CHƯƠNG 2 PHÂN TÍCH TÍNH HIỆU QUẢ CỦA ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
2.1. TỔNG QUAN VỀ ĐẶC ĐIỂM KHU VỰC NGHIÊN CỨU
Bà Rịa – Vũng Tàu là một tỉnh ven biển, nằm ở cực Đông của miền Đông Nam bộ, có diện tích tự nhiên khoảng 1.980,98 km2, chiếm 0,6% diện tích tự nhiên toàn quốc, bao gồm 8 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 2 thành phố và 6 huyện.
Hai thành phố gồm thành phố Vũng Tàu và thành phố Bà Rịa, 6 huyện gồm 5 huyện đất liền: Châu Đức, Tân Thành, Xuyên Mộc, Long Điền, Đất Đỏ và huyện Côn Đảo.
Phía Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, với đường địa giới chung dài khoảng 116,51 km;
Phía Đông Bắc giáp tỉnh Bình Thuận;
Phía Tây giáp thành phố Hồ Chí Minh;
Phía Nam và Đông Nam được bao bọc bởi biển Đông với hơn 200km bờ biển, trong đó có hơn 40 km là bãi tắm.
Bà Rịa – Vũng Tàu được coi là vùng tiếp giáp giữa trung du, đồng bằng và biển, là cửa ngõ của trục động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Bà Rịa - Vũng Tàu.
2.1.2. Điều kiện khí tượng
Vùng nghiên cứu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo có chế độ nhiệt tương đối ổn định với sự phân hóa hai mùa mưa và khô rõ rệt. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô kéo dài từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau. Các yếu tố khí hậu được tổng hợp nhiều năm như sau:
Lượng mưa: Mùa mưa trùng với gió mùa Tây Nam và mùa khô trùng với gió mùa Đông Bắc, lượng mưa giảm theo hướng từ đất liền ra biển. Lượng mưa dao động không nhiều từ 1327,9 mm đến 1376,5 mm, thấp nhất là 1198,7 mm (2012) và cao nhất là 1421,9 mm (2010). 80% lượng mưa tập trung vào tháng 6 đến tháng 10 hằng năm. Đặc biệt năm 2015, lượng mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10. Quy luật chung là vùng ven biển mùa mưa thường đến sớm và kết thúc muộn hơn so với miền núi, cao nguyên.
Nhiệt độ không khí: Nhiệt độ không khí bình quân dao dộng từ 25,8 đến 30,1oC, nhiệt độ trung bình tháng cao nhất đạt 30,8oC và thấp nhất là 25oC. Phía Nam vùng chênh lệch nhiệt độ thấp hơn do có sự điều hòa của gió biển. Biến thiên nhiệt độ trung bình hàng tháng trong năm không lớn, từ 3÷5ºC, nhưng chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm thường lớn, từ 6÷8ºC.
Độ ẩm không khí: Độ ẩm không khí trung bình năm dao động từ 75,2 đến 80,9%. Độ ẩm cao nhất thường vào tháng 9 và tháng 10, có khi đạt đến 85% và thấp nhất vào các tháng mùa khô, có khi chỉ đạt 72%.
Gió: Hướng gió chính thay đổi theo mùa, mùa khô đón gió Đông Bắc do ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc, khí hậu mát mẻ dễ chịu; mùa mưa chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam. Tần suất lặng gió trung bình năm là 26%, lớn nhất là tháng 8 (33,5%), nhỏ nhất là tháng 4 (14,1%). Tốc độ gió trung bình 2-3m/s.
Bức xạ mặt trời: Bức xạ mặt trời là yếu tố khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệt độ, độ ẩm khu vực, mức độ bền vững khí quyển. Số giờ nắng trung bình năm dao động từ 2.288 đến 2.923 giờ, số giờ nắng cao nhất đạt 229 giờ và thấp nhất là 112 giờ. Bức xạ mặt trời cao vào các tháng mùa khô từ tháng 2 đến tháng 5.
