CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC XÂY DỰNG VÀ SỬ DỤNG WEBGIS MÃ NGUỒN MỞ TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 12
1.7. Mục tiêu, nội dung chương trình Địa lí 12 trung học phổ thông
Học xong chương trình Địa lí 12 HS đạt được [43]:
a. Về kiến thức:
Trình bày được hệ thống kiến thức về địa lí Tổ quốc (địa lí tự nhiên, địa lí dân cư, địa lí kinh tế, địa lí địa phương).
Giải thích được các hiện tượng địa lí (tự nhiên, KTXH) trong thực tiễn ở các vùng và các địa phương.
b. Về kĩ năng
Củng cố và phát triển:
- Kĩ năng học tập và nghiên cứu địa lí: quan sát, nhận xét, phân tích, so sánh, đánh giá các sự vật, hiện tượng địa lí; vẽ lược đồ, biểu đồ; phân tích, sử dụng bản đồ, Atlat, biểu đồ, lát cắt, số liệu thống kê...
- Kĩ năng thu thập, xử lí, tổng hợp và thông báo thông tin địa lí, trình bày các thông tin địa lí, ...
- Kĩ năng vận dụng tri thức địa lí để giải thích các hiện tượng, sự vật địa lí và bước đầu tham gia giải quyết những vấn đề của cuộc sống phù hợp với khả nămg của HS.
c. Về thái độ, hành vi
- Có tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước và tôn trọng các thành quả của nhân dân Việt Nam cũng như của nhân loại.
- Có niềm tin vào khoa học, ham học hỏi, hứng thú tìm hiểu và giải thích các sự vật, hiện tượng địa lí.
- Có ý chí tự cường dân tộc, niềm tin vào tương lai của đất nước; sẵn sàng tham gia vào các hoạt động sử dụng hợp lí, bảo vệ, cải tạo môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình và cộng đồng.
1.7.2. Nội dung chương trình Địa lí 12
Chương trình Địa lí 12 THPT được cấu tạo theo các đơn vị kiến thức lớn, sắp xếp khoa học và phù hợp với logic của quá trình dạy học, bao gồm các phần chủ yếu: Việt Nam trên con đường đổi mới và hội nhập, Địa lí tự nhiên Việt Nam, Địa lí dân cư, Địa lí các ngành kinh tế, Địa lí các vùng kinh tế và Địa lí địa phương.
- Phần Địa lí tự nhiên Việt Nam đề cập đến các đặc điểm cơ bản của thiên nhiên Việt Nam, những quy luật phân hóa lãnh thổ tự nhiên, đánh giá tự nhiên như là các nguồn lực để phát triển KTXH. Vì thế, các kiến thức về địa lí tự nhiên sẽ được củng cố và vận dụng khi học về địa lí KTXH Việt Nam.
Những kiến thức về địa lí tự nhiên Việt Nam được thiết kế với 4 nội dung sau:
vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ; lịch sử hình thể và phát triển lãnh thổ; đặc điểm chung của tự nhiên và vấn đề sử dụng và bảo vệ tự nhiên.
- Phần Địa lí dân cư đề cập đến những nét cơ bản về dân cư, lao động và việc làm, chất lượng cuộc sống của dân cư hiện nay. Một số nội dung chính bao gồm: đặc điểm dân số và phân bố dân cư; lao động và việc làm; đô thị hóa và chất lượng cuộc sống.
- Phần Địa lí kinh tế bao gồm địa lí các ngành kinh tế và địa lí các vùng kinh tế. Địa lí các ngành kinh tế được bắt đầu từ cái nhìn tổng quan về sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trên nền của ba khu vực kinh tế lớn, các vấn đề phát triển và phân bố các ngành đã được lực chọn để phân tích, tổng hợp. Nội dung gồm: chuyển dịch cơ cấu kinh tế; một số vấn đề phát triển và phân bố
nông nghiệp; một số vấn đề phát triển và phân bố công nghiệp và một số vấn đề phát triển và phân bố các ngành dịch vụ.
Về địa lí các vùng kinh tế: tuỳ theo điều kiện cụ thể của mỗi vùng mà các vấn đề được lựa chọn có sự khác nhau. Ngoài ra, trong chương trình còn nhấn mạnh đến Biển Đông, các đảo và quần đảo cũng như 3 vùng kinh tế trọng điểm của nước ta hiện nay. Nội dung chương trình được kết cấu theo thứ tự như sau: vấn đề khai thác thế mạnh ở Trung du và miền núi Bắc Bộ;
vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng; vấn đề phát triển KTXH ở Bắc Trung Bộ; vấn đề phát triển KTXH ở Duyên hải Nam Trung Bộ; vấn đề khai thác thế mạnh ở Tây Nguyên; vấn đề khai thác lãnh thổ theo chiều sâu ở Đông Nam Bộ; vấn đề sử dụng hợp lý và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long; vấn đề phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng ở Biển Đông và các đảo, quần đảo và các vùng kinh tế trọng điểm.
- Phần Địa lí địa phương trang bị cho HS kiến thức khái quát, tổng hợp về địa phương nơi HS học tập với quy mô lãnh thổ ở cấp tỉnh, thành phố.
Về phân phối chương trình, SGK Địa lí 12 gồm 45 bài, trong đó có 35 bài lí thuyết và 10 bài thực hành, sau khi điều chỉnh cắt, giảm theo chỉ đạo của Bộ GDĐT thì có sự thay đổi nhỏ (bảng 1.6):
Bảng 1.6. Phân phối chương trình môn Địa lí lớp 12 [8]
Nội dung theo chương trình Số bài
Chia ra Lí
thuyết
Thực hành Việt Nam trên con đường đổi mới và hội nhập 1 1 0
1. Địa lí tự nhiên 12 10 2
- Vị trí địa lí và lịch sử phát triển lãnh thổ 2 1 1
- Đặc điểm chung của tự nhiên 8 7 1
- Vấn đề sử dụng và bảo vệ tự nhiên 2 2 0
2. Địa lí dân cư 4 3 1
3. Địa lí kinh tế 24 19 5
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế 1 1 0
- Địa lí các ngành kinh tế 11 9 2
- Địa lí các vùng kinh tế 12 9 3
4. Địa lí địa phương 2 0 2
Trong các bài học, phần lớn đều có các bản đồ trong SGK, atlat Địa lí Việt Nam hoặc bản đồ giáo khoa treo tường phục vụ giảng dạy. Các bản đồ có thể được bóc tách thành các lớp chuyên đề riêng hoặc cập nhật số liệu mới.
Một số bài học có thể xây dựng bản đồ mới kết hợp với khai thác số liệu trong SGK thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động nhận thức, giúp HS dễ hiểu, dễ nhớ kiến thức. Khi xây dựng WebGIS, tác giả đặc biệt lưu ý việc kế thừa các dữ liệu bản đồ giáo khoa hiện hành, mặt khác cập nhật dữ liệu mới, tăng cường khả năng đa phương tiện của WebGIS để bổ sung lượng thông tin tham khảo, sẵn sàng để GV và HS mở rộng bài học và tự học.