Nhóm giải pháp về thị trường xuất khẩu

Một phần của tài liệu Một số giải pháp gia tăng xuất khẩu surimi tại công ty cổ phần thủy sản và xuất nhập khẩu côn đảo (coimex)​ (Trang 60 - 64)

Chương 3: Một số giải pháp gia tăng xuất khẩu Surimi tại Công ty Cổ phần Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo (COIMEX)

3.2 Một số giải pháp gia tăng xuất khẩu Surimi của Công ty Cổ phần Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo (COIMEX)

3.2.1 Nhóm giải pháp về thị trường xuất khẩu

COIMEX cần quan tâm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu thị trường xuất khẩu về môi trường kinh tế, văn hóa xã hội, pháp luật, dân cư,… tập trung vào nhiều nội dung như:

+ Chính sách nhập khẩu của quốc gia mà doanh nghiệp dự kiến xuất khẩu hàng hóa.

+ Rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật, rào cản vệ sinh an toàn thực phẩm.

+ Chính sách thuế nhập khẩu.

+ Các thông lệ quốc tế liên quan đến hàng hải, bảo hiểm, Incoterms,…

+ Đối thủ cạnh tranh.

+ Biến động giá thị trường thế giới.

+ Nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng tại quốc gia nhập khẩu.

+ Văn hóa kinh doanh của nước nhập khẩu.

Bởi các vấn đề này có tác động trực tiếp đến chiến lược sản phẩm, chiến lược giá, chiến lược phân phối và chiến lược xúc tiến của doanh nghiệp. Để nghiên cứu thị trường bài bản, COIMEX có thể tự tìm hiểu hoặc thuê công ty chuyên về dịch vụ nghiên cứu thị trường.

Dù tự làm hay đi thuê, COIMEX cũng phải đầu tư một khoản ngân sách cần thiết và phù hợp.

Hoạt động này cần tiến hành thường xuyên, liên tục để cập nhật thông tin thị trường, thông tin về các quy định, rào cản,… được ban hành và thay đổi hàng ngày, hàng giờ.

Kết quả khảo sát chỉ ra rằng: phần lớn các doanh nghiệp chỉ tập trung nghiên cứu các yếu tố như giá cả thị trường thế giới, nhu cầu của nước nhập khẩu,… thông qua thông tin tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài hoặc các thông tin báo đài hết sức cục bộ. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng thường mắc những lỗi hết sức sơ đẳng về các thủ tục pháp lý như: rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật,… do chưa có sự tìm hiểu thị trường kỹ lưỡng.

COIMEX có thể thu thập thông tin phục vụ nghiên cứu thị trường xuất khẩu gồm thông tin thứ cấp và sơ cấp.

- Thông tin thứ cấp từ các nguồn như:

+ Thông tin từ các cơ quan trung ương và địa phương: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thống kê, Sở Công thương các tỉnh/thành phố, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, Các trung tâm xúc tiến thương mại, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), tạp chí chuyên ngành,…

+ Thông tin từ các website do các tổ chức công bố về kết quả nghiên cứu hoặc các công cụ tìm kiếm trên internet.

- Thông tin sơ cấp từ nghiên cứu hiện trường bằng phương pháp quan sát trên thị trường xuất khẩu hoặc qua những lần doanh nghiệp tham dự các hội chợ. COIMEX cũng có thể áp dụng bảng câu hỏi khảo sát tại các chợ, các siêu thị, nơi công cộng,… gắn liền với chọn mẫu khoa học sẽ giúp cho COIMEX đánh giá xu hướng phát triển của thị trường cũng như hành vi khách hàng.

Tiếp tục duy trì xuất khẩu mặt hàng chả cá surimi sang các thị trường truyền thống và có mối quan hệ làm ăn lâu dài như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Pháp, Singapore,… Các thị trường lâu năm của COIMEX chủ yếu là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, khu vực này cũng được Nhà nước xác định là khu vực quan trọng trong xuất khẩu của nước ta.

