CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỰC THÔNG
1.1. Lý luận về nguồn lực thông tin trong trường đại học
1.1.4. Vai trò nguồn lực thông tin phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học trong trường đại học
Đối với hoạt động đào tạo
NLTT đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong môi trường giáo dục đại học, có ảnh hưởng sâu sắc tới chất lượng của hoạt động dạy, học, nghiên cứu của cả người dạy lẫn người học trong một trường đại học. Nói cách khác, thiếu NLTT thì không thể gọi là một trường đại học. Ba hoạt động chính của một trường đại học đó là nghiên cứu (Research), giảng dạy (Teaching) và học tập (Learning), cùng với đó là 3 thực thể quan trọng của một trường đại học là giảng viên (bao gồm cả nhà nghiên cứu, các chuyên gia), sinh viên (bao gồm cả sinh viên bậc kỹ sư (cử nhân), học viên sau đại học và học viên của các khoá ngắn hạn) và NLTT. Các thực thể này có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau trong các hoạt động của một trường đại học.
Thông thường NLTT của một trường đại học phần lớn sẽ do các thư viện đảm nhiệm. Tuy nhiên, đội ngũ giảng viên với những hiểu biết chuyên môn sâu là nguồn cung cấp thông tin quý giá về chuyên ngành đào tạo. Giảng viên, với vai trò là người truyền đạt tri thức và quan trọng hơn là người hướng dẫn sinh viên khai phá tri thức mới. Nguồn tri thức đó một phần được cung cấp qua nguồn tài liệu mà giảng viên biết. Giảng viên cũng là người cần cập nhật những tri thức mới thông qua các nguồn khác nhau trong đó có NLTT của trường. Tiến trình chuyển giao/
truyền đạt tri thức và khai phá tri thức của giảng viên và sinh viên có sự đóng góp quan trọng của NLTT. Biểu đồ 1 dưới đây mô tả mối quan hệ giữa NLTT với giảng viên và sinh viên.
Biểu đồ 1.1: Mối quan hệ giữa NLTT với giảng viên và sinh viên
Trường đại học phải đảm bảo cung cấp NLTT một cách đầy đủ, cập nhật và phù hợp để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập của trường đại học. Vì vậy, NLTT phải không ngừng được bổ sung, phát triển cả về lượng và chất. Phát triển NLTT số và chia sẻ NLTT đang là xu thế mới của các trường ĐH hiện nay.
Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học
Hoạt động NCKH có sự gắn kết chặt chẽ với việc tìm kiếm và khai thác thông tin. Bất cứ nhà nghiên cứu nào cũng khởi đầu bằng việc truy tìm thông tin và duy trì trong suốt quá trình nghiên cứu. NLTT được tiếp nhận và xử lý cho việc xây dựng các lý thuyết khoa học, tạo nên những công trình, những phát minh, những đề xuất về khoa học – công nghệ, cũng như hình thành những thông tin mới, dù đó là hoạt động nghiên cứu của đội ngũ giảng viên hay của học viên, sinh viên trong Nhà trường.
Nguồn thông tin đầy đủ, đa chiều và có chất lượng sẽ giúp giảng viên đưa ra những luận cứ khoa học có tính khách quan và khả thi cao. NCKH phục vụ chủ yếu cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, quyết định phương hướng, hoạch định các chính sách phát triển Khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế....
Đối với hoạt động chuyển giao tri thức
Trong việc chuyển giao tri thức, NLTT đóng vai trò rất quan trọng. Cung cấp thông tin của các hoạt động đào tạo, nghiên cứu cá nhân, đơn vị trực thuộc, là kết quả của hoạt động nghiên cứu của giảng viên, sinh viên trong trường. Khi có NLTT tốt mới có thể có những sản phẩm thông tin đạt chất lượng cao và có giá trị sử dụng.
Đối với hoạt động quản lý
NLTT là cơ sở bắt buộc cho việc ra quyết định của các cấp lãnh đạo, dù đó là lĩnh vực nào: chương trình giảng dạy, NCKH, mua sắm trang thiết bị, xây dựng nguồn nhân lực, liên kết đào tạo, chiến lược phát triển của ngành, thông tin đầy đủ, chính xác và đúng thời điểm mang tính khoa học, tính hệ thống sẽ giúp cán bộ lãnh đạo ra những quyết định đúng đắn, kịp thời và sáng suốt, để phù hợp với chủ trương đường lối chính sách của cơ quan đơn vị mình, giải quyết được những vấn đề thực tiễn đề ra.
Đối với các hoạt động hợp tác quốc tế
NLTT phát huy tác dụng của nó theo hai chiều. Nó cho biết đối tác của trường là ai? như thế nào? Ngược lại cho phép Nhà trường giới thiệu về lĩnh vực đào tạo ngành nghề với đối tác, từ đó hai bên đi đến việc quyết định lựa chọn người đồng hành và hình thức hợp tác giữa hai bên. NLTT luôn được giới thiệu để khẳng định quy mô, chất lượng đào tạo từng lĩnh vực chuyên ngành của trường.
Đối với các hoạt động kiểm định chất lượng
NLTT trở thành một trong các nguồn lực không thể thiếu được khi đánh giá về chất lượng đào tạo, NCKH, giảng dạy và học tập trong Nhà trường. Theo quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 1 tháng 11 năm 2007 của Bộ GD&ĐT về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học [18], Nhà trường phải chịu sự kiểm định và đánh giá trên tất cả các mặt hoạt động của nó (với mười tiêu chuẩn),
trong đó có NLTT. Kiểm định chất lượng xem xét yếu tố đầu vào (ví dụ số lượng tài liệu phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, học tập...), đồng thời chú trong yếu tố đầu ra (bao nhiêu tài liệu có nội dung mới và cập nhật thường xuyên, phù hợp với các chương trình đào tạo và mức độ sử dụng của chúng). Đây là một trong những yếu tố làm nên sức mạnh và uy tín của Nhà trường về đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.