Sự chi viện của hậu phương trong nước

Một phần của tài liệu Vai trò của hậu phương đối với chiến dịch điện biên phủ trong kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược (2017) (Trang 28 - 35)

Chương 2. CHI VIỆN CỦA HẬU PHƯƠNG TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

2.1. Chi viện của hậu phương trong chiến dịch Điện Biên Phủ theo phương án đánh nhanh thắng nhanh

2.1.1. Sự chi viện của hậu phương trong nước

Do Điện Biên Phủ cách xa các vùng hậu phương chiến lược Thanh - Nghệ - Tĩnh và Việt Bắc hơn 500km, nhân tài vật lực tại chỗ khó khăn, nên kế hoạch tác chiến dự kiến ban đầu của ta là đánh nhang, thắng nhanh. Hậu phương và ngành hậu cầu quân đội đã làm hết sức mình để chuẩn bị cho chiến dịch.

Về bảo đảm về lương thực, thực phẩm. Nhu cầu vật chất cho chiến dịch theo phương án “đánh nhanh thắng nhanh” dự tính là: 7.730 tấn gạo, 140 tấn muối, 465 tấn lương thực khô, 343 tấn đạn dược, thời gian chuẩn bị yêu cầu đến 30/1/1954 phải hoàn thành. Để đưa được khối lượng vật chất đó ra hỏa tuyến, đúng thời gian quy định, ta đã tổ chức 2 tuyến vận tải: tuyến phía Nam, sử dụng dân công chuyển lương thực, đạn dược, phục vụ các đơn vị chiến đấu ở phía nam Điện Biên Phủ và tuyến phía Đông, sử dụng 9 đại đội chở vũ khí, xăng dầu từ Lạng Sơn, Cao Bằng và các kho hậu cần chiến lược đến mặt trận;

5 đại đội vận chuyển từ các kho dự trữ ở binh trạm Tuyên - Phú (Tuyên Quang - Phú Thọ) và tiếp chuyển từ Yên Bái, Nghĩa Lộ đến mặt trận ta sử dụng lực lượng tập trung vận tải từng đợt, đợt đầu chuyển đến Sơn La, đợt 2 chuyển từ Sơn La lên Tuần Giáo và vào Điện Biên Phủ cây số 62.

Lường trước khó khăn trong bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch, nhất là về lương thực, ta đã thực hiện chủ trương phát huy sức mạnh tổng hợp của hậu

cần chiến tranh nhân dân, kết hợp mọi nguồn, mọi phương thức bảo đảm về hậu cần cho Chiến dịch, với phương châm: huy động tại chỗ là chính và tích cực vận chuyển từ hậu phương ra tiền tuyến. Để bảo đảm đầy đủ, kịp thời hậu cần cho một chiến dịch quy mô lớn, trên chiến trường xa hậu phương, vận chuyển khó khăn như Điện Biên Phủ thì đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Thực hiện chủ trương này, chúng ta đã phát huy cao nhất việc khai thác nguồn tại chỗ, trước hết trên địa bàn Chiến dịch, kết hợp với huy động đưa từ hậu phương lên bằng mọi hình thức; đồng thời, đề cao ý thức tự khai thác, cải thiện sinh hoạt của bộ đội và triệt để thu chiến lợi phẩm, nhất là đoạt dù tiếp tế của địch. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, các địa phương ở: Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, Thanh Hóa đã huy động được 23.126 tấn gạo; 922 tấn thịt; 800 tấn rau; 226 tấn muối; 917 tấn thực phẩm khác,… trên 261.000 lượt dân công với 12 triệu ngày công phục vụ Chiến dịch; trong đó, riêng nhân dân Tây Bắc cung cấp đến gần 50% nhu cầu gạo, thực phẩm cho Chiến dịch.

Những hạt gạo “vét từ đáy bồ” của nhân dân vùng Tây Bắc thực sự có giá trị, góp phần quan trọng vào công tác bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch.

