Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các khu vực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng công cụ hỗ trợ ra quyết định phục vụ ứng phó biến đổi khí hậu đối với sử dụng đất nông nghiệp tại nam định luận văn ths biến đổi khí hậu (Trang 30 - 41)

CHƯƠNG 2 DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1.2. Tác động của biến đổi khí hậu tới sử dụng đất tỉnh Nam Định

2.1.2.1. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các khu vực

Báo cáo Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai tỉnh Nam Định đến năm 2020 (Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định, 2012) đã có một số đánh giá về tác động của biến đổi khí hậu tới các khu vực của tỉnh như sau:

1) Khu vực phát triển đô thị (Tp. Nam Định và các thị trấn huyện khác);

vùng nông thôn và các khu vực tập trung dân cư, trượt, sạt lở và xói mòn, rửa trôi đất):

+ Ngập úng đô thị, đường giao thông khu vực dân cư:

Trước năm 1998, thành phố Nam Định thường xuyên xảy ra úng ngập khi có mưa lớn diễn ra trong nhiều giờ dẫn đến nhiều tuyến cống thoát nước ở khu vực Hàng Thao, Tô Hiệu, Đống Tháp Mười, Quang Trung… bị ngập úng, gây ô

nhiễm môi trường các khu dân cư ở nhiều tuyến phố. Hiện nay, vấn đề này đã từng bước được khắc phục.

+ Trượt, sạt lở và xói mòn, rửa trôi đất, đá hệ thống thủy lợi, công trình kè, đê sông, đê biển, vùng bồi:

Các trận bão, lũ xảy ra những năm qua dẫn đến trượt, sạt lở và xói mòn, rửa trôi 1.061.288 m3 đất, đá trên hệ thống thủy lợi, công trình kè, đê sông, đê biển, vùng bồi trên địa bàn tỉnh Nam Định. Con số này chưa phản ánh hết con số thực tế bởi còn thiếu số liệu thống kê của một số địa phương bị ảnh hưởng. Do đó khối lượng đất, đá trượt, sạt lở, xói mòn, rửa trôi hệ thống thủy lợi, đê sông, đê biển thực tế sẽ nhiều hơn 1.061.288 m3; (Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai tỉnh Nam Định đến năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định, 2012)

Một số trận bão, ATNĐ, lũ gây sạt lở điển hình trên địa bàn tỉnh Nam Định:

Bão số 5 ngày 28/8/1990 đã làm 5.490m Đê, bờ sông bị sạt; ATNĐ tháng 9/2003 đã làm 195m kè bị sạt; Bão số 2 năm 2005 đã làm 200m Đê, bờ sông bị sạt và 700m kè bị sạt; Trận bão số 7 năm 2005 gây sạt lở nghiêm trọng với 12.965m đê, bờ sông bị sạt và 1.271m kè bị sạt. Đoạn đê chắn sóng cung 22 và 23 thuộc thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) đã vỡ; nước biển đã tràn vào khu dân cư. Trên địa bàn huyện Giao Thủy 800m đê trung ương bị vỡ, kè bê tông từ Tiền Lang đến Cổ Vạy sạt lở 2.613m, kè Cai Đề xã Giao Xuân bị xô bong 480m, đê sông Hồng bị sạt lở 46m; (Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai tỉnh Nam Định đến năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định, 2012)

Đợt lũ sau cơn bão số 2 từ ngày 04-11/8/2007 tương đương mức độ 2 đã gây sạt lở bãi sông khu vực kè Hạ Miêu (xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường) với cung sạt lở dài 130m, bán kính cung sạt chỗ rộng nhất tới 20m. Sạt lở đất diễn ra trên tuyến đê sông trên địa bàn huyện Mỹ Lộc (xã Mỹ Tân), huyện Trực Ninh (xã Trực Chính)… Hiện nay tình trạng này đã phần nào được khắc phục.

