của Covid dẫn đến các chính sách giãn cách, đóng cửa tạm thời của các quốc gia, khiến tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP bị chững lại rõ rệt. Việt Nam dù được đánh giá là đối mặt tốt với Covid, nhưng vẫn chịu những tác động từ dịch bệnh, với mức giảm nhẹ 2% xuất khẩu so với 2019.
Năm đầu khi tham gia Hiệp định, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 39,53 tỷ USD, mức tăng 7,2% so với kim ngạch năm 2018. Các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam đều đạt những con số tăng trưởng tốt ở các thị trường thành viên CPTPP, đặc biệt là những thị trường mới mà Việt Nam chưa có FTA trước đó: hàng dệt may xuất sang thị trường Canada tăng gần 22% so với năm 2018, tăng 19,4% tại thị trường Mexico, xuất sang Peru tăng 24%.
Toàn cảnh về số tình hình xuất khẩu cả năm 2021, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam cả năm đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020 và tăng 27,3% so với năm đầu CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam. Giá trị xuất khẩu này bao gồm giá trị xuất khẩu đến nhiều thị trường đối tác, bao gồm cả số liệu từ các thị trường thành viên CPTPP.
Tại thị trường châu Mỹ, nơi Việt Nam có các đối tác CPTPP, tổng kim ngạch XNK hàng hóa giữa Việt Nam và các nước khu vực châu Mỹ năm 2021 đạt gần 138,44 tỷ USD, tăng 24,2% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 113,59 tỷ USD tăng 26,7%. Thặng dư thương mại năm 2021 của Việt Nam với thị trường châu Mỹ đạt khoảng 88,74 tỷ USD, tăng 30,7% so với thặng dư năm 2020. Đóng góp chính cho mức tăng trưởng XNK với thị trường châu Mỹ đến từ mức tăng trưởng XNK giữa Việt Nam với thị trường Hoa Kỳ, thị trường các nước CPTPP ở châu Mỹ và thị trường các nước khối Mercosur”.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, kết quả xuất nhập khẩu năm 2021 của Việt Nam với các quốc gia thành viên CPTPP như Canada, Mexico, Chile, Peru- các quốc gia thuộc khu vực châu Mỹ đều đạt mức tăng trưởng cao, cụ thể, tăng 31,2%
so với năm 2020, tương đương với đạt 13,7 tỷ USD. Trong đó, chỉ tính riêng xuất khẩu, kim ngạch đã đạt 12,05 tỷ USD, tăng so với 2020 tới 36,3%. Cán cân thương
mại của Việt Nam phần lớn luôn ở trạng thái thặng dư với các quốc gia này, lên tới 10,39 tỷ USD.
CPTPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường châu Mỹ tăng qua các năm, trong đó có các thị trường ở khu vực này mà lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ FTA: Số liệu cho thấy xuất khẩu sang Canada đạt 5,3 tỷ USD, tăng 20,8%; 4,6 tỷ USD xuất sang Mexico, tăng 44,5%; sang Peru tăng 84,4%, tương đương đạt 560 triệu USD. Cụ thể:
Xuất khẩu Việt Nam sang Canada vẫn giữ được mức tăng, rõ thấy nhất là hàng dệt may với mức tăng 17,8%, đạt 934,3 triệu USD; giày dép tăng 4,9% với mức xuất khẩu đạt 367,7 triệu USD, tăng 4,9%; gỗ và các sản phẩm gỗ đạt mức xuất 234,1 triệu USD, tăng 6,5%; thuỷ sản tăng 0,7% với mức xuất đạt 265,6 triệu USD.
Tại thi trường Mexico, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng ghi nhận những mức tăng. Điển hình, “các sản phẩm máy vi tính, điện tử và linh kiện đạt mức xuất 1,35 tỷ USD, tương đương tăng 17,4%; xuất khẩu sản phẩm điện thoại các loại đạt 565 triệu USD, tăng 7,9% so với 2020; máy móc, thiết bị, phụ tùng, giày dép tăng lần lượt 63,9%; 32,2%, tương đương 463,4 triệu USD và 315 triệu USD”.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Chile trong năm 2021 đạt 1,98 tỷ USD, so với năm 2020 đã tăng 54,1%. Trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đó, riêng xuất khẩu sang Chile đạt 1,66 tỷ USD, tăng 62,7%. Với những con số này, xuất khẩu Việt Nam chiếm tỷ trọng 1,5% kim ngạch xuất khẩu của Chile, tiếp tục là nước xuất khẩu vào Chile lớn nhất trong khối ASEAN. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Chile có thể kể đến: điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; giày dép; hàng dệt may.
Với Peru, số liệu năm 2021 ghi nhận kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Peru tăng mạnh, tăng 62% so với năm 2020, tương đương đạt mức 633,8 triệu USD. Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện là các mặt hàng có tăng trưởng cao trong tỷ trọng xuất khẩu, đạt 282,6 triệu USD, tăng 138%; xuất khẩu mặt hàng giày dép đạt 51 triệu USD, tăng 7%; tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Peru là 560 triệu USD, so với năm 2020 đã tăng 84,4%.
Xuất khẩu mặt hàng thế mạnh cũng được ghi nhận bởi những con số ấn tượng:
Thủy sản xuất khẩu sang các nước thành viên hiệp định CPTPP đạt gần 2,2 tỷ USD vào năm 2021, xấp xỉ kim ngạch năm 2020. Xuất khẩu các sản phẩm dệt và nguyên phụ liệu sang khối hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đạt 5.399 USD, tăng 0.92% so với năm 2020, chiếm 13,12% tỷ trọng xuất khẩu.
Như vậy, kể từ khi hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực tại Việt Nam từ tháng 01 năm 2019, quan hệ thương mại của Việt Nam với phần lớn các quốc gia thành viên đã có tín hiệu tăng trưởng tốt. Kim ngạch xuất khẩu phần lớn vẫn phụ thuộc các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như điện thoại và linh kiện, máy vi tính và phụ kiện, dệt may, da giày, thủy sản, … Các ngành hàng thế mạnh này đều có những chuyển động tích cực ở hầu khắp các thị trường, góp phần cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam.