Chương 2 THỰC TRẠNG PHÂN CẤP NGUỒN THU, NHIỆM VỤ CHI NSNN
2.2. THỰC TRẠNG PHÂN CẤP NGUỒN THU, NHIỆM VỤ CHI NSNN TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN TỨ KỲ TRONG THỜI GIAN QUA
2.2.3. Đánh giá kết quả thực hiện cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước ở huyện Tứ Kỳ trong thời gian qua
2.2.3.1. Những kết quả đạt được sau khi thực hiện Luật NSNN.
- Với quy định phân cấp quản lý ngân sách, Luật NSNN đã tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển để tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước; coi thu ngân sách là công tác trọng tâm để tập trung chỉ đạo và đôn đốc, đảm bảo thu nộp NSNN theo luật định, phấn đấu tăng thu cho NSNN để giải quyết các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ đó, số thu NSNN năm 2014 tăng 1,48% so với năm 2013; cơ cấu thu đã có chuyển biến tích cực, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng thu NSNN. Đây là nhân tố quan trọng đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh và ổn định chính trị của địa phương.
Kể từ năm 2012 trở về trước nguồn thu trên địa bàn còn thấp; bước sang giai đoạn 2013-2014 thực hiện cơ chế phân cấp theo Luật NSNN (sửa đổi), nguồn thu ngân sách địa phương tăng lên rõ rệt từ 16.580 tỷ đồng năm 2013 lên 19.826 tỷ đồng năm 2014. Qua đó khẳng định rằng với cơ chế phân cấp quản lý ngân sách, Luật NSNN đã khuyến khích địa phương khai thác tốt hơn nguồn thu cho NSNN, khả năng ngân sách địa phương lớn mạnh, tiểm lực tài chính quốc gia và quy mô NSNN được phát triển.
- Công tác quản lý điều hành ngân sách địa phương được chủ động, cơ cấu chi ngân sách được duy trì ở mức độ hợp lý cho đầu tư phát triển, khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh; vai trò điều tiết vĩ mô nền kinh tế của NSNN đã trở nên rõ ràng hơn và ngày càng hiệu quả, góp phần quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Chuyên đề thực tập cuối khóa
NSNN đã tập trung mạnh cho việc phát triển nguồn lực, trong đó ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và thực hiện các chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo qua đó nhiều chính sách đã được thực hiện như hỗ trợ người nghèo về nhà ở, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, trẻ em, tăng trợ cấp cho đối tượng xã hội, thực hiện miễn giảm thủy lợi phí cho nông dân, tăng cường củng cố bộ máy chính quyền cấp xã, phường, thôn,… qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, từng bước phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
2.2.3.2. Những kết quả đạt được của cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi NSNN trên địa bàn huyện Tứ Kỳ.
Nhìn chung phân cấp ngân sách các cấp chính quyền địa phương của huyện đã thực hiện theo các quy định của Luật NSNN, phù hợp với trình độ tổ chức quản lý và nâng cao tính chủ động của chính quyền các cấp nhằm khai thác, sử dụng tốt nguồn lực sẵn có, tạo nguồn lực mới tại địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Kết quả cụ thể như sau:
a) Ưu điểm:
* Về thu ngân sách Nhà nước.
- Việc phân cấp cho cấp quận, huyện hưởng 100% gồm 15 khoản thu: các khoản thu phí, lệ phí do các cơ quan, đơn vị thuộc cấp quận, huyện quản lý nộp, thuế môn bài các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hợp tác xã nộp; thuế tài nguyên của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hộ sản xuất kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ nộp; thuế tiêu thụ đặc biệt vào mặt hàng bài lá, vàng mã, kinh doanh vũ trường, massage, karaoke,… và các khoản thu phân chia với ngân sách các cấp nhưng điều tiết cấp quận, huyện 100% như: Thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hợp tác xã kinh doanh dịch vụ, thuế nhà đất, thu tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ (không kể lệ phí trước bạ nhà đất),… đã giúp các quận huyện chủ động trong việc quản lý khai thác nguồn thu để đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển.
- Việc phân cấp cho cấp xã, phường, hưởng phần lớn nguồn thu thuế nhà đất, thuế GTGT, thuế TNDN của các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ,… đã góp phần nâng cao tính năng động của chính quyền cấp xã, phường trong việc quản lý, khai thác các nguồn thu trên địa bàn; chủ động trong việc sử dụng các nguồn thu đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cấp xã, phường.
