Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VẤN ĐỀ HẬU PHƯƠNG TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ
1.2. Cơ sở thực tiễn của hậu phương trong chiến dịch Điện Biên Phủ
1.2.2. Vị trí địa chiến lược của Điện Biên Phủ
Điện Biên Phủ nay thuộc tỉnh Điện Biên, trước đây thuộc tỉnh Lai Châu, có một vị trí chiến lược quan trọng ở Tây Bắc Việt Nam cả ở Đông Dương.
Nơi đây cũng là một vùng kinh tế trù phú, rừng núi bao la điệp trùng đan xen những thung lũng màu mỡ.
Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng lớn ở phía Tây vùng rừng núi Tây Bắc, có lòng chảo Mường Thanh dài gần 20 km, rộng từ 6 - 8 km, có vị trí chiến lược quan trọng, nằm sát biên giới Việt - Lào, cách biên giới Trung Quốc, Thái Lan, Mianma từ 150 - 300 km, cách Hà Nội 500 km, cách Luông Pha Băng (Lào) khoảng 200 km theo đường chim bay, cách hậu phương chính của ta (Việt Bắc) từ 300 - 500 km đường bộ. Đây là cánh đồng rộng lớn trù phú, đông dân nhất vùng thượng du Bắc Bộ, có con sông Nậm Rốn chạy theo hướng Bắc Nam đổ xuống Nậm Hu, có sân bay Mường Thanh được xây dựng từ năm 1889, dân số Điện Biên Phủ có 2 vạn người thuộc 11 dân tộc khác nhau. Với đặc điểm như vậy, Điện Biên Phủ có vị trí chiến lược trọng yếu về mặt quân sự.
Bao bọc xung quanh cánh đồng Mường Thanh là những dãy núi cao thấp khác nhau, muôn hình muôn vẻ. Phía tây và nam là dãy núi Pú Xam Xao
chạy dọc biên giới Việt - Lào, với đỉnh cao nhất là 1.897 mét, tạo thành một dãy trường thành thiên nhiên - một bức bình phong kỳ vĩ. Phía bắc giáp với Pú Xam Xao là dãy Tây Trang - một hệ thống núi đá vôi, có nhiều cây cối um tùm và nhiều hang động tự nhiên khá hấp dẫn. Nơi đây, có cửa khẩu Tây Trang - cửa ngõ của Điện Biên và cả vùng Tây Bắc thông sang vùng Thượng Lào. Phía đông có dãy núi cao từ 1.200 đến 1.700 mét. Từ dãy núi chính này xòe ra ba nhánh ôm lấy cánh đồng Mường Thanh.
Xen giữa những dãy núi là thung lũng hẹp, những cánh đồng nhỏ men theo những dòng suối, những chi nhánh thượng nguồn của sông Mã, sông Nậm Mấc, Nậm Múa (chi nhánh sông Nậm Hu).
Cánh đồng Mường Thanh nằm gọn giữa ba dãy núi lớn kể trên và còn được bao bọc bời chừng hai mươi ngọn núi cao thấp, lớn nhỏ khác nhau. Với chiều dài hơn hai mươi kilômét, rộng hơn năm kilômét, Mường Thanh là cánh đồng phì nhiêu nhất của vùng Tây Bắc Việt Nam.
Cuối cánh đồng Mường Thanh - về phía nam, con sông Nậm Núa tỏa ra một nhánh sông có “tính khí” thất thường. Mùa nước cận, sông chảy hững hờ, hiền lành. Khi mưa lũ, sông trở nên hung dữ, như ngựa tuột dây cương, nên được nhân dân đặt tên là Nậm Rốm.
Khí hậu vùng Điện Biên chia làm hai mùa khá tách bạch. Mùa khô bắt đầu từ tháng 10 và kết thúc vào tháng 5 (dương lịch) năm sau. Thường về mù khô, trong thung lũng Mường Thanh, sương mù bao phủ dày đặc, và chỉ tan khi mặt trời thoát khỏi những dãy núi phía đông. Vào mùa này, ít mưa, khí hậu khô hanh.
Mùa mưa ở Điện Biên bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào khoảng cuối tháng 10 (dương lịch). Suốt 5 tháng mùa mưa, khí hậu ẩm thấp. Vào khoảng tháng 7 và tháng 8, nhiều khi mưa bất thần ập xuống như trút nước, và nước từ núi cao bốn phía đổ về lòng chảo Điện Biên gây lũ lớn; nhiều khi mưa tầm tã, rả rích mấy ngày liền.
Do Điện Biên ở vào vị thế quan trọng và là miền đất trù phú, nên Điện Biên Phủ được cả quân ta và Pháp chọn làm điểm quyết chiến chiến lược, là cả một quá trình diễn ra cuộc đấu trí, đấu lực, khi công khai, khi thầm lặng.
Điện Biên Phủ đã bị thực dân Pháp chiếm từ năm 1888 sau khi tên thực dân khoác áo nhà thám hiểm O-guyt-xtơ Pa-vi (Auguste Pavie) đã mò đến đây. Sau đó con đường mòn Lai Châu - Điện Biên Phủ được mang tên đường Pa-vi. Từ đầu thế kỷ XX, Điện Biên Phủ là “hạt nhân của đạo quan binh thứ 4” của Pháp ở Bắc Đông Dương.
