2.1. Cơ sở khoa học của đề tài
2.1.3. Cơ sở thực tiễn
2.1.3.1. Khái quát về hoạt động NTTS trên thế giới và Việt Nam a) Thế giới
Nuôi trồng thuỷ sản là một ngành sản xuất động thực vật thuỷ sinh trong điều kiện kiểm soát hoặc bán kiểm soát, hoặc như người ta vẫn thường nói, nuôi trồng thuỷ sản là sản xuất nông nghiệp trong môi trường nước. Vì vậy, nuôi trồng thuỷ sản đề cập đến cả các hoạt động trong môi trường nước mặn, nước ngọt và nước lợ.
Hàng ngàn năm sau khi việc sản xuất lương thực được chuyển từ hoạt động săn bắt hái lượm sang nông nghiệp, sản xuất các sản phẩm thủy sản cũng chuyển từ việc phần lớn phụ thuộc vào nguồn khai thác thủy sản tự nhiên sang tăng nhiều loài nuôi. Năm 2014 đã đánh dấu cột mốc quan trọng khi tỷ trọng ngành nuôi trồng thủy sản lần đầu tiên vượt lượng thủy sản khai thác tự nhiên. Đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm thủy sản để đạt được mục tiêu của Chương trình năm 2030 sẽ mang tính cấp bách, và cũng đồng thời vô cùng khó khăn.Với sản lượng khai thác thủy sản tương đối ổn định kể từ cuối những năm 1980, ngành nuôi trồng thủy sản cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nguồn cung cho tiêu dùng. Trong đó, năm 1974, tỷ trọng ngành nuôi trồng thủy sản chỉ đạt 7%, tỷ lệ này đã tăng lên 26% năm 1994 và 39% năm 2004. Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng này vì quốc gia này cung cấp hơn 60% sản lượng nuôi trồng thủy sản thế giới.(Nguồn: tổng quan thủy sản thế giới đến năm 2016) 10 quốc gia thủy sản hàng đầu thế giới theo Tạp chí Seafood International bình chọn năm 2014:
Đứng đầu là Trung Quốc, 2. Indonesia, 3. Ấn Độ, 4. Nhật Bản, 5. Mỹ, 6. Nga, 7. Peru, 8. Việt Nam, 9. Na Uy, 10. Ai Cập. [15]
Với mức tiêu thụ đã tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng dân số trong 5 thập kỷ qua, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 3,2%
trong giai đoạn 1961 - 2013, tăng gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng dân số.
Tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người toàn cầu đạt mức 9,9 kg năm 1960 lên 14,4 kg năm 1990 và 19,7 kg năm 2013, và ước tính sơ bộ năm 2014 và 2015 tiếp tục tăng trưởng vượt mức 20 kg. Năm 2013, mức tiêu thụ thủy sản bình quân tại các nước công nghiệp là 26,8 kg.[15]
Tổng sản lượng khai thác thủy sản toàn cầu năm 2014 là 93,4 triệu tấn, trong đó 81,5 triệu tấn là khai thác biển và 11,9 triệu tấn là khai thác nội địa.
Đối với sản lượng khai thác biển, Trung Quốc vẫn là nước sản xuất lớn, tiếp đến là Indonesia, Mỹ và Liên bang Nga. Bốn nhóm có giá trị cao (cá ngừ, tôm hùm, tôm và mực,bạch tuộc) đạt kỷ lục mới trong năm 2014. Tổng sản lượng đánh bắt cá ngừ đạt gần 7,7 triệu tấn.Sản lượng khai thác nội địa toàn cầu đạt khoảng 11,9 triệu tấn trong năm 2014, tăng 37% so với thập kỷ trước. Có 16 quốc gia có sản lượng khai thác nội địa hàng năm đạt hơn 200.000 tấn, và chiếm khoảng 80% tổng sản lượng thế giới.[15]
Như vậy với mức tiêu thụ và khai thác tăng nhanh như vậy thì vấn đề ô nhiễm nguồn nước là không thể tránh khỏi. Việc mức tiêu thụ đã tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng dân số trong 5 thập kỷ qua thì việc đánh bắt sản xuất lương thực thực phẩm từ thủy sản tăng nhanh dẫn đến lượng nước xả thải ra môi trường nhiều và tồn dư qua nhiều thời gian đã dẫn đến ô nhiễm môi trường. Mức tiêu thụ tăng nhanh như vậy thì môi dường không thể tự điều chỉnh kịp thời được.
b) Việt Nam
Việt Nam nằm bên bờ Tây của Biển Đông, là một biển lớn của Thái Bình Dương, có diện tích khoảng 3.448.000 km2, có bờ biển dài 3260 km.