Chuyên đề thực tập cuối khóa
- Hầu hết các khoản thu giao cho cấp quận, huyện, cấp xã, phường quản lý thu được điều tiết 100% cho ngân sách cấp đó. Riêng huyện Tứ Kỳ thu tiền sử dụng đất có tỷ lệ điều tiết cho ngân sách cấp huyện; một số khoản thu do cấp huyện quản lý thu cũng điều tiết cho cấp xã, phường như thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
- Tổng thu NSNN được HĐND giao hàng năm của các cấp chính quyền địa phương bảo đảm theo luật thuế, chế độ thu điều tiết, các khoản thu phí và lệ phí theo quy định đều cao hơn tỉnh giao; nguồn thu điều tiết cho ngân sách các cấp chính quyền địa phương đều tăng qua các năm, tạo sự chủ động nguồn ngân sách để các cấp thực hiện nhiệm vụ của mình và hàng năm đều vượt dự toán NSNN của cấp trên giao. Số thu điều tiết ngân sách các cấp chính quyền địa phương giai đoạn 2011-2012 bình quân tăng 20,6%/năm; (ngân sách cấp xã, phường tăng 28,8%).
* Về chi ngân sách Nhà nước.
- Phân cấp nhiệm vụ chi NSNN của các cấp đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng; việc bố trí ngân sách ở các cấp căn cứ vào nhiệm vụ được phân cấp, đã chủ động sử lý các nhiệm vụ phát sinh đột xuất như kinh phí lũ lụt, dịch bệnh,…; các cấp ngân sách đã tích cực khai thác nguồn thu để tăng chi cho đầu tư phát triển. Tổng chi NSNN các năm qua bảo đảm cơ cấu ưu tiên cho đầu tư phát triển, ưu tiên cho giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, xóa đói, giảm nghèo,… các lĩnh vực chi đã gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp chính quyền địa phương.
Căn cứ nhiệm vụ được phân cấp, các ngành, các cấp đã tập trung huy động các nguồn lực vốn; vốn hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách Trung ương, vốn vay ngân hàng phát triển, tạm ứng vốn nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước, đầu tư doanh nghiệp và huy động đóng góp của nhân dân để đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn. Việc phân cấp quản lý ngân sách minh bạch, rõ ràng, các cấp, các ngành đã chủ động điều hành ngân sách cấp mình có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu chi thường xuyên, đột xuất và đồng thời thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực chi như: y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể dục, thể thao,… Tổng chi NSNN của các cấp năm sau đều cao hơn năm trước.
- Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản; Việc phân cấp cho Chủ tịch UBND quận, huyện quyết định đầu tư các dự án có mức đầu tư dưới 2 tỷ đồng thuộc nguồn vốn ngân sách quận, huyện và chủ tịch UBND cấp xã, phường.
Chuyên đề thực tập cuối khóa
- Việc phân cấp vốn đầu tư dưới hình thức bổ sung có mục tiêu cho cấp quận, huyện, xã, phường đã giúp các quận, huyện, xã, phường từng bước cải thiện góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương.
- Việc phân cấp chi sự nghiệp giáo dục cho cấp quận, huyện quản lý đã nâng cao vai trò của cấp quận, huyện trong chủ động thực hiện công tác giáo dục ở các địa phương.
b) Những hạn chế của cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi NSNN trên địa bàn huyện Tứ Kỳ thời gian qua.
* Về thu ngân sách Nhà nước.
- Một số khoản thu như: Thuế trước bạ nhà, đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất, thuế môn bài, thuế GTGT và thuế TNDN phần lớn điều tiết cho cấp xã, phường hưởng nhưng cấp xã, phường chưa phát huy hết việc khai thác triệt để nguồn thu trên địa bàn, còn để thất thu, nên kết quả thu hàng năm của các lĩnh vực thu này đạt chưa cao.
- Thuế công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh đã điều tiết 100% cho cấp quận, huyện, cấp xã, phường nhưng còn một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh do các cấp trên quản lý thu, nguồn thu này chưa gắn chặt chẽ với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện thu NSNN trên địa bàn.
- Do chế độ chính sách thu ngân sách thay đổi, một số nguồn thu của cấp quận, huyện, cấp xã, phường giảm đã ảnh hưởng cân đối các khoản chi của cấp quận, huyện, cấp xã, phường.
- Thu tiền sử dụng đất do cấp quận, huyện quản lý, phát sinh trên địa bàn phường, xã nào thì điều tiết cho phường, xã đó để có nguồn chi đầu tư. Điều này dẫn đến nguồn thu không được tập trung để đầu tư cho công trình có quy mô lớn, trọng tâm, trọng điểm mà bị đầu tư nhỏ, manh mún tại các xã, phường. Mặt khác do nguồn thu này không ổn định nên cấp xã, phường chưa chủ động lập dự toán chi từ nguồn này, dẫn đến số thu phát sinh ở những tháng cuối năm thường không kịp, phải chuyển nguồn sang năm sau.
- Do tình hình phát triển kinh tế - xã hội, các nguồn thu ngân sách giữa các quận, huyện, các xã khác nhau, không đồng đều; việc quy định tỷ lệ điều tiết một số khoản thu theo quy định của Luật NSNN (trước bạ nhà đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất, thuế môn bài từ cá nhân hộ kinh doanh, thuế nhà đất, thuế sử dụng đất
Chuyên đề thực tập cuối khóa
nông nghiệp) ngân sách xã, phường hưởng tối thiểu 70% cũng gặp nhiều khó khăn trong việc điều hòa cân đối giữa các địa phương.