Từ năm 1939, Điện Biên Phủ đã có một sân bay dã chiến. Trong cuộc Nhật đảo chính Pháp ngày 9 - 3 - 1945, quân Nhật rồi quân Tưởng đã có mặt ở Điện Biên Phủ. Khi ta ký Hiệp định sơ bộ ngày 6 - 3 - 1946 với Pháp, Pháp đã yêu cầu được đưa hơn 800 quân trở lại vùng này để làm nhiệm vụ tiếp phòng quân Tưởng.
1.2.3. Kế hoạch quân sự Nava - âm mưu, thủ đoạn của Pháp
Tình hình nguy khốn của quân đội xâm lược Pháp trên chiến trường Đông Dương và đầu năm 1953 đã đặt ra cho đế quốc Pháp vấn đề hết sức cấp thiết là phải có những phương sách mới để cứu vãn tình hình thế, tránh những thất bại nặng nề hơn. Chính phủ Pháp cho rằng phải tập trung mọi cố gắng tìm ra “lối thoát vinh dự”, nghĩa là “lối thoát thắng lợi”. Và muốn đạt mục tiêu đó thì trước mắt cần phải ra sức đẩy mạnh chiến tranh, giành lấy những thắng lợi quân sự tương đối lớn.
Vào giữa năm 1953, với sự thỏa thuận của Hoa Thịnh Đốn, chính phủ Pháp chỉ định tướng Nava làm tổng chỉ huy các lực lượng quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương thay tướng Xalăng. Nava và bọn tướng tá Pháp- Mỹ đề ra một kế hoạch tác chiến quy mô nhằm giành lại chủ động, và trong một thời gian ngắn giành lấy một thắng lợi quyết định.
Kế hoạch tác chiến đó đại thể chia làm hai bước:
Bước thứ nhất, Trong Thu Đông năm 1953 và mùa Xuân năm 1954, giữ thế phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, thực hiện tiến công chiến lược ở miền Nam, đồng thời ra sức mở rộng quân ngụy, tập trung binh lực xây dựng một đội quân cơ động lớn.
Bước thứ hai, nếu kế hoạch trên được thực hiện tốt thì đến Thu Đông năm 1954, với một lực lượng cơ động đã được tăng cường rất nhiều và đang có một khí thế chiến thắng, chúng sẽ chuyển toàn lực ra miền Bắc, chuyển sang tiến công chiến lược trên chiến trường miền Bắc, giành lấy những thắng lợi quân sự to lớn buộc ta phải điều đình trong một tình hình có lợi cho chúng.
Và, nếu ta không chịu chấp nhận những điều kiện của chúng thì lúc đó sẽ tiêu diệt chủ lực của ta.
Để thực hiện âm mưu và kế hoạch nói trên, chúng đã dùng mọi thủ đoạn dã man tàn bạo để bần cùng hóa nhân dân ta trong vùng tạm chiếm, càng quét, vây bắt, lừa bịp dụ dỗ, lưu manh hóa thanh niên. Từ tháng 5 năm 1953 đến tháng 3 năm 1954, số quân ngụy đã tăng thêm 9 vạn 5 nghìn.
Từ Hè - Thu 1953, chúng liên tiếp mở những cuộc hành quân càn quét dữ dội ở Bắc Bộ, Bình - Trị - Thiên, Nam Bộ, ráo riết bình định và bắt lính, uy hiếp vùng tự do của ta, thả hàng ngàn thổ phỉ xuống vùng rừng núi Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, tập kích Lạng Sơn…
Phát hiện sự di chuyển của quân ta, từ 20 - 11 - 1953, Navarre cho 6 tiểu đoàn Âu - Phi tinh nhuệ nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, nhằm bảo vệ Tây Bắc, Thượng Lào và để phá tan cuộc tiến công Đông - Xuân của ta. Đây là một điểm bổ sung lớn ngoài dự kiến ban đầu của kế hoạch Navarre.
Phát hiện chủ lực của ta tiến nhanh lên Điện Biên Phủ, ngày 3 - 12, Navarre quyết định rút bỏ Lai Châu, co lực lượng về giữ Điện Biên Phủ, gấp rút tăng cường lực lượng, xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh.
Quyết định trên đây của tướng Nava, giữ vững và tăng cường Điện Biên Phủ và tiếp nhận chiến đấu với chủ lực của ta ở Điện Biên Phủ là một quyết định có tính chất chiến lược cực kỳ quan trọng. Một trang sử mới bắt đầu trong cục diện của cuộc chiến tranh ở Đông Dương.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
Hậu phương là nhân tố quyết định thắng lợi của chiến tranh. Vì vậy khi có chiến tranh hay trong hòa bình đều phải nhận thức đúng đắn quan điểm về vấn đề hậu phương để ra sức xây dựng, bảo vệ tiềm lực mọi mặt của hậu phương, của đất nước, tạo thế và lực bảo đảm cho lực lượng vũ trang giành chiến thắng. Nắm vững những quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng về vấn đề hậu phương để thấy được vai trò quan trọng của hậu phương trong chiến tranh cách mạng.
Chương 1 còn nêu ra được cơ sở thực tiễn trong chiến dịch Điện Biên Phủ, qua đó nhận ra những thuận lợi, khó khăn của ta và thực dân Pháp, giúp ta hiểu thấu đáo, sâu xa về vai trò của hậu phương dẫn đến thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Chương 2