Với điều kiện khí hậu thuận lợi cho phát triển. Tuy nhiên do lượng mưa phân bố không đều và theo mùa, nhiều nắng, gió nên gây tác động đến hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh nói chung cũng như hoạt động khai thác khoáng sản và công tác phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản nói riêng. Vào mùa khô nhiều nắng gió là điều kiện phát tán chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi.
2.1.3. Đặc điểm kinh tế - xã hội 2.1.3.1. Dân cư
Theo Niên giám Thống kê tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2016, dân số toàn tỉnh là 1.076.060 người, trong đó dân số thành thị chiếm 49,5% dân số toàn tỉnh. Dân cư chủ yếu là người Việt, ngoài ra còn có người Hoa, Châu Ro, Khmer, Mường, Tày. Mật độ dân số trung bình không đều, tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn như thành phố Vũng Tàu và thành phố Bà Rịa. Mật độ dân số trung bình toàn tỉnh là 543 người/km2, nơi thấp nhất là 73 người/km2 (huyện Côn Đảo), nơi cao nhất là 2.142 người/km2 (thành phố Vũng Tàu).
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nguồn lao động đủ đáp ứng về số lượng, tuy nhiên cần phải đào tạo để nâng cao chất lượng cho lực lượng lao động phổ thông. Về lực lượng lao động chuyên sâu, trình độ cao phải được tuyển dụng thêm từ nơi khác đến.
Thành phố Vũng Tàu là Đô thị loại I – Trung tâm kinh tế -Văn hóa-Du lịch - Dịch vụ của tỉnh;
Thành phố Bà Rịa là Đô thị loại II – Trung tâm hành chính của tỉnh; và
Thành phố Phú Mỹ là Đô thị loại III – Trung tâm hành chính của huyện Tân Thành
2.1.3.2. Kinh tế
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có vị trí thuận lợi, tài nguyên tương đối phong phú và đa dạng để phát triển ngành kinh tế biển, nông lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản và đặc biệt là dịch vụ du lịch.
Trong 5 năm qua (2011-2015) kinh tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu duy trì được mức tăng trưởng hợp lý; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ; các ngành công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp có bước phát triển. Cơ cấu ngành công nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến; sản phẩm công nghiệp ngày càng đa dạng, có thêm nhiều sản phẩm mới; một số sản phẩm công nghiệp đã trở thành nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm công nghiệp khác; có nhiều sản phẩm sử dụng công nghệ cao, tiêu tốn ít năng lượng, có sức cạnh tranh, sức lan tỏa, thu hút công nghiệp hỗ trợ và các đề án khác. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng gấp 1,8 lần giai đoạn trước, trong đó vốn ngân sách chiếm 16%, vốn đầu tư của doanh nghiệp chiếm 84%; thu hút thêm 219 dự án đầu tư, gồm 76 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 2,4 tỷ USD, 143 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 78.119 tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách nhà nước trừ dầu khí trên địa bàn tỉnh tăng gấp 1,9 lần so với giai đoạn trước, vượt 19% dự toán, đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia. Trong đó, thu thuế xuất nhập khẩu đạt 107% dự toán; thu nội địa tăng gấp 2 lần so với giai đoạn trước, vượt 31% dự toán. Cơ cấu nguồn chi hợp lý, chi đầu tư phát triển chiếm 49,7%, chi thường xuyên chiếm 48,3%, các khoản chi khác chiếm 2%, đáp ứng được yêu cầu
chi cần thiết của tỉnh. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước tiến bộ; chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.
Mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2016-2020 đã được Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ VI, Nhiệm kỳ 2016- 2020 đề ra như sau:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân trừ dầu khí 7%/năm; GRDP bình quân đầu người (trừ dầu khí) đến năm 2020 đạt 7.000 USD;
Cơ cấu kinh tế (trừ dầu khí): Công nghiệp, xây dựng 54,15% - dịch vụ 35,6% - nông nghiệp 10,25%;
Giá trị sản xuất công nghiệp (trừ dầu khí) tăng 7,6%/năm;
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 10%; dịch vụ cảng tăng 6,65%/năm;
Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,53%/năm, lâm nghiệp tăng 1,24%/năm, ngư nghiệp tăng 4,95%/năm;
Giá trị xuất khẩu trừ dầu khí 19,8 tỷ USD, tăng bình quân 10%/năm;
Huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội 206.606 tỷ đồng, tăng 1,39%/năm;
Tổng thu ngân sách nội địa trên địa bàn đạt 173.515 tỷ đồng, tăng 4,19%/năm.
