Công cụ hỗ trợ ra quyết định

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng công cụ hỗ trợ ra quyết định phục vụ ứng phó biến đổi khí hậu đối với sử dụng đất nông nghiệp tại nam định luận văn ths biến đổi khí hậu (Trang 20 - 25)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN CHUNG VỀ HỆ THỐNG HỖ TRỢ RA QUYẾT ĐỊNH TRONG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

1.2. Công cụ hỗ trợ ra quyết định

1.2.1. Khái niệm công cụ hỗ trợ ra quyết định

Từ khi bắt đầu được phát triển đến nay, khái niệm về hệ thống hỗ trợ ra quyết định (Decission Support System-DSS) không có nhiều thay đổi. Ngay từ những năm 1971, Gorry và Morton đã định nghĩa DSS là một hệ thống lưu trữ, trao đổi, xử lý thông tin giúp nhà quản lý trong việc đưa ra các quyết định cho việc lập các kế hoạch, chiến lược phát triển..v.v.

Keen và Scott Morton (1978) cho rằng DSS là sự tổng hợp khả năng của máy tính và năng lực tri thức của người ra quyết định qua đó nâng cao hiệu quả thực hiện các quyết định.

Các định nghĩa khác cho rằng DSS là một hệ thống thông tin được lưu trữ trên máy tính nhằm hỗ trợ việc ra các quyết sách, kế hoạch hành động. Bên cạnh đó, bản thân DSS còn là một công cụ giúp tính toán, tiên liệu những tình huống không mong muốn có thể xảy ra, đưa ra các tỷ lệ về lợi ích/thiệt hại của các phương án lựa chọn giúp nhà quản lý có những quyết định phù hợp và chủ động ứng phó với các tình huống không mong muốn. (Fedorowicz, 1996).

Theo Simonovic (1998) DSS cho phép người ra quyết định kết hợp tri thức bản thân với kết quả định lượng từ máy tính thông qua phân tích cơ sở dữ liệu thực tế trong giải quyết vấn đề từ đó nâng cao tính chắc chắn và khả năng thành công của quyết sách.

Turban (2001) định nghĩa DSS được hiểu là cách tiếp cận hay phương pháp luận nhằm hỗ trợ ra quyết định. Nó là một hệ thống thông tin tương tác người-máy tính linh hoạt được xây dựng để hỗ trợ giải quyết vấn đề quản lý phi cấu trúc chuyên biệt. Nó sử dụng các số liệu cần thiết cùng với giao diện người dùng thuận tiện và có thể phối hợp với tri thức của người đưa ra quyết định.

Thêm vào đó, DSS thường sử dụng các mô hình toán để mô phỏng quá trình tương tác. DSS bao hàm cả hợp phần tri thức và có thể hỗ trợ trong tất cả các

công đoạn đưa ra quyết định. Cuối cùng, DSS có thể được xây dựng để chạy trên máy tính độc lập hoặc chạy trên mạng máy tính.

Dựa trên các khái niệm kể trên, có thể kết luận chung nhất về DSS là một

“phương tiện” giúp các nhà quản lý/hoạch định chính sách lựa chọn được 1 phương án/hành động phù hợp, nhanh chóng dựa trên kết quả định lượng được ước tính bằng bộ công cụ được xây dựng trong DSS.

Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, các hệ thống thông minh đang được nhiều nước nghiên cứu nhằm hỗ trợ cho các nhà quản lý, ra quyết định nhanh chóng trong các vấn đề đặt ra trong cuộc sống.

Riêng đối với hỗ trợ ra quyết định ứng phó biến đổi khí hậu, là quản lý một hệ thống rất phức tạp, trong đó quan hệ giữa các thành phần trong hệ thống nhiều khi không thể thể hiện thành các hàm toán học tường minh, do đó đòi hỏi có một hệ thống thông minh và rất mềm dẻo. Như vậy, một DSS phục vụ ứng phó biến đổi khí hậu là một công cụ chạy trên máy tính nhằm tăng cường khả năng mô phỏng, phân tích, đánh giá phù hợp với các yêu cầu tổng hợp, đa dạng trong quá trình quy hoạch cũng như giúp cho việc đối thoại đa ngành, đề xuất phương thức tích hợp các khía cạnh môi trường, kinh tế xã hội với công tác quy hoạch phòng chống lũ. Công cụ này bao gồm mô hình toán, số liệu, thông tin, kết nối mô hình với người đưa ra quyết định và số liệu cần thiết cho các quyết định có tính khoa học cao, thông tin cô đọng. DSS phải được tổ chức, tập hợp xử lý thông tin nhanh chóng thông minh, sau đó chuyển kết quả cho việc quy hoạch, quản lý một cách chi tiết và chính xác.

