Chương 1: Cơ sở lý luận vấn đề xuất khẩu thủy sản
1.3 Những vấn đề về xuất khẩu thủy sản
1.3.2 Một số quy định về xuất khẩu thủy sản
1.3.2.1 Trong nước.
Từ năm 1981, thủy sản trở thành ngành kinh tế đầu tiên được Chính Phủ cho phép vận dụng cơ chế kinh tế thị trường trong sản xuất, kinh doanh. Sau một phần tư thế kỷ hoạt động trong cơ chế thị trường, ngành thủy sản đã từng bước trưởng thành, điều đáng chú ý là từ năm 1986, khi chính sách đổi mới của Đảng được thực hiện trong cả nước, thì thị trường xuất khẩu thủy sản đã mở rộng và tăng trưởng với tốc độ rất nhanh. Điều đó cho thấy chính sách hiệu quả của Chính Phủ và Nhà nước đối với ngành thủy sản. Sau đây là một số quy định để minh chứng cho điều đó:
- Căn cứ Luật Thủy sản số 17/2003/QH11 ngày 26/11/2003.
- Nghị định 31/2010/NĐ-CP ngày 29/03/2010 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Nghị định này quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản bao gồm:
+ Vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
+ Vi phạm các quy định về khai thác thủy sản và quản lý tàu cá.
+ Vi phạm các quy định về nuôi trồng thủy sản; sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản.
+ Vi phạm các quy định về thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến, kinh doanh thủy sản.
+ Vi phạm các quy định về ngành nghề dịch vụ thủy sản.
+ Cản trở hoạt động quản lý nhà nước về thủy sản.
- Nghị định 59/2005/NĐ-CP của Chính Phủ ban hành ngày 04/05/2005 về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản. Nghị định này quy định ngành nghề sản xuất, kinh doanh thủy sản phải có giấy phép, thủ tục, trình tự cấp giấy phép, quy định điều kiện đối với một số ngành nghề sản xuất, kinh doanh không cần giấy phép.
- Theo Dự thảo Nghị định về quản lý sản xuất và tiêu thụ cá tra năm 2011 của Chính Phủ quy định điều kiện xuất khẩu cá tra như sau:
+ Tổ chức, cá nhân kinh doanh xuất khẩu cá tra phải được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
+ Sở hữu ít nhất 01 cơ sở chế biến thủy sản có giấy phép đủ điều kiện chế biến thủy sản còn hiệu lực.
+ Có hợp đồng xuất khẩu với giá bán không thấp hơn giá sàn xuất khẩu.
+ Sản phẩm cá tra xuất khẩu có nguồn gốc xuất xứ rõ rang, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.
1.3.2.2 Quốc tế.
Khó khăn lớn nhất cho xuất khẩu thủy sản của nước ta những năm gần đây chủ yếu là rào cản từ các thị trường xuất khẩu vẫn chưa công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên họ cho rằng chúng ta bán phá giá và áp đặt thuế chống bán phá giá với ta. Một số thị trường thì dựng nên những rào cản kỹ thuật như: quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sản phẩm để kiểm soát nghiêm ngặt với hàng hóa của chúng ta. Sau đây là quy định của hai thị trường lớn nhất hiện nay: EU và Mỹ.
a) Thị trường EU.
Với 27 quốc gia thành viên và dân số khoảng nửa tỷ người, EU chiếm phần lớn diện tích của Châu Âu. EU là siêu cường kinh tế lớn nhất thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm 30% GDP danh nghĩa của thế giới và luôn tăng ổn định.
EU là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, vì thế nên bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh thủy sản nào cũng muốn thâm nhập vào thị trường rộng lớn và hấp dẫn này.
Nhưng không phải dễ dàng để có thể vào được thị trường khó tính này, các doanh nghiệp phải đáp ứng được những yêu cầu, quy tắc và quy định gắt gao của họ như tiêu chuẩn IFS, BRC, BAP, HACCP,…
- IFS là tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế được ban hành lần thứ 5 vào ngày 01/08/2008 bởi tổ chức GFSI. IFS là tiêu chuẩn kiểm tra công ty chế biến thực phẩm hoặc công ty đóng
gói thực phẩm lỏng. IFS chỉ áp dụng khi sản phẩm được chế biến hay xử lý hoặc nếu có nguy cơ ô nhiễm trong quá trình đóng gói sản phẩm chính.
- BRC (Hệ thống liên kết bán lẻ Anh): là một tổ chức thương mại Anh đại diện cho các nhà bán lẻ Anh đã ban hành tiêu chuẩn thực phẩm toàn cầu BRC, nhằm xác lập tiêu chuẩn vệ sinh tối thiểu trong các nhà máy sản xuất thực phẩm. BRC chỉ cung cấp đánh giá cơ bản các yêu cầu về vấn đề sản xuất và kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào.
- HACCP là một hệ thống giúp nhận diện, đánh giá và kiểm soát các mối nguy hiểm ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm. Hệ thống này đã và đang được áp dụng rất thành công trên toàn cầu và dễ dàng tương thích với hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000 tạo thuận lợi cho việc quản lý an toàn và chất lượng trong sản xuất và cung cấp thực phẩm.