Vùng nội thuỷ và lãnh hải rộng 226.000 km2, vùng biển đặc quyền kinh tế rộng hơn 1 triệu km2 với hơn 4.000 hòn đảo, tạo nên 12 vịnh, đầm phá với tổng diện tích 1.160 km2 được che chắn tốt dễ trú đậu tàu thuyền. Biển Việt Nam có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) khá cao, cũng là nơi phát sinh và phát
tán của nhiều nhóm sinh vật biển vùng nhiệt đới ấn Độ - Thái Bình Dương với chừng 11.000 loài sinh vật đã được phát hiện.[16]
Nước ta với hệ thống sông ngòi dày đặc và có đường biển dài rất thuận lợi phát triển hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản. Sản lượng thủy sản Việt Nam đã duy trì tăng trưởng liên tục trong 17 năm qua với mức tăng bình quân là 9,07%/năm. Với chủ trương thúc đẩy phát triển của chính phủ, hoạt động nuôi trồng thủy sản đã có những bước phát triển mạnh, sản lượng liên tục tăng cao trong các năm qua, bình quân đạt 12,77%/năm, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tổng sản lượng thủy sản của cả nước.[16]
Biển Việt Nam có trữ lượng cá lớn và đặc sản biển phong phú: Hàng chục vạn ha diện tích mặt nước trên đất liền (bao gồm 39 vạn ha hồ lớn; 54 vạn ha vùng ngập nước; 5,7 vạn ha ao và 44 vạn km sông và kênh rạch) có thể nuôi tôm, cá và các thuỷ sản khác. Do đó, ngành nuôi trồng thuỷ sản của nước ta, kể cả thuỷ sản nước mặn, nước lợ, nước ngọt có thể trở thành ngành sản xuất chính. [18]
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản sản xuất năm 2016 đạt hơn 6,7 triệu tấn, tăng 2,5% so với năm 2015.
(Nguồn: Hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam 2016) Hình 2.1. Sản lượng thủy sản của Việt Nam từ 1995 – 2016
Trong năm 2016, sự cố môi trường ở các tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ do công ty Formosa đưa chất thải ra biển khiến cho ngư dân các tỉnh này phải ngừng đánh bắt ở vùng biển ven bờ và vùng lộng trong nhiều tháng, làm ảnh hưởng đến khai thác biển của các tỉnh nói riêng và khai thác thủy sản biển cả nước nói chung và dẫn đến ô nhiễm môi trường nước biển nghiêm trọng. Về khai thác thủy sản ước tính cả năm 2016 sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 3.076 ngàn tấn, tăng 3% so với năm 2015, trong đó: ước khai thác biển đạt 2.876 ngàn tấn, tăng 2,21 % so với năm 2015; khai thác nội địa ước đạt 200 ngàn tấn, giảm 1% so với năm 2015. Sản lượng nuôi trồng thủy sản cả năm đạt 3.650 ngàn tấn, tăng 1,9% so với năm 2015. Về nuôi trồng thủy sản:
- Nuôi cá ao hồ nhỏ : Là một nghề có tính truyền thống gắn với nhà nông , từ phong trào ao cá Bác Hồ đến phong trào VAC. Xu hướng diện tích ao đang bị thu hẹp do nhu cầu phát triển xây dựng nhà ở. Đối tượng cá nuôi khá ổn định: trắm, chép, trôi, mè, trê lai, rô phi... nguồn giống sinh sản hoàn toàn chủ động. Năng suất cá nuôi đạt bình quân trên 3 tấn/ha. Nghề nuôi thuỷ sản ao hồ nhỏ đã phát triển mạnh. [18]
