Chương 1: TỔNG QUAN CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ NỢ THUẾ VÀ CƯỠNG CHẾ NỢ THUẾ
1.5. KINH NGHIỆM QUẢN LÝ NỢ THUẾ TẠI MỘT SỐ CƠ QUAN THUẾ TRÊN THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC
a. Ở nước ngoài
Tại Hong Kong thực hiện quản lý thu thuế theo lãnh thổ, do Cục Doanh thu Nội địa (IRD) là cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm giám sát và thực hiện các nhiệm vụ về việc quản lý thuế. Cơ quan thuế sẽ áp dụng một khoản phụ phí đối với các khoản nợ quá hạn. Nếu đợt đầu tiên chưa hoàn thành các khoản thuế còn thiếu thì sẽ bị áp dụng thu phụ phí 5% ở đợt thứ 2 (đợt thứ hai sẽ được coi là đến hạn thanh toán ngay
lập tức. Nếu tiếp tục chưa hoàn thành sẽ thu thêm 10% trên số thuế chưa nộp (bao gồm cả 5% lần 2) sau 6 tháng kể từ ngày nợ thuế. Về các biện pháp thu hồi, cục thu nội địa IRD đưa ra thông báo thu thuế cho bên thứ ba bao gồm chủ sử dụng lao động, ngân hàng, người thuê nhà, khách nợ, khách hàng,… của người nộp thuế để thu thuế.
Bất kì ai nhận được thông báo thu hồi thuế, trong thời gian luật định và nếu không thực hiện sẽ phải chịu trách nhiệm trước số thuế phải nộp. IRD có quyền nộp đơn khởi kiện lên tòa án để yêu cầu một văn bản đính kèm tài sản của người nợ để gắn với tài sản di chuyển của người nộp thuế, tính phí đối với bất động sản của người nộp thuế. (HK Government, n.d.)
Tại Vương quốc Anh, Thuế quản lý theo ba cấp chính phủ khác nhau: chính phủ trung ương (HMRC), chính phủ phân quyền và chính quyền địa phương dưới hình thức thuế hội đồng. Khi giải quyết các vấn đề nợ, HMRC sẽ làm việc với các trường hợp theo hướng: giải quyết càng nhanh càng tốt và theo cách phù hợp với ngân sách chi trả nợ của cách đối tượng. Ngoại trừ các trường hợp nghi ngờ hành vi gian lận hoặc tội phạm thì các trường hợp còn lại đều được cố gắng hỗ trợ giải quyết. HRMC yêu cầu các trường hợp lên một kế hoạch thanh toán dựa trên tình hình tài chính, được gọi là Thỏa thuận thời gian thanh toán, bên cạnh đó sử dụng bất kỳ khoản thuế nộp thừa nào (khoản mà thường được trả lại nếu không nợ thuế) để xóa các khoản nợ thuế chưa thanh toán khác. Đối với trường hợp không thể liên lạc hoặc từ chối thanh toán, cơ quan thuế sẽ gửi một thông báo thực thi chính thức với mức phí khoảng 75 bảng để cưỡng chế nợ thuế bằng cách lấy tài sản của người nợ mang bán hoặc đấu giá để lấy tiền thanh toán, nếu bán được nhiều hơn số nợ sẽ thanh toán tiếp phần phí lệ phí liên quan giải quyết vụ nợ, mức phí liên quan khoản nợ sẽ tính theo từng khu vực phụ thuộc. Các đối tượng nợ thuế cần phản hồi về quyết định trên và nếu trong 14 ngày vẫn chưa hoàn thành việc trả nợ, cơ quan thuế sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp như:
thu hồi nợ từ tài khoản ngân hàng, thu hồi thông qua thu nhập, thu giữ và bán tài sản, thu hồi tiền từ cửa hàng,… một số các biện pháp gắn liền với tài sản có thể là tính phí chứng khoán, tiền tiết kiệm, hay những kế hoạch tài sản của cá nhân. (UK Government, n.d.)
b. Ở trong nước
Thực hiện quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế ở trong nước cơ bản theo một quy trình thống nhất của Tổng cục thuế, tuy nhiên tùy vào tình hình thực tế và khả năng vận hành ở mỗi địa phương mà mỗi nơi có những cách giải quyết linh hoạt để có thể đảm bảo số thu cho ngân sách nhà nước.
