Chương 2. CHI VIỆN CỦA HẬU PHƯƠNG TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ
2.2. Chi viện của hậu phương đối với chiến dịch Điện Biên Phủ theo phương án đánh chắc, tiến chắc
2.2.2. Sự chi viện của hậu phương trong nước
Theo phương châm tác chiến mới, công tác tổ chức đảm bảo hậu cần, nhất là việc cung cấp lương thực, đạn dược, đường sá vận tải, bảo đảm quân y… trở nên nặng nề hơn đối với hậu phương. Tổng số cán bộ, chiến sĩ của bộ máy hậu cần chiến dịch lên tới 3.168 người, lực lượng dân công và thanh niên xung phong phục vụ ở tiền tuyến có gần 50.000 người. Số dân công được huy động làm thành nhiều đợt, luân phiên và kế tiếp nhau, đợt trước chưa về đợt sau đã lên đường, lên tới hàng chục vạn người.
Về công tác vận tải, từ trung tuần tháng 2 năm 1954, tuyến vận tải của Hội đồng cung cấp mặt trận được kéo dài thêm đến Sơn La để tuyến hậu cần chiến dịch có điều kiện vươn lên phía trước. Lực lượng vận tải, hệ thống kho tàng từ Sơn La lên Điện Biên Phủ được chia làm ba tuyến: Tuyến Sơn La -
Tuần Giáo, tuyến Tuần Giáo - cây số 62 (đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ) và tuyến cây số 62 trở và hỏa tuyển (tuyến này được gọi là tuyến hậu cần hỏa tuyến). Mỗi tuyến đều có ban chỉ huy đại diện cho Tổng cục hậu cần, thống nhất chỉ huy các lực lượng thuộc tuyến.
Trong việc vận tải ở phía sau, trên hướng chính, từ phía đông sang, ta đã sử dụng 9 đại đội ô tô và 7 đại đội xe mới thành lập, có nhiệm vụ vận tải hàng từ Lạng Sơn, Cao Bằng và các kho chiến lược ở hậu phương ra trung tuyến.
Số xe sử dụng trên hướng này lúc cao nhất là 628 chiếc, ngoài ra còn có đội ca nô 26B dùng 8 ca nô kéo thuyền trên sông Thao, sông Đà và kéo phà trên các dòng sông.
Trên tuyến sông Nậm Na, từ phía Bắc xuống, ta đã phá hàng trăm thác ghềnh mở được tuyến từ Ba Nậm Cúm về Lai Châu. Dân công đã lấy gần 60 vạn cây tre nứa đóng gần 12 nghìn bè mảng để vận tải 2010 tấn gạo từ vùng Phong Thổ về Lai Châu, từ đó tiếp chuyển bằng đường bộ về Điện Biên Phủ.
Trên các tuyến đường bộ từ phía Nam lên, một lượng lớn hàng chục vạn dân công và rất nhiều phương tiện thô sơ (7000 xe cút kít, 1800 xe đạp, 300 xe ngựa) được huy động để đảm nhiệm việc chuyển hàng từ Liên khu IV, Liên khu III ra mặt trận.
Máy bay, pháo binh quân đội Pháp đã đánh phá mạnh các tuyến vận tải của Việt Nam từ hậu phương ra tiền tuyến, như khu vực Đèo Khế (Thái Nguyên), Đèo Cả (Bắc Giang)… Bộ tổng tư lệnh đã điều 2 tiểu đoàn cao xạ 37 ly mà một số đại đội phòng không súng 12,7 ly, kiên quyết đánh trả máy bay, bảo vệ tuyến tiền phương, từ đèo Lũng Lô vào mặt trận, do đó tỉ lệ bom ném trúng đường rất ít so với trước. Khi đã xiết chặt thêm vòng vây, quân Pháp phải co hẹp lại, không đánh thọc ra được, ta đã phát huy tác dụng của cơ giới ở hỏa tuyến, giảm bớt việc vận tải bằng sức người.