Những phân tích trên cho thấy các nhà khoa học thế giới đã đạt được những thành quả to lớn về cách tiếp cận, phương pháp và công cụ để có thể giải quyết những vấn đề hết sức phức tạp. Tuy không phải luôn thành công, kết quả một số nghiên cứu cụ thể đối với một số trường hợp cụ thể đã chứng minh tính hiệu quả cũng như bài học kinh nghiệm của cách tiếp cận, phương pháp, công cụ đã được phát triển.

1.2.2. Quá trình phát triển hệ thống hỗ trợ ra quyết định

Cuối thập kỷ 1960, hệ thống quản lý thông tin bước đầu được phát triển thành mô hình DSS. Hai nhà nghiên cứu Peter Keen và Charles Stabell đã tuyên bố các khái niệm về hỗ trợ ra quyết định dựa trên các nghiên cứu lý thuyết và

phát triển máy tính của viện công nghệ Carnegine và Massachusetts cuối thập kỷ 50 và đầu thập kỷ 60 (Keen and Scott Morton, 1978).

Theo Sprague và Watson (1979), khoảng những năm 1970 tạp chí kinh doanh bắt đầu xuất bản các bài viết về các hệ thống trong quản lý gồm hệ thống lập kế hoạch chiến lược và hệ thống hỗ trợ ra quyết định. Scott Morton và các đồng nghiệp đã xuất bản một số bài viết về hỗ trợ ra quyết định trong năm 1968.Trong năm 1969, Ferguson và Jones thảo luận về một máy tính hỗ trợ ra quyết đinh trên tạp trí khoa học quản lý. Năm 1971, Scott Morton xuất bản cuốn sách “Hệ thống quyết định quản lý: Nền tảng máy tính hỗ trợ cho việc ra quyết định”. Trong năm 1966-1967, Scott Morton nghiên cứu cách thức vận hành các máy tính và các mô hình phân tích giúp các nhà quản lý đưa ra những quyết định quan trọng.

Nghiên cứu của T.P. Gerrity. Jr tập trung vào thiết kế cấu trúc hệ thống hỗ trợ ra quyết định trong quản lý. Năm 1971, ông xuất bản bài viết với tựa đề

“Thiết kế hệ thống ra quyết định người - máy: Ứng dụng quản lý danh mục đầu tư” trên tạp chí Sloan. Hệ thống của ông được thiết kế giúp hỗ trợ các nhà quản lý trong lĩnh vực đầu tư cổ phiếu. Sau nghiên cứu này, DSS trong quản lý danh mục đầu tư đã trở nên rất phức tạp và đa dạng.

Davis (Davis. G, 1974), giáo sư tại Đại học Minnesota công bố các nghiên cứu về hệ thống quản lý thông tin. Ông xác định một hệ thống quản lý là một tích hợp “Người - Hệ thống máy tính” trong việc cung cấp thông tin hỗ trợ các hoạt động quản lý, các chức năng giúp đưa ra các quyết định và lập kế hoạch phát triển của một tổ chức. Những kết quả này đã đặt nền tảng quan trọng cho các nghiên cứu và thực hành DSS về sau.

Little (Little, 1975) mở rộng khả năng hỗ trợ của thiết bị máy tính cho DSS. DSS của ông có tên gọi là Brandaid, được thiết kế để hỗ trợ giao dịch sản phẩm, giá cả và quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, trong một báo cáo khác Little (Little, 1970) đã xác định bốn tiêu chí cần để thiết kế một mô hình hệ thống hỗ trợ quyết định là: mạnh mẽ, dễ kiểm soát, đơn giản và đầy đủ các chi tiết liên quan. Đến nay, cả bốn tiêu trí này vẫn được dùng trong việc đánh giá các DSS hiện đại.

