CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ NGHIỆP VỤ THỊ TRƯỜNG MỞ CỦA NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG
1.3 Kinh nghiệm hoạt động nghiệp vụ thị trường mở của một số nước và bài học đối với Việt Nam
1.3.1 Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới
- Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED – Federal Reserve System):
FED được thành lập bởi Quốc hội Mỹ vào năm 1913 nhằm mục đích xây dựng một hệ thống tài chính ổn định và an toàn hơn trước thực trạng sự yếu kém của hệ thống ngân hàng quốc gia trở nên gay gắt hơn, hoảng loạn ngân hàng và rút tiền khỏi ngân hàng xảy ra thường xuyên. Theo Đạo luật Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Hội đồng Thống đốc và Ủy ban nghiệp vụ thị trường mở liên bang (FOMC) phải duy trì sự tăng trưởng dài hạn của các tổng phương tiện thanh toán và tín dụng tương xứng với tiềm năng dài hạn của nền kinh tế để thúc đẩy sản xuất, nhằm đạt các mục tiêu tối đa hóa việc làm, ổn địnhgiá cả, và lãi suất dài hạn phù hợp.
Hoạt động nghiệp vụ thị trường mở (OMOs) – việc mua và bán các chứng khoán trên thị trường bởi NHTW là công cụ chủ yếu của FED trong việc thực thi chính sách tiền tệ nhằmđiều tiết việc cung ứng dự trữ để giữ lãi suất cho vay qua đêm quanh lãi suất mục tiêu do Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thiết lập và được thông báo sau mỗi cuộc họp của FOMC.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008, cách tiếp cận của FED trong điều hành chính sách tiền tệ đã thay đổi đáng kể, và đặc biệt từ cuối năm 2008 khi FOMC thiết lập một loạt các lãi suất mục tiêu gần bằng không, FED đã mở rộng đáng kể việc nắm giữ các chứng khoán dài hạn thông qua việc mua trên OMOs nhằm tạo áp lực giảm lãi suất dài hạn, qua đó tạo ra các điều kiện tài chính phù hợp hơn để hỗ trợ các hoạt động kinh tế, giảm lãi suất dài hạn và tạo thêm việc làm.
- NHTW Châu Âu (European Central Bank- ECB) được thành lập vào ngày 1/6/1998 và có trụ sở tại Frankfurt - Đức. ECB và NHTW các nước thành viên cùng nhau tạo nên hệ thống NHTW khu vực Châu Âu (ESCB - European System of Central Banks), có nhiệm vụ chính là duy trì sự ổn định
giá cả - bảo vệ giá trị đồng Euro. Nếu không làm ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định giá cả, ESCB có trách nhiệm hỗ trợ các chính sách kinh tế nói chung trong Liên minh Châu Âu nhằm góp phần vào việc đạt được các mục tiêu của Liên minh. Hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương châu Âu đặt mục tiêu giữ lạm phát ở mức dưới, nhưng gần 2% trong trung hạn với chiến lược chính sách tiền tệ hai trụ cột – phân tích kinh tế và phân tích tiền tệ.
Công cụ của CSTT của ECB bao gồm OMOs, dự trữ tối thiểu (minimum reserves) và các giao dịch dự phòng (standing facilities), trong đó OMOs là công cụ quan trọng và chủ yếu của CSTT. OMOs đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết lãi suất ngắn hạn, quản lý trạng thái thanh khoản trên thị trường và phát tín hiệu chính sách tiền tệ trong khu vực đồng Euro,được thực hiện thông qua các giao dịch mua bán hẳn, phát hành công cụ nợ, hoán đổi ngoại tệ, nhận tiền gửi có kỳ hạn, và quan trọng nhất là các giao dịch đảo ngược (reverse transaction) dưới các hình thức hợp đồng mua có kỳ hạn hoặc các khoản cho vay có bảo đảm. Hoạt động thị trường mở tại châu Âu thường bao gồm cung ứng thanh khoản đồng Euro kỳ hạn 1 tuần (đây cũng là nghiệp vụ đấu thầu tái cấp vốn chính - MROs) với tần suất hàng tuần để điều tiết lãi suất ngắn hạn, quản lý thanh khoản và phát tín hiệu chính sách tiền tệ trong khu vực đồng Euro, và cung ứng thanh khoản bằng đồng Euro với kỳ hạn 3 tháng (hoạt động đấu thầu tái cấp vốn dài hạn hơn - LTROs) với tần suất hàng tháng để cung cấp thêm thanh khoản bằng đồng Euro cho khu vực tài chính.
Để đối phó với khủng hoảng tài chính 2007-2008, ECB đã thực hiện hai hoạt động tái cấp vốn dài hạn là cung cấp thanh khoản bằng đồng Euro với kỳ hạn ba năm, và các hoạt động cung cấp thanh khoản bằng Đô la Mỹ.