Trong số lương thực được vận chuyển lên Điện Biên Phủ, gạo là quan trọng hơn cả. Gạo được đưa lên từ hậu phương, đường tiếp tế xa xôi, máy bay địch ngày đêm bắn phá, thả bom xuống các tuyến đường vào Điện Biên. Dân công ta ngày đêm đi liên tục, chuyển được 1 kg gạo đến mặt trận thì ăn hết 15 kg, mặt khác ta còn phải dành nhân lực để vận chuyển vũ khí, đạn dược. Để khắc phục những khó khăn trong công tác hậu cần, Trung ương Đảng và Bộ chỉ huy mặt trận chủ trương huy động nguồn lương thực tại chỗ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, kết hợp với chiến lợi phẩm thu được của địch. Giành giật với địch số lúa ở cánh đồng Mường Thanh, bảo vệ vùng Nghĩa Lộ, Than Uyên, Quang Huy là những ruộng lúa của Tây Bắc không cho địch đốt và lấy.

Bộ chỉ huy mặt trận xác định gạo, rau, cá thứ gì ở địa phương có thì cần khai thác cung cấp ngay tại chỗ. Đây chính là chỗ hơn hẳn của ta so với địch, vì từ cái tăm, ngụm nước đến cái ăn cái mặc địch cũng phải đưa bằng máy bay ở Hà Nội lên. Trong khi đó bộ đội ta đóng quân ở nơi có rất nhiều lúa của nhân dân địa phương. Khi Thực dân pháp cho quân nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, đúng vào thời điểm mà người dân đang thu hoạch mùa vụ, lúa chín đầy đồng nhưng bị máy bay của địch phá nát.

Trong khi đó đồng bào gặt lúa xong còn đánh đống ở ngoài đồng, chưa kịp mang về thì địch đã nhảy dù chiếm đóng. Nhiều đống lúa gần các cứ điểm địch đã bị chúng tưới xăng đốt hoặc cho xe tăng quần nát. Chỗ xa chúng cho máy bay thả bom lửa, bom phá. Nhân dân Điện Biên rất căm giận tội ác của giặc. Nguời dân nhiều lần tìm gặp cán bộ địa phương đề nghị cho bộ đội lấy được lúa thì cứ đem về mà dùng. Có một số nơi, đồng bào không kịp thu hoạch do địch đánh phá, nên bà con trong vùng thoả thuận giao tất cả nương, rẫy lúa cho các đơn vị bộ đội tự thu hoạch, kịp làm gạo nuôi quân, rồi sau ghi sổ báo lại.

Dựa theo nguyện vọng của nhân dân, đồng thời theo yêu cầu của mặt trận. Ban chỉ huy các Đại đoàn đóng quân gần đồng bào Điện Biên thì không để số thóc quý đó lọt vào tay giặc. Một phần số lúa thu được sẽ đưa lại cho đồng bào tản cư ở khe núi để đồng bào sử dụng, còn một phần lớn bộ đội dùng sẽ thanh toán trả bằng tiền mặt hoặc gạo sau này cho đồng bào.

Nhưng với tập quán của đồng bào miền núi Tây Bắc ăn bữa nào giã gạo bữa đó. Do tập tục lạc hậu, chỉ biết dùng cối nước hay chày tay để làm gạo, vừa chậm lại không kịp thời, vấn đề đặt ra là lúa có lấy được cũng không đủ người để giã gạo cung cấp cho bộ đội.

Lúc này, Bộ chỉ huy mặt trận yêu cầu các đơn vị xem xét lí lịch cán bộ, chiến sĩ ai biết đóng cối, nhanh chóng đóng một loại cối xay thóc giống như

đồng bào dưới xuôi hay dùng. Để nhanh chóng giải quyết mấy trục tấn gạo phục vụ mặt trận. Tổ đóng cối nhanh chóng được tuyển mộ từ các đơn vị bộ đội, đơn vị dân công, từ hậu phương lên. Cũng trong lúc này hàng trăm thợ đóng cối ở dưới xuôi đặc biệt ở Thái Bình, Nam Định được huy động lên Điện Biên cùng với các “phó cối” ở các đơn vị biên chế thành nhiều bộ phận như những công xưởng đóng cối. Cối được đóng từ tre rừng, các tổ nhanh chóng vào rừng chặt tre bện dây làm áo cối, trẻ nan tre đóng nêm, dùng tre làm cần, tất cả nguyên vật liệu đóng cối được làm bằng tre và đất.

