CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ NGHIỆP VỤ THỊ TRƯỜNG MỞ CỦA NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG
1.3 Kinh nghiệm hoạt động nghiệp vụ thị trường mở của một số nước và bài học đối với Việt Nam
1.3.2 Một số bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam
NVTTM là công cụ điều hành CSTT tương đối mới mẻ tại Việt nam.
Học tập kinh nghiệm hoạt động NVTTM của NHTW các nước và vận dụng phù hợp với điều kiện phát triển của thị trường tài chính, kinh tế tại Việt nam là vô cùng quan trọng. Một số bài học kinh nghiệm được rút ra là:
- Về mục tiêu điều hành NVTTM: Hầu hết các nước hiện nay thực hiện mục tiêu điều tiết lãi suất (thường là điều tiết lãi suất cho vay qua đêm) do NHTW dễ kiểm soát lãi suất cho vay qua đêm, các giao dịch và lãi suất trên thị trường này phản ánh cung - cầu vốn khả dụng của thị trường. Lãi suất
cho vay qua đêm được coi là lãi suất chuẩn cho các loại lãi suất dài hạn hơn.
Trong khi đó để thực hiện điều tiết khối lượng thông qua tiền dự trữ thì tốc độ tăng của số nhân tiền tệ phải ổn định hoặc có thể dự đoán được, nhưng thực tế điều này không phải luôn xảy ra nhất. Vì vậy, hầu hết các nước đã thực hiện điều hành NVTTM để đạt được mục tiêu điều tiết lãi suất. Việt Nam nên chăng sớm thực hiện cách điều hành này trong tương lai gần để đạt được mục tiêu về điều tiết lãi suất như các nước phát triển.
- Về điều hành NVTTM: Việc chỉ đạo điều hành OMOs thường do Ban điều hành OMOs hoặc Hội đồng CSTT thực hiện. Ban điều hành OMOs là người quyết định các vấn đề kỹ thuật của OMOs như khối lượng giấy tờ có giá mua vào, bán ra; phương thức giao dịch,... cũng như định hướng điều hành OMOs nói chung và CSTT nói riêng.
- Về hàng hoá của NVTTM: Tuỳ theo tính chất và mức độ mở cửa của thị trường vào từng giai đoạn mà hàng hoá của OMOs sẽ khác nhau. Có một đặc điểm chung trong việc sử dụng công cụ OMOs ở các nước là: Công cụ chủ yếu được sử dụng ở thị trường này bao gồm các chứng khoán có tính thanh khoản cao trên thị trường thứ cấp như tín phiếu, trái phiếu Chính phủ.
Tín phiếu NHTW thường được phát hành ở một số nước đang phát triển, vào từng thời kỳ nhất định khi các ngân hàng đang dư thừa vốn khả dụng. Khi những hoat động này không thúc đẩy các giao dịch trên thị trường thứ cấp thì NHTW sẽ dừng phát hành loại tín phiếu này. Đây cũng là bài học để NHNN Việt Nam áp dụng khi sử dụng đa dạng các hàng hóa trên thị trường mở.
- Thành viên của NVTTM: Có thể thấy là các TCTD, các công ty tài chính và các thành viên phi tài chính khác. Khi các thành viên tham gia thị trường càng đa dạng, khả năng điều tiết tiền tệ của NHTW càng linh hoạt.
- Về kết hợp NVTTM với các công cụ CSTT khác: Khi OMOs đã trở
thành một công cụ chính trong việc điều hành chính sách tiền tệ thì các công cụ khác cần được điều chỉnh để trở thành công cụ hỗ trợ trong việc thực hiện các mục tiêu trung gian của chính sách tiền tệ như tác động đến mức lãi suất hoặc vốn khả dụng của hệ thống tài chính, trong đó công cụ cần điều chỉnh đáng quan tâm nhất là nghiệp vụ chiết khấu hoặc cho vay tái cấp vốn của NHTW, do nếu OMOs là công cụ để NHTW chủ động điều chỉnh mức dự trữ của hệ thống ngân hàng thì công cụ chiết khấu hoặc tái cấp vốn sẽ do các tổ TCTD có nhu cầu chủ động đưa ra, và do vậy nó trở thành một van an toàn cho các TCTD khi có biến động lớn về vốn, đồng thời cũng cung cấp thông tin về nhu cầu vốn và lãi suất cho NHTW. Cũng như vậy, công cụ DTBB cũng được điều chỉnh theo hướng không chỉ tác động đến hệ số tạo tiền mà còn ảnh hưởng đến phản ứng của hệ thống ngân hàng đối với hoạt động trên OMOs, do nó tác động vào lượng dự trữ cần thiết của các ngân hàng.
- Về dự báo vốn khả dụng: Để điều hành OMOs một cách hiệu quả, các NHTW đều quan tâm đến việc nâng cao chất lượng dự báo vốn khả dụng làm cơ sở đưa ra các phương án giao dịch OMOs. Nhiều NHTW các nước trên thế giới (như Fed, BOJ, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Úc, NHTW Pháp, Hàn Quốc...) đều xác định phạm vi quản lý, dự báo vốn khả dụng chỉ giới hạn đối với số dư tiền gửi của các TCTD tại NHTW. Đây là nhân tố NHTW có thể dự báo và sử dụng các công cụ CSTT để điều tiết một cách hiệu quả nhất.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Nghiệp vụ thị trường mở là một công cụ gián tiếp, linh hoạt và hiệu quả của CSTT được NHTW của hầu hết các nước sử dụng để điều tiết lượng tiền cung ứng, ổn định giá trị đồng tiền nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Chương 1 của Luận văn đã tập trung nghiên cứu về những vấn đề lý luận căn bản của nghiệp vụ thị trường mở trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương. Vai trò và các nhân tố ảnh hưởng tới điều hành NVVTTM của NHNN. Bên cạnh đó, qua nghiên cứu kinh nghiệm NVTTM của NHTW một số quốc gia trên thế giới như Mỹ và Hàn Quốc để rút ra những bài học kinh nghiệm thiết thực cho Việt Nam để phát triển nghiệp vụ thị trường mở.
Đây là cơ sở để nghiên cứu thực trạng nghiệp vụ thị trường mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
CHƯƠNG 2