Một số đoạn kè đê sát sông như kè Phú Ân, kè Hạ Miêu, kè Ngô Đồng, kè Đò Sồng vẫn đang tiếp tục diễn ra hiện tượng sạt lở ở đầu và cuối kè hoặc bong bật mái kè; (Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai tỉnh Nam Định đến năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định, 2012)

Sạt lở đê biển và vùng bối diễn ra nghiêm trọng tại xã Hải Lý - huyện Hải Hậu (mất 02 xóm và 03 nhà thờ). Người dân ở 2 xã Hải Triều và Hải Chính (huyện Hải Hậu) đã có 3 lần di chuyển vì biển sạt lở. Xã Giao Hải – huyện Giao Thủy bị sạt lở một phần bãi bồi. Từ Giao Long đến Quất Lâm huyện Giao Thủy sạt lở toàn bộ phần đất bồi, đê trực diện với biển; (Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai tỉnh Nam Định đến năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định, 2012)

Ngày 22/7/2010 cơn bão số 3 đã đổ bộ vào tỉnh Nam Định, huyện Hải Hậu là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo thống kê bước đầu của UBND huyện Hải Hậu, hơn 2.500m2 đất đá ven biển bị sạt lở. (Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai tỉnh Nam Định đến năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định, 2012)

2) Khu vực phát triển trọng điểm về Nông - Lâm - Ngư nghiệp (các vùng rừng trồng tập trung; chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản):

Sương muối ngày càng có biểu hiện giảm về tần xuất lẫn mức độ ảnh hưởng do xu thế tăng lên của nền nhiệt độ. Đối với rét đậm, rét hại những năm gần đây có xu hướng gia tăng và kéo dài ảnh hưởng đến mạ trong vụ xuân, cây màu ở hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh (đặc biệt là trận rét kéo dài gần 40 ngày đầu năm 2008; trận rét đầu năm 2011 kéo dài 30 ngày từ 3/1-1/2/2011).

Vùng nguyên liệu lạc tại Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, vùng khoai tây, vùng rau, vùng lúa tám tại Hải Hậu, Nghĩa Hưng bị ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng nông phẩm; (Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai tỉnh Nam Định đến năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định, 2012)

Năm 2010, tổng diện tích sản xuất muối toàn tỉnh đạt 1030,54 ha, tập trung lớn nhất ở Hải Hậu, Giao Thủy cũng bị giảm năng suất bởi hiện tượng sương muối, rét đậm rét hại; (Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai tỉnh Nam Định đến năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định, 2012)

Thêm vào đó, ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino, hạn hán diễn biến càng thêm nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Nam Định, gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp do sự kết hợp giữa El Nino và việc phát triển thiếu thực tế, việc xây dựng và điều hành các dự án thủy lợi thiếu kế hoạch. Đặc biệt, khu vực bãi trồng màu Mỹ Tân, Mỹ Phúc của huyện Mỹ Lộc, xã Quang Trung (huyện Vụ Bản)

thường xuyên xảy ra hạn hán cục bộ dẫn tới khó khăn trong canh tác và giảm năng suất cây trồng;

Trong những năm gần đây, vấn đề XNM ở các cửa sông, độ mặn cao, xuất hiện sớm và xâm nhập sâu hơn vào khu vực nội đồng. Cụ thể, tại sông Sò, khu vực chân cầu Thức Khóa – Giao Thịnh (Giao Thủy), độ mặn đo được ngày 18/6/2011 là 1‰; khu vực chân cầu Hà Lạn - Quất Lâm (Giao Thủy), độ mặn đo được ngày 19/6/2011 là 1,9‰. Nước sông Hồng xóm 1 xã Giao Hương - huyện Giao Thủy có độ mặn là 4,6‰ (đo ngày 24/6/2011); tại phà Ngô Đồng - TT Ngô Đồng - huyện Giao Thủy độ mặn đo được ngày 26/6/2011 là 2,1‰. Trên sông Vọng - đội 1 xã Bạch Long - huyện Giao Thủy có độ mặn là 15,9‰ (kết quả đo ngày28/6/2011). Nước sông Ninh Cơ khu vực bến đò Gót Tràng – TT Thịnh Long đo ngày 14/6/2011 có độ mặn là 3‰. (Nguồn: Trung tâm Quan trắc và Phân tích Tài nguyên Môi trường – Sở TN&MT Nam Định). Tại triền sông Hồng cống Hạ Miêu I các mẫu đo độ mặn chứng minh rõ tình trạng XNM ngày một gia tăng; độ mặn đo được tháng 1/2006 là 7,2‰, vào ngày 19/11/2009 là 7‰, đến tháng 1/2010 đã lên tới 13,8‰ (tăng 6,6‰ so với mẫu đo độ mặn tháng 1/2006); (Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai tỉnh Nam Định đến năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định, 2012)