- Các nước ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á): với việc gần gũi về địa lý, văn hóa – xã hội với dân số ước khoảng 577 triệu người (năm 2008) và sự tham gia ký kết Hiệp định thương mại tự do đa phương (ASEAN Free Trade Area – AFTA) của 10 quốc gia là: Brunei, Indonesia, Malaysia, Philipines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanma. Theo như đó, khối các quốc gia này sẽ dần cắt giảm thuế quan, xóa bỏ hàng rào phi thuế quan, giảm các thủ tục hải quan,…

Hơn nữa, do có sự tương đồng về nền văn hóa – xã hội, các quốc gia này cũng coi thủy sản là một loại thực phẩm chính trong các bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra, các quốc gia này không có những quy định khó khăn và chặt chẽ trong vệ sinh an toàn thực phẩm như các Mỹ và EU.

Bên cạnh những thuận lợi cũng phải kể đến một số khó khăn khi tham gia vào thị trường này, đó là những loại hàng hóa mà Việt Nam chúng ta có thế mạnh thì các nước cũng có, đặc biệt là thủy sản. Dẫn chứng như Thái Lan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tươi, ướp lạnh và đông lạnh đạt mức khoảng 570.000 tấn; từ năm 2002, giá trị xuất khẩu các sản phẩm thủy sản tăng gấp đôi từ 1,2 lên 2,75 tỷ USD. Thái Lan cũng được đánh giá là nhà sản xuất tôm lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc. Tổng kim ngạch nhập khẩu tôm của EU năm 2011 đạt 551.643 tấn, trong đó Thái Lan chiếm dưới 10% tổng kim ngạch, đưa nước này trở thành nhà cung cấp lớn thứ 5 về lượng cho thị trường này.

 Tuy Thái Lan và một số nước khối ASEAN cũng sản xuất và xuất khẩu thủy sản nhưng chủ yếu là thủy sản tươi, giá trị thấp. Điều này vẫn tạo ra cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt là phân ngành thủy sản chế biến surimi.

- Các nước Đông Á: chiếm 15% diện tích và khoảng 40% dân số Châu Á, khu vực này là một trong những khu vực đông đúc dân cư nhất thế giới, gồm các quốc gia phát triển như: Hồng Kong, Macau, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Khu vực này có đặc trưng là nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên, nhưng vẫn có nền kinh tế phát triển vững mạnh, các quốc gia này chủ yếu nhập khẩu hàng hóa có giá trị thấp nhưng lại xuất khẩu hàng hóa kỹ thuật cao, máy móc,… Đặc biệt là Hồng Kong, Trung Quốc và Nhật Bản có nhu cầu tiêu dùng thủy sản lớn và đang tăng nhanh với nhiều chủng loại sản phẩm đa dạng, từ các sản phẩm có giá trị cao

cho đến các loại sản phẩm thấp vì không có khả năng trồng trọt và sản xuất. Do đặc trưng về văn hóa – xã hội cũng như ẩm thực, thủy sản cũng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc sống của dân cư ở đây. Những nước này không đòi hỏi cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm như EU, Mỹ. Mặt khác, việc gia nhập WTO cũng tạo điều kiện cho hàng thủy sản của nước ta được hưởng thuế suất ưu đãi. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản vừa và nhỏ tiếp cận.

Tìm kiếm và thâm nhập vào các thị trường mới đầy tiềm năng như:

- Các nước Hồi giáo:

+ Khu vực Tây Nam Á (Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Sudan, Saudi Arabia) là khu vực giàu có về dầu mỏ, địa hình chủ yếu là đồi núi, hoang mạc, khí hậu khắc nghiệt và dân số chủ yếu theo đạo Hồi.

