Quản lý chất lượng

Một phần của tài liệu Tai lieu bai giang-Tiep can hien dai trong QLGD (1) (1) (Trang 59 - 63)

Trong cơ chế thị trường, chất lượng giữ vai trò quyết định đối với sự thành công hay thất bại, sự tồn tại hay diệt vong của các tổ chức nói chung và mỗi nhà trường nói riêng, vì thế chất lượng luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của các nhà trường.

Chất lượng là một vấn đề rất trừu tượng, không ai nhìn thấy được và cảm nhận được một cách trực tiếp bằng các giác quan của mình, không thể đo lường bằng những công cụ đo thông thường. Vì vậy, hiện nay đang tồn tại nhiều khái niệm về chất lượng khác nhau.

Có 2 loại quan niệm về chất lượng là quan niệm tuyệt đối và quan niệm tương đối.

Chất lượng hiểu theo quan niệm tuyệt đối:

- Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: Chất lượng là cái làm nên phẩm chất, giá trị của con người, sự vật. Là cái tạo nên bản chất sự vật, làm cho sự vật này khác với sự vật kia.

- Chất lượng là mức độ hoàn thiện, đặc trưng so sánh hay đặc trưng tuyệt đối, dấu hiệu đặc thù, các dữ liệu, các thông số cơ bản của sự việc, sự vật nào đó. Theo quan niệm này, chất lượng được hiểu là các thuộc tính tồn tại khách quan trong sự vật. Chất lượng đồng nghĩa với chất lượng cao nhất, tuyệt hảo.

Chất lượng hiểu theo quan niệm tương đối:

- Chất lượng là sự phù hợp với nhu cầu.

- Chất lượng là thoả mãn vượt bậc các nhu cầu và sở thích của khách hàng.

- Chất lượng là mức độ của một tập hợp các đặc tính vốn có đáp ứng các yêu cầu.

Yêu cầu ở đây được hiểu là nhu cầu hay là mong đợi đã được công bố hoặc ngầm hiểu của các bên quan tâm như các tổ chức và khách hàng.

Theo nghĩa này, chất lượng không chỉ là những thuộc tính của sản phẩm hay dịch vụ mà còn là mức độ của các thuộc tính ấy thoả mãn nhu cầu của người tiêu dùng và sử dụng dịch vụ trong những điều kiện cụ thể.

Như vậy, chất lượng là một khái niệm động với những thuộc tính được con người gán cho nó tương ứng với các chuẩn nhất định nhằm đáp ứng nhu cầu và mong đợi của người tiêu dùng hay người sử dụng dịch vụ. Chất lượng là một khái niệm gắn bó chặt chẽ với các yếu tố cơ bản của thị trường như nhu cầu, cạnh tranh, giá cả, chi phí,.... vì vậy nó thay đổi theo thời gian, không gian và thực tế điều kiện, nhu cầu sử dụng.

3.1.2. Quản lý chất lượng trong giáo dục 3.1.2.1. Kiểm soát chất lượng

Kiểm soát chất lượng là mô hình quản lý chất lượng được áp dụng với lịch sử lâu đời nhất và cũng là biện pháp thông dụng nhất trong quản lý chất lượng giáo dục. Kiểm soát chất lượng là việc kiểm tra, đánh giá chất lượng đầu ra, sản phẩm của giáo dục.

Đây là hoạt động được thực hiện sau khi các khoá đào tạo đã kết thúc và được thực hiện qua các kỳ thi tốt nghiệp.

Cũng tương tự như "Kiểm soát chất lượng" trong sản xuất, mục đích của thi tốt nghiệp, bảo vệ đồ án ... là để đánh giá chất lượng giáo dục bằng cách so sánh kết quả học tập mà học sinh đạt được so với chuẩn chương trình và mục tiêu đào tạo đã được quy định. Trong đào tạo nhân lực, để đáp ứng được yêu cầu của khách hàng trong cơ chế thị trường, chuẩn này phải căn cứ vào yêu cầu của khách hàng, của sản xuất nên thường gọi là chuẩn công nghiệp/dịch vụ.

Những học sinh đạt yêu cầu sẽ được cấp bằng tốt nghiệp và ngược lại thì phải thi lại hoặc không được công nhận tốt nghiệp. Như vậy, cũng như trong sản xuất, kết quả của Kiểm soát chất lượng là bảo đảm được chất lượng của học sinh tốt nghiệp nhưng bản thân của kiếm toán chất lượng không tạo ra chất lượng của học sinh tốt nghiệp.