Hiện tượng XNM dẫn đến nhiều trạm bơm đầu mối phải dừng hoạt động hoặc hoạt động với cơ số máy thấp. Với các cống vùng triều thuộc các huyện phía Nam tỉnh, mực nước thấp, độ mặn tiến sâu vào các cửa sông nên số giờ mở cống lấy nước giảm đáng kể, có nơi giảm tới 70 - 80%. XNM và mực nước sông xuống thấp dẫn đến khó khăn cho công tác tưới tiêu phụ vụ canh tác lúa tại các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy. Vấn đề này diễn ra nghiêm trọng trong 7 tháng mùa cạn (tháng 1 - 5 và 11, 12 hàng năm) do nước từ sông Hồng chảy về Nam Định không nhiều và gây ra tình trạng ít nước mặt. Vào tháng cạn nhất trong năm thì lượng nước chảy về Nam Định rất nhỏ, chỉ 1,29 tỷ m3 ở tần suất 50% và 0,95 tỷ m3 ở tần suất 95%, thời điểm này nước mặt trên toàn bộ hệ thống sông, kênh nội đồng đều khan hiếm; (Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai tỉnh Nam Định đến năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định, 2012)

Vụ nuôi thuỷ sản xuân hè 2011 của tỉnh Nam Định bị ảnh hưởng không nhỏ do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài. Theo thống kê của Sở NN & PTNT tỉnh,

trong quý I/2011 đã có 4.239 ha nuôi với 3.942 tấn thuỷ sản bị chết rét, gây thiệt hại lớn trên đàn cá bố mẹ; (Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai tỉnh Nam Định đến năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định, 2012)

Diện tích nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh Nam Định tập trung tại các huyện ven biển Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thuỷ. Những năm qua, nhiệt độ tăng dẫn đến quá trình quang hóa và phân hủy các chất hữu cơ nhanh hơn, ảnh hưởng đến nguồn thức ăn của sinh vật. Các sinh vật tiêu tốn nhiều năng lượng hơn cho quá trình hô hấp cũng như các hoạt động sống khác làm giảm năng suất và chất lượng thủy sản;

Cường độ và lượng mưa lớn làm thay đổi nồng độ muối cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sinh vật nước lợ và ven bờ, đặc biệt là nhuyễn thể 2 vỏ (ngao, sò…) bị chết hàng loạt do không chịu nổi với nồng độ muối thay đổi.

3) Khu vực có độ nhạy cảm cao về tài nguyên, môi trường và sinh thái (vùng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, vùng XNM…)

Tỉnh Nam Định có rừng ngập mặn VQG XT là khu vực nhạy cảm về tài nguyên, môi trường và sinh thái. Rừng ngập mặn khu vực bãi bồi VQG XT chủ yếu là các loại trang, bần chua, sú, vẹt. Rừng ngập mặn VQG XT là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam, có độ nhạy cảm cao về tài nguyên, môi trường và sinh thái.

Những năm qua, hàng chục ha rừng phi lao, sú vẹt ven biển thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Thủy, đã và đang bị biển xâm lấn nghiêm trọng;

Lưu lượng nước ngọt đổ về cửa Ba Lạt thấp do tác động của hạn hán kết hợp đập thủy điện ở thượng nguồn làm thay đổi các đặc tính môi trường nước lợ, bãi bồi của vườn quốc gia Xuân Thủy, dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học của khu vực này.

Vào mùa lũ, mưa lớn kết hợp nước lũ kéo dài dẫn đến độ mặn biến đổi đột ngột là nguyên nhân gây chết các loài nhuyễn thể (ngao, sò huyết,…) tại khu vực cửa Ba Lạt (sông Hồng), cửa Đáy (sông Đáy), cửa Lạch Giang (sông Ninh Cơ) và cửa Hà Lạn (sông Sò).

2.1.2.2. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến một số ngành, lĩnh vực 1) Tài nguyên nước

Một trong những ảnh hưởng lớn nhất của BĐKH đến tài nguyên nước tỉnh Nam Định là việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của XNM. BĐKH gây nên tình trạng khô hạn kéo dài, mùa khô dài hơn mừa mưa, kết hợp sự chặn dòng của các đập thủy điện trên thượng nguồn và cộng với sự dâng lên của mực nước biển nên quá trình XNM trong 10 năm trở lại đây diễn ra với chiều hướng xấu đi, XNM không chỉ tiến sâu hơn vào trong nội đồng mà thời gian ảnh hương cũng kéo dài hơn;

