Vai trò của nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây lắp điện 4 (Trang 20 - 23)

1.1 Khái niệm về nguồn nhân lực và vai trò của nguồn nhân lực

1.1.2 Vai trò của nguồn nhân lực

Xét trên giác độ trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, nhiều nhà khoa học đã chia quá trình phát triển kinh tế thành ba giai đoạn với những đặc trưng rất khác biệt: nền kinh tế nông nghiệp, nền kinh tế công nghiệp, nền kinh tế tri thức. Đặc

trưng chủ yếu của nền kinh tế nông nghiệp là sức lao động cơ bắp của con người và tài nguyên thiên nhiên là cơ sở, chủ yếu tạo ra của cải vật chất đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người, tri thức chủ yếu là những kinh nghiệm được tích lũy từ các hoạt động thực tế, năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất đều hết sức kém. Trong nền kinh tế công nghiệp, tuy đã có sự trợ giúp của máy móc nhưng sức lao động của con người và tài nguyên thiên nhiên vẫn giữ vai trò trọng yếu. So với nền kinh tế nông nghiệp thì tri thức con người đã giữ vị trí quan trọng hơn, lúc này tri thức không chỉ là sự đúc kết kinh nghiệm thực tế mà nó còn khám phá những quy luật vận động của tự nhiên, xã hội và tư duy để đưa ra những sáng chế, phát mình làm năng suất, chất lượng, hiệu quả được cải thiện hơn nhiều. So với kinh tế nông nghiệp và kinh tế công nghiệp thì nền kinh tế tri thức có những đặc trưng sau đây:

+ Tri thức, khoa học công nghệ, kỹ năng của con người đã trở thành lực lượng sản xuất hàng đầu.

+ Tri thức và những phát minh khoa học công nghệ được sản sinh ra từ tri thức là yếu tố cơ bản tạo lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia.

+ Nền kinh tế tri thức vừa đòi hỏi và thúc đẩy, vừa tạo điều kiện phát triển học tập của mỗi thành viên trong xã hội.

Như vậy, trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào của nền kinh tế, nguồn nhân lực cũng luôn luôn khẳng định là một nguồn lực quan trọng nhất, cần thiết nhất trong việc sản xuất ra của cải làm giàu cho xã hội. Trong điều kiện nền kinh tế tri thức và quá trình toàn cầu hoá, yếu tố vốn hữu hình tuy còn giữ vài trò quan trọng nhưng không như trong giai đoạn công nghiệp hoá, thay vào đó vai trò của vốn vô hình mà đặc biệt là vốn con người ngày càng lớn hơn. Đây là nguồn vốn rất quan trọng với các doanh nghiệp vì được tính vào giá trị của họ, và hình thành nên vốn vô hình của quốc gia. Vốn con người đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế:

+ Đó là các kỹ năng được tạo ra bởi giáo dục và đào tạo, vốn con người là yếu tố của quá trình sản xuất kết hợp với vốn hữu hình và các lao động “thô” (không có kỹ năng) để tạo ra sản phẩm;

+ Đó là kiến thức để tạo ra sự sáng tạo, một yếu tố cơ bản của phát triển kinh tế.

Ngoài ra, người ta đã đưa vốn con người như một yếu tố đầu vào để phân tích tăng trưởng kinh tế và đã chỉ ra ảnh hưởng tích cực của nó giống như vốn hữu hình nhưng mức độ ngày càng lớn hơn. Dĩ nhiên, sự tăng trưởng này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng nếu chúng ta hiểu đơn giản kiểu như nếu sản xuất được nhiều hàng hoá thì sẽ bán được nhiều, sẽ thu được nhiều lãi thì trong dây chuyền sản xuất, con người là một yếu tố không thể thiếu. Nếu trước kia, sản xuất phụ thuộc vào cơ bắp, người ta không chú trọng đến việc anh học giỏi đến mức nào, chỉ cần anh có sức khoẻ là được thì ở giai đoạn công nghiệp hoá, với dây chuyền sản xuất hiện đại, nhân công cần có kiến thức để hiểu việc mình đang làm, để có thể vận hành máy móc, hoặc để khắc phục sự cố nơi công xưởng. Thậm chí trong tương lai, khi tất đều được thay thế bằng robot thì người ta vẫn cần những cái đầu vĩ đại để tạo ra những con robot tốt hơn nhằm tăng gia sản xuất. Nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ trong một tổ chức nếu các cá nhân càng có năng lực thì khả năng tạo ra sự cải tiến, sự sáng tạo trong sản xuất càng cao. Vậy rõ ràng, chất lượng nguồn lao động (tức là vốn con người) có yếu tố quyết định đối với sự tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nếu đầu tư hình thành vốn con người chưa tốt không hiệu quả thì nguồn vốn này không tác động tích cực mà lại làm giảm tăng trưởng.

Thực tế phát triển kinh tế của nhiều nước trên thế giới đã cho thấy tầm quan trọng của vốn con người. Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh, hay sự phục hồi kinh tế nhanh của Tây Âu nhờ vào nguồn nhân lực chất lượng cao chứ không phải tài nguyên. Với các nước đang phát triển dù có nhiều tài nguyên nhưng thiếu lao động có chất lượng nên sự phát triển chậm (Waines, 1963).

Mặt khác, các nước đang phát triển cố gắng thu hút thêm nguồn vốn hữu hình từ bên ngoài để tăng cường cơ sở vật chất cho sự phát triển, tuy nhiên do trình độ quản lý kém do thiếu nhân lực chất lượng cao nên hiệu quả sử dụng vốn huy động thấp đã không cho phép phát triển nhanh kinh tế ở đây.

Sự gia tăng vốn con người dẫn tới mức năng suất cao, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và do đó các nhà chính trị và hoạch định chính sách đều cố gắng hành động nhằm tạo ra vốn con người cho quốc gia.

Như vậy, trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào của nền kinh tế, nguồn nhân lực cũng luôn luôn khẳng định là một nguồn lực quan trọng nhất, cần thiết nhất trong việc sản xuất ra của cải làm giàu cho xã hội. Đặc biệt trong điều kiện mới, sự phát triển của một quốc gia phụ thuộc vào nguồn lực trí tuệ và tay nghề của con người là chủ yếu, thay vì dựa vào nguồn tài nguyên, vốn vật chất trước đây thì nguồn nhân lực càng đóng một vai trò quan trọng hơn. Đảng và Nhà nước ta đã nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của yếu tố con người và xác định rằng: “con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển” (Nghị quyết đại hội VII); “con người và nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” (Nghị quyết đại hội VIII). Ngày nay trong quá trình đổi mới phát triển, nguồn nhân lực được đánh giá là sức mạnh siêu quốc gia, có tính quyết định trong cạnh tranh kinh tế và thiết lập trật tự thế giới mới.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây lắp điện 4 (Trang 20 - 23)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)