Các nhân tố thuộc về cá nhân

Một phần của tài liệu Nghiên cứu nhân tố ảnh hưởng đến đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên độc lập tại việt nam (Trang 23 - 27)

Chương 2. Cơ sở lý luận về nhân tố ảnh hưởng đến đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên độc lập

2.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên độc lập

2.2.1. Các nhân tố thuộc về cá nhân

Giới tính thường được các nhà nghiên cứu cho là một trong các nhân tố ảnh hưởng đến các quyết định về đạo đức, và thường hay được đưa vào trong các mô hình nghiên cứu về đạo đức (Jones và cộng sự 2003; Roxas và Stoneback, 2004).

Tuy nhiên, bằng chứng thực nghiệm về tác động của giới tính này tới các quyết định đạo đức cho thấy các kết quả khác biệt nhau. Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ ít chấp nhận hành vi phi đạo đức hơn nam giới, trong khi đó một số nghiên cứu khác không tìm thấy mối liên hệ giữa giới tính và hành vi đạo đức. O’Fallon và Butterfield

18 (2005) trong một tổng quan nghiên cứu về việc ra quyết định đạo đức trong khoảng thời gian 1996-2003 đã xác định có 49 nghiên cứu về tác động của giới tính tới việc ra quyết định đạo đức, trong đó 23 nghiên cứu không tìm thấy mối quan hệ có ý nghĩa thống kê, và 16 nghiên cứu cho thấy phụ nữ hành xử có đạo đức hơn nam giới trong một số trường hợp. Trong khi một nghiên cứu khác trước đó của Loe và cộng sự (2000) tìm thấy 9 nghiên cứu không cho kết quả khác biệt giữa nam giới và nữ giới, và 12 nghiên cứu cho thấy nữ giới hành xử đạo đức hơn nam giới trong một số trường hợp.

Lopez và cộng sự (2005) trong nghiên cứu với các sinh viên chuyên ngành kế toán, tài chính, luật, kinh doanh tìm thấy bằng chứng cho thấy nữ giới ít chấp nhận hành vi phi đạo đức hơn nam giới trong bốn trên năm tình huống đạo đức. Emerson và cộng sự (2007) thực hiện khảo sát với 520 kế toán viên hành nghề từ Viện kế toán công chứng Hoa Kỳ (AICPA) cho thấy nam giới chấp nhận các hành vi có vấn đề về đạo đức nhiều hơn nữ giới trong 21 trên 25 tình huống. Conroy và cộng sự (2010) có kết quả tương tự trong một nghiên cứu với 195 kế toán viên hành nghề của AICPA, cho thấy đối tượng khảo sát là nam giới chấp nhận các hành vi có vấn đề về đạo đức nhiều hơn nữ giới trong 10 trên 30 tình huống nghiên cứu.

Theo Croxford (2010), các kết quả nghiên cứu khác nhau về giới tính có thể được giải thích bằng hai lý thuyết là cách tiếp cận xã hội hóa giới tính (gender socialization approach) và cách tiếp cận cấu trúc (structural approach). Cách tiếp cận xã hội hoá giới tính cho rằng nam giới và phụ nữ có những đặc điểm khác nhau tạo ra các định hướng đạo đức khác nhau, từ đó dẫn đến sự khác biệt trong các quyết định và thực hành đạo đức (Roxas và Stoneback, 2004).

Cách tiếp cận thứ hai là cách tiếp cận cấu trúc lập luận rằng sự khác biệt về giới phụ thuộc vào các yếu tố bối cảnh cụ thể (Simga-Mugan và cộng sự, 2005). Cách tiếp cận cấu trúc lập luận rằng định hướng đạo đức sẽ bị tác động bởi các yếu tố nghề nghiệp. Theo cách tiếp cận này, các chuẩn mực nghề nghiệp khiến cho nam giới và nữ giới trở nên giống nhau hơn trong các điều kiện nghề nghiệp giống nhau, từ đó dẫn đến không có sự khác biệt giữa hai giới tính khi ra các quyết định đạo đức.

b. Độ tuổi

19 Nhiều nhà nghiên cứu coi độ tuổi là một yếu tố tác động đến quá trình ra quyết định đạo đức (Hunt và Vitell, 1986; Kohlberg, 1969; Wotruba, 1990). Tuy nhiên, tương tự giới tính, các bằng chứng thực nghiệm cho các kết quả khác nhau về tác động của độ tuổi. Trong tổng quan nghiên cứu của Ford và Richardson (1994), có 3 trên 8 nghiên cứu tìm thấy mối quan hệ có ý nghĩa thống kê giữa 2 biến, trong đó có 2 nghiên cứu cho thấy các đối tượng khảo sát nhiều tuổi hơn có hành vi đạo đức hơn các đối tượng khảo sát trẻ tuổi. O’Fallon và Butterfield’s (2005) thực hiện tổng quan nghiên cứu các công trình công bố từ 1996 tới 2003, kết quả cho thấy 8 nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ giữa tuổi và hành vi đạo đức, 5 nghiên cứu phát hiện mối quan hệ ngược chiều giữa độ tuổi và quyết định đạo đức, và 6 nghiên cứu cho kết quả thuận chiều giữa hai biến này. Weeks và cộng sự (1999) thực hiện nghiên cứu với 1875 nhà kinh doanh từ Mỹ với bảng câu hỏi về tình huống khác nhau liên quan đến vấn đề đạo đức, kết quả cho thấy độ tuổi cao hơn gắn liền với các xét đoán đạo đức có chất lượng tốt hơn.

