CHƯƠNG 2 CƠ SỞ LÝ THUYẾT & MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
2.1. Cơ sở lý thuyết
2.1.3.2 Lợi ích từ lòng trung thành
- Trong cuốn Loyalty Effect (Reichheld & Teal, 2001, p.101), tác giả đã đưa ra 7 lợi ích từ việc có nhân viên trung thành:
+ Giảm thiểu chi phí tuyển dụng: Như loại bỏ được các chi phí đăng báo, phỏng vấn và tái lập được sản xuất.
+ Giảm chi phí đào tạo: Việc đào tạo cho nhân viên mới tốn rất nhiều thời gian và chi phí, trong khi đào tạo bổ sung cho những nhân viên cũ tốn ít chi phí hơn nhưng lợi nhuận sẽ tăng rõ rệt hơn.
+ Hiệu quả: Đơn giản là khi nhân viên có kinh nghiệm sẽ học tập nhanh và hiệu quả hơn. Công việc có hiệu quả cao hơn cũng đồng nghĩa là họ cần ít giám sát hơn, nên cũng hiệu quả hơn. Thêm nữa, họ làm việc nhanh hơn và chăm chỉ hơn.
Theo nguyên tắc chung, họ ở lại với công ty bởi vì họ tự hào về những giá trị mà họ tạo ra cho khách hàng và thỏa mãn với giá trị mà họ tạo ra cho mình, do đó họ có động lực hơn và làm việc chăm chỉ hơn.
+ Lựa chọn khách hàng: Nhân viên bán hàng và tiếp thị có kinh nghiệm tìm kiếm và tiếp cận khách hàng tốt hơn.
+ Duy trì khách hàng: Họ tạo ra lòng trung thành của khách hàng cao hơn trong ngành dịch vụ. Trong ngành sản xuất thì họ tạo ra các sản phẩm tốt hơn, những sản phẩm có giá trị cao hơn nên cũng giữ chân khách hàng tốt hơn.
+ Giới thiệu khách hàng: Nhân viên trung thành có lượng khách hàng tiềm năng dồi dào.
+ Giới thiệu nhân viên: Những nhân viên trung thành thường giới thiệu những người có chất lượng.
- Nhân viên trung thành cũng mang lại nhiều lợi ích cho tổ chức, họ nỗ lực nhiều hơn trong công việc, tích cực thực hiện các mối quan hệ với bên ngoài, sẳn sàng thực hiện những công việc ngoài tiêu chuẩn yêu cầu miễn là giúp tổ chức hoạt động hiệu quả (Mowday et al., 1982; O’Reilly & Chatman, 1986; Organ, 1988 dẫn theo Niehoff et al., 2001).
- Ngày nay, người ta nhận ra rằng lòng trung thành của nhân viên cũng quan trọng như lòng trung thành của khách hàng. Chỉ có một cách duy trì lòng trung thành của khách hàng là dựa trên việc duy trì lòng trung thành của nhân viên (Ding et al., 2012).
Nói chung, các tổ chức đều mong muốn nhân viên có những hành vi và quyết định có lợi cho tổ chức. Vì thế, mục tiêu xây dựng, duy trì sự thoả mãn và lòng trung thành của nhân viên là yếu tố cần thiết.
Tóm lại, sự thỏa mãn và lòng trung thành chủ yếu mang lại những nhân tố tích cực, do đó việc đo lường để duy trì lòng trung thành và tăng cường sự thoả mãn của nhân viên là điều các doanh nghiệp cần xem xét.
2.1.4 Doanh nghiệp nhà nước và nhiệm vụ cải cách, tái cơ cấu 2.1.4.1 Doanh nghiệp nhà nước và nhiệm vụ cải cách, tái cơ cấu
Từ sau đổi mới 1986, doanh nghiệp nhà nước đã giảm đáng kể cả về số lượng lẫn tỷ lệ vốn, tỷ lệ đóng góp cho GDP:
- Năm 1990 có hơn 12.000 DNNN, đến năm 2011 chỉ còn 1.039 doanh nghiệp.
- So sánh tỷ trọng số lượng các loại hình doanh nghiệp năm 2000-2008:
Bảng 2.1. So sánh tỷ trọng số lượng các loại hình doanh nghiệp năm 2000-2008.
Đơn vị tính: %.
Số doanh nghiệp 2000 2008
Doanh nghiệp nhà nước 14,71 1,8
Doanh nghiệp dân doanh 81,38 95,2
Doanh nghiệp FDI 3,9 3
- Tỷ trọng vốn chủ sở hữu của các loại hình doanh nghiệp:
Bảng 2.2. So sánh tỷ trọng vốn sở hữu các loại hình doanh nghiệp năm 2000-2008.
Đơn vị tính: %.
Vốn chủ sở hữu 2000 2008
Doanh nghiệp nhà nước 60,24 43
Doanh nghiệp dân doanh 10,49 34
Doanh nghiệp FDI 29,27 23
- Tổng quan về sử dụng nguồn lực và đóng góp của 3 khu vực kinh tế:
Bảng 2.3. So sánh tỷ trọng sử dụng nguồn lực và đóng góp cho nền kinh tế các loại hình doanh nghiệp năm 2001-2010.