3.1.2.2. Kiểm soát quá trình

Với quan điểm chất lượng là cả một quá trình, để đào tạo có chất lượng cần kiểm soát chất lượng mọi khâu của quá trình giáo dục đào tạo: Bối cảnh - Đầu vào - Quá trình - Đầu ra (Mô hình CIPO).

Như vậy, quản lý chất lượng quá trình giáo dục đào tạo phải quản lý từ khâu tuyển sinh, dạy học cho đến thi, đánh giá, cấp văn bằng tốt nghiệp cho học sinh tốt nghiệp. Chất lượng của mỗi khâu nêu trên đều góp phần tạo nên chất lượng giáo dục đào tạo. Mặt khác, quản lý tốt từng khâu sẽ kịp thời có biện pháp để hạn chế được số học sinh yếu kém, lưu ban và tăng được tỉ lệ học sinh tốt nghiệp của các khoá học. Để thực hiện quản lý quá trình giáo dục đào tạo, nhà trường cần tổ chức quản lý tốt khâu tuyển sinh; tổ chức dạy học, học xong mỗi môn học được kiểm tra, đánh giá và quản lý tốt việc thi tốt nghiệp, đánh giá và cấp văn bằng, chứng chỉ. Giáo viên cần tăng cường kiểm tra thường xuyên trong quá trình dạy học để có biện pháp bổ sung kịp thời những lỗ hổng về kiến thức, kỹ năng, thái độ cho học sinh.

Như vậy, cũng như trong sản xuất, Kiểm soát quá trình nhằm mục đích đào tạo được những học sinh tốt nghiệp có chất lượng, đồng thời có giải pháp phòng ngừa tình trạng học yếu kém của một số em để hạn chế tối đa số học sinh lưu ban, bỏ học hoặc không được công nhận tốt nghiệp sau khi học xong chương trình giáo dục nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Những thập kỷ gần đây, dưới sự tác động mạnh mẽ của tiến bộ khoa học-công nghệ cũng như chính trị, kinh tế và xã hội đến giáo dục của mỗi nước, quản lý chất lượng quá trình giáo dục đào tạo đã được đề cập tới bối cảnh của giáo dục và mô hình CIPO: Context (bối cảnh) - Input (đầu vào) - Process (quá trình) - Out put/Outcome (đầu ra/kết quả) đã được áp dụng trong quản lý chất lượng đào tạo.

3.1.2.3. Đảm bảo chất lượng

Đảm bảo chất lượng là mô hình quản lý chất lượng cơ sở giáo dục được áp dụng khá rộng rãi ở nhiều nước, ở nước ta cũng đã bắt đầu thực hiện. Đảm bảo chất lượng là toàn bộ hoạt động có kế hoạch và được tiến hành trong hệ thống quản lý đã được chứng minh là đủ mức cần thiết để tạo sự tin tưởng rằng thực thể (đối tượng) sẽ thoả mãn đầy đủ các yêu cầu chất lượng.

Khác với kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng là quá trình xảy ra trước và trong khi thực hiện giáo dục đào tạo. Mối quan tâm của đảm bảo chất luwonjg là phòng chống những sai phạm xảy ra ngay từ bước đầu tiên. Đảm bảo chất lượng là thoả mãn các tiêu chuẩn một cách ổn định. Những tiêu chuẩn này là những điều kiện đảm bảo chất lượng của cơ sở giáo dục. Đảm bảo chất lượng phần lớn là trách nhiệm của người

lao động, thường làm việc trong các đơn vị độc lập hơn là trách nhiệm của thanh tra viên, mặc dù thanh tra cũng có thể đóng vai trò nhất định trong đảm bảo chất lượng.

Đảm bảo chất lượng được thực thi trong trường học nói chung theo nhiều cách khác nhau. Những kỳ thi chung vào đại học là một trong những ví dụ điển hình về hệ thống đảm bảo chất lượng. Học sinh trong cả nước dự các kỳ thi do cục khảo thí biên soạn với ý tưởng là toàn thể học sinh của các trường khác nhau có cơ hội bình đẳng trong các kỳ thi và kết quả của các kỳ thi này phản ánh mức độ đáp ứng các chuẩn kiến thức và kỹ năng của chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành.

Các bài thi do các chuyên gia trong từng lĩnh vực biên soạn. Đáp án và biểu điểm cũng được biên soạn đồng thời với đề thi nhằm điều chỉnh cách chấm của các giám khảo khác nhau.

Đảm bảo chất lượng trong giáo dục của các nhà trường cho thấy cần nhấn mạnh những đặc điểm sau:

1. Đảm bảo chất lượng là bộ tiêu chuẩn do các chuyên gia xác lập để các trường vận dụng và thực hiện.