Tổng chi ngân sách địa phương khoảng 82.092 tỷ đồng, tăng 4,68%/năm.
2.1.3.3. Văn hóa – xã hội
Giai đoạn 2016-2020, mục tiêu phát triển văn hoá – xã hội của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu như sau:
Tốc độ tăng dân số tự nhiên 10,3%/năm, mức giảm sinh 0,1%/năm, tuổi thọ trung bình 75 tuổi.
Đến năm 2020, số cháu đi nhà trẻ đạt tỷ lệ 30% và mẫu giáo đạt 92,5% số trẻ trong độ tuổi; 90% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào trung học phổ thông hoặc tương đương; 85% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ trung học phổ thông và tương đương.
Đến năm 2020, có 26 giường và 8,5 bác sĩ trên vạn dân; tỷ lệ xã có bác sĩ đạt 40%; 100% xã, phường, thị trấn đạt bộ tiêu chí về y tế xã; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 81%.
Hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo theo chuẩn mới của tỉnh; giải quyết việc làm cho 160.000 lượt lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%.
2.1.3.4. Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững
+ Tỷ lệ che phủ cây xanh đạt 44,2%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 13,4%.
+ 100% dân số thành thị, 90% dân số nông thôn được cung cấp nước sạch.
+ 95% rác thải sinh hoạt đô thị, 100% rác thải y tế và rác thải công nghiệp, bao gồm chất thải rắn công nghiệp thông thường và nguy hại được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.
+ 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% cơ sở sản xuất xây dựng mới phải áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm đạt tiêu chuẩn môi trường.
2.1.3.5. Giao thông vận tải
Mạng lưới giao thông của tỉnh khá phong phú và đa dạng, gồm đường bộ, đường thủy và đường hàng không.
Đường bộ: Toàn tỉnh có khoảng 3.987 km đường bộ. Quốc lộ 51 là trục giao thông huyết mạch nối liền thành phố Vũng Tàu, thành phố Bà Rịa thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tỉnh Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, hòa vào mạng giao thông chung của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, trong đó có tuyến cao tốc quan trọng TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Trong nội tỉnh còn có Quốc lộ 55 từ Bà Rịa đi Xuyên Mộc ra Hàm Tân thuộc tỉnh Bình Thuận; Quốc lộ 56 từ Bà Rịa đi Ngãi Giao nối tiếp đến Quốc lộ 1 đi Long Khánh, Dầu Giây thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra còn có các đường giao thông nối các huyện, đường liên huyện, các khu công nghiệp...
hiện nay đa số đều được tráng nhựa nên rất thuận lợi trong giao thông.
Đường thủy: Có hai hệ thống giao thông đường thủy là đường sông và đường biển, tạo thành mạng lưới giao thông đường thủy rất thuận lợi. Bà Rịa - Vũng Tàu hiện đang khai thác 36 cảng và bến thủy nội địa, có hệ thống cảng nước sâu Phú Mỹ, cảng container Cái Mép trên sông Thị Vải, cảng Cát Lở trên sông Dinh, cảng Sao Mai - Bến Đình và cảng dịch vụ Dầu Khí ở Vũng Tàu. Đây là đầu mối giao thông quan trọng, nối thành phố Vũng Tàu và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh, thành còn lại trong cả nước và quốc tế.
Đường hàng không: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 02 sân bay, gồm sân bay Vũng Tàu và Côn Đảo. Sân bay Vũng Tàu chỉ tiếp nhận các máy trực thăng làm dịch vụ tại các mỏ khai thác dầu khí ngoài Biển Đông thuộc thềm lục địa Việt Nam liên quan đến Tập đoàn dầu khí Quốc gia quản lý. Sân bay Côn Đảo phục vụ giao thương giữa Côn Đảo và đất liền.