Đơn vị tính: %
Nhà nước Dân doanh FDI
2001- 05 2006- 10 2001- 05 2006- 10 2001- 05 2006- 10
Sử dụng nguồn lực
Vốn đầu tư 56,6 44,7 26,4 27,5 17,0 27,8
Tín dụng 36,6 30,9 - - - -
Đóng góp cho nền kinh tế
GDP 30,0 27,8 46,7 46,1 14,6 17,9
Tăng trưởng GDP 32,9 19,0 44,6 54,2 14,5 17,4
Ngân sách (ngoài
dầu thô) 19,6 17,6 6,7 10,3 6,6 10,5
Việc làm 43,5 23,1 40,1 54,8 16,3 22,0
Việc làm mới -4.1 -13.7 74,1 84,8 30,0 28,3
GTSXCN 28,9 25,5 28,3 34,3 42,7 40,1
Tăng trưởng
GTSXCN 28,5 11,6 34,0 42,9 37,4 45,5
(Nguồn: Trung tâm thông tin tư liệu – Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, 9/2012) - Tính đến thời điểm tháng 07/2013, cả nước có 457.343 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhà nước chỉ còn 6.852 doanh nghiệp, chỉ còn tỷ lệ 1,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. (dữ liệu từ Báo Đầu tư: http://baodautu.vn/ca-nuoc- co-457343-doanh-nghiep-dang-hoat-dong.html)
Từ các số liệu trên, chúng ta thấy việc tái cơ cấu và cải cách doanh nghiệp nhà nước là xu hướng và cần thiết. Tuy nhiên đây cũng là nhiệm vụ khó khăn và trường kỳ từ những năm bắt đầu đổi mới. Theo kết luận nghiên cứu “Thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước” năm 2009 của Trung tâm thông tin tư liệu – Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương: “quá trình cải cách còn nhiều hạn chế, đòi hỏi trong thời gian tới thực hiện cải cách DNNN một cách sâu rộng và đồng bộ hơn với quyết tâm chính trị cao và sự đồng thuận của các chủ thể tham gia vào quá trình cải cách” …. Theo báo cáo số 1497/BC-UBKT13 ngày 17/10/2013 của Ủy ban kinh
tế Quốc hội thì “…Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm, cả năm 2013 mới tiến hành được 25 doanh nghiệp…”
Mặc khác, chính từ sự kém hiệu quả, DNNN từ vị trí chủ đạo trong nền kinh tế đã chuyển sang vai trò ổn định an ninh chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung vào một số lĩnh vực quan trọng, cung cấp sản phẩm dịch vụ công: “Cơ cấu lại DNNN, tập trung vào một số lĩnh vực kết cấu hạ tầng, sản xuất tư liệu sản xuất và dịch vụ quan trọng của nền kinh tế, vào một số lĩnh vực công ích” (trích văn kiện đại hội Đảng lần X). “Đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Khẩn trương cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh của các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty nhà nước, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế” (trích văn kiện đại hội Đảng lần XI).
Tuy tái cơ cấu DNNN là nhiệm vụ khó khăn, nhưng yêu cầu và mục tiêu đã rõ ràng: từ nay (đầu năm 2014) đến hết năm 2015 phải hoàn tất cổ phần hóa cho 432 doanh nghiệp. Phải hoàn tất thực hiện đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015” đã được chính phủ phê duyệt theo quyết định 929/QĐ-TTg ngày 27/07/2012. Tính bình quân theo ngày làm việc, thì mỗi ngày phải hoàn tất cổ phần hóa hơn 1 doanh nghiệp. (nguồn:
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/168793/moi-ngay-phai-co-phan-hoa-xong-1-doanh- nghiep-nha-nuoc.html)
Trong bài viết đầu năm 2014 “Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững” của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu yêu cầu tiếp tục kiên quyết tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp nhà nước:
“ … Phải thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ. Những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước đang định giá phải tính đúng, tính đủ chi phí, công khai minh bạch các yếu tố hình thành giá và kiên định thực hiện giá thị trường theo lộ trình phù hợp. ... Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Xóa bỏ tình trạng độc quyền doanh nghiệp và những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực.
Phải kiên quyết thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả. Doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước. Kiện toàn cán bộ quản lý và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.
Chỉ có như vậy chúng ta mới tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng và nâng cao được hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tăng cường sức mạnh của kinh tế nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế….”.
Ngoài ra, có một lợi ích khác cho mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là việc được công nhận nền kinh tế thị trường. Tính đến tháng 04/2014, có 45 Quốc gia công nhận nước ta có nền kinh tế thị trường (http://dantri.com.vn/thi-truong/45- quoc-gia-cong-nhan-viet-nam-co-nen-kinh-te-thi-truong-857617.htm). Trong đó có những nước lớn như Trung Quốc, Nga, Đức, Ấn độ, Úc, Hàn Quốc, Nam Phi, Nhật Bản, các nước thuộc khối Asean. Nước ta đang đẩy mạnh giải trình về kinh tế với các nước lớn khác như Mỹ, liên minh Châu Âu, Canada, Mexico.
Các tiêu chí của Mỹ để xác định nền kinh tế thị trường gồm khả năng chuyển đổi của đồng tiền, tự do thỏa thuận mức lương, đầu tư nước ngoài, sở hữu hoặc quản lý của nhà nước đối với các ngành sản xuất, quản lý của nhà nước đối với sự phân bổ các nguồn lực và các yếu tố thích hợp khác.
(http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/bta_nmefactsheet.html).
Tuy nhiên, cam kết khi gia nhập WTO của nước ta chỉ chấp nhận được xem là nền kinh tế phi thị trường đến tối đa là ngày 31/12/2018.
2.1.4.2 Một số doanh nghiệp nhà nước tại Lâm Đồng
Theo quyết định số 38/2007/QĐ-TTg ngày 20/03/2007 và 14/2011/QĐ-TTg ngày 04/03/2011 về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước của Thủ tướng Chính phủ thì có từ 19 đến 20 ngành, lĩnh vực nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 3 nhóm doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp phục vụ nhu cầu thiết yếu cho vùng sâu - vùng xa, doanh nghiệp cân đối kinh tế - bình ổn thị trường). Tại Lâm Đồng, các DNNN cũng hoạt động trong các ngành thuộc quyết định này.