CHƯƠNG 5. KIẾN NGHỊ VÀ KẾT LUẬN
5.6. TẬN DỤNG ẢNH HƯỞNG CỦA GIÁ CẢ VÀ ƯU ĐÃI
Về giá cả, tuy rằng tâm lí người tiêu dùng sẽ ưu tiên mức giá thấp nhưng với hoạt động xem phim chiếu rạp, người xem thường không mấy đắn đo trước những mức giá bởi xem phim rạp tại thị trường Việt Nam được coi như hoạt động giải trí cuối tuần, không xảy ra thường xuyên. Vậy nên các rạp chiếu phim không cần thường xuyên có những chính sách ưu đãi về giá, thay vào đó, các rạp chiếu phim nên tập
trung hơn vào việc tạo trải nghiệm xem phim của khán giả thêm mới mẻ như: xây dựng tour du lịch tới địa điểm quay phim, tạo ra các trò chơi thực tế mô phỏng theo phim, đầu tư nhiều công nghệ trình chiếu phim và sản xuất phim như kĩ xảo AR, VR, công nghệ ScreenX…
Về xuất xứ, nhận thấy yếu tố xuất xứ của phim ảnh không có tác động tới ý định xem phim của khán giả, các rạp nói riêng và thị trường điện ảnh nói chung nên đa dạng hóa các phim chiếu tại Việt Nam. Điều này không chỉ giúp truyền tải, giới thiệu những thể loại phim, văn hóa từ các nước khác, đặc biệt trong quá trình hội nhập thế giới hiện nay, mà còn giúp ta có cái nhìn đa dạng hơn về điện ảnh. Từ đó rút ra những thành công và trở ngại của điện ảnh Việt Nam trong việc thu hút người xem.
KẾT LUẬN CHUNG
Trong bối cảnh hội nhập đầy cạnh tranh hiện nay, để có được sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh, chiến dịch Marketing đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
Song, không phải tổ chức nào cũng nắm được ý nghĩa của việc Marketing và phát huy có hiệu quả để đẩy mạnh hoạt động của mình. Điện ảnh Việt Nam cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Những kết quả nghiên cứu chủ yếu của đề tài: Thông qua việc nghiên cứu một cách có hệ thống những vấn đề lý luận và đưa ra được các bằng chứng thực nghiệm đáng tin cậy, đề tài “Nghiên cứu tác động của chiến lược Marketing tới ý định xem phim chiếu rạp và hành vi truyền miệng của khán giả tại Hà Nội” hướng tới đề xuất các giải pháp và khuyến nghị giúp điện ảnh Việt Nam thực hiện chiến lược Marketing một cách hiệu quả và khoa học, qua đó nâng cao doanh thu và đảm bảo phát triển bền vững.
Các kết quả quan trọng của đề tài này được thể hiện ở những khía cạnh sau:
Thứ nhất, đề tài đã tập trung phân tích, làm rõ cơ sở lý thuyết về Marketing trong nghệ thuật cùng như các nhân tố tác động đến ý định xem phim của khán giả. Đề tài còn khai thác sâu về sự tác động của ý định xem phim và tính hướng ngoại đến xu hướng truyền miệng của khán giả (WOM). Từ kết quả đạt được, các nhà sản xuất và nhà đầu tư sẽ có những chiến lược hợp lý nhằm thu hút khán giả chi tiền cho các hoạt động nghệ thuật và đặc biệt là ngành điện ảnh.
Thứ hai, thông qua bài khảo sát 316 khán giả tới rạp xem phim và kiểm định bằng phương pháp mô hình tuyến tính SEM, nghiên cứu đã chỉ ra: (1) có ba nhóm yếu tố tác động đến ý định xem phim của khách hàng chính là nhân vật trong phim, Marketing bao gồm quảng bá và hoạt động phân phối. Trong hai yếu tố trên quảng bá và phân phối là yếu tố tác động mạnh nhất đến ý định xem phim của khán giả. (2) Các yếu tố để thực hiện quảng bá truyền miệng (WOM) có hai yếu tố là ý định xem phim của khán giả và tính hướng ngoại. Trong đó, ý định được đánh giá là yếu tố ảnh hưởng mạnh hơn cả.