Tại địa bàn quản lý của Cục thuế Hà Nội, trong năm 2021 tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, cơ quan thuế cần phải đẩy mạnh công tác truy hồi tiền nợ thuế để đảm bảo các chỉ tiêu mà thành phố và trung ương giao. Theo đó, Cục thuế Hà Nội ưu tiên kiểm soát số liệu từ khâu kê khai – nộp thuế, dự báo các trường hợp có khả năng tăng nợ để đôn đốc kịp thời. Đồng thời chú trọng các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế. Bên cạnh đó cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc tập trung phân tích nguyên nhân cụ thể và đề ra các giải pháp để triển khai quyết liệt công tác quản lý thu hồi nợ thuế đối với từng địa bàn, từng nhóm nợ. Đẩy mạnh giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của NNT theo các chương trình của chính phủ về nộp dần tiền thuế nợ, gia hạn nộp thuế,… Bên cạnh đó vẫn tích cực phân loại các nhóm đối tượng nợ để thực hiện đôn đốc, cưỡng chế nợ, kết hợp với các cơ quan liên quan trong việc xác minh các trường hợp có dấu hiệu chây ỳ, đã bán hàng nhưng không thực hiện nộp thuế và giải quyết các thủ tục pháp lý để cưỡng chế nợ. (Trâm Anh, 2021)
Tại Cục thuế tỉnh Quảng Bình, tình trạng nợ đọng thuế tại địa bàn có xu hướng tăng và khó thu. Trước tác động của dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội, kèm với đó là tình hình thiên tai, bão lũ xảy ra tại các địa bàn tỉnh miền Trung đã làm NNT chịu cảnh thiệt hại nặng nề. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh bị đình trệ, thua lỗ, phải tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động dẫn đến không còn khả năng tài chính để chi trả các khoản thuế nợ. Mặc dù địa phương vẫn đảm bảo số thuế thu theo yêu cầu, tuy nhiên đứng trước thực trạng về thuế nợ, Cục thuế tỉnh Quảng Bình đã tiến hành phân tích để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nợ. Một số giải pháp được áp dụng như tham mưu cho UBND tỉnh để hỗ trợ khó khăn, hỗ trợ các đối tượng chịu tổn thương từ nguyên nhân khách quan. Bên cạnh đó phân công, giao nhiệm vụ xử lý nợ thuế, tiền thuế nợ hàng năm cho các phòng, các chi cục thuế đến từng đội thuế, từng cán bộ, công chức quản
lý nợ. Phân tích, xử lý số liệu của các đơn vị có số nợ tăng đột biến để đưa ra giải pháp kịp thời. Kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ với các đối tượng cố ý chây ỳ, ý thức tuân thủ thấp, đặc biệt là các khoản nợ quá hạn 121 ngày. Cùng với đó là các hoạt động biểu dương, khen ngợi đối với NNT chấp hành tốt nghĩa vụ thuế.
(Báo Quảng Bình, 2021)
Đối với các cơ quan thuế cấp cơ sở, giải quyết nợ thuế cũng luôn là vấn đề nổi cộm, đòi hỏi phải quản lý và có những phương xử lý linh hoạt, phù hợp nhất với thực tế tại khu vực.
Tại Chi cục thuế huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, sau khi nhận ra vấn đề về việc cơ quan thuế mới dừng lại ở việc thống kê, phân loại nợ, theo dõi tuổi nợ mà chưa có sự phân tích đánh giá nên hiệu quả quản lý nợ chưa cao. Để khắc phục tình trạng này, chi cục thuế đã xây dựng và triển khai hệ thống tiêu thức đánh giá rủi ro, đánh giá rủi ro, xử lý và rà soát rủi ro của NNT để có thể phân loại chích xác nhất các nhóm nợ, từ đó có thể áp dụng các phương thức quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế phù hợp nhất.
(Th.S Trần Nữ Hồng Nhung, 2019)
Tại Chi cục thuế khu vực Tiểu Cần – Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, do đặc điểm về địa bàn, các hộ kinh doanh ở đây thường buôn bán nợ gối đầu, nên thường số nợ thuế phát sinh rất nhỏ, chỉ vài trăm ngàn, tuy nhiên lại không cưỡng chế được do các đối tượng này không có tài khoản, không sử dụng hóa đơn, nhưng khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác thì hiệu quả lại không cao, tốn chi phí và thời gian. Về phía NNT là doanh nghiệp, một số không sử dụng hóa đơn thường xuyên nên việc áp dụng phương pháp ngừng sử dụng hóa đơn không phù hợp, các DN khi cần điều kiện để hoạt động kinh doanh thì nộp còn không cần thì cũng không nộp tiền nợ. Chi cục thuế hiện tại đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ NNT để họ hiểu được việc kê khai và nộp thuế đúng thời hạn quy định. Song song đó cũng giám sát hoạt động của từng DN, xác định thực trạng để hoàn thiện hồ sơ, phân loại nợ phù hợp. Kiên quyết cưỡng chế, công khai thông tin đối tượng cố ý chây ỳ tiền nợ thuế. Phối hợp với các tổ chức tín dụng, NHTM để áp dụng biện pháp cưỡng chế tài khoản kể cả tài sản thế chấp tại ngân hàng để đảm bảo thu được tiền nợ, răn đe các đối tượng nợ thuế. (Báo Trà Vinh, 2021)
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Ở tại chương số 1, bài luận đã đề cập tới một số các quan điểm, khái niệm, đặc điểm, vai trò của Thuế. Tiếp theo đó là những lý luận xung quanh vấn đề quản lý thuế, quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế ở trong nước. Diễn giải quy trình liên quan đến công tác QLN và CCNT. Tiếp đến là mối quan hệ, tác động qua lại của QLNT và CCNT, phân tích các yếu tố tác động cũng như một số các chỉ tiêu đánh giá việc QLNT và CCNT.
Cuối cùng là một số các kinh nghiệm và bài học tham khảo về phương pháp tổ chức, cách làm tại quốc gia và vùng lãnh thổ khác Việt Nam. Bên cạnh đó là cách làm trong nước, cách triển khai quy trình QLNT và CCNT ở các địa phương với những yêu cầu thực tại ở mỗi vùng miền. Lấy ví dụ điển hình ở mỗi địa phương như:
đặc điểm dân cư đông, địa bàn rộng ở Hà Nội; đặc điểm địa lý và kinh tế xã hội ở các tỉnh miền Trung; hay ví dụ về phong tục tập quán buôn bán ở tỉnh Trà Vinh thuộc vùng đồng bằng Nam Bộ. Đây là cơ sở để có thể tham khảo trong quá trình giải quyết vấn đề ở các phần tiếp theo.
CHƯƠNG 2:
THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NỢ THUẾ VÀ CƯỠNG CHẾ NỢ THUẾ TẠI ĐỊA BÀN CHI CỤC THUẾ KHU VỰC ĐỒ SƠN – KIẾN THỤY THÀNH
PHỐ HẢI PHÒNG