SÔNG NƯỚC CÀ MAU

Một phần của tài liệu 500 CÂU HỎI BÀI TẬP TRẮC NGHIỆM VÀ TỰ LUẬN NGỮ VĂN 6 (Trang 112 - 117)

Đọc kĩ đoạn trích dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.

[...] Chợ Năm Căn nằm sát bên bờ sông, ồn ào, đông vui, tấp nập. Vẫn là cái quang cảnh quen thuộc của một xóm chợ vùng rừng cận biển thuộc tỉnh Bạc Liêu,

với những túp lều lá thô sơ kiểu cổ xưa nằm bên cạnh những ngôi nhà gạch văn minh hai tầng, những đống gỗ cao như núi chất dựa vào bờ, những cột đáy, thuyền chài, thuyền lưới, thuyền buôn dập dềnh trên sóng... Nhưng Năm Căn còn có cái bề thế của một trấn “anh chị rừng xanh” đứng kiêu hãnh phô phang sự trù phú của nó trên vùng đất cuối cùng của Tổ quốc. Những bến vận hà nhộn nhịp dọc dài theo sông; những lò than hầm gỗ được sản xuất loại than củi nổi tiếng nhất của miền Nam; những ngôi nhà bè ban đêm ánh đèn măng- sông chiếu rực trên mặt nước như những khu phố nổi, và nơi đây người ta có thể cập thuyền lại, bước sang gọi một món xào, món nấu Trung Quốc hoặc một đĩa thịt rừng nướng ướp kiểu địa phương kèm theo vài cút rượu, ngoài ra còn có thể mua từ cây kim cuộn chỉ, những vật dụng cần thiết, đến bộ quần áo may sẵn hay một món nữ trang đắt giá chẳng hạn, mà không cần phải bước ra khỏi thuyền. Những người con gái Hoa kiều bán hàng xởi lởi, những người Chà Châu Giang bán vải, những bà cụ già người Miên bán rượu, với đủ các giọng nói líu lô, đủ kiểu ăn vận sặc sỡ, đã điểm tô cho Năm Căn một màu sắc độc đáo, hơn tất cả các xóm chợ vùng rừng Cà Mau.

1. Đoạn trích Sông nước Cà Mau là của tác giả nào?

A. Đoàn Giỏi.

B. Nguyễn Tuân.

C. Sơn Nam.

D. Tô Hoài.

2. Đoạn trích Sông nước Cà Mau được trích trong tác phẩm nào?

A. Hương rừng Cà Mau.

B. Đất rừng phương Nam.

C. Bến Nghé xưa.

D. Đất phương Nam.

3. Nội dung chính trong các tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi là gì?

A. Tình yêu quê hương, đất nước và con người Việt Nam.

B. Cuộc kháng chiến của nhân dân chống thực dân Pháp, C. Cuộc sống, thiên nhiên và con người Nam Bộ.

D. Những nét đẹp văn hóa của vùng đất Cà Mau.

4. Câu nào dưới đây không nói về tác phẩm Đất rừng phương Nam?

A. Là truyện dài nổi tiếng nhất của Đoàn Giỏi, được viết năm 1957.

B. Nhân vật chính trong truyện là cậu bé An.

C. Truyện miêu tả cảnh thiên nhiên hoang dã mà rất phong phú, độc đáo và cuộc sống của con người ở vùng đất cực Nam Tổ quốc.

D. Truyện nêu lên những khó khăn trong cuộc kháng chiến chống Mĩ của người dân vùng đất Cà Mau.

5. Tác giả đã miêu tả địa danh nào trong đoạn trích trên?

A. Chợ Năm Căn.

B. Chợ Cà Mau.

C. Rừng U Minh.

D. Chợ Bạc Liêu.

6. Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nào trong đoạn trích trên?