2. Đảm bảo chất lượng được giới thiệu như tập hợp những yêu cầu, hay kỳ vọng mà nhà trường phải phấn đấu để đạt được.

3. Các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng được đánh giá bằng các tiêu chí.

4. Các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng có thể cho phép xây dựng các phương án khác nhau tuỳ thuộc vào từng trường.

5. Các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng bao gồm một số hình thức thi cử, thanh tra, tự đánh giá và đánh giá ngoài.

Để đánh giá và duy trì hệ thống đảm bảo chất lượng, sự can thiệp của bên ngoài được chú trọng thông qua các hình thức phổ biến như Thanh tra chất lượng (Quality Inspection) và Kiểm định chất lượng (Quality Accreditation).

Kiểm định chất lượng là một trong những hoạt động đảm bảo chất lượng các trường với hai nội dụng cơ bản là: kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đào tạo và kiểm định chất lượng chương trình giáo dục đào tạo. Kiểm định chất lượng giáo dục đã có một lịch sử phát triển lâu dài ở Hoa Kỳ, Bắc Mỹ và ngày nay đã được áp dụng ở nhiều nước.

Kiểm định chất lượng là một quá trình đánh giá bên trong (tự đánh giá) và đánh giá bên ngoài nhằm đưa ra một quyết định công nhận một trường đại học hay một chương trình đào tạo của nhà trường đáp ứng các chuẩn quy định.

Mục đích chính của kiểm định chất lượng là nhằm đảm bảo đạt được những chuẩn mực nhất định trong đào tạo, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng nhân lực và đảm bảo quyền lợi cho người học. Kiểm định chất lượng do một cơ quan hay một tổ chức chịu trách nhiệm triển khai thực hiện. Cơ quan hay tổ chức đó có thể thuộc Nhà nước hoặc không thuộc Nhà nước. Kiểm định cũng có thể tự nguyện hay bắt buộc.

Thực tiễn kiểm định khá đa dạng và phức tạp, nhưng hầu như thống nhất một quy trình và gồm có 4 bước như sau:

Bước 1: Xây dựng hoặc cập nhật các công cụ kiểm định chất lượng.

Bước 2: Tự đánh giá của nhà trường.

Bước 3: Đánh giá từ bên ngoài (đánh giá đồng nghiệp).

Bước 4: Công nhận những trường hoặc những chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.

Giới thiệu quy trình đảm bảo chất lượng giáo dục cụ thể

Trên phương diện thủ tục kĩ thuật, đảm bảo chất lượng và đảm bảo chất lượng giáo dục là quy trình cấu thành từ các bước sau:

(i). Kiểm soát chất lượng bên trong (Quality Control)

Điều này hơi khác với kiểm soát chất lượng từ bên ngoài (kiểm tra, giám sát) như là một khâu tương đối độc lập của quản lí chất lượng nói chung. Mỗi giáo viên kiểm soát chất lượng giáo dục của lớp mình phụ trách - đó là một bước của đảm bảo chất lượng cho lớp ấy, đồng thời, hiệu trưởng cũng kiểm soát chất lượng của lớp nhưng đây lại là khâu kiểm soát chất lượng thuộc quá trình quản lí chất lượng của hiệu trưởng.

Tương tự, hoạch định chất lượng vừa là bộ phận của đảm bảo chất lượng, vừa là khâu quản lí chất lượng.

(ii). Đánh giá chất lượng hay kiểm toán chất lượng (Quality Audit)

Là quá trình kiểm tra năng lực, hiệu lực đảm bảo chất lượng của các định chế, các hệ thống giám sát, các nguồn lực, các công cụ… xem chúng có thực sự đủ sức đảm bảo chất lượng mong muốn không. Đánh giá chương trình giáo dục, sách giáo khoa, học liệu… chính là kiểm toán chất lượng trong quá trình đảm bảo chất lượng giảng dạy và học tập. Đánh giá chính sách, chiến lược giáo dục, nghiệm thu các kết quả nghiên cứu giáo dục,… chính là kiểm toán chất lượng trong quá trình đảm bảo chất lượng giáo dục.

(iii). Tự đánh giá chất lượng (Quality Self-Evaluation)

Là kiểm tra, kiểm toán và đánh giá chất lượng từ nội bộ để nắm chắc những nhân tố chất lượng và những nhân tố đảm bảo chất lượng bên trong lĩnh vực của mình như lớp học, trường, giáo dục ở địa bàn huyện, tỉnh, ngành học do mình phụ trách, với đầy đủ những khía cạnh có thể có như nguồn lực, tình trạng hoạt động, môi trường vi mô, các ảnh hưởng bên trong quá trình giảng dạy và học tập,… Tự đánh giá chất lượng đặc biệt có ý nghĩa ở quy mô trường học.