Sự phát triển nhanh chóng của các thiết bị và công nghệ chia sẻ dữ liệu qua hệ thống máy tính vào thập niên 90 của thế kỷ 20 đã giúp DSS tiến thêm

một bước dài trong lịch sử phát triển. Trong thời gian từ năm 1990 - 1993 với việc ra đời nhiều ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng và công nghệ truyền tải thông tin dạng máy khách/máy chủ nhiều công ty đã đầu tư phát triển, nâng cấp hạ tầng mạng lưới chia sẻ dữ liệu của họ đã đặt nền tảng cho các phát kiến phương thức chia sẻ dữ liệu về sau. Năm 1995, công nghệ mạng thông tin toàn cầu (world wide web) phát triển đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo và phương pháp nghiên cứu, phát triển của các DSS qua đó nâng cao khả năng quản lý và trao đổi thông tin đến mọi tầng lớp sử dụng ở khắp nơi trên thế giới (Power, 2000; Bhargava and Power, 2001).

1.2.3. Cấu trúc của hệ thống hỗ trợ ra quyết định

Trong quá trình phát triển tùy theo tính chất, mục đích, chủ quan của người nghiên cứu mà các thành phần và sự sắp xếp của chúng trong DSS là khác nhau. Theo Sprague và Carlson (1982) cho rằng DSS gồm ba thành phần chính là:

a) Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu (Database management system - DBMS): Đây là ngân hàng dữ liệu của một DSS. Thành phần này giúp lưu trữ, sắp xếp một khối lượng lớn các dữ liệu liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của một DSS. Bên cạnh đó, nó còn có khả năng tương tác với người sử dụng giúp công việc quản lý được dễ dàng và tiện lợi với tính bảo mật cao.

b) Hệ thống quản lý cơ sở mô hình (Model base management system- MBMS): Tương tự như hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, hệ thống quản lý cơ sở mô hình là một bộ phận độc lập và có khả năng tương tác với người sử dụng cũng như người ra quyết định. Nhiệm vụ của nó là giúp chuyển đổi những thông tin đầu vào được cung cấp từ hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thành các thông tin hữu ích cho việc ra quyết định.

c) Hệ thống giao diện và trao đổi thông tin (Dialog generation and management system - DGMS): Đây là bộ phận quan trọng giúp kết nối hai thành phần trên, và đây cũng là nơi trao đổi, truyền tải thông tin giữa các kết quả của máy tính và người ra quyết định.

Hình 1.8. Cấu trúc của một DSS

Theo Power (2002), các học viên tại các viện nghiên cứu đã thảo luận xây dựng DSS với bốn thành phần chính là: a) Giao diện người dùng; b) Cơ sở dữ liệu; c) Các mô hình và công cụ phân tích; và d) Cấu trúc giao diện và chia sẻ thông tin.

Haettenschwiler (1999) xác định DSS gồm năm thành phần: a) Người sử dụng với các vai trò khác nhau trong quá trình ra quyết định; b) Phạm vi áp dụng của DSS; c) Giao diện của DSS; d) Cơ sở dữ liệu và e) Cơ sở mô hình và công cụ phân tích.

Marakas (1999) cũng đề xuất một kiến trúc tổng quát làm năm phần là a) Hệ thống quản lý dữ liệu; b) Hệ thống quản lý mô hình; c) Công cụ tri thức; d) Giao diện người dùng và e) Người dùng.

Mặc dù quan điểm của các nhà nghiên cứu về thành phần cấu trúc một DSS là khác nhau về số lượng nhưng về bản chất một hệ thống DSS cần phải đảm bảo được các ba yếu tố chính, đó là:

- Đảm bảo được vai trò quản lý, trao đổi, cập nhật thông tin, dữ liệu dễ dàng, phù hợp với đối tượng sử dụng.

- Công cụ mô phỏng, phân tích phù hợp.

- Giao diện người dùng đơn giản, trực quan, phù hợp với mục đích sử dụng.

Cơ sở mô hình (bộ mô hình mô phỏng)

Cơ sở dữ liệu (dữ liệu, tài liệu thu thập)

Cơ sở quản lý, liên kết

Giao diện người dùng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng công cụ hỗ trợ ra quyết định phục vụ ứng phó biến đổi khí hậu đối với sử dụng đất nông nghiệp tại nam định luận văn ths biến đổi khí hậu (Trang 20 - 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)