A. So sánh.

B. Miêu tả thực.

C. Nhân hóa.

D. Hoán dụ.

7. Người dân vùng đất Cà Mau thường dựa vào đâu để đặt tên cho các con sông, con rạch?

A. Căn cứ vào thời gian xuất hiện của con sông, con rạch đó.

B. Căn cứ vào vùng đất mà con sông, con rạch đó chảy qua.

C. Căn cứ vào đặc điểm riêng biệt của từng vùng đất, từng con sông, con rạch.

D. Căn cứ vào tên người phát hiện ra con sông, con rạch đó.

8. Quang cảnh chợ Năm Căn được tác giả miêu tả như thế nào trong đoạn trích?

A. Chỉ đông đúc vào những giờ nhất định.

B. Không tạo cho con người cảm giác về một buổi chợ.

C. Ồn ào, đông vui, tấp nập và bán đầy đủ các vật dụng cần thiết.

D. Vắng lặng, buồn tẻ, ít kẻ mua người bán.

9. Đoạn trích đã cho thấy cảnh sông nước Cà Mau như thế nào?

A. Một vùng đất nhỏ hẹp, thiên nhiên và con người đều thiếu sức sống.

B. Một vùng đất thơ mộng và quyến rũ.

C. Hết sức hiện đại cả về thiên nhiên lẫn con người.

D. Có vẻ đẹp rộng lớn, hùng vĩ, đầy sức sống hoang dã.

10. Trong đoạn trích, tác giả cho rằng Năm Căn có sự bề thế của:

A. Trấn “anh chị rừng xanh”.

B. Những túp lều lá thô sơ kiểu cổ xưa.

C. Những ngôi nhà gạch văn minh hai tầng.

D. Những đống gỗ cao như núi chất dựa vào bờ.

II. TỰ LUẬN

Vài nét về nhà văn Đoàn Giỏi và tác phẩm Đất rừng phương Nam.

Gợi ý trả lời:

Đoàn Giỏi sinh năm 1925, mất năm 1989. Ông sinh ra ở Tiền Giang, viết văn từ thời kháng chiến chống Pháp. Đoàn Giỏi là tên thật của ông, ngoài ra ông còn có nhiều bút danh khác như Nguyễn Hoài, Phạm Phú Lễ, Huyền Tư.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Đoàn Giỏi công tác trong ngành an ninh, sau đó ông chuyển qua công tác thông tin, văn nghệ. Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Năm 1955, ông chuyển sang làm công tác sáng tác và biên tập sách báo. Đoàn Giỏi là ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II và III. Tác phẩm của Đoàn Giỏi thường viết về cuộc sống, thiên nhiên và con người Nam Bộ.

Đoàn Giỏi viết rất nhiều tác phẩm có giá trị. Những tác phẩm đã xuất bản của ông có thể kế đến như kịch thơ Người Nam thà chết không hàng (1947), kí Khí hùng đất nước (1948), kí Những dòng chữ máu Nam Kì 1940 (1948), truyện Đường về gia hương (1948), kịch thơ Chiến sĩ Tháp Mười (1949), thơ Giữ vững niềm tin (1954), truyện kí Trần Văn Ơn (1955), truyện Cá bống mú (1956), truyện kí Ngọn tầm vông (1956), truyện Đất rừng phương Nam (1957), truyện ngắn Hoa hướng dương (1960), truyện Truy tìm kho vũ khí (1962), biên khảo Những chuyện lạ về cá (1981), biên khảo Tê giác giữa ngàn xanh (1982)...

Truyện Đất rừng phương Nam kể về quãng đời lưu lạc của chú bé An, cũng là nhân vật chính trong truyện, tại vùng U Minh của miền Tây Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Qua hình ảnh lưu lạc của chú bé, tác giả đưa người đọc đến với những cảnh thiên nhiên hoang dã, phì nhiêu; những con người mộc mạc, chân chất, giàu lòng yêu nước, căm thù giặc ở vùng đất Cà Mau.

Qua tác phẩm, tác giả mang đến cho người đọc những hiểu biết phong phú và tình yêu đối với thiên nhiên, con người ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc.

Một phần của tài liệu 500 CÂU HỎI BÀI TẬP TRẮC NGHIỆM VÀ TỰ LUẬN NGỮ VĂN 6 (Trang 112 - 117)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(210 trang)
w