Thủy sản vào thị trường này cần tuân thủ các quy tắc dán nhãn được quy định trong Quy định số 104/2000 (EC) và các quy định dán nhãn đặc thù đối với thủy sản theo tiêu chuẩn thị trường Quy định số 2406/96 (EC). Ngoài quy định về dán nhãn, EU còn ban hành Chỉ thị 89/107/EEC về chất phụ gia thực phẩm, tất cả các chất phụ gia phải được ghi trên nhãn mác của sản phẩm.
Từ ngày 01/01/2010, EU áp dụng luật IUU (Illegal, Unreported and Unregulated Fishing) – Luật chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của Cộng đồng Châu Âu (EC) quy định tất cả lô hàng thủy sản xuất sang thị trường này phải chứng minh được nguồn gốc như: vùng biển khai thác, tàu khai thác, loại sản phẩm, trọng lượng, giấy báo chuyển hàng trên biển,…
Theo thống kê của NAFIQAD cả nước có khoảng 130.000 tàu khai thác đánh bắt thủy hải sản. Hoạt động đánh bắt chủ yếu là quy mô nhỏ, nhận thức của ngư dân chưa cao, chưa có hệ thống thông tin ghi chép nhật ký hành trình cũng như hệ thống kiểm soát, giám sát và quản lý hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản từ Bộ cho đến địa phương. Chưa kể đến việc mua bán không diễn ra trực tiếp từ ngư dân đến doanh nghiệp, mà còn thông qua nhiều thương lái, chủ vựa,… Chính vì thế, việc xác định nguồn gốc hay chứng nhận khai thác là điều không tưởng.
Nhưng bằng sự nỗ lực và quyết tâm, VASEP đã phối hợp với Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, NAFIQAD và Bộ NN&PTNT tuyên truyền thông tin, tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn cho các doanh nghiệp, ngư dân, đại lý và các chi cục địa phương về các vấn đề liên quan đến quy định và việc thực hiện quy định này.
Bộ NN&PTNT còn ban hành quyết định số 3477/QĐ-BNN-KTBVNL ngày 04/12/2009 về việc ban hành quy chế chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường Châu Âu. Theo đó, cơ quan, đơn vị được Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn giao nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thực hiện việc kiểm tra, chứng nhận thủy sản khai thác. Các trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng thuộc NAFIQAD thực hiện kiểm tra, xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu. Đây như là một văn bản hướng dẫn mà Bộ dẫn đường cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn này.
b) Thị trường Mỹ.
Với dân số hơn 305 triệu dân và là cường quốc hàng đầu thế giới về kinh tế, quân sự và khoa học – kỹ thuật; Mỹ luôn được xem là thị trường lớn nhất hiện nay, và là mục tiêu xuất khẩu của các doanh nghiệp trên khắp thế giới. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2008 của Mỹ ước tính là trên 14,3 ngàn tỷ USD (khoảng 23% tổng sản lượng thế giới dựa trên GDP danh nghĩa), trong đó khoảng 80% được dành cho tiêu dùng. Mỹ được đánh giá là quốc gia có sức mua lớn nhất, nhập khẩu hàng triệu tấn thủy sản hàng năm. Năm 1999, hàng thủy sản vào thị trường Mỹ chỉ đạt 130 triệu USD, năm 2000 lên 310 triệu USD, năm 2001 là 500 triệu USD và năm 2002 là 600 triệu USD.
Cá tra, cá basa Việt Nam được xuất sang Mỹ lần đầu vào năm 1996 chủ yếu dưới dạng phi lê đông lạnh. Vài năm đầu thâm nhập thị trường chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, chỉ ở mức 260 tấn (năm 1998) đã tăng lên gần 21.000 tấn vào cuối năm 2001 đã tạo nên thành công của thủy sản Việt Nam trên thị trường Mỹ. Thành công của cá tra, cá basa Việt Nam vô tình đã trở thành mối nguy hại cho CFA, khi giá cá tra, cá basa của chúng ta rẻ hơn so với họ, và sản phẩm cá của chúng ta cũng được yêu thích hơn họ. Sự việc căng thẳng bắt đầu khi CFA đệ đơn lên DOC và ITC cáo buộc chúng ta bán phá giá, gây thiệt hại về vật chất cho các nhà sản xuất cá da trơn của Mỹ. Vụ kiện tụng kéo dài trong nhiều năm về quyền sở hữu tên gọi catfish và luật chống bán phá giá đối với cá da trơn của chúng ta.
Theo công bố mới nhất về thuế chống bán phá giá tôm và cá tra xuất khẩu khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được giảm thuế xuống gần bằng 0%. Kết quả này như là một tín hiệu đáng mừng cho ngành thủy sản nước ta.
Bên cạnh những khó khăn về đạo luật chống bán phá giá, thực phẩm nói chung khi muốn vào thị trường Mỹ phải tuân thủ một số quy định như:
- Nguồn gốc xuất xứ và chất lượng hàng hóa. Quy định ghi nhãn mác yêu cầu các thông tin như: nước xuất xứ, tên sản phẩm, chủng loại, thời hạn sử dụng, hình dạng sản phẩm, số lượng,…
- Các quy định về mức dư lượng tối đa cho phép với các loại thuốc kháng sinh, chất bảo quản,… được thiết lập bởi EPA và FDA giám sát.
- Cơ quan hải quan Mỹ chỉ cấp phép nhập khẩu sau khi đã được APHIS và FDA kiểm tra tại nơi nhập khẩu.