(iv). Thẩm định chất lượng (Quality Assessment)

Là xác định tình trạng chất lượng bằng các thủ tục đánh giá nghiêng về định lượng của tất cả những nhân tố và yếu tố cấu thành hệ thống giáo dục (vĩ mô hoặc giới hạn ở cấp học, ngành học, trường hay lớp hoặc cơ sở giáo dục cụ thể): nhân lực, vật lực, tài nguyên, kĩ thuật, trang thiết bị, học liệu, năng lực…, thường được tiến hành bằng các kĩ thuật và phương pháp điều tra cơ bản.

(v). Kiểm định công nhận chất lượng (Quality Accreditation)

Là quá trình đánh giá và thẩm định chất lượng cũng như những yếu tố của quá trình quản lí từ các lực lượng bên ngoài dựa trên các chuẩn khách quan có tính pháp lí hoặc xã hội hóa để xác nhận phẩm cấp hay hạng bậc chất lượng. Kiểm định chất lượng giáo dục của học sinh tốt nghiệp và chất lượng giảng dạy nói chung thường diễn ra trong hệ thống quan hệ tay ba: Ngành giáo dục và nhà trường - Người học - Chính phủ và Xã hội. Trong quan hệ này, bên thứ nhất là chủ thể chính đảm bảo chất lượng và quản lí chất lượng nói chung; bên thứ hai là chủ thể chính đánh giá và thẩm định chất lượng và tham gia quản lí chất lượng; bên thứ ba là chủ thể kiểm định công nhận

chất lượng. Kết quả kiểm định chất lượng thường được phản ánh trong các hình thức văn bằng, giấy chứng nhận tiêu chuẩn.

(vi). Cải thiện chất lượng (Quality Improvement)

Là các quá trình quản lí tập trung vào việc nâng cao các năng lực và điều kiện thực hiện những yêu cầu chất lượng và do đó có thể tạo ra nhiều khả năng đạt được những chuẩn cao hơn hoặc cao dần, tiến bộ hơn trước trong phạm vi trường học, ngành học, cấp học hoặc trong giáo dục nói chung. Cải thiện chất lượng giáo dục ở cấp trường là quá trình bao gồm những yếu tố cơ bản kết hợp với nhau như chương trình giáo dục, đội ngũ, kế hoạch phát triển nhà trường, nguồn lực (vật chất, tài chính và hỗ trợ từ bên ngoài), giám sát,...

Xét về nguyên tắc, nhân tố chất lượng và nhân tố đảm bảo chất lượng là những hiện tượng khác nhau, chỉ trùng nhau trong những trường hợp nói đến chất lượng giáo dục thuộc những bộ phận khác nhau, phạm vi và qui mô khác nhau. Phát triển giáo viên (đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn) là nhân tố đảm bảo chất lượng giáo viên, đồng thời là nhân tố chất lượng giáo dục của nhà trường, của ngành học và của nền giáo dục nói chung. Chương trình giáo dục là nhân tố chất lượng giáo dục trong dạy học, đồng thời là nhân tố đảm bảo chất lượng học tập, chất lượng quản lí giáo dục.

Quản lí giáo dục là nhân tố chất lượng của nền giáo dục, của ngành hay cấp học, đồng thời là nhân tố đảm bảo chất lượng giáo viên, chất lượng giảng dạy, chất lượng học tập, chất lượng của kết quả giáo dục, chất lượng của việc sử dụng các nguồn lực đầu vào của hệ thống giáo dục. Tài chính giáo dục là nhân tố đảm bảo chất lượng giáo dục tổng thể, không phải trực tiếp là nhân tố chất lượng giáo dục, mặc dù nó tạo ra nhiều nhân tố chất lượng của giáo dục ở mọi khâu và bộ phận của hệ thống giáo dục. Tuy vậy, hiệu quả đầu tư và sử dụng tài chính trong giáo dục lại là nhân tố chất lượng giáo dục tại khâu quản lí giáo dục.

Tương tự như vậy, khi xác định những nhân tố đảm bảo chất lượng giáo dục, trước hết phải xác định rõ đó là chất lượng giáo dục cụ thể ở chỗ nào, khâu nào, ngành học hay cấp học nào, hay toàn bộ giáo dục. Các nhân tố đảm bảo chất lượng giáo dục tại cơ sở giáo dục sẽ không hoàn toàn trùng với những nhân tố đảm bảo chất lượng giáo dục tổng thể của nền giáo dục.

Một phần của tài liệu Tai lieu bai giang-Tiep can hien dai trong QLGD (1) (1) (Trang 59 - 63)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(77 trang)
w