Trong các tổ đóng cối, nhiều đồng chí biết đóng cối nhưng tay nghề chưa cao, lúc đầu mới chỉ đóng được loại cối cỡ nhỏ dùng trong nhà. Sau nhiều lần đóng thử, các “phó cối” ở các đơn vị phối hợp với các “phó cối”

hậu phương rút kinh nghiệm, đã đóng được cối xay cỡ lớn xay được 10 kg thóc. Cối quay vừa nhẹ vừa nhanh, gạo ra trắng đều không nát, không sống.

Kỹ thuật đóng cối lớn được phổ biến đến các đơn vị. Trong một thời gian ngắn hàng mấy trăm chiếc cối xay lúa đã được cung cấp cho các kho, các công trường xay giã. Từ những nơi này, những chiếc cối xay ngày đã cung cấp gạo cho các đại đoàn quân ta tại mặt trận. Những chiếc cối xay lúa bình dị đã góp phần làm nên sức mạnh để chiến thắng quân thù. Đây là nét độc đáo và được coi là kỳ tích của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong các xưởng chế biến xay xát gạo, nhiều cán bộ, chiến sỹ, dân công vừa làm việc vừa ca hát nhộn nhịp. Nhiều câu ca, câu hò được mọi người vận dụng hát vui vẻ: “Nhanh tay lên chị em ơi; Thêm một cân gạo diệt một đời thằng Tây”, hay “Ra đi chỉ một lời thề; Điện Biên còn giặc chưa về quê hương”.

Một số gia đình đồng bào Thái ở những bản làng lân cận mới tản cư vào gần khu vực bộ đội ta đóng quân, khi nghe tin bộ đội ta đóng được cối, xay được nhiều gạo đã tìm đến xem và nhờ cán bộ chỉ dạy. Các tổ đóng cối còn tranh thủ đóng thêm nhiều cối xay nữa để tặng lại cho đồng bào và hướng

dẫn bà con cách làm và sử dụng cối. Từ đó bà con dân bản truyền dạy cho nhau kỹ thuật đóng cối xay được nhiều thóc. Đồng bào các dân tộc Tây Bắc cảm ơn bộ đội cụ Hồ không những giỏi đánh Tây mà còn giỏi kỹ thuật, giúp bà con đỡ vất vả hơn trong giã gạo, cải thiện trong cuộc sống, xóa bỏ những tập tục lạc hậu.

Nhờ có cối xay mà gạo ăn ở mặt trận đã được cung cấp kịp thời, giải quyết được những khó khăn về cung cấp lương thực góp phần vào thắng lợi chung của toàn chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong Chiến dịch này, hậu phương đã khẳng định vai trò hết sức to lớn và có bước phát triển nhảy vọt về nội dung, hình thức bảo đảm. Với nhu cầu vật chất gấp gần 03 lần so với dự kiến ban đầu và gấp hàng chục lần nhu cầu bảo đảm theo phương án “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”, nếu không dựa vào hậu phương, huy động sức mạnh toàn dân, thì không có cách nào có thể thực hiện được.

Về công tác vận tải, để giải quyết khâu khó khăn nhất trong công tác bảo đảm hậu cần, vấn đề quan trọng bậc nhất là đường sá và công tác vận tải, công tác bảo đảm cầu, đường đã được ta triển khai đi trước một bước.