Qua khảo sát thực tế tại các xã ven biển huyện Nghĩa Hưng (Nam Điền, Nghĩa Thắng, Rạng Đông); huyện Hải Hậu (Hải Hòa, Thịnh Long, Hải Lý);

huyện Giao Thủy (Giao An, Giao Xuân, Bạch Long); tất cả 60/60 cán bộ cấp xã và huyện được phỏng vấn đều cho rằng những năm gần đây mực nước mặn xâm lấn và dâng lên ngày càng sâu vào trong nội đồng. Liên tiếp trong các năm từ 2004 - 2006, nước mặn đã lấn sâu vào sông trên địa bàn tỉnh Nam Định. Ranh giới mặn 1‰ đã xâm nhập ngày càng sâu vào trong các sông Hồng, Ninh Cơ và Đáy. Đặc biệt, trong tháng 1/2006, trên tất cả 3 vùng cửa sông, mặn xâm nhập sâu đến mức kỷ lục: trên sông Hồng mặn lấn sâu đến cửa cống Hạ Miêu I với độ mặn 7,2‰ cách biển 26km; trên sông Ninh Cơ mặn đã lấn đến cửa cống Múc 2 với độ mặn 1,7‰, cách biển tới 37km; trên sông Đáy mặn đã đến cửa cống Bình Hải I với độ mặn 5‰, cách biển 18km (Nguồn: Báo cáo Áp dụng mô hình thủy lực Mike 11 hệ thống sông Hồng phục vụ xây dựng bản đồ xâm nhập mặn tỉnh Nam Định, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường);

Những năm qua, ở các cửa sông, độ mặn cao, xuất hiện sớm và xâm nhập sâu hơn vào khu vực nội đồng. Cụ thể, tại sông Sò, khu vực chân cầu Thức Khóa-Giao Thịnh (Giao Thủy), độ mặn đo được ngày 18/6/2011 là 1‰. Nước sông Hồng tại phà Ngô Đồng - TT Ngô Đồng - huyện Giao Thủy độ mặn đo được ngày 26/6/2011 là 2,1‰. Trên sông Vọng - đội 1 xã Bạch Long - huyện Giao Thủy có độ mặn là 15,9‰ (kết quả đo ngày 28/6/2011). Nước sông Ninh Cơ khu vực bến đò Gót Tràng – TT Thịnh Long đo ngày 14/6/2011 có độ mặn là 3‰. (Nguồn: Trung tâm Quan trắc và Phân tích Tài nguyên Môi trường - Sở TN&MT Nam Định);

Mực nước thấp, độ mặn cao hơn, xuất hiện sớm hơn và xâm nhập sâu vào các cửa sông. Độ mặn này ảnh hưởng rất lớn cho các công trình đầu mối lấy nước, các cống tưới vùng triều do mực nước trên các triền sông thấp, mặn tiến

sâu vào các cửa sông, nên số giờ mở cống lấy nước được ít chỉ đạt 1,5 - 3 giờ/ngày, trong thời gian lấy nước ngả ải hầu hết các công ty phải trực thường xuyên 24/24 giờ, thường xuyên thử mặn, tận dụng tối đa vai triều lên và vai triều xuống để tăng thời gian mở cống lấy nước;

XNM những năm qua trên địa bàn tỉnh Nam Định dẫn tới thay đổi độ sâu nước ngầm sử dụng được cho mục đích sinh hoạt. Các hộ gia đình khoan giếng tại huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy để khai thác nước ngầm cho mục đích sinh hoạt thì hiện nay phải khoan sâu 100 - 120m, trong khi đó thời gian trước khoan 80 - 90m là đã khai thác được nước ngầm để sử dụng;

Sự biến đổi khí hậu có tác động xấu đến sự thay đổi nguồn nước. Dự báo đến năm 2025 nguồn nước của Việt Nam sẽ bị giảm đi khoảng 40 tỷ m3. Tổng lượng nước mùa khô đến năm 2025 có thể giảm đi khoảng 13 tỷ m3. Trong khi mực nước biển không ngừng gia tăng. Quá trình kết hợp giữa thiếu nước ngọt và mực nước biển gia tăng sẽ trở thành thách thức đối với tài nguyên nước của Việt Nam nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng trong hiện tại cũng như tương lai.