Tháng 6/2014, ECB đã tiến hành một loạt các hoạt động tái cấp vốn dài hạn với mục tiêu cải thiện hoạt động tín dụng ngân hàng cho ngành phi tài chính
tư nhân của khu vực đồng Euro, không bao gồm các khoản cho vay các hộ gia đình mua nhà trong khoảng thời gian hai năm. Đồng thời, ECB cũng tiến hành chương trình mua lại trái phiếu có bảo đảm - CBPP (CBPP kết thúc vào tháng 6/2010 và CBPP2 kết thúc vào tháng 10/2012). Từ 10/5/2010 đến 2/2012, ECB tiến hành can thiệp vào thị trường nợ để giúp đỡ các nước gặp khó khăn trong việc huy động tiền vay trên các thị trường vốn (các nước có khủng hoảng nợ công), và kết thúc trong tháng 9/2012. Tháng 9/2014, ECB công bố hai chương trình mới nhằm tăng cường khả năng truyền tải CSTT, hỗ trợ mở rộng tín dụng của nền kinh tế khu vực Châu Âu - đó là Chương trình mua chứng khoán bảo đảm bằng tài sản (ABS) và chương trình mua trái phiếu có bảo đảm của bên thứ ba.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ - Bank of Japan): Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) là NHTW của Nhật Bản, có một quá trình lịch sử thực hiện mua bán GTCG khá lâu năm từ thời kỳ trước chiến tranh nhưng ban đầu chỉ được thực hiện rất hạn chế trong những trường hợp ngoại lệ để hỗ trợ cho hoạt động tái cấp vốn. Đến tháng 11/1962, BOJ bắt đầu thực hiện mua, bán GTCG một cách linh hoạt hơn nhằm đa dạng hóa các công cụ của CSTT, đồng thời ổn định thị trường tiền tệ.Tuy nhiên, từ tháng 3/2001, BOJ thay đổi mục tiêu hoạt động của OMOs, theo đó số dư tài khoản hiện tại của các tổ chức tài chính tại BOJ được đặt làm mục tiêu điều hành thay vì lãi suất chào qua đêm trên thị trường cho vay ngắn hạn do lãi suất này đã ở mức rất thấp gần bằng không.Chính sách này được biết đến với tên gọi là “nới lỏng định lượng” (Eiji Maeda và cộng sự, 2005). Tuy nhiên, phải đến cuộc khủng hoảng gần đây, từ năm 2013, BOJ mới thực hiện chính sách này một cách mạnh mẽ (Martin Wolf, 2014). Dù theo hình thức nào, mục tiêu điều hành cũng được công bố ngay sau mỗi cuộc họp. BOJ là một trong những NHTW mà các quyết định CSTT có tác động mạnh đến thị trường chứng khoán và thị trường
ngoại hối do lãi suất chính sách của BOJ có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Mục tiêu chính sách tiền tệ của BOJ là “Ổn định giá cả, qua đó đóng góp cho sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế quốc gia” (Luật NHTW Nhật Bản). Để thực hiện mục tiêu này, NHTW tác động đến lãi suất nhằm kiểm soát tiền tệ và tỷ giá bằng việc thực hiện các công cụ CSTT, mà các hoạt động thị trường tiền tệ - OMOs là chủ yếu. BOJ điều hành OMOs để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ và giữ lãi suất chào qua đêm (call rates) sát với lãi suất chiết khấu cơ bản đã công bố. BOJ thực hiện mua, bán các giấy tờ có giá trên thị trường để bơm/hút tiền từ lưu thông theo hai hình thức can thiệp ngắn hoặc dài hạn, qua đó tác động trực tiếp tới cung-cầu vốn trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất cho vay qua đêm không có bảo đảm.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK – Bank of Korea): Theo Luật NHTW Hàn Quốc – Điều 1, Khoản 1 quy định rằng mục đích của đạo luật này là "đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia bằng cách theo đuổi sự ổn định giá cả thông qua việc xây dựng và thực hiện chính sách tiền tệ hiệu quả", theo đó, BOK xác định ổn định giá cả là mục tiêu quan trọng nhất. OMOs là công cụ chính sách tiền tệ chính của BOK, qua đó BOK mua hoặc bán chứng khoán với các tổ chức tài chính trên thị trường mở, từ đó tác động đến lượng tiền trong lưu thông và/hoặc lãi suất. BOK thực hiện OMOs chủ yếu để điều hành lãi suất cho vay qua đêm xoay quanh mức lãi suất cơ bản thông qua việc điều chỉnh lượng dư thừa hoặc thiếu hụt thanh khoản tạm thời của các tổ chức tài chính. Đồng thời, BOK có thể duy trì ổn định thị trường tài chính bằng cách mở rộng cung cấp thanh khoản cho thị trường thông qua hoạt động thị trường mở trong thời gian khủng hoảng tài chính.
- NHTW Thái Lan (BOT): Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, Thái Lan đã nhận hỗ trợ tài chính từ IMF và đã áp dụng khuôn khổ
mục tiêu tiền tệ thay vì mục tiêu tỷ giá. Từ sau chương trình IMF, sau khi đánh giá lại môi trường kinh tế trong và ngoài nước, BOT đã áp dụng khuôn khổ lạm phát mục tiêu từ tháng 5/2000 với mục tiêu chính là duy trì sự ổn định của giá cả do nhận thấy mối quan hệ giữa cung tiền và tăng trưởng sản lượng trở nên kém ổn định hơn qua thời gian, đặc biệt là từ sau cuộc khủng hoảng tài chính.
Dưới khuôn khổ lạm phát mục tiêu linh hoạt, Ủy ban Chính sách tiền tệ ra tín hiệu về động thái chính sách thông qua sự thay đổi về chính sách lãi suất, hoặc lãi suất repo 1 ngày (BOT sử dụng lãi suất này làm lãi suất chính sách). BOT thiết lập khuôn khổ hoạt động tiền tệ bao gồm nhiều công cụ chính sách tiền tệ để định hướng lãi suất thị trường tiền tệ ngắn hạn xoay quanh lãi suất chính sách. Trên cơ sở đó, BOT sử dụng OMOs như là công cụ chính để duy trì lãi suất chính sách, đồng thời đảm bảo cung cấp đủ thanh khoản trong hệ thống ngân hàng để đáp ứng nhu cầu dự trữ bắt buộc và cân bằng thanh toán của các ngân hàng. BOT thực hiện giao dịch trên thị trường tài chính để tác động đến mức tổng dự trữ (tiền gửi các tổ chức tài chính tại BOT) có sẵn trong hệ thống ngân hàng, và qua đó tác động đến lãi suất thị trường ngắn hạn.