Ngay từ tháng 12 - 1953, ta huy động lực lượng tổ chức tu sửa và mở mới các đường số 41, số 13, đường từ Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ, với tổng số trên 500 km; đồng thời, mở nhiều tuyến đường cho phương tiện thô sơ, phá thác để vận chuyển bằng thuyền, mảng, hình thành mạng giao thông vận tải nối liền hậu phương với chiến trường. Nhận thức rõ, vận tải là khâu trung tâm của công tác hậu cần, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã tập trung chỉ đạo giải quyết thành công nhiều vấn đề về công tác vận tải, từ phân tuyến vận tải đến tổ chức, chỉ huy, điều hành, đảm bảo vận tải,... Khác với các chiến dịch trước đó, trên cơ sở phương châm tác chiến chiến dịch, do nhu cầu vận tải lớn, tuyến vận tải dài,… Tổng cục Cung cấp xác định: lấy vận tải cơ giới là chủ yếu, triệt để phát huy cơ giới, đồng thời hết sức tranh thủ mọi phương tiện thô

sơ. Thực hiện phương châm đó, chúng ta đã kết hợp chặt chẽ phương thức vận tải cơ giới với vận tải thô sơ, huy động cao nhất vận tải cơ giới, phát huy thế mạnh của từng phương thức, phù hợp với điều kiện địa hình.

Chiến dịch đã huy động sử dụng toàn bộ 16 đại đội ô tô vận tải hiện có lúc đó; 02 vạn xe đạp thồ; gần 4.500 thuyền, mảng cùng hàng trăm xe ngựa, xe trâu, bò kéo. Thực tế, trên 90% khối lượng vận chuyển do vận tải cơ giới đảm nhiệm. Vận tải thô sơ, sức người tuy đảm nhiệm khối lượng không lớn, nhưng đặc biệt có giá trị, hỗ trợ đắc lực cho vận tải cơ giới, nhất là khi giao thông bị ách tắc và đưa hàng đến những nơi ô tô không đến được. Điều đặc biệt hơn, vận tải thô sơ, sức người trong Chiến dịch hoàn toàn do lực lượng dân công đảm nhiệm; qua đó, để lại những bài học quý trong huy động, sử dụng dân công, bổ sung thêm một nét độc đáo trong nghệ thuật Vận tải Việt Nam. Trong cuốn “Mắt thấy tại Việt Nam” có ghi lại lời than thở của một sĩ quan cao cấp Quân đội Pháp: "Than ôi! máy bay của chúng ta lại thua đội bồ dân công của Việt Minh”. Hay đại tá Giuyn Roa người Pháp đã viết “…và không phải viện trợ của Trung Quốc đánh bại tướng Nava mà đó là những chiếc xe đạp Pơgio chở 200 - 300kg hàng do những dân công ăn không đủ no, ngủ trên những tấm ni lông trải ngay trên mặt đất… và lòng quyết tâm chiến thắng của đối phương”.

Vấn đề bảo đảm, bảo vệ đường vận tải cũng được hết sức coi trọng.

Chiến dịch đã sử dụng 100% lực lượng công binh, 50% lực lượng cao xạ, 02 đại đội thông tin và hàng vạn dân công, với tổng quân số chiếm đến 1/5 lực lượng tham gia Chiến dịch để làm nhiệm vụ này. Vì vậy, mặc dù địch đánh phá ác liệt, thời tiết khắc nghiệt, nhưng tuyến vận tải chiến dịch luôn thông suốt, công tác bảo đảm hậu cần không bị gián đoạn.

Với tinh thần tất cả cho mặt trận, tuyến vận tải của Hội đồng cung cấp mặt trận và của hậu cần chiến dịch được bố trí an toàn nhất, hợp lý nhất nên

dân công đã đưa hàng đến đích an toàn, kịp thời cho chiến dịch. Đến cuối tháng 1 năm 1954, hậu phương đã hoàn thành việc chuẩn bị chu đáo cho chiến dịch. Đến cuối tháng 1 năm 1954, hậu phương đã hoàn thành việc chuẩn bị chu đáo cho chiến dịch theo kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh”.

Về cứu chữa thương binh, bệnh binh. Trong điều kiện đường xá đi lại khó khăn, trên mọi địa hình rừng núi, đèo, suối, vực sâu dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, ta đã làm nên được những kỳ tích chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới. Một trong số đó là công tác quân y, vốn dĩ thường "đi trước về sau" là vấn đề luôn được ưu tiên hàng đầu trong bất cứ một chiến dịch nào.