Về cứu chữa thương bệnh binh, để đảm bảo cứu chữa thương, bệnh binh, hậu cần chiến dịch đã bố trí 2 tuyến quân y điều trị. Tuyến trước có 4 đội điều
trị của các đại đoàn và 2 đội điều trị của Cục Quân y tuyến sau có 5 đội điều trị của Cục Quân y, tổ chức thành các bệnh viện mặt trận. Phương châm của ta là vừa tác chiến vừa tổ chức cứu chữa và vận chuyển thương binh về phía sau không kể ngày đêm. Trong khi chiến dịch đang tiếp diễn, quân y mặt trận đã tổ chức chuyển thương binh nặng về hậu phương. Các đơn vị xe ô tô đã đảm bảo vận chuyển 85% số thương binh nặng về hậu phương. Số thương binh còn lại, không thể đi xe mà phải cáng bộ, được dân công đảm nhiệm.
Trên các tuyến vận tải an toàn hơn song rất khó đi, dân công nhất là chị em phụ nữ đã vừa là người vận tải, vừa là người chăm sóc, cứu chữa, đã ngày đêm tận tình chuyến hàng ngàng thương binh, bệnh binh nặng về hậu phương.
Về cung cấp vũ khí, đạn dược. Tổng số pháo mặt đất, pháo phòng không, súng cối từ 82 ly trở lên mà bộ đội ta sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ là 315 khẩu. Hậu phương đã cố gắng chuẩn bị được 1.450 tấn đạn các loại (xấp xỉ con số kế hoạch đã đề ra là 1.500 tấn). Để giảm một phần khó khăn về cung cấp của mình, khoét sâu sự khốn cùng của đối phương, ta còn thực hiện chiến thật bao vây, đánh lấp, cô lập hậu cần của Pháp và tổ chức đoạt dù tiếp tế của quân Pháp. Có lúc bộ đội ta đã thu được 50% số dù tiếp tế của quân đội Pháp và bổ sung được một số lớn vật phẩm, nhất là đạn pháo 105 mm.
Về cung cấp lương thực, thực phẩm, do lực lượng bộ đội, dân công hỏa tuyến đông lên tới khoảng 100.000 người, nên vấn đề cung cấp lương thực, thực phẩm là hết sức quan trọng, chiếm tới trên 70% khối lượng vật chất cung cấp cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Hậu phương, hậu cần đã làm hết sức mình và đã giải quyết tốt việc bảo đảm lương thực, thực phẩm cho bộ đội, dân công. Khi chiến dịch kéo dài, hoạt động vất vả, ăn uống kém, sức khỏe của bộ đội bị giảm sút, hậu phương đã tổ chức thu mua, chế biến thực phẩm đưa lên tiếp tế cho bộ đội, như làm thịt ướp, muối dưa, cung cấp thêm vừng, đậu xanh, lạc, nước mắm cô đặc, cá khô. Bếp nấu cơm được đưa ra sát trận địa để bộ đội được ăn cơm nóng.
Về động viên chính trị tinh thần, hậu phương đã có nhiều phong trào hướng ra tiến tuyến, như thi đua đóng góp sức người, sức của, đi bộ đội, dân công, hăng hái đấu tranh giảm tô, giảm tức, cải cách ruộng đất, viết thư động viên người thân ở hỏa tuyến… Sự quan tâm của nhân dân hậu phương, các tin tức thắng lợi của cuộc đấu tranh dân chủ ở vùng tự do, các cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân vùng tạm bị chiếm đã có tác dụng hết sức to lớn, nâng cao tinh thần chiến đấu của bộ đội. Hậu phương đã gồng mình chuyển ra tiền tuyến tất cả sức mạnh vật chất và tinh thần, góp phần làm nên ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn mặt trận, đưa chiến dịch Điện Biên Phủ đến thắng lợi huy hoàng.