- Nuôi cá mặt nước lớn: Đối tượng nuôi thả chủ yếu là cá mè, ngoài ra còn thả ghép cá trôi, cá rô phi... Do khó khăn trong khâu bảo vệ và giá cá mè thấp nên lượng cá thả vào hồ nuôi có xu hướng giảm. Hình thức nuôi chủ yếu hiện nay là lồng bè kết hợp khai thác cá trên sông, trên hồ. Hình thức này đã tận dụng được diện tích mặt nước, tạo ra việc làm tăng thu nhập, góp phần ổn định đời sống của những người sống trên sông, ven hồ. Ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung, đối tượng nuôi chủ yếu là trắm cỏ, qui mô lồng nuôi khoảng 12 – 24 m3, năng suất 400 – 600 kg/lồng. Ở các tỉnh phía Nam, đối tượng nuôi chủ yếu là cá ba sa, cá lóc, cá bống tượng, cá he. Quy mô lồng, bè nuôi lớn, trung bình khoảng 100 – 150 m3/bè , năng suất bình quân 15 – 20 tấn/bè.[18]
Do tổng sản lượng thuỷ sản tăng mạnh và công nghệ chế biến, thói quen tiêu dùng cũng có nhiều thay đổi nên lượng nguyên liệu được đưa vào chế biến ngày càng nhiều nên vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng đặc biệt là môi trường nước.
2.1.3.2. Khái quát về hoạt động NTTS ở Tỉnh Thái Nguyên
Thái Nguyên có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản. Tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh là 6.925ha. Trong đó:
2.285ha ao trong gia đình;
1.140ha hồ, bể chứa nước thuỷ lợi vừa và nhỏ có thể nuôi thủy sản theo hình thức thâm canh, bán thâm canh và quảng canh;
1.000ha ruộng cấy lúa có thể kết hợp nuôi thủy sản;
2.500ha hồ, bể chứa Núi Cốc có thể nuôi thả, nuôi lồng và bảo tồn các giống loài thuỷ sản quý hiếm.
Ngoài ra còn 12.000ha mặt nước các sông suối, có khả năng nuôi lồng, nuôi eo ngách, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Trong giai đoạn 2011-2014, nuôi trồng thủy sản tại Thái Nguyên đã có những bước phát triển đáng kể. Diện tích mặt nước được đưa vào nuôi thủy sản ngày càng tăng, sản lượng thủy sản tăng bình quân 8,7%/năm (năm 2011 là 6.171 tấn; năm 2014 đạt 7.778 tấn và năm 2015 đạt xấp xỉ 8.000 tấn).[17]
Đối tượng nuôi chủ yếu là cá truyền thống, chiếm khoảng 70% diện tích và sản lượng, bao gồm: cá mè, trắm, chép, trôi...; các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như: rô phi đơn tính, chép lai, chim trắng, diêu hồng... và loài đặc sản ba ba, lươn, ếch, cá tầm… chiếm khoảng 30%.
Hình thức nuôi chủ yếu hiện nay là nuôi ghép chiếm khoảng 90%, nuôi đơn chiếm khoảng 10% diện tích. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh, có một số vùng có thể phát triển nuôi các đối tượng thủy sản nước lạnh. Hiện đã có 3 cơ sở
đang đầu tư nuôi cá tầm tại 2 huyện Đại Từ và Võ Nhai với sản lượng đạt khoảng 28 tấn/năm.[17]
Theo Ông Lý Mạnh Dần, PGĐ Trung tâm Thủy sản tỉnh Thái Nguyên cho biết, nguồn lợi do nuôi trồng thủy sản đem lại khá cao, từ 300 - 350 triệu đồng/ha. Trong khi đó, sản lượng thủy sản của tỉnh mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu của người dân trong tỉnh. Chính vì vậy, việc mở rộng diện tích mặt nước, phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa tập trung, thâm canh chất lượng cao là giải pháp, mục tiêu của thủy sản Thái Nguyên trong những năm tới.[17]