* Về chi ngân sách Nhà nước.
- Một số nhiệm vụ chi chưa được phân cấp đồng bộ như: Chi sự nghiệp y tế cơ sở, ngân sách cấp quận, huyện chi lương và phụ cấp lương, ngân sách cấp xã chi các khoản chi còn lại, chi sự nghiệp giáo dục mầm non là nhiệm vụ chi của ngân sách xã nhưng ngân sách quận, huyện chi lương, phụ cấp lương chưa tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý ngân sách của cấp xã, phường.
- Thời kỳ ổn định ngân sách trong giai đoạn 2013-2014 là chưa phù hợp và chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Mặt khác, trong thời kỳ ổn định ngân sách thực hiện nhiều chế độ chính sách mới do Trung ương ban hành, ngân sách Trung ương chi hỗ trợ một phần, còn lại ngân sách quận, huyện đảm nhiệm, do vậy ngân sách địa phương gặp nhiều khó khăn.
2.2.3.3. Bài học kinh nghiệm.
1) Phân cấp quản lý ngân sách ở địa phương chỉ thành công khi gắn với phân cấp quản lý về kinh tế - xã hội. Phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước vừa là hệ quả, vừa là cơ sở của phân cấp quản lý về kinh tế - xã hội. Phân cấp quản lý kinh tế - xã hội là tiền đề, để phân cấp quản lý ngân sách ở địa phương. Ngược lại, phân cấp quản lý ngân sách phù hợp sẽ có tác động thúc đẩy phân cấp quản lý kinh tế - xã hội nhanh hơn và có hiệu quả hơn.
2) Cơ chế phân cấp phải gắn chặt với tình hình kinh tế - xã hội và chức năng nhiệm vụ chính quyền các cấp. khi có những biến động của tình hình kinh tế - xã hội cần có sự phân tích đánh giá về cơ chế phân cấp hiện hành để kịp thời có biện pháp hoàn thiện.
3) Trong phân cấp cần chú ý đến các chính sách “Khuyến khích” thông qua biện pháp như điều tiết nguồn thu, ưu đãi sau đầu tư, khen thưởng kịp thời đối với những địa phương có đóng góp nhiều cho NSNN, tạo động lực kinh tế để khuyến khích tăng thu. Từ đó, sẽ góp phần hạn chế tiêu cực, che dấu nguồn thu, lập dự toán không sát với khả năng thực tế.
4) Phải quán triệt nguyên tắc tập trung thống nhất: Ngân sách cấp huyện bảo đảm vai trò chủ đạo, chi phối và điều hòa cho ngân sách cấp dưới; bảo đảm tính năng động sáng tạo trên cơ sở chế độ chính sách chung của Nhà nước và trong khuôn khổ pháp luật. Do vậy, cần phân cấp rõ nguồn thu, nhiệm vụ chi cho từng cấp ngân sách để tạo điều kiện khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo động lực cho
Chuyên đề thực tập cuối khóa
kinh tế địa phương phát triển, từ đó nâng cao đời sống vật chất văn hóa và tinh thần cho nhân dân, nhất là những xã, phường còn khó khăn.
5) Công tác nghiên cứu, dự báo nguồn thu và xác định những nhiệm vụ chi cho mỗi cấp chính quyền Nhà nước phù hợp với chức năng, nhiệm vụ trên cơ sở ổn định lâu dài là yếu tố cơ bản để thực hiện cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi NSNN mang lại hiệu quả, tạo sự chủ động trong quản lý và điều hành ngân sách.
6) Thực tế cho thấy càng làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp chính quyền ở địa phương thì càng có cơ sở đảm bảo kinh phí một cách đầy đủ. Đối với chính quyền địa phương, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được quy định trong Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp (2003), các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn của Bộ ngành Trung ương, nhưng còn chưa sát với tình hình thực tế, nên chăng cần có sự nghiên cứu và điều chỉnh cho phù hợp hơn.
7) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh kịp thời những sai phạm, đề cao kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm những vi phạm của các tổ chức cá nhân trong việc thực thi cơ chế, chính sách ở địa phương.
Tóm lại, qua nghiên cứu chương này, luận văn rút ra một số vấn đề chủ yếu sau:
- Khái quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội địa phương từ khi thành lập đến nay.
- Phân tích ưu điểm nổi bật và kết quả đạt được của phân cấp quản lý NSNN theo quy định của Luật NSNN và cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi NSNN trên địa bàn huyện Tứ Kỳ thời gian qua.
- Luận văn đã nêu ra những hạn chế, tồn tại trong phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ở địa phương.
Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, cần thiết đối với việc hoàn thiện cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi NSNN ở địa phương trong thời gian tới.
Chuyên đề thực tập cuối khóa
Chương 3