2) Hệ sinh thái tự nhiên và ĐDSH (rừng, động – thực vật, thủy sinh,…) + Tác động đến hệ sinh thái tự nhiên và ĐDSH (rừng, động - thực vật, thủy sinh,…):

Ngoài các nguyên nhân xuất phát từ hoạt động kinh tế-xã hội của các cộng đồng dân cư vùng ven (xã Giao Thiện, xã Giao An, xã Giao Lạc, xã Giao Xuân, xã Giao Hải) ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên và ĐDSH của VQG XT, thì những năm qua sự biến đổi của các yếu tố thời tiết (nhiệt độ, lượng mưa, hướng gió), dòng chảy sông Hồng và sự dâng lên của mực nước biển đã làm thay đổi hình thái của VQG, dẫn đến suy giảm ĐDSH của VQG XT. Nhiều loài đặc hữu bị suy giảm nghiêm trọng (cá chuối sộp, cua Giận, cò Thìa...).

* Phần Cồn Xanh và dải cát đầu Cồn Lu giáp sông Hồng bị cát xâm lấn do dòng chảy của sông Hồng thay đổi, diện tích rừng phòng hộ suy giảm và tác động của hướng gió Đông Nam. Phía đuôi Cồn Lu được bù đắp thêm, và kéo dài ra địa phận của xã Giao Long.

* Sự dâng lên của mực nước biển (thủy triều lên cao và thời gian ngập chiều cao hơn) gây ngập úng thường xuyên khu vực Cồn Lu và là một trong những nguyên nhân làm chết rừng phi lao.

* Quá trình thay đổi môi trường tự nhiên của vườn quốc gia do các yếu tố thời tiết và nước biển dâng có thể góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các loài ngoại lai du nhập và phát triển đe dọa ĐDSH khu vực, một số loài bản địa thậm chí gần như biến mất.

+ Tác động Tài nguyên môi trường đất:

Tài nguyên môi trường đất bị ảnh hưởng do NBD với mức độ ngày càng gia tăng. Biểu hiện tác động trên là mất đất (khu vực bãi bồi VQG XT, huyện Nghĩa Hưng, bờ biển Thị trấn Quất Lâm - Giao Thủy, Thị trấn Thịnh Long - Hải Hậu); và đất bị nhiễm mặn tại 03 huyện ven biển Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy.

3) Nông - Lâm - Ngư nghiệp đặc biệt là đối với các ngành trồng trọt, phát triển nghề rừng, nghề cá:

+ Ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng các ngành trồng trọt, chăn nuôi:

Theo số liệu của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, từ năm 1989 đến 2010, Nam Định phải hứng chịu 26 trận bão, 01 trận lốc, 04 trận lũ lớn, đã gây thiệt hại ngành nông nghiệp lên đến hàng nghìn tỷ đồng (Nguồn: Báo cáo tham luận BĐKH và những ảnh hưởng của nó, Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định).

Hạn hán về mùa khô những năm qua đã xảy ra nghiêm trọng theo chiều hướng hết sức bất lợi. Theo thống kê của Sở NN & PTNT tỉnh Nam Định, năm 2004 được coi là năm khốc liệt nhất về hạn hán trong vòng 40 năm qua, mực nước sông Hồng tại Hà Nội ở thời điểm tháng 1/2004 là +2,17m (kiệt nhất có lúc xuống tới 1,75m); Năm 2005 ở cùng thời điểm mực nước xuống đến 2,06 m (kiệt nhất có lúc xuống tới 1,5m); Dẫn đến thiếu nước nghiêm trọng cho sản xuất, làm giảm năng suất lúa các địa phương trên toàn tỉnh. Gần đây, tháng 5- 6/2010, hạn hán gây thiếu nước trầm trọng ảnh hưởng đến tưới tiêu, xảy ra cục bộ ở một số địa phương: Mỹ Lộc, Vụ Bản gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Đợt nắng nóng và khô hạn này đã khiến nhiệt độ vùng bãi triều tăng cao, toàn bộ diện tích nuôi ngao thương phẩm của các huyện nuôi trồng thủy sản có ngao bị chết. Tỷ lệ ngao chết tại các vây nuôi trên địa bàn huyện Giao Thủy chiếm từ 20 đến 80%, ước tính người nuôi ngao thiệt hại hơn 40 tỷ đồng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng công cụ hỗ trợ ra quyết định phục vụ ứng phó biến đổi khí hậu đối với sử dụng đất nông nghiệp tại nam định luận văn ths biến đổi khí hậu (Trang 30 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)