Loe và cộng sự (2000) cho thấy trong 8 nghiên cứu về đạo đức, 1 nghiên cứu không có mối liên hệ giữa tuổi và quyết định đạo đức, 5 nghiên cứu cho thấy đối tượng khảo sát lớn tuổi hơn có quyết định đạo đức phù hợp hơn các đối tượng trẻ tuổi. Maree và Radloff (2007) thực hiện nghiên cứu về xét đoán đạo đức đối với các kế toán viên ở Nam Phi, kết quả cho thấy trong 3 tình huống đạo đức, chỉ có 1 tình huống trong đó các kế toán viên ít tuổi hơn đưa ra các xét đoán đạo đức phù hợp hơn, 2 tình huống còn lại không cho thấy mối quan hệ giữa độ tuổi và xét đoán đạo đức.

Emerson và cộng sự (2007) khảo sát 520 kế toán viên hành nghề của Mỹ từ AICPA thông qua 25 tình huống liên quan đến nhiều vấn đề đạo đức như môi trường, kế toán, marketing, hối lộ… Kết quả cho thấy trong 19 trên 25 tình huống, các cá nhân lớn tuổi hơn ít chấp nhận hành vi phi đạo đức hơn các cá nhân ít tuổi. Conroy và cộng sự (2010) cũng tìm thấy kết quả tương tự trong nghiên cứu với 195 kế toán viên hành nghề của Mỹ, với 16 trên 30 tình huống cho thấy độ tuổi cao hơn ít chấp nhận hành vi phi đạo đức hơn.

c. Kinh nghiệm làm việc

Nhiều nghiên cứu cho thấy mối quan hệ thuận chiều giữa thái độ đạo đức và

20 kinh nghiệm làm việc. Harris (1990) khảo sát 112 nhà kinh doanh ở các cấp độ quản lý khác nhau trong một công ty để xác định mối quan hệ giữa giá trị đạo đức của các cá nhân với kinh nghiệm làm việc. Kết quả cho thấy có mối liên hệ có ý nghĩa thống kê giữa kinh nghiệm làm việc và việc không chấp nhận hành vi phi đạo đức của đối tượng khảo sát, cụ thể là các nhà quản lý cấp cao ít chấp nhận hành vi gian lận hơn so với các thành viên khác trong tổ chức, mà lý do được cho là nhà quản lý nhìn nhận hành vi gian lận gây ảnh hưởng tới uy tín của họ cũng như của công ty.

Shapeero và công sự (2003) tìm thấy quan hệ thuận chiều giữa ý định hành xử đạo đức và số năm kinh nghiệm trong một nghiên cứu với 82 kiểm toán viên trong các công ty kiểm toán ở Mỹ.

Ngược lại, Chavez và cộng sự (2001) phát hiện thời gian làm việc của các giám đốc điều hành tỷ lệ nghịch với việc ra quyết định đạo đức, điều đó có nghĩa là thời gian làm quản lý càng dài thì sự bảo thủ và nhu cầu về lương thưởng có thể tăng lên, có thể dẫn tới nguy cơ các hành vi phi đạo đức nhiều hơn. Tương tự, nghiên cứu của Conroy và cộng sự (2010) trên mẫu 195 kế toán viên chuyên nghiệp cho thấy sự khác biệt nhỏ giữa các thành viên ít kinh nghiệm và các giám đốc trong việc chấp nhận các hành vi phi đạo đức. Như vậy, các nghiên cứu trước cho thấy các bằng chứng trái ngược nhau về vai trò của kinh nghiệm làm việc trong việc ra các quyết định đạo đức của kế toán viên.

Ngoài các nhân tố thường gặp trên, một số nghiên cứu còn xem xét vai trò của các nhân tố như xu hướng chính trị của các cá nhân, trình độ học vấn, xu hướng đạo đức cá nhân, trí thông minh cảm xúc... tới xét đoán đạo đức. Ví dụ, Eynon và cộng sự (1997), Sweeney (1995) cho thấy người theo chủ nghĩa tự do có xét đoán tốt hơn người theo chủ nghĩa bảo thủ, và các kế toán viên hành nghề đã hoàn thành các khoá đào tạo về đạo đức có xét đoán tốt hơn. O’Fallon và Butterfield (2005) cho thấy người theo chủ nghĩa lý tưởng (idealism) và đạo lý học (deontology) ra quyết định đạo đức phù hợp hơn so với người theo chủ nghĩa tương đối (relativism) và chủ nghĩa mục đích (teleology). Ismail (2015) thu được bằng chứng cho thấy trí thông minh cảm xúc có tác động tích cực đến xét đoán đạo đức của kiểm toán viên tại Malaysia.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu nhân tố ảnh hưởng đến đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên độc lập tại việt nam (Trang 23 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)