Để thuận tiện cho việc cứu chữa, tại mỗi đơn vị đều bố trí những trạm cứu thương nhỏ bởi thương binh nặng tại mặt trận không thể chịu đựng được cuộc hành trình dài để trở về hậu phương trên những con đường máy bay đánh phá ác liệt. Họ cần được điều trị tại chỗ. Với 13 đội điều trị bố trí tại các Đại đoàn, các tuyến, hướng bao quanh tập đoàn cứ điểm theo những vị trí tiến công của bộ đội ta. Bên cạnh đó, với khẩu hiệu: “Mỗi ô tô là một bệnh xá lưu động”, các chiến sĩ quân y cùng với lái xe đã tận dụng mọi hình thức như lót lá, lót rơm, làm cáng để vận chuyển thương binh về phía sau một cách an toàn. Các Đội quân y Trung đoàn, tiểu đoàn đã bám sát trận địa, xây dựng hệ thống trạm quân y trong lòng đất để cứu chữa thương bệnh binh.

Trung ương đã cử các thầy thuốc nổi tiếng như Bác sĩ, Bộ trưởng Bộ Y tế Vũ Đình Tụng, Bác sĩ Thứ trưởng Bộ y tế Tôn Thất Tùng tham gia chiến dịch và trực tiếp phẫu thuật cho thương binh ngay tại mặt trận. Trong đó Bác sĩ Tôn Thất Tùng là bác sĩ phẫu thuật được coi là có đôi bàn tay vàng. Các Bác sĩ Triệu, Huấn, hiệu trưởng và hiệu phó trường quân y cũng đưa một số học sinh lên chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Nhưng có những trường hợp hiểm nghèo, như vết thương sọ não, vượt quá khả năng của quân y ta đã

bố trí những trạm trung chuyển ở nhiều tuyến. Các bác sĩ sẽ xử lý vết thương một cách tối ưu, đảm bảo có thể vận chuyển một cách an toàn về hậu phương để chữa trị.

Cho đến khi trước khi trận đánh bắt đầu, ta bố trí được hơn 650 giường bệnh tại tất cả các vị trí. Đợt một chiến dịch, do chủ động đối phó với địch ta hạn chế được nhiều thương vong, số chiến sĩ bị thương nặng nhanh chóng được cấp cứu, chữa trị kịp thời, được xuất viện trở lại đơn vị chiến đấu.

Nhưng sang đến đợt tấn công thứ hai, khi chiến sự ngày càng ác liệt, số thương binh ngày một nhiều, có thời điểm còn không kiểm soát được tình hình. Số các Bác sĩ Tôn Thất Tùng, Từ Giấy, Phạm Gia Triệu, Nguyễn Dương Quang, Vũ Văn Cẩn luôn phải làm việc không ngơi tay suốt ngày đêm, có những lúc quên ăn, quên ngủ, liên tục mổ, thay băng, cầm máu,... vậy mà rất nhiều chiến sĩ ta ra đi ngay trên bàn mổ. Dẫu rằng cái chết là điều tất yếu, trong chiến đấu lại trở thành quá đỗi bình thường, nhưng không ít nước mắt đã rơi trên khuôn mặt những chiến sĩ quân y.

Việc vận chuyển thương binh cũng hết sức khó khăn. Những đường hào do công binh đào chỉ rộng chừng 1,2m và cứ khoảng 3m lại có một hàm ếch để thương binh nằm. Về mùa mưa, đường lầy lội, nhếch nhác, vận chuyển thương binh về đến nơi phải vệ sinh, rửa vết thương sạch sẽ mới có thể cứu thương. Rất nhiều chiến sĩ quân y vừa tải thương, vừa chăm sóc, điều trị cho thương binh. Trong nhiều hoàn cảnh, họ còn an ủi, động viên tinh thần bộ đội.

Một phần của tài liệu Vai trò của hậu phương đối với chiến dịch điện biên phủ trong kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược (2017) (Trang 28 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(59 trang)
w