Chương 2. CHI VIỆN CỦA HẬU PHƯƠNG TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ
2.2. Chi viện của hậu phương đối với chiến dịch Điện Biên Phủ theo phương án đánh chắc, tiến chắc
2.2.1. Bối cảnh lịch sử mới
Trong khi tiến hành công tác chuẩn bị, ta vẫn tiếp tục theo dõi tình hình địch và kiểm tra lại khả năng của ta. Tiểu đoàn trinh sát 426 thuộc Cục quân báo Bộ Tổng tham mưu phát hiện địch có tăng cường lực lượng, xây dựng trận địa, tổ chức hệ thống phòng ngự vững chắc. Vì vậy vấn đề đặt ra là phải xem xét một cách nghiêm túc trong tình huống địch đã tăng cường phòng ngự, ta “đánh nhanh thắng nhanh” có chắc thắng không? Nếu ta đánh vào, địch cụm lại ở các điểm cao phía đông, ta có thể đánh nhanh được không? Ta có thể đánh ban ngày dưới phi pháo xe tăng địch trong điều kiện không có trận địa tiến công được không?
Trong mấy ngày liền, Đảng ủy chiến dịch và đồng chí Tổng tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch đã suy nghĩ rất nhiều nhưng vẫn chưa giải đáp được những câu hỏi trên đây một cách dứt khoát. Trong tình hình đó, rõ ràng
“đánh nhanh thắng nhanh” không chắc thắng. Phải “đánh chắc tiến chắc”.
Nhưng “đánh chắc tiến chắc” lại phải kéo dài thời gian. Làm thế nào để giải quyết vấn đề bổ sung và tiếp tế?
Trước tình hình mới do sự tăng cường của địch ở Điện Biên Phủ, sự bố trí lực lượng, trận địa của địch đã thay đổi, ngày 25 - 1 - 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định “không thể đánh theo kế hoạch đã định… Nếu đánh là thất bại”. Tại cuộc họp Đảng ủy mặt trận, Đại tướng quyết định chuyển
phương châm tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Theo đó hoãn cuộc tiến công theo kế hoạch, bộ đội toàn tuyến được lệnh rút về vị trí tập kết, kéo pháo ra; mọi công tác chuẩn bị thực hiện theo phương châm “đánh chắc tiến chắc”. Bộ Chính trị sau khi được báo cáo đã nhất trí cho đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn. Vì rất quan tâm đến mặt trận Điện Biên Phủ, nên khi phê chuẩn việc thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo cho Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch là sẽ động viên sự nỗ lực cao độ của hậu phương để giải quyết khó khăn về tiếp tế cho Điện Biên Phủ.
Trong quá trình ta chuẩn bị chiến dịch, địch vẫn tiếp tục tăng cường củng cố tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đến trước khi ta nổ súng tiến công, đầu tháng 3 - 1954, Bộ Chỉ huy Pháp đã điều động lên Điện Biên Phủ toàn bộ lính dù và 40% quân cơ động tinh nhuệ nhất ở Đông Dương, đưa tổng số quân địch ở Điện Biên Phủ lúc cao nhất lên 16.200 tên, gồm 21 tiểu đoàn, trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh với 40 khẩu pháo từ 105 - 155 mm, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng 10 chiếc, 1 đội xe vận tải hàng trăm chiếc, 1 phi đội không quân thường trực 14 máy bay. Với lực lượng trên, Pháp bố trí thành 49 cứ điểm, trong đó tổ chức thành 8 cụm cứ điểm hợp thành 3 phân khu, mỗi phân khu có các trung tâm đề kháng mạnh và yếu trợ lẫn nhau.
Phân khu Bắc: gồm cụm cứ điểm Độc Lập, Bản Kéo. Cụm cứ điểm Him Lam tuy thuộc Phân khu Trung tâm, nhưng cùng với các cụm cứ điểm Độc Lập, Bản Kéo là những vị trí ngoại vi đột xuất của địch có nhiệm vụ án ngữ phía Bắc và Đông Bắc.
Phân khu Nam: gồm cụm cứ điểm Hồng Cúm, có trận địa pháo, sân bay dự bị án ngữ phía Nam và nối thông liên lạc với Thượng Lào.
Phân khu Trung tâm: gồm hai phần, phía Tây sông Nậm Rốm có sân bay, sở chỉ huy, trận địa pháo, cơ giới đầu cầu… Phía Đông có các dãy đồi A1, A2,
A3, C1, C2, C3… nối với nhau thành một hệ thống phòng ngự có các công sự kiên cố đều nằm chìm dưới lòng đất, mỗi cụm cứ điểm là một hệ thống hỏa lực nhiều tầng, có chiến hào ngang dọc, ngoài ra còn có nhiều loại vũ khí như súng phun lửa, súng máy 4 nòng, súng bắn đêm bằng tia hồng ngoại…
Về ta, lực lượng tham gia chiến dịch gồm các đại đoàn bộ binh: Đại đoàn 308 (3 trung đoàn 102, 88, 36), Đại đoàn 312 (3 trung đoàn 141, 209, 165), Đại đoàn 316 (2 trung đoàn 174, 98, một tiểu đoàn của Trung đoàn 176); và Trung đoàn 57 thuộc Đại đoàn 304. Hỏa lực có Đại đoàn công - pháo 351 gồm: Trung đoàn pháo binh 45, Trung đoàn sơn pháo 657, Trung đoàn pháo cao xạ 367 và 2 đại đội súng máy cao xạ 12,7 mm (24 khẩu). Tổng số quân chủ lực ta khoảng 40.000 người, nếu tính cả tuyến hai thì số quân lên tới 55.000 người.
Lực lượng phục vụ chiến dịch có: 628 ô tô vận tải, 21.000 xe đạp thồ, 261.500 dân công cùng nhiều tàu thuyền, lừa, ngựa…
Vào cuối thượng tuần tháng 3, công tác chuẩn bị mọi mặt đã hoàn thành, thế trận chiến dịch đã triển khai xong, các đơn vị sẵn sàng nổ súng.