+ Khu vực Trung Á (Kazakhtan, Uzbekistan, Turkmenistan, Kyrgyzstan, Tajikistan ) có vị trí thuận lợi trong giao thương, giàu có tài nguyên khoáng sản, địa hình chủ yếu là đồi núi, cao nguyên và hoang mạc. Dân số khoảng 61,3 triệu người, phần lớn theo đạo Hồi.

 Hồi giáo là tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới và là tôn giáo phát triển nhất với số tín đồ hiện này khoảng 1,3 tỷ. Người hồi giáo không ăn thịt lợn, chó, mèo, chuột, đây là cơ hội cho thủy sản của nước ta vì thủy sản là loại động vật được các tín đồ Hồi giáo chấp nhận.

Hơn nữa, các quốc gia thuộc hai khu vực này có địa hình chủ yếu là cao nguyên, hoang mạc, không tiếp giáp biển, họ không có nguồn lợi về thủy sản nên việc nhập khẩu thủy sản là điều bức thiết.

- Các quốc gia ở Châu Phi (Ai Cập, Libya, Nam Phi, Nigeria,…) có dân số khoảng 800 triệu sinh sống trên 54 quốc gia, chiếm khoảng 1/7 dân số thế giới. Phần lớn bề mặt lục địa này là cao nguyên và sa mạc mênh mông. Châu Phi giàu có quặng thiên nhiên và dầu mỏ.

Người Châu Phi theo nhiều loại tôn giáo, nhưng phổ biến nhất vẫn là Hồi giáo chiếm 40% dân số. Cũng tương tự như khu vực Tây Nam Á và Trung Á, Châu Phi cũng là một thị trường tiềm năng vì có dân số lớn, họ không có thuận lợi về thủy sản và người Hồi giáo kiêng ăn các loại thịt.

Dù đặt ra nhiều điều kiện và rào cản khắt khe nhưng thị trường Mỹ và EU vẫn là hai thị trường lớn được COIMEX đặt biệt coi trọng. Để các sản phẩm dễ dàng thâm nhập vào hai thị trường này, COIMEX cần tìm hiểu kỹ về đặc điểm thị trường như đã nêu ở trên, cùng với đó là xây dựng các hệ thống chất lượng mà hai thị trường này áp dụng như:

- Hệ thống quản trị chất lượng ISO 9001:2000 theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên Hiệp Quốc (UNIDO).

- Hệ thống quản trị môi trường ISO 14001:2000.

- Hệ thống thực hành sản xuất tốt GMP (Good Manufacturing Practices): hệ thống đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm và dược phẩm.

- Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn HACCP (Hazard Analysis Critical Control Point) là yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp chế biến hàng thủy sản.

- Tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội SA 8000: là tiêu chuẩn quốc tế dựa trên công ước quốc tế về lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em và nhân quyền.

Cần thâm nhập và giữ vững thị trường nội địa, một điều đáng nói là các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam thường tập trung vào xuất khẩu mà bỏ ngõ thị trường trong nước cho các doanh nghiệp nước ngoài. Kinh tế nước ta ngày càng phát triển, đời sống ngày càng được cải thiện và nâng cao, với dân số gần 86 triệu dân và truyền thống tiêu dùng các loại thủy sản trong khẩu phần ăn hàng ngày là một cơ hội mà COIMEX nên nắm giữ. Trong thực tế, hiện nay sản phẩm surimi của COIMEX chủ yếu được tiêu thụ nội địa dưới dạng surimi truyền thống cho các công ty chế biến thực phẩm với lợi nhuận chưa cao và chưa được đông đảo người tiêu dùng biết đến. Trong tương lai, COIMEX cần thâm nhập vào thị trường nội địa bằng cách xây dựng kênh phân phối, một trong những kênh phân phối hiệu quả nhất cho COIMEX hiện nay là hệ thống siêu thị.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp gia tăng xuất khẩu surimi tại công ty cổ phần thủy sản và xuất nhập khẩu côn đảo (coimex)​ (Trang 60 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)