Thứ ba, các khuyến nghị này cái nhìn tổng thể về một chiến lược nhất quán nhằm tăng cường doanh thu của điện ảnh Việt Nam. Nhóm chủ yếu đưa ra các giải pháp về vấn đề quảng bá và phân phối phim cũng như đội ngũ nhân lực ngành điện
ảnh cần được chú trọng nhiều hơn. Nhóm nghiên cứu mong muốn rằng, nhà làm phim có thể căn cứ vào các khuyến nghị này để rà soát lại các chính sách, cơ cấu tổ chức, vấn đề marketing của mình nhằm hoàn thiện chúng hơn nữa, từ đó nâng cao khả năng tăng doanh thu cho nền điện ảnh nước nhà, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Tồn tại, hạn chế của đề tài và gợi mở hướng nghiên cứu tiếp theo:
Mặc dù nhóm tác giả đã rất cố gắng để hoàn thành nghiên cứu, song do những hạn chế về mặt thời gian, nguồn nhân lực, kinh nghiệm thực tế, cũng như việc tiếp cận các nguồn số liệu còn nhiều khó khăn, đề tài vẫn còn một số hạn chế sau:
Đề tài mới dừng lại ở việc đánh giá các chiến lược Marketing ảnh hưởng đến ý định xem phim chiếu rạp và hành vi truyền miệng dựa trên quá trình khảo sát và phân tích số liệu, từ đó gợi ý một số giải pháp dành cho điện ảnh Việt Nam. Nhóm nghiên cứu chưa có điều kiện để xây dựng một mô hình Marketing tối ưu cho hệ thống điện ảnh Việt Nam dựa trên các kết luận của đề tài. Do đó, như một hướng gợi mở cho những nghiên cứu tiếp theo, các học giả có thể nghiên cứu nhằm xây dựng mô hình Marketing hiệu quả cho từng nhóm phim của điện ảnh Việt Nam, bao gồm: phim truyền hình, phim chiếu rạp ... bởi lẽ mỗi nhóm phim có những nét đặc trưng riêng.
Đối với yếu tố truyền miệng, nhóm nghiên cứu mới chỉ đưa ra các kết quả mang tính lý thuyết chứ chưa thể đi sâu vào thực tiễn cũng như đưa ra giải pháp cho phương thức marketing này. Bởi lẽ đặc điểm của việc thống kê các chỉ số đối với loại hình marketing này rất khó khăn và không được chính xác, nghiên cứu về truyền miệng truyền thống sẽ chỉ dừng ở mức đưa ra các kết quả mang tính lý thuyết nghiên cứu.
Với bệ phóng là truyền miệng truyền thống (WOM), định hướng của nhóm sau nghiên cứu này là phân tích về một hình thức khác của truyền miệng, chính là truyền miệng điện tử (eWOM). Với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội và công cụ hiện đại, nghiên cứu về eWOM sẽ khả thi hơn cũng như có được những dữ liệu mang tính chính xác và đáng tin cậy hơn.
Tóm lại, đề tài nghiên cứu với 5 chương nội dung đã giải quyết thấu đáo các mục tiêu đặt ra. Hoàn thiện đề tài này, chúng tôi mong muốn đóng góp một phần kiến thức của mình vào việc hoàn thiện các luận cứ khoa học, phát triển và củng cố các
bằng chứng thực nghiệm về tầm quan trọng của Marketing tới doanh thu của điện ảnh Việt Nam, cũng như đề xuất các giải pháp, khuyến nghị có tính khả thi cho các nhà làm phim, hướng tới phát triển hiệu quả và tăng trưởng kinh tế. Nhóm tác giả mong muốn nhận được sự đánh giá, góp ý từ phía các nhà khoa học để công trình nghiên cứu trở nên hoàn thiện và bản thân chúng tôi có thể lĩnh hội được kiến thức sâu rộng hơn trong lĩnh vực nghiên cứu mới mẻ này